Các giá trị của lễ hội truyền thống
Lễ hội Ook Om Bok của người Khmer
Lễ hội với tư cách là một loại hình sinh hoạt cộng đồng diễn ra trong những thời điểm mạnh, đã thể hiện được sâu sắc các giá trị văn hóa của cộng đồng làng xã. Con người sáng tạo ra lễ hội trước hết để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, sau là để thể hiện ước mơ, khát vọng về một cuộc sống no ấm, an lành, hạnh phúc. Việc tổ chức lễ hội hàng năm vốn diễn ra theo nhịp sống của cư dân nông nghiệp, để tồn tại và phát triển trong xã hội công nghiệp, bản thân nó không tránh khỏi những thay đổi, biến tướng. Điều đó trở thành thách thức lớn trong việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc. Nước ta đang trong thời kỳ hội nhập, trước tác động của kinh tế thị trường, giao lưu hợp tác quốc tế, người dân có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin mới về các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, khi mà ranh giới giữa văn hóa đô thị và nông thôn, truyền thống và hiện đại càng trở nên mờ nhạt, sự tác động đó diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tác động của nền kinh tế thị trường đôi khi dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, xuất hiện tư tưởng trục lợi, coi lễ hội là một thương phẩm để mưu cầu lợi nhuận. Yếu tố kinh tế, thương mại đã thâm nhập vào hầu hết các lễ hội. Người dân làm trong các khu công nghiệp, buôn bán, môi giới, dịch vụ… ngày càng nhiều, điều đó đã làm thay đổi lối sống và cách nghĩ khiến lễ hội trở nên thực dụng với toan tính cá nhân. Điều đó làm mất cân bằng các giá trị cộng đồng của lễ hội, làm cho các giá trị vật chất lấn át giá trị văn hóa truyền thống và đạo đức, bản sắc văn hóa của lễ hội bị phai mờ. Sự chuyển đổi cơ cấu xã hội cùng với những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội đã tạo ra cơ hội mở rộng giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng trong và ngoài lãnh thổ quốc gia. Đồng thời, điều đó cũng làm nảy sinh những mối đe dọa về sự suy thoái, biến dạng các lễ hội truyền thống. Hiện có xu hướng đua nhau nâng cấp lễ hội bằng cách tùy tiện thêm vào các thành tố xa lạ với truyền thống, tập quán của cộng đồng, vừa tốn kém, vừa làm giảm giá trị chân thực, trần tục và đơn điệu hóa lễ hội truyền thống. Có thể nhận thấy, thách thức trong việc bảo tồn lễ hội truyền thống ở Việt Nam còn nhiều điểm cần bàn luận, trong đó sự hạn chế và bất cập về tổ chức và quản lý cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản. Việc ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lĩnh vực văn hóa nói chung, lễ hội truyền thống nói riêng còn chậm, việc điều chỉnh và bổ sung các văn bản quản lý chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, gây cản trở việc đưa luật vào cuộc sống. Cán bộ quản lý còn hạn chế trong chỉ đạo, hướng dẫn, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, dẫn tới sự lúng túng trong tổ chức và điều hành hoạt động lễ hội truyền thống. Quản lý, sử dụng kinh phí tổ chức lễ hội truyền thống và các nguồn thu từ công đức, dịch vụ không hiệu quả, chưa minh bạch, đúng mục đích, lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa tiến hành thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện và điều chỉnh những vấn đề phát sinh. Việc xử lý vi phạm quy định tổ chức lễ hội truyền thống chưa đủ mạnh để có thể răn đe, ngăn chặn, nên kết quả thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Đặc biệt, nhận thức của người dân là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến những ứng xử với lễ hội truyền thống. