Các tông đồ đã chết như thế nào

Chào bạn đọc, nếu Đức Phật Thích Ca có Thập (10) đại đệ tử nổi tiếng thì Đức Chúa Giê su có 12 vị Tông đồ lưu danh sử sách. Hôm nay City Tour Đà Nẵng xin chia sẽ bạn đọc lược sử về 12 vị Tông Đồ này. Tông đồ hay còn gọi là sứ đồ có nghĩa là người được sai đi, người đem tin hay sứ giả. Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ để làm môn đệ, ở sát bên người và chia sẻ vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ của Ngài. Mười hai vị Tông Đồ này là nền tảng của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô đã lập nên. Họ là những người lãnh đạo của Dân Chúa. “Ngài gọi các môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ” (Phúc âm Lu-ca 6. 13).

Thuật ngữ “sứ đồ” được tìm thấy trong Tân Ước, cả thảy có 79 lần: 10 lần xuất hiện trong các sách Phúc âm, 28 lần trong sách Công vụ các Sứ đồ, 38 lần trong các Thư tín hữu và 3 lần trong sách Khải Huyền. Trong Hi văn, apostolos (sứ đồ) bắt nguồn từ apostellein, nghĩa là sai đi. Từ apostellein nhấn mạnh đến yếu tố uỷ quyền – từ thẩm quyền và trách nhiệm của người sai phái. Như vậy, sứ đồ là người được uỷ quyền để thực thi một sứ mạng, người ấy sẽ hành động với thẩm quyền đầy đủ nhân danh người sai phái.

Sau khi Chúa Giêsu chịu chết, sống lại vinh hiển với sự sống của phục sinh và lên trời trở về với Chúa Cha (Ngài vẫn luôn ở với tất cả mọi Kitô hữu cách mầu nhiệm và gần gũi nhất là qua bí tích Thánh Thể), các tông đồ tiếp tục việc rao giảng Tin Mừng của ơn cứu rỗi. Họ có bổn phận truyền ban cho mọi thế hệ cách trung tín mọi việc Chúa Giêsu đã giảng dạy, chữa lành bệnh tật và cho kẻ chết sống lại. Giáo Hội hôm nay vẫn tiếp tục giảng dạy, chữa lành và làm cho kẻ chết nhất là chết phần linh hồn vì phạm tội và đã sống xa lìa Chúa được sống lại qua các bí tích Chúa Giêsu đã lập nên.
“Sau đây là tên mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Giêbêđê và ông Gioan em ông; ông Philipphê và ông Bathôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm quá khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người”. (Mt 10, 2-4)

Các tông đồ đã chết như thế nào

Bức tranh nổi tiếng “Bữa tối cuối cùng” của danh họa Leonardo da Vinci với 12 vị tông đồ cùng với chúa Giê-su

1.Thánh Phêrô: 

– Trong số 12 Tông Đồ, vị được nhắc đến nhiều nhất là Phê-rô. Phê-rô đứng đầu danh sách. Người ta thường nghĩ Phê-rô là một Tông Đồ nhiều khuyết điểm nhất. Trước khi gặp Chúa, Phê-rô đã là người chỉ huy trong việc chài lưới. Phê-rô luôn ra lệnh cho mọi người. Khi trở thành Tông Đồ, ông nổi bật trong Kinh Thánh: ông là người mở miệng đầu tiên, ông là người hành động trước nhất. Phê-rô, với tất cả lời nói và hành vi có vẻ đao to búa lớn, lại mang bên trong một tâm hồn nhạy cảm, yếu tin nhưng khiêm nhường.

Thánh Phêrô là người khiêm tốn, đơn sơ và chăm chỉ làm việc. Thánh nhân có tâm hồn quảng đại, tốt bụng và rất yêu mến Đức Chúa Giêsu. Tên của vị tông đồ này là Simon nhưng Đức Chúa Giêsu đổi thành Phêrô, nghĩa là “đá.” “Ngươi là đá,” Đức Chúa Giêsu nói, “và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta!” Thánh Phêrô là thủ lãnh các tông đồ và là giám mục đầu tiên của Rôma.

