Bảo vệ người tố cáo theo Luật tố cáo 2022

Khái quát các quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo

Theo Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì “tố cáo” (tố: vạch tội, cáo: báo cho) là “vạch tội kẻ nào cho mọi người biết”1. Tương tự, theo Từ điển Tiếng Việt thì “tố cáo” là “báo cho mọi người hoặc cơ quan có thẩm quyền về người hoặc hành động phạm pháp nào đó… vạch trần hành động xấu xa hoặc tội ác cho mọi người biết nhằm lên án, ngăn chặn”2. Theo định nghĩa trên thì tố cáo được thực hiện không chỉ đối với các vi phạm pháp luật khác nhau trong đời sống, mà còn được thực hiện đối với những hành vi xấu xa, vi phạm đạo đức xã hội. Như vậy, theo khái niệm này, đối tượng tố cáo khá rộng, bởi vì không phải mọi hành vi xấu xa, vi phạm đạo đức xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Do đó, không thể tiếp cận tố cáo theo hướng rộng như vậy, mà cần phải tiếp cận theo hướng tố cáo dưới góc độ là một lĩnh vực pháp luật với đối tượng là các hành vi trái pháp luật.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thì “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”.

Mục đích của tố cáo hướng đến việc truy cứu trách nhiệm các chủ thể vi phạm pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các cá nhân, cơ quan, tổ chức bất kỳ bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại. Như vậy, mục đích của tố cáo không chỉ xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân bị xâm phạm mà đó còn có thể xuất phát từ việc bảo vệ quyền và lợi ích của một cá nhân, tổ chức khác hay đó có thể là các lợi ích chung của xã hội. Ngoài ra, tố cáo còn hướng đến mục đích ngăn chặn, chấm dứt hành vi trái pháp luật, buộc những chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật phải gánh chịu chế tài theo quy định của pháp luật tương ứng với tính chất, mức độ do hành vi của mình gây ra. Đây là mục đích mà pháp luật hướng đến, cũng chính là một trong những tiền đề cho sự xuất hiện của pháp luật tố cáo.

Nếu như mục đích của khiếu nại là để bảo vệ quyền và lợi ích trực tiếp của người khiếu nại, thì mục đích của tố cáo là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân nói chung. Do đó, vấn đề bảo vệ người tố cáo được đặt ra cấp thiết, bởi suy cho cùng, bảo vệ người tố cáo cũng chính là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân trong xã hội. Theo Luật Tố cáo năm 2018 thì bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, là một bảo đảm pháp lý cho việc thực hiện một quyền cơ bản của con người, quyền công dân. Bảo vệ người tố cáo được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, nhưng được giao cho người có thẩm quyền của cơ quan chức năng chịu trách nhiệm chính và được bảo đảm thực hiện bằng quy định pháp luật. Về quy trình thực hiện, giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước cấp nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Người đứng đầu cơ quan cấp này phải chủ trì phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan để bảo vệ người tố cáo. Phạm vi bảo vệ có thể thực hiện ở nhiều nơi như: nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản hoặc nơi khác do có quan có thẩm quyền quyết định; cơ quan, tổ chức liên quan phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền bảo vệ an toàn cho người tố cáo.

Về nguyên tắc, người có thẩm quyền và người của cơ quan chức năng có liên quan tham gia phối hợp phải giữ bí mật thông tin, tài liệu, nhân thân đối với người tố cáo trong suốt quá trình tiếp nhận, giải quyết. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải nhanh chóng, kịp thời, toàn diện trên cơ sở quy định của pháp luật; thiết lập các mối quan hệ linh hoạt ràng buộc trách nhiệm giữa các bên bằng quy chế nhằm xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn, phạm vi của các bên tham gia bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại hoặc có thể xâm hại đến tính mạng sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm, vị trí việc làm... phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng, thiệt hại có thể nhằm bảo vệ an toàn tuyệt đối người tố cáo và người thân thích của người tố cáo.