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho quần chúng nhân dân hiểu rõ về giá trị truyền thống vẫn được thực hiện nhưng còn nhiều hạn chế. Từ đó dẫn tới thái độ thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia và phục vụ lễ hội, nhất là trong thực hiện nếp sống văn minh, giao tiếp ứng xử, vệ sinh môi trường. Nhưng có lẽ, cái cốt lõi làm cho sự thay đổi trong lễ hội ngày nay là con người ít còn tin vào điều thiêng liêng, kéo theo sự tham dự lễ hội của người dân thưa dần. Xuất phát từ những nguyên nhân trên, có thể nêu ra một số thay đổi cơ bản trong nội dung cũng như hình thức của lễ hội như sau: Thay đổi về thời gian, không gian tổ chức lễ hội Thay đổi về cách thức tổ chức Việc tổ chức lễ hội, trước đây do lý trưởng, hội đồng kỳ mục cùng các giáp điều hành. Đến nay, mọi công việc trong những ngày diễn ra lễ hội đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của chính quyền cấp xã, phường. Bên cạnh đó, ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các cụ cao niên, Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... đóng vai trò chủ chốt. Vai trò của dân làng dựa theo thiết chế truyền thống như giáp và theo địa vực cư trú như các xóm, ngõ đã bị thay thế hoàn toàn. Dân làng thường tham gia với tư cách riêng lẻ qua việc dâng lễ vật của từng gia đình. Hầu hết các lễ hội truyền thống ở khu vực Bắc Bộ đã có truyền thống hàng trăm năm, việc tổ chức lễ hội được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, có thời kỳ toàn bộ tư liệu về lễ hội bị thất lạc nên nội dung chủ yếu được truyền qua lời kể của các già làng. Từ đó, xuất hiện hiện tượng sao chép nghi thức từ các làng lân cận, tự hợp thức hóa với đặc trưng cũng như truyền thống của làng mình. Sự tương đồng về không gian văn hóa, đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội, đã dẫn đến sự tương đồng về nghi thức, nghi lễ thờ cúng của các làng trong một khu vực. Như ở khu vực ven đê sông Hồng, hầu như làng nào cũng đặc biệt chú trọng nghi thức rước nước. Nước phải lấy ở sông cái, không lấy ở sông nhánh, khu vực này nước rất trong, được người dân bao đời nay quan niệm là dòng nước thiêng, dùng trong các nghi thức tế lễ thành hoàng. Với vai trò là chủ thể văn hóa, người dân vẫn mong muốn duy trì lễ hội truyền thống hàng năm của làng. Trước đây, những nghi thức liên quan đến thành hoàng được tiến hành rất cẩn trọng, được dân làng thực hiện cẩn thận với những quy tắc nghiêm ngặt, từ người được chọn tham gia vào các nghi thức đến những lễ vật dâng cúng, đồ cúng tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên mọi người cởi mở và có quan niệm mới hơn trong việc tổ chức các nghi lễ thờ thần. Người được chọn tham gia vào các nghi lễ chính vẫn dựa trên nhiều tiêu chí nhưng không quá khắt khe. Người đó không cần cách ly gia đình mỗi dịp tế lễ mà vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Các nghi thức tế lễ vẫn được duy trì tuần tự, nhưng được giản tiện đi khá nhiều về cả nội dung và số lượng người tham gia. Trước đây, sau vụ mùa đầy vất vả, người dân rất háo hức chờ đợi và vinh dự khi được tham gia lễ hội. Họ có niềm tin mãnh liệt về đấng thần linh và sức mạnh siêu nhiên. Nhưng ngày nay, khi có rất nhiều ngày lễ, tết được du nhập vào, người dân tiếp cận với nhiều hình thức vui chơi giải trí khác nên sự háo hức giảm đi rõ rệt. Chọn người để tham gia trực tiếp vào tổ chức lễ hội là việc làm khó khăn với ban tổ chức. Ngay cả việc công đức, dân làng hầu hết đều góp tiền, chứ ít góp công. Nhất là đối với nam, nữ thanh niên, sự nhiệt tình khác hẳn với thế hệ trước. Khi xã hội bị cuốn theo sự vận động của nền kinh tế thị trường, con người cũng có cái nhìn khác về tín ngưỡng cổ truyền. Đặc biệt khi đời sống của người dân được cải thiện, hình thành quan niệm phú quý sinh lễ nghĩa. Nhà nào cũng sửa soạn mâm cao cỗ đầy, hy vọng sẽ được thần thánh phù hộ hơn. Những lễ vật truyền thống bị quên lãng, thay vào đó là những đồ đắt đỏ, thể hiện sự giàu có của mỗi gia đình.Thay đổi trong các hoạt động hội
Nguyễn Thị Vân Anh |