Khi Đức Chúa Giêsu bị bắt, thánh Phêrô rất hoảng sợ. Lúc đó, thánh nhân đã phạm tội chối Chúa ba lần. Nhưng Phêrô đã ăn năn sám hối cách trọn. Suốt phần đời còn lại, Phêrô đã than khóc vì tội lỗi ấy. Đức Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô. Sau khi sống lại, Chúa hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Ta không?” “Lạy Chúa,” Phêrô đáp lại, “Chúa biết mọi sự. Chúa biết con mến Chúa!” Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn Phêrô; và bằng giọng nói dịu dàng, Chúa bảo Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên của Ta! Hãy chăn giữ các chiên mẹ của Ta!” Người nói Phêrô hãy chăm sóc canh giữ Giáo hội của Người vì Người sắp về trời. Đức Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các môn đệ của Chúa.

Cuối cùng, thánh Phêrô đến sống ở Rôma là trung tâm của đế quốc La Mã. Tại đó, thánh nhân đã làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại. Khi cuộc bách hại các Kitô hữu xảy ra, họ đã nài xin Phêrô rời bỏ Rôma để thoát thân. Người ta nói rằng thánh Phêrô đã thực sự ra đi; nhưng trên đường ngài đã gặp Đức Chúa Giêsu. Phêrô hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đang đi đâu vậy?” Đức Chúa Giêsu trả lời: “Ta đến để chịu đóng đinh thêm một lần nữa!” Sau đó, Phêrô quay trở lại. Ngài nhận ra rằng thị kiến này có ý cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết vì Đức Chúa Giêsu. Rồi ít lâu sau, Phêrô đã bị bắt giam và bị kết án tử hình. Bởi vì không phải là công dân Rôma, nên như Đức Chúa Giêsu, Phêrô có thể bị đóng đinh. Lần này, ngài đã không chối Chúa. Lần này, Phêrô đã sẵn sàng chết cho Đức Chúa Giêsu. Thánh Phêrô xin được chịu đóng đinh ngược với cái đầu trút xuống đất, vì Phêrô cảm thấy mình chẳng xứng đáng được chịu đau khổ như Đức Chúa Giêsu. Quân lính Rôma cho đây là chuyện bình thường bởi vì các người nô lệ cũng bị đóng đinh với cùng một thể thức ấy.

Thánh Phêrô chịu tử đạo trên đồi Vatican khoảng năm 67. Vào cuối thế kỷ thứ tư, hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường lớn trên nơi thánh ấy. Các tài liệu khảo cổ xác nhận những sự kiện này.
Ngày nay, đức giám mục Rôma là vị kế nghiệp thánh Phêrô. Chúng ta gọi ngài là đức giáo hoàng, nghĩa là Cha. Chúng ta hãy học hỏi nơi thánh Phêrô điều này là: khi đặt Đức Chúa Giêsu làm trung tâm của linh hồn và cuộc sống mình, thì mọi chuyện khác sẽ được giải quyết cách dễ dàng êm đẹp.

2. Thánh Anrê:
Cũng như anh trai mình là thánh Simon Phêrô, thánh Anrê làm nghề đánh cá. Ngài là môn đệ của thánh Gioan tẩy giả. Tuy nhiên, khi Gioan giơ tay chỉ về phía Đức Chúa Giêsu và nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa,” Anrê đã lập tức rời bỏ Gioan tẩy giả mà đi theo Thầy Chí Thánh. Chúa Giêsu biết Anrê đang bước theo mình thì quay lại hỏi: “Anh tìm gì thế?” Anrê trả lời rằng mình muốn biết nơi ở của Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu trả lời: “Hãy đến và xem!” Anrê đã lưu lại với Chúa Giêsu một thời gian khi ngài nhận ra đây đích thực là Đấng Mêsia (x. Ga 1,35-39). Từ lúc ấy, Anrê quyết định bước theo Chúa Giêsu. Và ngài đã trở thành môn đệ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu.

