Cách nuôi thiên địch

Cập nhật, 12:00, Thứ Ba, 19/10/2021 (GMT+7)

Cách nuôi thiên địch
Đuông dừa gây thiệt hại cho vườn dừa nếu không phòng trừ, phát hiện kịp thời.

Bên cạnh dùng biện pháp hóa học, để bảo vệ vườn dừa trước bọ cánh cứng, thì biện pháp sinh học phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng được triển khai tại nhiều địa phương đã đem lại hiệu quả tích cực.

1.900ha dừa bị bọ cánh cứng gây hại

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV, Sở Nông nghiệp- PTNT), trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều loại dịch hại mới phát sinh, trong đó bọ cánh cứng là một trong những đối tượng dịch hại nghiêm trọng trên cây dừa.

Tuy nhiên, việc phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp hóa học rất kém hiệu quả và dễ dàng để lại dư lượng thuốc BVTV, ảnh hưởng đến chất lượng trái. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.900ha dừa bị bọ cánh cứng gây hại.

Bọ cánh cứng thường gây hại nặng vào mùa khô (do vào mùa khô cây thiếu nước, sinh trưởng kém hơn, nếu cây cùng lúc bị kiến vương gây hại, thiệt hại sẽ càng trầm trọng hơn). Vườn dừa non, ít chăm sóc bị hại nặng hơn vườn dừa già, chăm sóc, bón phân tốt.

Bọ dừa trưởng thành có thể sống đến 220 ngày, sợ ánh sáng, di chuyển thường vào ban đêm. Con cái đẻ trên 100 trứng, thành cụm từ 2- 5 trứng dính lại với nhau kết chặt trên bề mặt của lá dừa, trứng nở sau khi đẻ khoảng 5 ngày.

Khi thành trùng và ấu trùng, bọ cánh cứng tấn công bề mặt của lá non chưa mở. Quá trình gây hại của đuông dừa nguy hiểm vì rất khó phát hiện. Cây bị gây thiệt hại thường giảm năng suất, nếu không phát hiện kịp thời, cây bị nặng có thể chết.

Lên liếp trồng dừa được gần 5 năm, chú Nguyễn Minh Du (thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), cho hay: “Hiện phần lớn cây dừa tôi trồng đã cho trái, dù tôi thường xuyên phun thuốc, kiểm tra gốc cây nhưng một số vẫn bị đuông dừa ăn chết cây, năm nào cũng phải giặm lại”.

Sử dụng biện pháp sinh học

Cách nuôi thiên địch
 

Để chủ động phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã thực hiện nhân nuôi, phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng. Hiện Vũng Liêm có trên 4.300ha dừa, trong đó, có trên 3.300ha dừa cho trái.

Chị Lê Thị Phương Thúy- cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và BVTV, cho biết: Trong huyện có 17 xã trồng dừa với diện tích từ 200ha trở lên.

Thời gian qua, bọ cánh cứng hại dừa đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Việc áp dụng phương pháp sinh học phóng thích ong ký sinh và bọ đuôi kìm vàng được triển khai thực hiện giúp cân bằng hệ sinh thái, về lâu dài và diện rộng sẽ từ từ khống chế bọ cánh cứng hại dừa.

Cụ thể, trước khi thực hiện mô hình, tỷ lệ dừa nhiễm 74,3%, sau khi triển khai phóng thích 2 loài ong ký sinh, thả bọ đuôi kìm, phun nấm xanh định kỳ, đồng thời, hướng dẫn nhà vườn bón phân hữu cơ, vệ sinh cây dừa, không nên trồng với mật độ dày, không sử dụng thuốc BVTV trên vườn dừa, thì cây dừa phát triển tốt, hạn chế được bọ cánh cứng gây hại rất đáng kể.

Sau 6 tháng, tỷ lệ nhiễm giảm còn 25%, mỗi năm giảm được khoảng 6 lần phun thuốc phòng trừ bọ cánh cứng.

