Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh là gì

Tháng 11-1946, thực dân Pháp tăng thêm quân, đổ bộ lên Đà Nẵng, Đồ Sơn, Cát Bà. Để thực hiện chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”, sau khi nổ súng ở Hải Phòng và Lạng Sơn (20-11-1946), chúng ráo riết chuẩn bị lực lượng hòng đánh úp các cơ quan đầu não của ta tại thủ đô Hà Nội, tiêu diệt bộ đội Vệ quốc quân và Tự vệ tại các thành phố lớn, đồng thời đánh chiếm những địa bàn chiến lược ở Trung Bộ và Bắc Bộ.

Đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tại Hà Nội, với tinh thần: “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Vệ quốc quân, Công an xung phong, tự vệ đã chiến đấu rất dũng cảm. Nhiều trận đánh diễn ra rất quyết liệt ở khu vực Bắc Bộ Phủ, nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân... Chỉ trong hai tháng chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, phá huỷ hơn 100 xe, bắn rơi và phá huỷ 5 máy bay. Cùng với Hà Nội, quân và dân ta ở nhiều thành phố, thị xã khác cũng tiến công vây hãm quân địch. Tại Vinh, ta buộc một trung đội lính Pháp đầu hàng; ở Nam Định, ta vây hãm quân địch 90 ngày đêm, diệt 400 tên; ở Huế, cuộc chiến đấu kéo dài 50 ngày, 200 tên địch bị tiêu diệt; ở Đà Nẵng, gần một vạn quân Pháp bị vây hãm trong 90 ngày và hàng trăm tên bị tiêu diệt...

Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh là gì
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. (ảnh tư liệu)

Cuộc chiến đấu của quân và dân ta chủ động vây đánh địch trong các thành phố đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu và kế hoạch của thực dân Pháp hòng đánh úp cơ quan đầu não của ta tại Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang ta ở các thành phố lớn. Ta đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch dài ngày trong các thành phố, tạo điều kiện cho cả nước bước vào kháng chiến lâu dài.

Đầu năm 1947, có thêm viện binh, thực dân Pháp mở nhiều cuộc tiến công lớn, đánh ồ ạt ở Trung Trung Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, đường số 5 và đồng bằng Bắc Bộ hòng nhanh chóng mở rộng chiếm đóng ra cả nước. Chiến sự diễn ra trên gần 30 tỉnh ở Bắc bộ và Trung Bộ. Quân và dân các tỉnh nơi quân Pháp đánh rộng ra đã kiên quyết chặn đánh, tiêu hao sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, giữ gìn, phát triển lực lượng ta. Phối hợp với tiếng súng kháng chiến ở Bắc Bộ, Trung Bộ, quân và dân Nam Bộ đã mở các cuộc tiến công, quấy rối, phong toả, phá hoại, đánh vào phía sau lưng địch, đồng thời kiên quyết ngăn chặn âm mưu địch lợi dụng tôn giáo, chia rẽ hàng ngũ kháng chiến. Chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của giặc Pháp bước đầu bị thất bại. 

Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc. Khu giải phóng trước Cách mạng Tháng Tám trở thành trung tâm chỉ đạo cả nước kháng chiến.

Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp muốn kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của chúng bằng chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh”. Chúng đã huy động hơn hai vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở chiến dịch bất ngờ tiến công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc “chớp nhoáng” cuộc chiến tranh xâm lược. Thế nhưng, sau hơn hai tháng chiến đấu (7-10 đến 20-12-1947), ta đã loại khỏi chiến đấu hàng nghìn tên địch, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 50 tàu, ca nô, phá huỷ 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng các loại. Đây là chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang một thời kỳ mới. 

(Còn nữa)

Theo Tổng cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam

Từ mùa xuân 1947, khi các doanh trại binh lính Pháp ở Huế được giải vây, trận chiến trong các khu phố cổ Hà Nội đã kết thúc thì các sĩ quan cấp cao quân Pháp bắt đầu lên các kế hoạch quân sự nhằm mở rộng vùng tạm chiếm. Trong lúc đó, cựu Hoàng đế Bảo Đại đã chạy sang Hồng Công cư trú và tuyên bố sẵn sàng thăm dò những con đường hòa bình và thỏa hiệp với Pháp.