Sau đó, thánh Anrê đem anh mình là Simon (thánh Phêrô) đến với Chúa Giêsu. Đức Chúa Giêsu cũng nhận Simon làm môn đệ của Người. Đầu tiên, hai anh em vẫn tiếp tục nghề đánh cá và phụ giúp gia đình. Sau đó, Chúa Giêsu mời gọi họ bỏ luôn lối sống cũ để trở nên môn đệ “toàn phần” của Người. Chúa Giêsu hứa làm cho họ trở thành những ngư phủ đi lưới người ta, và lần này hai anh em đã bỏ chài lưới của mình luôn. Người ta tin rằng sau khi Đức Chúa Giêsu lên trời, thánh Anrê đã đến rao giảng Tin mừng tại Hy Lạp. Người ta cũng nói rằng thánh nhân đã bị giết chết trên một cây thập giá hình chữ X, chỉ bị trói chặt chứ không bị đóng đinh. Anrê sống hai ngày trong tình trạng đau khổ như thế. Thánh nhân vẫn tìm được đủ nghị lực để rao giảng cho những người đến tập trung quanh vị tông đồ dấu yêu của họ.

Theo những tài liệu góp nhặt thì ông qua Hy-lạp và rao giảng ở vùng A-khai-a. Ông tử vì đạo tại đây và chết trên thập giá hình chữ X. Vài thế kỷ sau, hài cốt của ông đã được đem qua xứ Tô Cách Lan (Scotland ). Chiếc tàu chở hài cốt bị đắm gần bờ biển. Nơi đây ngày nay gọi là St. Andrew’s Bay. An-rê trở thành bổn mạng của quốc gia này.

3. Thánh Giacôbê tiền:
Giacôbê là một ngư phủ giống như cha Zêbêđê và em mình là Gioan. Ngài đang ở trên thuyền cùng cha vá lưới khi Đức Giêsu đi ngang qua. Chúa Giêsu gọi Giacôbê và Gioan theo Người để làm ngư phủ lưới người, để cùng với Chúa rao giảng Tin mừng. Cha Zêbêđê nhìn theo hai con trai khi hai ngài bỏ thuyền mà đi với Chúa Giêsu.
Cũng như thánh Phêrô và thánh Gioan, thánh Giacôbê là một người bạn đặc biệt của Đức Chúa Giêsu. Cùng với hai tông đồ này, Giacôbê được chứng kiến những dấu lạ mà các tông đồ khác không được xem thấy. Với hai tông đồ Phêrô và Gioan, Giacôbê được chứng kiến Đức Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống lại. Với hai tông đồ, thánh nhân được đưa lên trên núi để xem Đức Chúa Giêsu biến hình xán lạn như mặt trời, với y phục trắng tinh như tuyết. Biến cố này gọi là phép lạ Chúa Giêsu hiển dung.

Và trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, buổi tối trước lúc chịu nạn, Đức Chúa Giêsu dẫn các tông đồ vào vườn cây Dầu. Thánh ký Matthêu cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã mời riêng Phêrô, Giacôbê và Gioan đồng hành với Người tới một nơi tách biệt để cầu nguyện. Ba tông đồ được xem thấy nét mặt của Thầy mình trở nên âu sầu và lo lắng. Đối với Chúa Giêsu, đó là thời điểm rất đỗi cam go, thế mà các tông đồ thì lại mệt mỏi và thiếp ngủ. Sau đó, thánh Giacôbê đã hoảng sợ và bỏ chạy khi kẻ thù tới bắt Đức Chúa Giêsu. Giacôbê không hiện diện dưới chân thập giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Nhưng Chúa Giêsu đã gặp ngài vào buổi tối Chúa nhật phục sinh tại căn phòng trên lầu. Chúa Giêsu Phục Sinh đã bước vào và nói: “Bình an cho anh em!” trong khi cửa nhà vẫn đóng kín. Thánh Giacôbê và các tông đồ khác đã tìm lại bình an sau khi Chúa Thánh Linh hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần.