Áp dụng mô hình phóng thích bọ đuôi kìm từ năm 2019, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyền (xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm), cho hay: trồng hơn 1ha dừa nhưng bị thiệt hại nhiều do bọ cánh cứng. Sau một thời gian thực hiện, biện pháp sinh học này đã mang lại hiệu quả khá rõ rệt, giảm thiệt hại nhiều.

Theo ThS. Bành Ngọc Nghĩa- Phòng Kỹ thuật (Chi cục Trồng trọt và BVTV), việc nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm đã góp phần quản lý tốt bọ cách cứng hại dừa.

Theo dự báo vào mùa khô năm 2021- 2022, mức độ gây hại do bọ cánh cứng hại dừa có chiều hướng tăng.

Để bảo vệ vườn dừa, đơn vị sẽ tiếp tục nhân thả 2 đợt bọ đuôi kìm trong những tháng cuối năm nay. Ngoài ra, sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân thả thêm các đối tượng thiên địch khác.

Theo ngành chức năng, bên cạnh việc áp dụng biện pháp cơ học, việc sử dụng biện pháp sinh học trên cây dừa sẽ có hiệu quả lâu dài, an toàn với con người và không gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, nhà vườn cũng cần có biện pháp canh tác hợp lý như vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên kiểm tra vườn dừa, để mang lại hiệu quả cao, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Bọ đuôi kìm là loài thiên địch phổ biến trên cây dừa. Đây là loài có sức sống, thích nghi tốt với điều kiện ngoài tự nhiên. Việc nhân nuôi bọ đuôi kìm cũng đơn giản, thuận lợi cho nông dân, có thể tự nhân nuôi tại nông hộ.

Trong năm 2021, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tập huấn, phát động truyền thông “Sử dụng thiên địch để phòng chống dịch hại trên cây dừa”, thực hiện nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh, bọ đuôi kìm để quản lý bọ cánh cứng hại dừa trên địa bàn tỉnh. Đến cuối tháng 9, đơn vị đã nhân nuôi và thực hiện 2 đợt phóng thích bọ đuôi kìm và ong ký sinh trên vườn dừa tại các xã: Tân An Luông, Hiếu Nhơn, Trung An, Trung Ngãi (Vũng Liêm); Phú Thịnh, Tân Phú, Hòa Thạnh (Tam Bình); Xuân Hiệp (Trà Ôn). Tổng số lượng ong ký sinh phóng thích là 6.500 mummy (tương đương 195.000 ong ký sinh) và 6.500 con bọ đuôi kìm.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Trang trạng nhân giống côn trùng thiên địch thay thế thuốc trừ sâu ở Pháp. Video: AFP.

Hợp tác xã Saveol là nhà sản xuất cà chua lớn nhất của Pháp với sản lượng trung bình 74.000 tấn mỗi năm. Trong vài năm gần đây, tổ chức này đang đẩy mạnh mô hình nông trại không thuốc trừ sâu trước những lo ngại ngày càng tăng về tác động của hóa chất đối với con người và môi trường.

Để làm được điều này, Saveol đã xây dựng một trang trại nhân giống côn trùng thiên địch rộng tới 4.500 m2 bên ngoài xã Brest ở bán đảo Brittany, miền tây nước Pháp. Cơ sở hiện nuôi hai loại côn trùng chính là bọ xít mù Macrolophus và ong bắp cày siêu nhỏ. Chúng là thiên địch của các loài gây hại phổ biến trên cây cà chua như rệp và ruồi trắng.

"Hợp tác xã có kế hoạch mở rộng trang trại thêm 1.200 m2 trong năm nay. Phần mở rộng này sẽ được dùng để tăng cường nhân giống bọ xít mù Macrolophus, loài đang có nhu cầu ngày càng tăng", người đứng đầu Saveol Roselyne Souriau cho biết.

Tại trang trại của Saveol, những côn trùng thiên địch được nuôi trên cây thuốc lá, loài cùng họ với cà chua và cà tím. Chúng ăn trứng của sâu bướm. Khi thu hoạch, công nhân chỉ cần cắt ngọn cây và lắc mạnh để côn trùng rơi vào một cái phễu lớn, sau đó đóng gói chúng trong các hộp nhựa. Hàng tuần, các hộp nhựa chứa côn trùng thiên địch này sẽ được vận chuyển đến 126 cơ sở trồng trọt của Saveol.