Đối tượng được bảo vệ là bản thân người trực tiếp tố cáo và người thân thích của người tố cáo bao gồm: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, anh, chị, em ruột, hay người thân như: bố nuôi, mẹ nuôi, bố mẹ bên vợ hoặc bên chồng, con nuôi của người tố cáo. Nội dung bảo vệ có ba nhóm chính là: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ tính mạng sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, các quyền nhân thân khác và bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo và người thân thích của họ. Các phương thức này được tiến hành chủ yếu bằng các biện pháp hành chính theo trình tự thủ tục trên phương diện quản lý hành chính nhà nước, như:

Một là, bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải chỉ đạo lược bỏ họ, tên, địa chỉ, bút tích, thông tin cá nhân ra khỏi đơn tố cáo và lưu trữ theo chế độ bảo mật để không bị tiết lộ thông tin ra ngoài gây bất lợi cho họ.

Hai là, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm và các quyền lợi khác của người tố cáo và người thân thích của họ, bằng việc người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phối hợp với cơ quan công an nơi có thể xảy ra hoặc nơi đã xảy ra tiến hành các biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời bảo vệ an toàn. Trường hợp bị xâm hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay các quyền lợi khác thì phối hợp cơ quan công an hoặc cơ quan tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền nơi họ cư trú, làm việc, học tập bảo vệ bằng việc ngăn chặn chấm dứt hành vi xâm phạm, buộc xin lỗi, cải chính, xử lý vi phạm.

Ba là, bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo và người thân thích của họ, khi bị cô lập, phân biệt đối xử, thay đổi công việc, mất thu nhập hợp pháp, thì được người giải quyết tố cáo thuyên chuyển hoặc đề nghị thuyên chuyển sang cơ quan, tổ chức khác nếu có sự đồng ý của họ. Các trường hợp khác lao động theo chế độ hợp đồng thì được người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương bảo vệ bằng các biện pháp: Yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, thu nhập hợp pháp; kiến nghị xử lý vi phạm.

Luật Tố cáo năm 2018 đã dành hẳn một điều (Điều 49) tại Chương VI. Bảo vệ người tố cáo để quy định cụ thể trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Cụ thể, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Các cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. Các cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Trong phạm vi thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vê,̣ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.

Một số hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về bảo vệ người tố cáo

Thứ nhất, theo Luật Tố cáo năm 2018 thì “khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ”3. Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Như vậy, giống như Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 vẫn áp dụng công thức cũ là “khi có căn cứ” thì mới áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Thậm chí, khoản 1 Điều 7 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018 còn khẳng định: “khi nhận được văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo có trách nhiệm xem xét, đánh giá căn cứ, tính xác thực của đề nghị bảo vệ và quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền”. Như vậy, việc đánh giá “có căn cứ” để từ đó áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết thuộc về thẩm quyền của người giải quyết tố cáo mà không có chuẩn mực chung. Bên cạnh đó, trường hợp người tố cáo cho rằng “có căn cứ” và “có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ” nhưng người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trên cơ sở đánh giá căn cứ, tính xác thực lại thấy “không cần thiết” thì giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết sẽ không được thực hiện. Đương nhiên, những rủi ro, nguy hiểm liên quan đến tính mạng, sức khỏe; xâm hại đến tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm sẽ hiện hữu như một hệ quả tất yếu.

Thứ hai, Luật Tố cáo năm 2018 chưa quy định đầy đủ về thủ tục, thời gian bảo vệ người tố cáo. Cụ thể, theo Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018 thì “cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp… cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo”. Như vậy, quy định này chỉ mới ghi nhận về trách nhiệm của cơ quan bảo vệ tố cáo một cách khái quát và chưa xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, cơ quan trong việc tiếp nhận, xử lý tố cáo, trách nhiệm phối hợp nhằm bảo đảm thông tin về người tố cáo không bị tiết lộ ra bên ngoài. Quy định trên cũng chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ, cũng như chưa quy định cụ thể về thời gian các áp dụng các biện pháp, quy trình để bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo.