Thánh Giacôbê đã bắt đầu sứ vụ của mình với cá tính của một người trực ngôn, bốc đồng. Thánh nhân đã thẳng thắn hỏi Đức Chúa Giêsu về chỗ danh dự trong nước trời. Ngài đã đòi Đức Chúa Giêsu giáng lửa từ trời xuống thiêu đốt các làng không đón tiếp Chúa. Nhưng thánh Giacôbê đã tin tưởng vào Chúa Giêsu rất mực. Sau cùng, thánh nhân đã trở nên khiêm tốn và hiền từ. Thánh Giacôbê đã trở thành “người đầu tiên chiếm chỗ danh dự” mà có lẽ thánh nhân chưa bao giờ nghĩ tới. Thánh Giacôbê được ban cho vinh dự là tông đồ đầu tiên được phúc tử đạo vì Chúa Giêsu. Chương thứ 12 sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết vua Hêrôđê Agrippa đã dùng gươm giết thánh Giacôbê. Vì là thánh tử đạo, thánh Giacôbê là chứng nhân vĩ đại nhất trong tất cả các chứng nhân sau này. 

4. Thánh Gioan tông đồ, tác giả sách Tin Mừng:
Thánh Gioan là một ngư phủ miền Galilêa. Thánh nhân được mời gọi làm tông đồ cùng với người anh trai của ngài là thánh Giacôbê (phía trên). Chúa Giêsu đã ban cho hai người con ông Zêbêđê này biệt hiệu là “con của sấm sét.” Thánh Gioan là tông đồ trẻ nhất và người ta tin rằng thánh nhân là “vị tông đồ được Chúa Giêsu yêu quý.”
Trong bữa Tiệc Ly, chính thánh Gioan đã được tựa đầu vào ngực Đức Chúa Giêsu. Thánh nhân cũng là vị tông đồ duy nhất đứng dưới chân Thánh Giá. Chúa Giêsu, trong khi hấp hối, đã trao phó Mẹ yêu dấu của Người cho vị tông đồ yêu quý này. Và quay sang nhìn Mẹ, Chúa Giêsu nói: “Này là Mẹ con!” (Ga 19,27).

Sáng sớm ngày phục sinh, Maria Mađalêna và các phụ nữ khác đã tới mồ Đức Chúa Giêsu, đem theo hương liệu để ướp xác Người. Họ đã trở về báo tin xấu cho các tông đồ: xác Đức Chúa Giêsu bị đánh cắp rồi! Phêrô và Gioan đã lập tức chạy đi điều tra. Gioan tới mộ trước nhưng đã đợi Phêrô và bước vào sau Phêrô. Gioan thấy các khăn liệm đã được cuộn lại gọn gàng và thánh nhân hiểu là Đức Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết. Sau đó tám ngày, các tông đồ đang vất vả bắt cá ở biển hồ Tibêria mà chẳng được con nào. Bỗng có một người đàn ông đứng trên bờ biển và đề nghị các tông đồ hãy thả lưới bên kia mạn thuyền. Khi họ kéo lên lần nữa thì thấy lưới đầy các cá lớn. Bấy giờ Gioan, nhận ra người đàn ông này, đã nói với Phêrô: “Chính Chúa đó!”(Ga 21,7).
Cuộc hiện xuống của Chúa Thánh Linh đã làm cho các tông đồ được thêm nhiều can đảm. Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Phêrô và thánh Gioan đã chữa lành cho một người què chỉ bằng việc kêu tên Đức Chúa Giêsu.

Người ta tin rằng thánh Gioan đã sống thọ gần 100 tuổi; và ngài là vị tông đồ duy nhất không phải chịu tử đạo. Thánh Gioan tông đồ qua đời tại Êphêsô khoảng năm 100. Sau khi Chúa về trời, ông và Phê-rô là cột trụ của Hội Thánh tại Giêrusalem. Những năm cuối đời, ông sống ở Ê-phê-xô, trong thời gian này, ông viết Phúc Âm và 3 lá thư. Sau đó ông bị lưu đày ở đảo Patmos, ở đây ông được linh hứng viết ra sách Khải Huyền.
– Biểu tượng của thánh Gio-an: Chim phượng hoàng.
– Ông chết cách tự nhiên trong tuổi già, ông là người chết sau cùng trong nhóm 12 do Chúa chọn.

