Bắt, giữ người trái pháp luật là gì

Những tháng đầu năm 2021 trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật để cảnh cáo hoặc đòi nợ.

Ngày 5/4, Công an TP Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 đối tượng liên quan đến đoạn video chôn sống nam thanh niên gây chấn động dư luận. Nhóm đối tượng bị khởi tố về hành vi Bắt, giữ người trái pháp luật.

Bắt, giữ người trái pháp luật là gì
Hình ảnh V. bị "chôn sống" khiến dư luận xôn xao - Ảnh: Cắt từ clip

Trước đó, ngày 28/3, công an thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tiến hành lệnh bắt giữ khẩn cấp Lê Trương Phi (tức Phi Đen), 32 tuổi, ngụ huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để kiểm tra về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đối tượng này đã cùng một số người khác đánh đập rồi bắt một người đàn ông 30 tuổi ở thành phố Đồng Xoài để đòi tiền

Ngày 21/3, Công an thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tạm giữ hình sự một đối tượng trên địa bàn để điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật. Đối tượng này đã đánh đập nhốt 3 cô gái phục vụ quán karaoke trong phòng trọ vì tự ý bỏ đi nơi khác làm.

Liên quan việc này, dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hưng - Phó Giám đốc Công ty Luật hợp danh The Light cho biết, việc bắt giữ người trái pháp luật được hiểu là các hành vi ngăn cản, tước đoạt tự do hoạt động, tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật.

Về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, các hành vi này đều có cùng tính chất là những hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể của người khác, có mục đích tước đoạt sự tự do hoạt động, dịch chuyển thân thể người khác và tùy từng mức độ khác nhau.

Theo luật sư Hưng, khi một người đã giữ người trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm sẽ phải đối mặt với các biện pháp, chế tài khác nhau. Cụ thể, nếu thuộc trường hợp khoản 1 Điều 157 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về tội giữ người, giam người trái pháp luật, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn, ví dụ như có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, phạm tội từ 2 lần trở lên đối với người già phụ nữ thì có thể đối mặt với hình phạt từ 2-7 năm.

Mức hình phạt nặng nhất lên đến 12 năm đối với trường hợp là làm cho người bị bắt, bị giữ, bị chết, hoặc tự sát,... hoặc dùng các biện pháp như tra tấn, đối xử tàn bạo với phụ nữ, gây thương tích, hoặc tổn hại sức khỏe, mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61 % trở lên. Ngoài ra, người phạm tội, nếu có chức vụ, quyền hạn có thể chịu hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bắt, giữ người trái pháp luật là gì
Ảnh minh họa

Trong trường hợp người dân phát hiện ra những hành vi phạm tội quả tang, ví dụ như trộm cắp, theo luật sư Hưng bất kỳ ai đều có quyền được bắt, giữ. Tuy nhiên, điều này phải phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể ở đây là Điều 111 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định đối với trường hợp bắt người phạm tội quả tang.

Theo đó, nếu người dân phát hiện người phạm tội quả tang, thì có quyền bắt và phải áp giải đến công an, Viện Kiểm sát, UBND nơi gần nhất, hoặc là phải thông báo đến cơ quan chức năng chứ không được tự tiện giam giữ người bị bắt.

Luật sư Hưng cho rằng, nếu như chúng ta nhận thức không đầy đủ về việc này có thể rất dễ dẫn đến hành động của chúng ta là tốt, muốn đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhưng cũng vô tình có thể dẫn đến những thiếu sót để xảy ra sự việc không mong muốn.

Việc mà chúng ta đã bắt được người phạm tội quả tang mà giữ họ lại tại một nơi nào đó không thông báo, không áp giải, rõ ràng là cũng là nhận thức mỗi người trong cuộc chưa đầy đủ. Vì họ biết rõ ràng là, nếu giữ lại thì cũng không thể nào hay cơ quan pháp luật để giải quyết việc này được- luật sư Hưng phân tích thêm.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này, luật sư Hưng cho rằng, cũng cần phải xem xét các điều kiện khách quan. Ví dụ như khoảng cách địa lý, điều kiện thời tiết. Cụ thể, trường hợp bắt giữ trộm ở các vùng biên giới, khó khăn giao thông, việc áp giải đối tượng trộm cắp đến cơ quan pháp luật, hay UBND lên đến vài chục km,... những trường hợp này thì đương nhiên khi cơ quan tố tụng tiến hành điều tra phải tiến hành đến các yếu tố lỗi đến hoàn cảnh khách quan.

Từ quá trình hành nghề luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa, luật sư Hưng nhận thấy, những chủ thể người có hành vi vi phạm về việc giữ người trái pháp luật thường có mối quan hệ nào đó với người bị giam giữ. Thông thường những mối quan hệ này được xác lập trên cơ sở nợ nần, mâu thuẫn, đánh nhau, hoặc là có việc là gì trực tiếp trộm cắp tài sản của người giam giữ

Rõ ràng là xuất phát từ mâu thuẫn có từ trước những người mà có hành vi giam giữ thường đưa ra những đòi hỏi nào đó với người bị giam giữ hoặc, để thỏa mãn những cái nóng giận tức thời của người mà giam giữ- luật sư Hưng nói.

Trong trường hợp này không chỉ là hành vi giam giữ mà còn có những hành vi tiền đề trước đó như, bắt, đánh đập, có thể là trói, sau đó không có sự việc thông báo của cơ quan chức năng mà hai bên tự giải quyết với nhau. Sau khi người bị giam giữ đã thỏa mãn hoặc là đã đáp ứng một phần nào lợi ích và mong muốn của người giam giữ./.