Ngày 5/7/1947, ông ta lên tiếng trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Nếu toàn dân Việt Nam đặt lòng tin vào tôi, tôi sẽ sung sướng trở về Đông Dương. Tôi không ủng hộ, cũng không chống lại Việt Minh. Tôi không thuộc một đảng phái nào”. Phía Pháp cũng quyết định sử dụng con bài chính trị này.

Và sau nhiều lần tranh cãi, bất đồng ý kiến giữa các thành viên trong chính phủ, tháng 8/1947, tướng Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp Valluy đã trình bày với Chính phủ Ramandier về một “kế hoạch tấn công đại quy mô” nhằm tiêu diệt chủ lực Việt Minh; vô hiệu hóa, thậm chí bắt sống cả Chính phủ Hồ Chí Minh để có thể tạo sức ép với Bảo Đại nhằm “tiến hành thành lập một chính phủ được Pháp công nhận và cùng chống lại các lãnh tụ Việt Minh phản loạn”; khóa chặt biên giới Việt - Trung.

Tháng 9/1947, 2 vạn quân Pháp được gấp rút tăng viện sang Việt Nam, gồm cả quân dù và lính Bắc Phi. Tướng Salan được cử làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Bắc Đông Dương và ông ta bắt đầu tiến hành các chuyến thị sát bằng máy bay trên vùng biên giới phía bắc.

Ngày 20/9/1947, Pháp mở cuộc tấn công nghi binh ở Tây Bắc, kéo dài từ Nghĩa Lộ đến tận Phong Thổ, Lào Cai. Trước động thái này của địch, Bộ Tổng tư lệnh của ta đã giao nhiệm vụ tác chiến cho các khu Bắc Bộ trong trường hợp địch đánh lên Việt Bắc.

Những đơn vị chủ lực bắt đầu lên đường chuẩn bị đánh kiềm tỏa địch theo các hướng dự kiến của ta là: Thái Nguyên - Phúc Yên - Tuyên Quang. Quân ta cũng tiến hành tiêu thổ kháng chiến, dỡ bỏ nhà cửa trong các thị xã, phá đường giao thông, thực hiện quân sự hóa các cơ quan và chuẩn bị phân tán, di chuyển...

Kế hoạch tấn công lên Việt Bắc bao gồm hai cuộc hành binh của hơn 2 vạn quân, đủ các quân chủng hải, lục, không quân, mang mật danh Lea và Cloclo tạo thành hai gọng kìm của Binh đoàn B (do Beaufre chỉ huy) xuất phát từ hướng đông kéo dài 420km lên tận Cao Bằng rồi vòng xuống hợp với Binh đoàn C (do Communal chỉ huy) xuất phát từ Hà Nội dài 270km, đánh lên Tuyên Quang, bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc bao gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Hai gọng kìm dự kiến sẽ hội quân tại Đài Thị vào ngày 13/10.

Tuy phía ta đã chuẩn bị trước nhưng vẫn bất ngờ vì địch tấn công vào địa điểm đầu tiên ngoài dự kiến: Thị xã Bắc Cạn, nơi ta có Ty Ngân khố,  cơ sở in giấy bạc, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, một bộ phận dự bị Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng khác.

Tướng Salan coi cuộc hành binh Lea là đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù” nên ông ta trực tiếp ngồi trên máy bay chỉ huy cuộc tấn công này.

Vào lúc 8h15’ và 10h sáng ngày 7/10/1947, quân Pháp đã nhảy dù hai đợt đánh chiếm thị xã Bắc Kạn vì tin rằng đây chính là thủ đô chính trị mới của ta.

Một số cán bộ cao cấp của ta như Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, bị kẹt ở thị xã, phải rút xuống hầm, chờ trời tối mới thoát ra ngoài.

Lúc 11h35’ cùng ngày, viên quan ba Sovagnac chỉ huy binh đoàn quân đổ bộ đường không báo cáo qua vô tuyến điện rằng: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh!”. Tướng Salan vội báo tin mừng cho Cao ủy Bollaert!