5-6. Thánh Philipphê và thánh Giacôbê Hậu: 
Cả hai vị thánh này đều là thành viên trong nhóm Mười Hai tông đồ của Đức Chúa Giêsu. Philipphê là một trong số những môn đệ được chọn đầu tiên. Ngài sinh tại Bétsaiđa, miền Galilêa. Đức Chúa Giêsu gặp ngài và bảo “hãy theo Ta!” Philipphê cảm thấy rất hạnh phúc và sung sướng được ở với Đức Chúa Giêsu và ngài muốn san sẻ niềm vui sướng ấy với người bạn Nathanael của ngài. “Chúng tôi đã gặp thấy Người mà Môisê và các tiên tri đã viết,” Philipphê giải thích, “Người chính là Giêsu Nazareth!”
Xem ra Nathanael chẳng hồi hộp và bỡ ngỡ chút nào! Nazareth chỉ là một làng quê nhỏ bé. Nó không rộng lớn và quan trọng như Giêrusalem. Vì thế, Nathanael nói: “Nào có cái gì tốt lành xuất từ Nazareth đâu?” Nhưng Philipphê không tức giận trước câu trả lời của bạn mình. Ngài chỉ nói: “Hãy đến mà xem!” Và Nathanael đến gặp Đức Chúa Giêsu. Sau khi trò chuyện với Chúa, Nathanael cũng trở nên môn đồ nhiệt tâm của Đức Chúa Giêsu.

Thánh Giacôbê là con của ông Alphê. Ngài cũng được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn làm một trong số mười hai tông đồ. Với tước vị là tông đồ, thánh Giacôbê được sai đi loan truyền Tin mừng và làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh. Cùng với các tông đồ khác, thánh Giacôbê đã góp sức xây dựng nền móng Giáo hội. Người ta rất coi trọng Giacôbê đến nỗi họ gọi ngài là “Giacôbê công chính,” nghĩa là “Giacôbê thánh thiện.” Họ cũng gọi ngài là “Giacôbê hậu” vì ngài nhỏ tuổi hơn một tông đồ khác cũng mang tên Giacôbê. Người ta gọi Giacôbê kia là “Giacôbê tiền” bởi vì ngài lớn tuổi hơn. 

7. Thánh Batôlômêô:
Thánh Batôlômêô là một trong các tông đồ đầu tiên của Đức Chúa Giêsu. Batôlômêô còn có tên gọi khác là Nathanael. Batôlômêô quê ở Cana, xứ Galilêa. Ngài trở thành môn đệ của Đức Chúa Giêsu khi anh bạn Philipphê mời ngài tới và gặp Đức Chúa Giêsu. Nathanael đã được Đức Chúa Giêsu khen ngợi vừa khi Chúa gặp ngài: “Đây đích thực là người không có gì gian dối!” (Ga 1,47). Chúa Giêsu biết Nathanael thật đúng là người lương thiện và chân thành. Ngài chỉ ước ao tìm biết chân lý mà thôi!
Nathanael rất đỗi ngạc nhiên khi nghe Đức Chúa Giêsu nói như vậy. Ngài hỏi Chúa: “Sao Người biết tôi?” Chúa Giêsu trả lời: “Trước lúc Philipphê gọi ngươi, Ta đã thấy ngươi đang ở dưới cây vả.” Đó là một nơi cầu nguyện tuyệt vời. Nathanael hẳn là phải nhận thấy Đức Chúa Giêsu đã đọc được tâm hồn của ngài lúc ngài cầu nguyện. “Lạy Thầy!” Nathanael kêu lên, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel!” (Ga 1,49). Và Nathanael đã trở thành một trong các tông đồ trung thành của Đức Chúa Giêsu.

