Chữ ký số dùng trong thanh toán điện tử năm 2024
Cán bộ Cục Thuế tỉnh rà soát, kiểm tra quy trình nộp thuế điện tử có sử dụng chữ ký số của người nộp thuế trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Lượng Khoản 6, Điều 3 Nghị định 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số nêu: Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác. Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa; sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên. Như vậy, có thể hiểu chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra trên công nghệ mã hóa công khai, có giá trị như chữ ký tay của mỗi cá nhân hoặc con dấu của tổ chức, DN và được thừa nhận, đảm bảo về tính pháp lý khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. Chữ ký số giữ vai trò quan trọng trong việc xác thực danh tính của người ký, đảm bảo về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia ký kết văn bản hay giao dịch điện tử. Trong khi chữ ký tay có khả năng bị giả mạo rất lớn thì việc giả mạo chữ ký số gần như là bất khả thi, bởi nhiều đặc điểm nổi bật như tính xác thực; tính bảo mật; tính toàn vẹn; tính chống chối bỏ. Thực tế hiện nay, chữ ký số đã và đang được sử dụng phổ biến trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống như tài chính; ngân hàng; ký kết hợp đồng giao dịch điện tử; ký kê khai thuế; ký phát hành hóa đơn điện tử... Đơn cử trong lĩnh vực ngân hàng, với việc ứng dụng chữ ký số, các ngân hàng có thể xác minh danh tính của khách hàng khi họ thực hiện các giao dịch trực tuyến, mở tài khoản mới hoặc truy cập vào hệ thống các dịch vụ trực tuyến... Ngoài ra, các ngân hàng cũng có thể thỏa thuận với khách hàng để sử dụng chữ ký số làm phương thức xác thực cùng mật khẩu đăng nhập, kết hợp với mã xác thực (mã OTP) trong các giao dịch trực tuyến. Với nhiều tiện ích, chữ ký số giúp cho các DN có thể thực hiện được những giao dịch từ xa nhanh chóng và tin cậy mà không cần có mặt tại văn phòng hoặc gặp gỡ đối tác trực tiếp, giúp DN rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và một số nghiệp vụ như ký kết hợp đồng; chứng từ kế toán; báo cáo kế toán; báo cáo quản trị... Từ đó nâng cao tính cạnh tranh, tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính, sử dụng chữ ký số sec tiết kiệm chi phí, thời gian luân chuyển trong hoạt động quản lý công văn, giấy tờ, thư điện tử; đẩy nhanh việc truyền dữ liệu, thông tin qua mạng internet trong khi vẫn đảm bảo độ an toàn và bảo mật thông tin. Đồng thời, người dùng còn có thể thực hiện ký nhiều tài liệu cùng lúc ngay cả trên thiết bị di động thông minh, thiết lập luồng ký kết, phân quyền xem và ký kết cho các phòng ban, đối tượng cụ thể... Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, kế toán Trường mầm non Tân Đồng, xã Đạo Trù (Tam Đảo) cho biết: “Dịch vụ chữ ký số mang lại rất nhiều tiện lợi cho các tổ chức, đơn vị cũng như cá nhân. Nếu như trước đây, cán bộ kế toán mất nhiều thời gian, công sức để in hàng loạt tài liệu, giấy tờ, chờ đợi chuyển phát hoặc phải đến gặp và báo cáo trực tiếp quy trình nghiệp vụ kế toán... thì giờ đây, chữ ký số đã giúp loại bỏ tất cả những bất cập đó. Tất cả các loại hồ sơ, chứng từ kế toán, bảng lương, sổ sách bảo hiểm, kê khai thuế thu nhập cá nhân... của nhà trường đều thực hiện dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện trên môi trường internet và được ký số”. Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nhân lực, nguồn lực, từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng số trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương và phục vụ ngày càng tốt hơn đời sống người dân. Đến nay, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, 100% văn bản đi, đến luân chuyển trên phần mềm trong đó tỷ lệ ký số trên phần mềm đạt 99%. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 15.140 chữ ký số công cộng (gần 9.700 chữ ký số của công ty, DN; gần 5.500 chữ ký số cá nhân) do VNPT Vĩnh Phúc, Viettel Vĩnh Phúc cung cấp cho người dân và DN sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện các giao dịch điện tử. Bên cạnh những mặt thuận lợi thì việc triển khai thực hiện chữ ký số tại các tổ chức, đơn vị, địa phương trong tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn, nhận thức của người dân về dịch vụ này vẫn chưa được nâng cao, đã ảnh hưởng việc hướng đến công dân số và lộ trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quản lý, triển khai ứng dụng chữ ký số. Cùng với đó, các nhà mạng trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa thuê bao di động, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển thị trường dịch vụ chữ ký số công cộng phục vụ DN, người dân. Từng bước tăng tỷ lệ người dân dùng chữ ký số để giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử Quốc gia, hướng đến phát triển các nền tảng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. |