Cách đánh giá môn Tin học và Công nghệ lớp 3

Cô Trần Thị Quyên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP Hà Nội) - cho biết, việc kiểm tra, đánh giá với học sinh các khối 1, 2 và 3 được thực hiện theo quy định tại Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT.

Năm đầu tiên học sinh khối 3 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh. Cuối học kỳ I và cuối năm học, đối với các môn học bắt buộc có bài kiểm tra định kỳ.

Năm học này, Trường Tiểu học Yên Nghĩa có 8 lớp khối 3 với hơn 400 học sinh. Giáo viên của trường đã được tập huấn rất kỹ về sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá. Với hai môn bắt buộc là Tin học và Ngoại ngữ 1, nhà trường chủ động hợp đồng với giáo viên để bảo đảm quá trình giảng dạy. Hệ thống phòng máy, máy tính kết nối mạng Internet ở các phòng học lẫn phòng Tin học được quận đầu tư khá đầy đủ.

“Ngoại ngữ 1, Tin học và Công nghệ là môn bắt buộc từ lớp 3 nên học sinh được đánh giá giữa kỳ như các môn học khác. Đến cuối học kỳ I và cuối năm học, các em sẽ có bài kiểm tra định kỳ giống như môn Toán, Tiếng Việt” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa Trần Thị Quyên chia sẻ.

Cách đánh giá môn Tin học và Công nghệ lớp 3

Cô Hoàng Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành, những thông tin này, giáo viên Tiếng Anh sẽ trao đổi lại với giáo viên chủ nhiệm để nếu cần thiết có thể phối hợp với phụ huynh cùng nhắc nhở, đôn đốc việc học của các em. Theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh của Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài giáo viên đánh giá học sinh thì còn có thêm sự kết hợp cả học sinh tự đánh giá, nhận xét lẫn nhau. Vì vậy, nhà trường còn có quyển sổ tự nhận xét của cá nhân như là kênh thông tin tham khảo và để rèn ý thức tự giác cho trò.

Tuy không kiểm tra lấy điểm giữa kỳ nhưng trong quá trình dạy học, giáo viên đều có biện pháp để đo lường mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh. Tại Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), môn Tiếng Anh, trong mỗi tiết dạy, đều có nội dung để giáo viên kiểm tra kiến thức. Mức độ đạt được của học sinh với 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết cùng sự tiến bộ của mỗi em, giáo viên đều có đánh giá, nhận xét thông qua chấm, chữa bài tập, hay tương tác ở mỗi tiết học và có ghi lại vào sổ theo dõi.

Dựa trên đánh giá quá trình học kết hợp tự đánh giá, nhận xét lẫn nhau của học sinh, giáo viên sẽ có biện pháp giáo dục phù hợp. Chia sẻ điều này, cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cho rằng, không đợi đến bài kiểm tra cuối học kỳ I, giáo viên, phụ huynh mới đánh giá được mức độ tiếp nhận kiến thức của học sinh.

Với môn Tiếng Anh, dựa vào chuẩn đơn vị kiến thức của từng tuần, bài, giáo viên sẽ trao đổi thông tin với giáo viên chủ nhiệm mức độ mà học sinh đạt được so với yêu cầu. Những trường hợp dưới chuẩn kiến thức, kỹ năng hoặc thái độ học tập không tốt thì giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi lại với phụ huynh. Những thắc mắc cụ thể của phụ huynh, nếu có, sẽ được giáo viên bộ môn trao đổi hoặc hướng dẫn cách hỗ trợ cho con tự học tại nhà.

Trường Tiểu học Tiên Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) không thiếu giáo viên Tiếng Anh, Tin học nhưng lại gặp khó về cơ sở vật chất. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ngân cho hay, toàn trường năm nay có 90 học sinh khối 3, nhưng phòng Tin học của trường chỉ có 20 máy tính để bàn. Có hôm, học sinh phải 2 em dùng chung một máy tính để thực hành. Tuy gặp khó khăn nhưng nhà trường vẫn nỗ lực để bắt kịp tiến độ dạy học, kiểm tra đánh giá.

Về kế hoạch kiểm tra, đánh giá giữa học kỳ I, cô Ngân thông tin, nhà trường thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT. Giáo viên bộ môn sẽ căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về môn học, hoạt động giáo dục để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá của từng học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

Giáo viên chủ nhiệm căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên và các mức đạt được từ đánh giá định kỳ về từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của mỗi học sinh để tổng hợp và ghi kết quả đánh giá giáo dục của học sinh vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.

Nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn ở xã Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Manh hiện có 4 điểm trường với gần 500 học sinh; khoảng cách giữa điểm trường trung tâm với 3 điểm còn lại từ 15 – 22km. Toàn bộ 99 học sinh lớp 3 đều đã được dồn về điểm chính.

Phòng Tin học của trường chỉ có 22 máy tính để bàn, tạm đủ cho học sinh sử dụng để học tập và thực hành. Trường có 2 giáo viên được biên chế dạy kiêm luôn cả Tiếng Anh và Tin học tại điểm trung tâm. Mỗi tuần các em học 1 tiết Tin học, Tiếng Anh là 3 tiết. Mỗi giờ sẽ có 1 người dạy chính và 1 người hỗ trợ.

“Năm đầu tiên dạy chương trình mới, lại có Tiếng Anh, Tin học dạy bắt buộc với lớp 3, giáo viên của trường vẫn đang trong quá trình làm quen để cố gắng giảng dạy cho các em một số kiến thức, kỹ năng cơ bản. Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện vào cuối học kỳ theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT. Còn giữa học kỳ, giáo viên nhận xét học sinh qua kiến thức thu nạp được”, thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.

Tương tự, theo cô Hoàng Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Nhân Tông, TP Nam Định, các môn của khối 1, 2, 3 chỉ kiểm tra vào cuối học kỳ I và cuối năm học. Trường Tiểu học Trần Nhân Tông hiện có 1.250 học sinh, riêng khối 3 có 7 lớp với gần 300 em. Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên các môn Tin học, Tiếng Anh từ lớp 3 đều bằng nhận xét. Chỉ khi kiểm tra cuối kỳ, nhà trường mới áp dụng kết hợp cả bằng điểm số và nhận xét như các môn Toán, Tiếng Việt.