Như các tông đồ khác, Nathanael, hay còn gọi là Batôlômêô, đã rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu và đã liều mất mạng sống mình vì Tin mừng. Người ta nói rằng thánh nhân đã tới Ấn Độ, Ácmênia và nhiều nơi khác nữa. Ngài đã rao giảng với tất cả nhiệt tâm cho đến khi liều mạng sống vì đức tin. Và vì thế, thánh Batôlômêô không những đã nhận được phần thưởng của bậc tông đồ, mà ngài còn lãnh được triều thiên tử đạo. Chúa Giêsu đã ngưỡng mộ lòng chân thành của thánh Batôlômêô. Dù có những ý kiến khác biệt nhưng thánh nhân không phải là một người ngoan cố, do vậy, thánh nhân đã được Đức Chúa Giêsu khen ngợi. Chúa Giêsu cũng ban cho thánh Batôlômêô ơn đức tin và ơn làm tông đồ. 

8. Thánh Tôma:
Thánh Tôma là một trong số mười hai tông đồ của Đức Chúa Giêsu. Tôma bên tiếng Syria có nghĩa là “sinh đôi.” Một lần kia, khi Chúa Giêsu tỏ cho biết Người sẽ lên Giêrusalem để nộp mình chịu chết, thì các tông đồ khác đã ngăn cản Thầy lại, nhưng thánh Tôma nói với họ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng hãy đi và cùng chết với Thầy” (Ga 11,16).

Khi thấy Đức Chúa Giêsu bị các kẻ thù của Người bắt giữ, Tôma đã mất hết nhuệ khí ban đầu. Ngài đã bỏ chạy cùng với các tông đồ khác. Trái tim Tôma buồn sầu tan vỡ trước cái chết bi thương của Thầy Chí Ái. Nhưng rồi vào Chúa nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ sau khi chỗi dậy từ cõi chết. Người chỉ cho các tông đồ xem các vết thương ở tay và cạnh sườn Người. Lúc ấy Tôma vắng mặt. Khi Tôma tới, các tông đồ hồ hởi nói với Tôma: “Chúng tôi đã được xem thấy Chúa!” Họ tưởng là Tôma rất vui. Ai ngờ, Tôma lại không tin sứ điệp các ngài vừa loan báo. Lý do vì trừ các tông đồ, Tôma chưa được xem thấy Đức Chúa Giêsu cách tỏ tường.
“Nếu tôi không nhìn thấy các dấu đinh ở tay Người,” Tôma nói, “nếu tôi không đặt ngón tay tôi vào lỗ đinh, nếu tôi không đặt bàn tay tôi vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin!” Tám ngày sau, Chúa Giêsu lại hiện ra với các tông đồ. Lần này có mặt Tôma. Chúa Giêsu gọi Tôma và bảo hãy chạm tay vào các lỗ đinh và vào vết thương ở cạnh sườn Người. Tôma liền sấp mình xuống dưới chân Thầy Chí Ái và kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” Sau đó, Chúa Giêsu nói: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin.” Bạn có thể tìm gặp mẩu truyện này trong sách Tin mừng của thánh ký Gioan, nơi chương 20, các câu 24-29. Đây là vị Tông Đồ bi quan nhất. Con người luôn buồn rầu, sầu thảm, và hình như không thể tin điều gì mà ông không thấy.

Sau ngày lễ Hiện Xuống, Tôma được kiện cường trong niềm tin và thánh nhân đã tín thác vào Đức Chúa Giêsu hơn. Người ta nói rằng thánh Tôma đã sang tận Ấn Độ để rao giảng Tin mừng. Và Tôma đã tử đạo ở đó, sau khi rao giảng Tin mừng của Đức Chúa Giêsu cho nhiều người.

9-10. Thánh Matthêu, tác giả sách Tin Mừng:
Thánh Matthêu là một người thu thuế trong thành Caphanaum nơi Đức Chúa Giêsu sinh sống. Thánh nhân là người gốc Do thái nhưng lại làm việc cho người Rôma, lúc ấy đang cai trị những người Dothái. Vì lý do này, những người Do thái bản xứ rất căm ghét Matthêu. Họ không làm bất cứ thứ gì chung với “những hạng tội lỗi công khai” này, như những người thu thuế giống Matthêu vậy.
Thế nhưng, Đức Chúa Giêsu lại không cảm thấy như vậy! Ngày kia, thấy Matthêu đang ngồi ở bàn thu thuế, Đức Chúa Giêsu liền nói: “Hãy theo Ta!” Lập tức Matthêu bỏ lại tiền bạc và địa vị mà đi theo Đức Giêsu, trở thành một trong số mười hai tông đồ của Người. Sau đó, Matthêu đã làm một bữa tiệc rất thịnh soạn để thết đãi Chúa Giêsu.