Cách nuôi thiên địch

Công nhân thu hoạch bọ xít mù Macrolophus trên cây thuốc lá. Ảnh: AFP.

Mỗi năm, khoảng 10 triệu con Macrolophus và 130 triệu con ong bắp cày siêu nhỏ được nhân giống tại Saveol. Tổ chức này tuyên bố họ là hợp tác xã duy nhất ở châu Âu có cơ sở nuôi côn trùng thiên địch của riêng mình.

"Từ năm 2020, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng bất kỳ phương pháp xử lý hóa học nào", Francois Pouliquen, người có 8 ha tại trang trại Saveur d'Iroise thuộc mạng lưới hợp tác xã Saveol, nhấn mạnh.

Nhìn chung, việc sử dụng côn trùng ăn thịt để thay thế thuốc trừ sâu của nông dân Pháp đã tăng vọt. Theo Bộ Nông nghiệp, các cơ quan quản lý trong quý đầu tiên của năm nay đã phê duyệt 330 loài côn trùng mới làm phương pháp điều trị sâu bệnh gây hại trên cây trồng, tăng đáng kể so với con số 257 vào năm 2015.

Đoàn Dương (Theo AFP)

    Đang tải...

  • {{title}}

.

Cập nhật lúc: 00:21, 14/01/2021 (GMT+7)

Hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật độc hại để tiêu diệt các loại côn trùng hại cây là vấn đề được nhiều nông dân quan tâm. Hiện, người dân đang ưu tiên chọn các chế phẩm sinh học hoặc nuôi thiên địch để bảo vệ cây trồng. Câu chuyện thả loài nhện siêu nhỏ vào vườn làm thiên địch bảo vệ cây ớt chuông của nông dân Nguyễn Phong Phú (trú tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) là một ví dụ. 

Cách nuôi thiên địch
Sử dụng nhện làm thiên địch là cách nông dân Nguyễn Phong Phú bảo vệ hiệu quả vườn ớt chuông

Thiên địch là các loài sinh vật được sử dụng để diệt trừ các sinh vật gây hại, bảo vệ mùa màng. Thiên địch gồm nhiều loài động vật (như côn trùng, nhện, chim, rắn...) và vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, vi rut). Công dụng của thiên địch đã rất rõ ràng, bởi vậy nhiều nhà nông và cả các doanh nghiệp đang có xu hướng tìm cách phát triển thiên địch nhằm bảo vệ cây trồng, hạn chế tối đa thuốc bảo vệ thực vật để hướng tới phục vụ cung ứng rau, củ, quả an toàn.

Thực hiện mô hình nông nghiệp hướng hữu cơ trên tổng diện tích 5 ha vườn ở thị trấn Thạnh Mỹ, ông Nguyễn Phong Phú đặc biệt chú trọng đến các phương pháp sản xuất an toàn, thuận tự nhiên. Bởi vậy, trong tổng diện tích sản xuất của gia đình, ông đã dùng 2 ha để thiết kế trang trại, vườn cỏ chăn nuôi bò sữa, 2 ha nhà kính và 1 ha nhà lưới trồng các loại rau, củ, quả. Việc xây dựng khu sản xuất như vậy nhằm tạo nên vòng tròn khép kín theo hướng hữu cơ. Theo đó, nguồn phân hữu cơ từ việc nuôi bò sẽ được sử dụng bón cho vườn cỏ và các loại cây trồng. Riêng với 1 ha diện tích nhà kính trồng rau, củ, quả, nông dân Nguyễn Phong Phú đã dùng 4.500 m2 trồng ớt chuông công nghệ cao. Điều đặc biệt, để chống lại các côn trùng gây hại, ông Phú không dùng thuốc bảo vệ thực vật như các nhà vườn khác mà sử dụng loài nhện có kích thước rất nhỏ để làm thiên địch. Theo nông dân Nguyễn Phong Phú: “Hiện gia đình đang sử dụng nhện Ambly để khống chế các loại nhện hút nhựa cây, bọ trĩ, bọ phấn và dùng nhện Phyto để khống chế loài nhện đỏ gây hại. Ngoài ra, gia đình cũng dùng một loài côn trùng thiên địch để loài này sống ký sinh trên rầy thân mềm nhằm tiêu diệt loài rầy gây hại này”. Ambly là nhện bắt mồi có khả năng kiểm soát bọ trĩ, có thể ăn nhện hai chấm cũng như các loại côn trùng gây hại khác. Con trưởng thành có màu nâu đỏ, dài dưới 0,5 mm, trứng tròn, trong suốt, đường kính 0,14 mm. Chu kỳ sống hoàn chỉnh mất từ 10-12 ngày ở nhiệt độ 20-25 độ C. Nhện Ambly sẽ tìm và bắt, sau đó hút kiệt con mồi. Nhện Phyto trưởng thành có màu cam đỏ, con non có màu cam nhạt, chân dài, thân hình quả lê. Điều kiện tối ưu trong việc áp dụng là ở nhiệt độ từ 20-27 độ C, độ ẩm 60-90%. Con trưởng thành sẽ tìm kiếm một cách tích cực con mồi như nhện hai chấm rồi bắt và hút kiệt con mồi.