Thứ ba, chế tài xử lý đối với người để lộ lọt thông tin của người tố cáo vẫn còn thấp, có những trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành giải quyết tố cáo liên quan đến nội dung về hành vi, biểu hiện trả thù, trù dập người tố cáo, để lộ danh tính người tố cáo, kết quả giải quyết “có thiếu sót, khuyết điểm nhưng chưa đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật và đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm”.

Thứ tư, pháp luật về bảo vệ người tố cáo chưa thực sự được coi là phương tiện để bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác. Bên cạnh đó, pháp luật tố cáo hiện hành vẫn chưa có cơ chế độc lập để tiếp nhận, giải quyết tố cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo. Việc tố cáo hành vi tham nhũng có thể nói là quan trọng và đặc biệt hơn so với tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật khác. Bởi vì hành vi tham nhũng không chỉ xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của một hay một số cá nhân, tập thể đơn lẻ mà còn xâm hại đến lợi ích chung của Nhà nước, của nhân dân, của đất nước. Tuy nhiên, vấn đề về giải quyết tố cáo tham nhũng và bảo vệ người tố cáo hiện nay không được Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cụ thể, mà được lồng ghép chung với các quy định về tố cáo bình thường khác. Bên cạnh đó, những quy định về bảo vệ người tố cáo đó còn chỉ là một chế định trong một văn bản quy phạm pháp luật mà chưa được tách ra thành một văn bản pháp luật riêng.

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện

Một là, pháp luật nên đưa ra những tiêu chí cụ thể để xác định căn cứ tiến hành bảo vệ người tố cáo. Hiện nay, Luật Tố cáo năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP quy định điều kiện để các chủ thể có trách nhiệm tiến hành việc bảo vệ người tố cáo là “khi có căn cứ cho rằng người tố cáo có thể sẽ bị đe dọa, trả thù, trù dập”. Tuy nhiên, cách quy định này cũng chỉ mang tính chất khung mà chưa cụ thể. Tính chất khung của quy phạm này sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người có trách nhiệm bảo vệ người người tố cáo. Để khắc phục tình trạng tùy nghi này, pháp luật nên đưa ra những căn cứ cụ thể để xác định được ngay trong trường hợp nào thì cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ hoặc chưa cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ. Theo đó, nhà làm luật có thể rà soát, tổng kết thực tiễn về bảo vệ người tố cáo để làm rõ một số tình huống, hành vi có thể được coi là “có căn cứ”4. Trên cơ sở này, nhà làm luật sẽ ban hành các quy phạm pháp luật quy định về các tiêu chí được coi là “có căn cứ” bảo vệ người người tố cáo.

Thứ hai, về sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên, hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức, quy trình phối hợp với cơ quan cấp nào; thời hạn bao lâu thì cơ quan, cá nhân được yêu cầu phải tiến hành thực hiện các biện pháp bảo vệ; cơ quan có trách nhiệm nào là trách nhiệm chính phải xây dựng phương án bảo vệ; hướng dẫn các biện pháp để hỗ trợ người tố cáo khôi phục lại điều kiện sống, làm việc, học tập bình thường sau khi kết thúc việc giải quyết tố cáo. Do đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sớm chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để thống nhất làm căn cứ triển khai thực hiện ở địa phương. Việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người tố cáo và người thân thích của họ sẽ có sự khác nhau trong trường hợp người được bảo vệ là nam, nữ, người cao tuổi, trẻ em hoặc người dễ bị tổn thương, cần phải có sự bảo đảm sự phù hợp về mặt giới và lứa tuổi. Do đó, cần phải bổ sung quy định: “... Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ phải phù hợp với đặc điểm về giới tính, lứa tuổi”.