Ngài cũng mời các bạn bè cùng làm nghề thu thuế như ngài tới gặp Đức Chúa Giêsu và nghe Chúa dạy bảo. Có vài người đã bắt lỗi Chúa vì Người dám đồng bàn với những người mà họ cho là “quân tội lỗi.” Tuy nhiên, Đức Chúa Giêsu đã có sẵn câu trả lời: “Những người mạnh khỏe thì không cần đến thầy thuốc; chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, mà là để kêu gọi những người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Mt 9,12).
Sau khi Chúa Giêsu về trời, thánh Matthêu đã ở lại Palestina. Thánh nhân lưu lại đó ít lâu và rao giảng cho dân chúng nghe biết về Đức Chúa Giêsu.
Chúng ta rất quen thuộc với sách Tin mừng theo thánh Matthêu, cuốn sách mô tả câu chuyện về cuộc đời của Đức Chúa Giêsu và những điều Người dạy. Tin mừng này được linh hứng và được đặt tên là Tin mừng theo thánh Matthêu, nhưng chúng ta không chắc là thánh Matthêu có thực sự là tác giả viết đã cuốn sách này hay không. Trong sách Tin mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu được trình bày cho những người bản xứ Dothái như là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã tiên báo là sẽ đến để cứu giúp chúng ta.
Sau khi rao giảng Tin mừng cho nhiều người, thánh Matthêu đã tử đạo để làm chứng cho đức tin ngài rao giảng. 

11. Thánh Simon và Thánh Giuđa Tadeo:
Hai vị thánh tông đồ này được mừng kính chung một ngày.  Thánh Mác-cô gọi là Simon Nhiệt Thành, Thánh Luca gọi là Simon thuộc nhóm Quá Khích. Lý do vì ông thuộc một đảng phái chính trị: Họ là những người ái quốc cuồng nhiệt, họ là một nhóm người Do-thái tin tưởng ở sự độc lập của Ít-ra-en và không hợp tác với Rô-ma. Lần kia, thánh Simon được Chúa Giêsu gọi đi làm tông đồ và ngài đã dâng hiến trái tim cùng mọi năng lực của ngài để rao giảng Tin mừng. Với các tông đồ khác, Simon nhận được Chúa Thánh Linh trong ngày lễ Hiện Xuống đầu tiên. Sau đó, người ta nói là thánh nhân đã đến Ai Cập để rao giảng đức tin. Rồi, Simon tới Ba Tư cùng với tông đồ Giuđa, và cả hai cùng chịu tử đạo tại đây. Giả thuyết cho rằng Si-môn đã chịu chết trên thập giá. Chỉ có thể mô tả ông: một người quả quyết, hăng say, dám nghĩ, dám làm, một người nóng bỏng nhất trong các Tông Đồ.

Thánh Giuđa thường được gọi là Tađêô, nghĩa là “người can đảm.” Thánh nhân được biết tới vì câu hỏi ngài đặt ra cho Đức Chúa Giêsu trong Bữa Ăn Tối. Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” Và thánh Giuđa muốn biết: “Lạy Chúa, làm sao Chúa lại tỏ mình ra cho chúng con mà lại không tỏ cho thế gian?” Chúa Giêsu trả lời Giuđa: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy và ở trong người ấy” (Ga 14,23). Giu-đa đã trung tín đến cùng, Giu-đa rao giảng về Chúa đến cùng, Giu-đa rao giảng Lời Chúa hết sức nhiệt tình… Về cuối đời, ông rao giảng ở vùng Odessa, Arménia và Persia. Truyền thống cho rằng ông tử đạo ở Persia.