Nhưng người bị bắt là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Do nói tiếng Pháp rất tốt. Cụ Tố đã nhờ Sovagnac chuyển tới Salan một bức điện có đoạn: “Đề nghị ngài ra lệnh trả lại tự do cho tôi để tôi cùng với ngài đàm phán về các điều kiện đình chiến... Ký tên: Hồ Chí Minh”. Về sau quân Pháp biết là nhầm đã bắn cụ khi cụ tìm cách chạy thoát. 

Cụ Tố đã hy sinh thân mình để làm chậm bước tiến quân địch, đồng thời nghi binh để các cơ quan của ta kịp sơ tán.

Tuy gây một số thiệt hại cho ta về kho tàng, cơ sở vật chất và thu được 10 triệu đồng bạc Việt Nam tại Bắc Kạn nhưng mục đích chính của quân đội Pháp là chụp bắt cơ quan đầu não Việt Minh không thực hiện được.

Ngay sau khi nghe Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Nước Pháp không đủ sức để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Chúng phải cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bollaert đưa Bảo Đại về, tìm cách kết thúc chiến tranh. Dù Valluy có huy động được cả 2 vạn quân vào cuộc tấn công này thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, với tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa, cũng không có gì đáng ngại”.--PageBreak--

Ngày 8/10, quân Pháp chiếm Chợ Đồn. Ngày 9/10, chúng nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng. Ngày 10/10, 35 tàu chiến Pháp từ Hà Nội ngược sông Hồng đi lên và trên đường số 4 quân Pháp kéo đến Thất Khê.

Tình hình gấp rút nhưng ngày 10/10, Bác vẫn tới dự lễ bế mạc lớp bổ túc trung cấp quân đội, Người căn dặn: “Người cán bộ muốn tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công. Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”.

Ngày 11/10, Hồ Chủ tịch chủ tọa cuộc họp Hội đồng Chính phủ (HĐCP) ở xã Đình Cả, trong châu Vũ Nhai, thuộc Bắc Sơn giữa tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá.

Cuộc họp bàn một vấn đề duy nhất là chia Chính phủ thành 5 đoàn, một đoàn ở lại giữ căn cứ, còn bốn đoàn kia gọi là Phái đoàn kinh lý tỏa đi về các tỉnh vừa tuyên truyền cho cuộc kháng chiến, vừa tránh những gọng kìm càn quét của địch.

Bác rút trong ống nứa đeo bên mình ra những tờ quyết định tự tay Người đánh máy, ký và đóng dấu son. 12h trưa, Bác mời mọi người ăn cơm rồi mới chia tay. Toàn thể thành viên Chính phủ biểu thị quyết tâm và niềm tin vào thắng lợi.

Ngày 12/10, bộ binh Pháp đến thị xã Cao Bằng còn tàu chiến, canô của chúng lên tới Tuyên Quang nhưng dọc đường bị quân ta tập kích liên tục.

Ngày 13/10, đài phát thanh của địch bắt đầu loan tin về những địa điểm đã bị quân đội Pháp chiếm và khuếch trương thắng lợi ầm ĩ.

Ngày 14/10, buổi chiều, Thường vụ Trung ương họp có Hồ Chủ tịch tham dự thông qua kế hoạch “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” nhằm phân tán 2/3 bộ đội chủ lực về địa phương cùng dân quân du kích đánh địch, còn các trung đoàn và tiểu đoàn bố trí ở các địa bàn trọng yếu để tiêu hao và bẻ gãy dần hai gọng kìm của địch.

Bác phát biểu kết thúc Hội nghị: "Tình hình cực kỳ rối ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn sớm kết thúc chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tấn công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này chúng không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta”.

Theo kế hoạch, Hồ Chủ tịch và Thường vụ Trung ương sẽ ở lại ATK, nhưng trước mắt chuyển lên vùng núi cao và khi cần thiết sẽ chuyển tới nơi an toàn hơn về phía bản Cóc.

Ngày 15/10, đề phòng địch nhảy dù bất ngờ, Bác từ Điềm Mạc lên Khuôn Tát. Đến chỗ mới, thu dọn bố trí xong, Bác nói anh em bảo vệ đi gặt giúp dân.

