Có nên nhỏ thuốc vào tai

Thuốc nhỏ tai dùng thế nào cho đúng?

Một bé gái 12 tuổi bị điếc nặng vĩnh viễn hai tai sau khi dùng... thuốc nhỏ tai.\r\nMột bệnh nhân bị đau tai, nghe lời bạn bẻ ống thuốc gentamyxin nhỏ tai vài ngày, và sau đó... chẳng nghe thấy gì.\r\n

Một bé gái 12 tuổi bị điếc nặng vĩnh viễn hai tai sau khi dùng... thuốc nhỏ tai.
Một bệnh nhân bị đau tai, nghe lời bạn bẻ ống thuốc gentamyxin nhỏ tai vài ngày, và sau đó... chẳng nghe thấy gì.
Cháu bé đi bơi về nhà kêu ù và đau tai, mẹ mua thuốc về tự nhỏ cho cháu, vài giờ sau, cháu đau tai dữ dội, sốt cao...
Đó mới chỉ là một vài tình huống có thật mà bác sĩ đã kể cho tôi sau một lần đến khám tai. Thế mới biết dùng thuốc nhỏ tai cũng là chuyện không hề đơn giản như ta từng nghĩ.
Tai là cơ quan phụ trách một trong năm giác quan của con người, đem lại cảm nhận về thế giới âm thanh, về lời nói - yếu tố làm cho con người khác hẳn các loài động vật khác. Ngoài chức năng nghe, tai còn có một nhiệm vụ khác mà ít người biết tới, đó là giúp cơ thể xác định được vị trí của mình trong không gian và do đó giữ được thăng bằng. Hai chức năng quan trọng này được đảm nhận bởi những cấu trúc cực kỳ tinh xảo của tai, tuy nhiên những cấu trúc này lại rất nhạy cảm với một số loại hóa chất, đặc biệt là các thuốc nhỏ tai do có tác dụng tại chỗ. Có rất nhiều loại thuốc nhỏ tai khác nhau đang được lưu hành trên thị trường, việc sử dụng các thuốc này chưa được người dùng quan tâm chú ý, dẫn đến dùng sai phương pháp, sai mục đích, sai chỉ định và nhiều trường hợp đã gây nên những hậu quả rất đáng tiếc.
Các loại thuốc nhỏ tai
Trên thị trường hiện nay, thông thường các thuốc nhỏ tai được chia thành những nhóm sau đây:
Nhóm các thuốc kháng sinh nhỏ tai: gồm các thuốc otofa (thành phần chính là rifamycin), ciplox (ciproflocaxin), cloraxin (cloramphenicol), illefexime, cefime (ofloxacin)... Các thuốc kháng sinh trên thường được chỉ định dùng trong trường hợp viêm tai giữa cấp hoặc mạn tính, đợt cấp của viêm tai giữa mạn tính..., tức là các trường hợp viêm tai đã có thủng màng nhĩ và chảy mủ tai. Thành phần của các thuốc này đều phải là loại không gây độc cho tai và thần kinh thính giác vì khi nhỏ, thuốc sẽ vào tai giữa qua lỗ thủng màng nhĩ và tiếp xúc trực tiếp với các đầu dây thần kinh ở tai trong.
Nhóm các thuốc sát trùng có corticosteroid dùng cho tai: các loại thuốc trong nhóm này thường có thành phần chính là thuốc kháng sinh (có thể có một hoặc hai loại nhằm làm tăng tác dụng diệt vi khuẩn), kết hợp với một thuốc chống viêm dạng corticoid: polydexa (polymycin B + neomycin + dexamethasone), neodexa (neomycin + dexamethasone), atecortin (oxytetracyclin + polymyxin B + hydrocortisone), I.P ear drops (dexamethasone 0,1% + gentamycin 0,3%), dicortineff (neomycin + gramicidin + hydrocortisone)...
Nhóm các thuốc khác dùng cho tai: thuốc giảm đau otipax, thuốc rửa tai (nước ôxy già 12 thể tích, dung dịch nước muối sinh lý 0,9%), thuốc làm tan ráy tai (cerulyse)...
Khi dùng các thuốc nhỏ tai phải lưu ý điều gì?
- Trước khi nhỏ tai hoặc rửa tai, nên làm ấm lọ thuốc, đặc biệt là khi sử dụng về mùa rét, vì nếu nhỏ một dung dịch lạnh vào tai sẽ dễ gây nên phản ứng của cơ quan tiền đình tai trong, làm xuất hiện các cơn chóng mặt đột ngột. Cách làm ấm và kiểm tra nhiệt độ: Ngâm lọ thuốc vào một cốc nhỏ nước nóng trong khoảng 1 phút, sau đó lắc đều, nhỏ thử một giọt lên mu bàn tay, nếu thấy ấm vừa là được.