Thánh Giuđa đôi lúc cũng được gọi là “vị thánh của những trường hợp tuyệt vọng hoặc không thể.” Người ta hay cầu khẩn với thánh nhân khi sự việc dường như vô vọng. Thông thường Thiên Chúa nhận lời những ai cầu xin qua lời bầu cử của vị tông đồ yêu quý này. Hai vị thánh tông đồ Simon và Giuđa có những cá tính độc đáo và khác biệt nhau hoàn toàn, nhưng mỗi vị lại đều được Đức Chúa Giêsu rất mực yêu thương.  

12. Thánh Giuđa Itcariot : 
Người đã phản bội, nộp Chúa Giêsu cho người Do Thái, sau đó hối hận và đi treo cổ tự tử. Sau khi ông tự tử thì người thay thế Ông là Thánh Mathia. 

Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mathia là tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuđa trong nhóm 12. Chúng ta biết thánh Mathia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu “Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời” (c. 22).
Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh Chúa trở về Giêrusalem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết luận:
– “Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho sự sống lại của Chúa Giêsu”.
Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Matthia. Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng và nhập vào nhóm 12 tông đồ.
Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, đã ra đi rao giảng Phúc âm và hiến phần còn lại cho việc tông đồ, thánh Clementê, thánh Alexandria kể lại rằng: các giáo huấn của thánh Matthia tập chú vào nhu cầu phải hy sinh hãm dẹp xác thịt và những ước muốn lăng loàn. Đó là bài học quan trọng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và đem ra thực hành.
Nhiều sứ giả cho rằng thánh Matthia đi từ Giuđêa tới tận Ethiopie rao giảng và làm cho vô số người trở lại đạo. Sau ba mươi năm bị bách hại, nỗ lực và thành công, Ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô vào năm 63.
Theo dân Hy lạp, thánh Matthia đã mang Kitô giáo đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Côlehis. Và xác Ngài được đưa về Giêrusalem. Một phần các xương thánh vẫn còn ở đền thờ Đức Bà Cả, nơi thánh nhân đã làm nhiều phép lạ.

Nguồn: songtinmungtinyeu.org – Giáo xứ Duyên Lãng – Admin www.citytourdanang.  

Đọc thêm các tài liệu khác tại city tour đà nẵng:

1  Tham gia Group Tài liệu thuyết minh du lịch
2  Đăng ký kênh Youtube thuyết minh dành cho hướng dẫn viên
3  Ý nghĩa và biểu tượng cổng Tam Quan
4  Lịch sử hình thành 3 ngôi chùa Linh Ứng tại Đà Nẵng
5  Lịch sử chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn
6  Tài liệu Thuyết minh về tháp Xá Lợi
7  7 sự hiểu lầm về đạo Phật ở Việt Nam
8  Ý nghĩa số 7 trong đạo Phật (nằm giữa bài viết)
9  Bài thuyết minh về đại nội Huế
10  Download nhiều ebook lịch sử 
11   Lược sử về cuộc đời Phật Thích Ca.
12  Tam Thế Phật là ai và có ý nghĩa gì?
13   Những địa danh vùng miền bị thay đổi và sai lệch
14  Lịch sử thú vị của ngày lễ tình nhân
15  Tài liệu lịch sử về đảo Cù Lao Chàm
16   Tài liệu thuyết minh về sông Bến Hải – cầu Hiền Lương ở Quảng Trị
17  Tín ngưỡng thờ môn thần (thần giữ cửa) ở Hội An
18  Lịch sử về Rừng Dừa Bảy Mẫu tại Hội An
19  Tour Huế 1 ngày từ Đà Nẵng
20  Chuyện ăn uống của các vua Nguyễn
21  Chuyện phòng the của vua Nguyễn
22  Ý nghĩa của việc chắp tay trong đạo Phật
23  Thuyết minh về Bắc Đế Trấn Vũ tại Chùa Cầu Hội An
24  Lược sử đạo Thiên Chúa Giáo

Cảm ơn bằng cách click đánh giá bài viết:

Lượt xem: 33.878

Tin liên quan

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ

Thời gian:

Phương tiện:

Giá: Liên hệ