Ngày 17/10, Salan viết báo cáo gửi Bộ Tổng chỉ huy Pháp: “Con đường tiếp tế chính nối liền Việt Minh với Trung Quốc đã bị cắt đứt. Sự tan rã của căn cứ quốc gia Việt Minh bắt đầu nghiêm trọng ở khu vực đông bắc. Quân Pháp đang ở thế tiếp tục càn quét mạnh và làm tan rã căn cứ”. Nhưng đây cũng là sự lạc quan cuối cùng của ông ta.

Hai gọng kìm trên lý thuyết trải quá dài nên không thể bao vây triệt để được và địa hình, khí hậu cùng với cách đánh du kích liên tục, dai dẳng của ta khiến cuộc hội quân Pháp bị muộn so với kế hoạch.

Ngày 22/10, đồng chí Võ Nguyên Giáp gửi thư hỏa tốc báo tin địch sẽ nhảy dù xuống một số địa điểm để càn quét vùng Thái Nguyên - Bắc Kạn - Đài Thị - Chợ Chu. Đội bảo vệ đưa Hồ Chủ tịch lên núi cao hơn. Đường lên bản Cóc rậm rạp, hiểm trở, Bác phải bỏ ngựa lại, nhiều đoạn phải rẽ lau mà đi, đây là nơi vùng cao có nhiều đồng chí người Dao trung kiên chờ đón Bác.

Trên toàn tuyến mặt trận, các đơn vị của ta tiếp tục vận động và tấn công ở mọi địa bàn, trọng điểm đường bộ và đường thủy như đường số 3, số 4, sông Lô, gây cho địch những tổn thất nghiêm trọng.

Ngày 23/10, tàu chiến và canô địch bị ta bắn cháy ở Khoan Bộ. Ngày 24/10, địch lại bị tấn công ở Đoan Hùng. Ngày 30/10, quân cơ giới địch bị phục kích và thiệt hại nặng ở bản Sao, đèo Bông Lau.

Đến tận 31/10, hai gọng kìm của quân Pháp vẫn chưa gặp nhau được. Salan cùng Cao ủy Bollaert nhiều lần bay thị sát chiến trường và rút ra kết luận rằng: Quân Pháp chiếm được một số thị xã, thị trấn nhưng lực lượng bị dàn mỏng tại những vị trí cô lập quá xa nhau nên thường xuyên bị tấn công, tuy phá hủy được một vài kho tàng nhưng không phải mục tiêu chủ yếu; quân Pháp bị thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện và chỉ dựa vào tiếp tế đường không vừa tốn kém, vừa khó khăn vì không đủ máy bay.

Lúc 1h sáng ngày 3/11, Hồ Chủ tịch đến vùng rừng núi kỳ khu hiểm trở của đồng bào dân tộc Thổ để chuẩn bị chương trình nghị sự của Hội đồng Chính phủ (HĐCP). Sau bữa trưa, 13h, cuộc họp bắt đầu, lần này chỉ có 9 thành viên vì nhiều tuyến đường bị nghẽn. Cụ Phan Kế Toại tuyên thệ nhậm chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến 22h, cuộc họp giải tán sau khi đã ấn định nhiệm vụ của hai phái đoàn Chính phủ và chỉ định một Ủy ban thảo văn bản hành chính đại cương để huấn luyện cán bộ hành chính sau này.--PageBreak--

Hai ngày 9 và 10/11, Bác tiếp tục dự họp HĐCP, nghe báo cáo về tình hình thế giới, tình hình nước Pháp, tình hình cuộc tấn công của Pháp lên Việt Bắc và bàn kế hoạch công tác quân sự, tài chính. Ngày 10/11, pháo binh ta thắng lớn trên sông Gâm và bộ binh thắng giòn giã ở Khe Lau.

Ngày 17/11, nhận được tin tình báo khẩn cấp, khoảng 3h sáng, Hồ Chủ tịch ra lệnh rời cơ quan đi làng Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Lần này  phải đi gấp cả ban ngày, đêm nghỉ tạm ở một cái lều gần bìa rừng.

Ngày 19/11, công an và tự vệ đánh địa lôi diệt nhiều địch ở Tuyên Quang. Ngày 20/11, ta lại thắng trận ở La Hoàng. Cùng ngày, Bác chuyển đến ở và làm việc tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên.