Thứ ba, việc tiếp nhận, xử lý, phối hợp, kiểm tra, xác minh hay chuyển đơn tố cáo theo quy trình hành chính thông thường như hiện nay là rất khó bảo đảm được danh tính của người tố cáo. Do đó, cần có quy định hướng dẫn biện pháp bảo mật thông tin của người tố cáo, đặc biệt là người tố cáo tham nhũng là biện pháp bắt buộc mà tất cả các cơ quan tiếp nhận tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo, hay cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ đều phải thực hiện mà không cần có sự yêu cầu của người tố cáo hay đề xuất của cơ quan có thẩm quyền như khoản 5 Điều 56 Luật Tố cáo năm 2018. Hiện nay, Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ về quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh đã quy định tại Điều 20 việc người xử lý đơn tố cáo có trách nhiệm phải giữ bí mật về thông tin của người tố cáo, thiết nghĩ nội dung này cần được đưa vào luật để có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Thứ tư, quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với trường hợp vi phạm việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo cũng như người được bảo vệ. Chính vì xác định đây là biện pháp tối ưu nhất, nên cần quy định có sự phân biệt các mức độ vi phạm khác nhau. Theo đó, có thể giữ nguyên mức độ xử lý kỷ luật đối với hành vi vô ý làm lộ bí mật thông tin của người tố cáo. Tuy nhiên, đối với các trường hợp cố ý tiết lộ thông tin của người tố cáo cần phải tăng mức hình thức kỷ luật công chức, viên chức, kể cả xử lý về Đảng (nếu là Đảng viên) hoặc nếu việc tiết lộ thông tin làm cho người tố cáo tham nhũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hành vi trả thù, đe dọa thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự; đồng thời phải chịu liên đới việc bồi thường những thiệt hại mà người tố cáo phải gánh chịu do hành vi cố tình hay vô ý tiết lộ thông tin mà mình thực hiện. Bí mật thông tin người tố cáo là bí mật Nhà nước và theo Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2018 thì thông tin này được phân loại ở độ “mật”. Do vậy, trong trường hợp thông tin của người tố cáo bị lộ lọt, gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người tố cáo thì dù vô ý hay cố ý cũng cần phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 337 hoặc khoản 1 Điều 338 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Thứ năm, trong thực tiễn, việc trả thù người tố cáo và người thân thích của họ diễn ra khá phổ biến. Việc trả thù này không chỉ diễn ra bằng cách gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe, tính mạng mà còn có thể bằng nhiều cách khác nhau như hạ thấp uy tín, hạ thấp thành tích thi đua5. Quy định bảo vệ người tố cáo hiện hành chỉ đưa ra được biện pháp như: khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập, xem xét bố trí công tác khác… để tránh sự trả thù (Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018). Tuy nhiên, đối với các quyền lợi khác như: tín nhiệm để quy hoạch cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, các chức danh lãnh đạo quản lý... thì phải giải quyết như thế nào? Do đó, những người làm luật cần bổ sung vào quy định pháp luật các quyền lợi về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch các chức danh lãnh đạo quản lý đối với người tố cáo. Bên cạnh đó, cần phải bổ sung các quy định phải được bảo đảm theo chế độ khen thưởng làm căn cứ cho việc “tiến cử” các chức danh, do cơ quan có thẩm quyền chỉ định và thể chế hóa vào quy định văn bản pháp luật.

Chú thích:

1. Nguyễn Lân, Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.1856.

2. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2002, tr.1008.

3. Khoản 3 Điều 47, khoản 1 Điều 50 Luật Tố cáo năm 2018.

4. Nguyễn Thắng Lợi: “Pháp luật về bảo vệ người tố cáo hiện nay và một số kiến nghị”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 11, năm 2012.

5. Nguyễn Ngọc Anh, “Xây dựng quy chế bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng”, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, số 9, năm 2013.

Cao Vũ Minh

TS, Trường Đại học Luật TP.HCM

Nguyễn Công Tây

ThS, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật (Chi nhánh tại TP.HCM)