Cách để sáng tạo

Khi nói đến sáng tạo, chúng ta hay nghĩ đến những gì liên quan đến nghệ thuật, âm nhạc, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ các thứ. Tuy nhiên, thật ra bất kì ai trong chúng ta cũng cần sáng tạo sáng tạo sẽ giúp cho cuộc sống chúng ta bớt chán, cũng như giúp cho công việc và các dự án thêm phần mới mẻ và hiệu quả.

Có những người trong giới nghệ thuật, sáng tạo là một phần trong họ, tức là năng lực tự nhiên (đọc thêm bài này để xem mình có thuộc nhóm nghệ thuật hay không). Những người này thì không gặp khó khăn lắm trong việc sáng tạo và nghĩ ra những ý tưởng mới. Những người còn lại như chúng mình, có thể trong máu chưa có tố chất sáng tạo, nhưng có thể tập luyện được cái này. Có những phương pháp để giúp bản thân mình sáng tạo hơn, ví dụ điểm sáng tạo hiện tại là 1-2, sau khi tập luyện có thể lên được đến 3-4, như thế cũng là tốt lắm rồi.

Sáng tạo được hiểu đơn giản là khi chúng ta tạo ra một thứ mới: một ý tưởng, một suy nghĩ, một vật, một chương trình bất kỳ cái gì mới. Ngày xưa mình cứ nghĩ tạo ra cái mới tức là phải nghĩ nát óc ra một cái gì đó mà chưa ai làm bao giờ, tuy nhiên sau khi tốt nghiệp ngành Truyền thông chuyên nghiệp tại RMIT, mình rút ra được một kết luận mà bản thân rất tâm đắc đó là Creativity is a remix. Hiểu nôm na một cách đơn giản, sáng tạo không cần thiết phải là một thứ mới nguyên hoàn toàn, nó có thể đến từ việc kết hợp những thứ cũ lại với nhau. (Xem video TED Talk này để hiểu hơn về câu Creativity is a remix).

Nếu coi sáng tạo là một kỹ năng, để kỹ năng này giỏi hơn thì chúng ta cũng cần những phương pháp luyện tập cụ thể. Muốn giỏi tiếng Anh thì phải học ngữ pháp, từ vựng các thứ. Muốn giỏi thuyết trình thì phải học ngôn ngữ cơ thể, cách dùng từ, cách di chuyển trên sân khấu, vân vân. Vậy để nâng cao khả năng sáng tạo thì mình có một số gợi ý như thế này.

1/ Luôn ghi chép lại

Ghi chép lại mọi thứ đang diễn ra là thói quen mình đang làm mỗi ngày và thấy rất có ích cho việc duy trì sự sáng tạo. Như đã nói ở trên, sáng tạo đến từ việc kết hợp lại những điều sẵn có. Để suy nghĩ ra một ý tưởng sáng tạo có khi khó, nhưng nếu kết hợp lại được những suy nghĩ vụn vặt trong ngày, biết đâu chúng ta sẽ cho ra một thứ gì đó hay ho.

Vấn đề là, não người khác một cái máy tính ở chỗ, nó không ghi nhớ được hết tất cả mọi thứ. Trong khi đó, những ý tưởng hay ho, sáng tạo về cái này cái kia lại xuất hiện vào lúc bản thân mình ít ngờ nhất: đang tắm, đang đi vệ sinh, đang lái xe ngoài đường, trước khi đi ngủ chẳng hạn. Vậy nên, bản thân mình lúc nào cũng trang bị một cuốn sổ hoặc điện thoại bên cạnh, để mỗi khi một ý tưởng hay ho nảy lên, mình sẽ ghi lại ngay. Có thể hiện tại không dùng đến, nhưng sau này lôi ra đọc sẽ biến thành được cái gì đó thì sao.

10 ý tưởng mỗi ngày ghi ra giấy là một bài tập bạn có thể tập để kích thích sự sáng tạo. Ý tưởng này đến từ cuốn sách Choose Yourself của tác giả James Altucher. Đại ý là mỗi ngày bạn cứ ghi vào sổ 10 ý tưởng điên rồ mà bạn nghĩ ra, sau đó 1 tháng, 2 tháng bạn sẽ có 300-500 ý tưởng để có thể ngồi lắp ghép thành một điều gì đó có ích.