Lúc này, hai gọng kìm của địch vẫn chỉ ở hai bên sườn khu căn cứ địa: Binh đoàn C tập trung tại Tuyên Quang, Binh đoàn B dồn về Bắc Kạn. Vì cả đường bộ và đường không đều bị uy hiếp mạnh, tiếp tế khó khăn nên Bộ chỉ huy Pháp lựa chọn hai phương án: đánh một trận lớn vào khu căn cứ chính của ta hoặc rút lui. Cuối cùng thì "tẩu vi thượng sách".

Vào 2h sáng ngày 21/11, Binh đoàn C bí mật rời thị xã Tuyên Quang, chia làm hai bộ phận xuôi sông Lô và rẽ sang Bình Ca. Ngày 22/11, Binh đoàn B rút từ Bắc Cạn về Chợ Mới, bỏ xe đi bộ về Thái Nguyên.

Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh là gì
Các chiến sĩ pháo binh sông Lô trong chiến dịch Thu Đông 1947.

Ngày 26/11, Pháp cử thêm hai cánh quân từ Phả Lại và Hà Nội lên Phủ Lạng Thương và Vĩnh Yên để đón và yểm trợ cho hai binh đoàn đang rút lui. Quân Pháp rút vội vã nhưng trang bị vẫn mạnh và rất cảnh giác đề phòng bị tấn công. Ban đêm chúng đốt lửa một chỗ nhưng ở một chỗ, nhiều  binh lính Pháp đội nón lá, mặc quần áo giả làm dân địa phương.

Tuy vậy quân ta vẫn kiên trì truy kích, tập kích tiêu diệt địch trên từng chặng đường như trận Phủ Thông ngày 30/11, trận Đèo Giàng ngày 15/12, khiến cho cánh quân B  mỗi ngày chỉ “bò” được 5km còn cánh quân C bị tiêu diệt nhiều tên dọc đường. Các thị xã, thị trấn như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đáp Cầu, Việt Trì, Vĩnh Yên, Phủ Yên lần lượt được giải phóng.

Ngày 29/11, Hồ Chủ tịch lại chuyển về làm việc tại Khuôn Đào, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Ngày 4/12, Bác chuyển đến Khuổi Tẩu, xã Hùng Lợi, làng Chưng, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.

Ngày 19/12, cuộc tấn công tiêu diệt quân Pháp ở Việt Bắc kết thúc đúng kỷ niệm một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến.

Ngày 22/12, trong khi quân và dân ta tổ chức duyệt binh mừng thắng lợi tại thị xã Tuyên Quang thì đám tàn quân Pháp rút qua cầu Đuống về Hà Nội gánh theo thất bại nặng nề: 3.000 quân chết, 3.000 quân bị thương, 270 quân bị bắt, 16 máy bay bị bắn rơi, 255 xe cơ giới bị phá hỏng, 11 tàu chiến và canô bị đánh chìm, 100 pháo, cối và hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng bị quân ta thu hồi.

Chiến thắng Việt Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước. Từ mọi miền, các chiến trường, thư và điện chúc mừng liên tiếp gửi về Trung ương. Đài Phát thanh và báo chí ta tuyên truyền rộng rãi ý nghĩa của chiến thắng, khẳng định quân và dân ta đã đánh thắng cuộc tiến công chiến lược đầu tiên, lớn nhất và đầy tham vọng của quân đội viễn chinh Pháp khiến cho ý đồ đánh nhanh - thắng nhanh của địch hoàn toàn phá sản.

Thất bại của quân đội Pháp không phải chỉ ở số lượng binh lính bị tiêu diệt hay các thiệt hại nặng nề về phương tiện chiến tranh, mà còn vì không thể chụp bắt được cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Gánh nặng tâm lý này đã khiến chúng không dám nghĩ đến chuyện tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc lần thứ hai.

Sau chiến thắng Việt Bắc, vùng tự do của ta không ngừng phát triển, ngoài 6 tỉnh căn cứ địa có 3 tỉnh Liên khu IV, 4 tỉnh Liên khu V dọc bờ biển miền Trung cùng các căn cứ địa Dương Minh Châu, chiến khu Đ, Đồng Tháp Mười trở thành những trung tâm kháng chiến của cả nước theo đúng phương châm "Toàn dân - Toàn diện - Trường kỳ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đỗ Hoàng Linh