Ông Nguyễn Phong Phú cho biết thêm: “Riêng đối với cây ớt chuông thường xuất hiện các côn trùng gây hại khó phòng ngừa như nhện đỏ, bọ trĩ, bọ phấn. Hơn nữa, đây là những côn trùng có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, mức độ gây hại cho cây trồng rất lớn. Trường hợp cây bị nhện đỏ chích hút sẽ dẫn đến suy kiệt rất nhanh và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản. Nếu không có thiên địch, người làm vườn phải sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật mới có thể phòng trừ được các côn trùng gây hại. Đặc biệt, các côn trùng này nhỏ, mắt thường khó thấy nên chỉ đến khi cây bị hư hỏng thì mới phát hiện nên việc khống chế rất khó khăn, tốn tiền của”.

Đối với cây ớt chuông, ông Phú bắt đầu thả thiên địch từ khi cây ra hoa và để thiên địch tự phát triển. Tuy nhiên, để thiên địch phát triển được ở vườn, gia đình ông Phú phải tuân thủ quy tắc không sử dụng bất kỳ thuốc bảo vệ thực vật nào khác. 

Mô hình dùng nhện thiên địch ở vườn ớt của gia đình ông Nguyễn Phong Phú được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ thực hiện. Đến nay, việc áp dụng thiên địch đã bước qua tháng thứ 4. Theo đánh giá của chủ vườn “Lượng côn trùng gây hại trên cây trồng đã giảm đến 80%. Lá cây bóng mượt, cây phát triển tốt và cho trái rất đều đặn”. 

Qua thực tế việc sử dụng thiên địch tại vườn sản xuất của nông hộ Nguyễn Phong Phú, bà Nguyễn Thị Thùy, kỹ sư nông nghiệp, Phòng kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khẳng định, việc dùng nhện thiên địch trên vườn ớt chuông đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Các loài côn trùng thiên địch phát triển rất tốt và khống chế được nhiều côn trùng gây hại khó phòng trừ như bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn, các loại rệp và một số côn trùng ở dưới đất. Côn trùng gây hại trên lá, hoa, thậm chí cả rễ cây đều được khống chế đến 80%. Thả thiên địch nên chủ vườn không phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đây là mô hình phù hợp với xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ.  

Cũng theo bà Thùy, sử dụng các thiên địch này, nhà vườn giảm được 40-50% so với chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Nếu tính trên đơn vị diện tích 1.000 m2 thì bà con tiết kiệm được 10 triệu đồng. Việc thả thiên địch trên 1.000 m2 ớt chuông là khoảng 8 triệu đồng/đợt và một vụ ớt (9 tháng) sẽ chỉ thả thiên địch 4 đợt. Trong khi đó, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, với 1.000 m2 thì mỗi tháng chủ vườn phải chi gần 5,5 triệu đồng. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể để lại dư lượng thuốc trên sản phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ảnh hưởng đến môi trường.

NGỌC NGÀ