2/ Vẽ bậy

Có thể bạn đã biết (hoặc chưa), não trái của chúng ta tư duy logic, còn não phải thì tư duy nghệ thuật. Tức là khi tính toán này kia thì não trái dùng đến nhiều, khi cảm xúc này nọ thì não phải sẽ được lôi ra. Sự sáng tạo vì thế nằm ở não phải, chính vì vậy phải làm gì đó để kích thích não phải sáng tạo từ đó đẻ ra những ý tưởng mới.

Có một cách để kích thích não phải, đó là vẽ. Bạn có thể thấy ngoài thị trường hiện nay có những cuốn sách tập tô màu cho người lớn, là một công cụ rất tốt để xả stress cũng như kích thích não phải. Hoặc đơn giản bạn chỉ cần lấy ra một tờ giấy trắng và một cây bút, dành ra 10-15 phút mỗi ngày để vẽ bậy tự do, trong lúc vẽ bậy có ý tưởng nào đó hay ho thì bạn nhớ ghi lại nhé.

3/ Học một thứ gì đấy mà chưa từng học bao giờ

Sáng tạo cũng có thể được cải thiện từ việc mình ép bản thân mình phải học một cái gì đó mà bản thân không giỏi hoặc nằm ngoài vùng an toàn của bản thân. Ví dụ một lớp thanh nhạc, một lớp guitar, làm gốm, làm đồ gỗ. Hoặc là học một ngoại ngữ mới, học lớp nấu ăn chẳng hạn. Bất kỳ cái gì có chút yếu tố nghệ thuật, ngôn ngữ hoặc đụng chân đụng tay đều có thể kích thích được sự sáng tạo thêm của chúng mình.

4/ Đi bộ

Một phương pháp mà cá nhân mình cũng thấy rất hiệu quả đó là dành thời gian đi bộ. Khi đi bộ thì mình cố gắng để cho đầu óc thư giãn nhất có thể, tạm gạt ra khỏi đầu những suy nghĩ lo lắng về công việc, các mối quan hệ, vân vân. Chính những lúc không suy nghĩ như thế lại là lúc sẽ nảy ra trong đầu những thứ hay ho. Khi một thứ gì đó nảy ra, mình liền ghi ngay vào sổ hoặc điện thoại và tiếp tục đi bộ tiếp. Không phân tích, không nghĩ sâu hơn về nó, cứ tiếp tục đi bộ thôi.

5/ Viết 100 Từ

Viết 100 từ theo một nguyên tắc rất đơn giản: viết ngắn và viết nhiều. Mỗi khi bạn rảnh, hãy thử lôi điện thoại hoặc sổ ra viết về một chủ đề gì đó tùy chọn, cho bản thân tối đa 100 từ thôi, không dài hơn. Cái này sẽ rất hữu ích mỗi khi đang chờ xe bus, xếp hàng chờ cái gì đó.

Có một nhóm Viết 100 Từ do mình lập ra bạn có thể tham khảo tại: https://www.facebook.com/groups/viet100tumoingay/

6/ Bài kiểm tra 30 Vòng Tròn

Bài kiểm tra này dựa trên ý tưởng của nhà nghiên cứu Bob McKim, và được trình bày trong bài TED Talk Creativity and Play.

Bạn lấy một tờ giấy trắng và vẽ 30 vòng tròn lên đấy. Tiếp theo, trong 1 phút, bạn hãy tìm cách vẽ thêm làm sao cho các vòng tròn trở thành một hình thù gì đó ý nghĩa. Ví dụ, 1 vòng tròn là mặt trời, 1 vòng tròn khác là quả bóng đá, vân vân. Sau 1 phút, hãy đếm xem bạn đã trang trí được bao nhiêu trong số 30 vòng tròn ban đầu.

Kết quả thường là rất khó khăn để chúng mình hoàn thành cả 30 vòng tròn, vì tâm lý người lớn thường thích chỉnh sửa sao cho thật là đẹp. Nếu cho một đứa trẻ con chơi, thường sẽ có kết quả tốt hơn.

Các bài khác của Tuấn Anh: https://anhtuanle.com/articles/

Nếu bạn đọc cần Tuấn Anh hỗ trợ về hướng nghiệp và tìm việc, có thể đăng ký tại đây: http://bit.ly/tuvan-anhtuanle

Chia sẻ lại bài viết này:

  • Twitter
  • Facebook
  • Email
  • LinkedIn

Thích bài này:

Thích Đang tải...

Related