- Thuốc nhỏ tai thường được chỉ định dùng 3-4 lần/ngày, mỗi lần 2-3 giọt một bên, để nghiêng đầu, hướng bên tai được nhỏ lên trên trong khoảng 1 phút, sau đó để đầu lại tư thế bình thường, lau sạch thuốc thừa chảy ra ở cửa tai. Thời gian dùng thuốc thường không quá 10 ngày, sau đó nên đến khám bác sĩ tai mũi họng để đánh giá kết quả và có được những hướng dẫn điều trị tiếp theo, tuyệt đối không nên mua thêm theo đơn thuốc và dùng kéo dài mà không có ý kiến chuyên môn.
- Hầu hết các thuốc nhỏ tai có chứa kháng sinh đều có thể gây dị ứng cho những người quá mẫn cảm với các thành phần kháng sinh có trong thuốc với các biểu hiện ngoài da ống tai, vành tai như mẩn đỏ, ngứa, chảy nước... Vì thế trước khi dùng thuốc cần xem kỹ thành phần, đặc biệt nếu bạn là người đã từng bị dị ứng kháng sinh hoặc tiền sử có bệnh dị ứng (nổi mày đay, ban đỏ, dị ứng thức ăn...). Gặp trường hợp dị ứng, cần dừng ngay thuốc và đến khám bác sĩ.
- Các thuốc nhỏ tai thuộc nhóm sát trùng có corticosteroid có rất nhiều loại chứa các thành phần có thể gây độc cho tai như polymycin, neomycin, gentamycin... nên thường được chỉ định dùng trong các trường hợp bệnh lý chỉ khu trú ở ống tai ngoài (viêm ống tai ngoài, chàm ống tai bội nhiễm...) hoặc viêm tai giữa cấp giai đoạn chưa thủng màng nhĩ. Do đó trước khi kê đơn cho người bệnh sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm này, bắt buộc thầy thuốc phải khám và xác định tình trạng màng nhĩ, bảo đảm màng nhĩ còn nguyên vẹn. Trường hợp dùng khi màng nhĩ bị thủng có nguy cơ thuốc gây độc cho cơ quan ốc tai và tiền đình khi dùng kéo dài, biểu hiện bằng giảm sức nghe và xuất hiện chóng mặt. Cần dừng thuốc ngay khi có các biểu hiện trên và đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Trường hợp đặc biệt cần dùng tiếp phải có ý kiến của thầy thuốc chuyên khoa. Ở Việt Nam đã có trường hợp điếc hoàn toàn không hồi phục xảy ra do dùng thuốc nhỏ tai polydexa kéo dài trên bệnh nhân viêm tai giữa mạn tính (đã thủng màng tai).
- Việc sử dụng dung dịch nước ôxy già 12 thể tích để rửa tai trong trường hợp chảy mủ tai thường được các thầy thuốc chuyên khoa tiến hành. Tuy nhiên nếu người bệnh tự làm thì cần chú ý dùng que tăm bông sạch lau hết thuốc sau khi rửa vì ôxy già là chất ôxy hóa khử, nếu còn sót lại trong tai có thể sẽ viêm loét hoặc hoại tử niêm mạc hòm tai.
Sử dụng thuốc nhỏ tai không phải là một việc làm quá phức tạp, tuy nhiên nếu không có kiến thức cơ bản và sự tuân thủ những nguyên tắc chuyên môn thì rất có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.

(Nguồn tin: Báo sức khỏe và đời sống số 831 - Thứ bảy 02/7/2005)

  • Tin khác

  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 04/01/2022 (Từ 16h00 ngày 03/12 đến 16h00 ngày 04/01/2022)
  • SIẾT CHẶT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 DỊP NĂM MỚI 2022
  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 03/01/2022 (Từ 16h00 ngày 02/12 đến 16h00 ngày 03/01/2022)
  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 02/01/2022 (Từ 16h00 ngày 01/12 đến 16h00 ngày 02/01/2022)
  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 01/01/2022 (Từ 16h00 ngày 31/12 đến 16h00 ngày 01/01/2022)
  • KẾT QUẢ VỀ CHĂM SÓC DINH DƯỠNG 1.000 NGÀY ĐẦU ĐỜI NĂM 2021
  • TỔNG KẾT DỰ ÁN RAI3E
  • XÉT NGHIỆM PHÁT HIỆN NGƯỜI MẮC COVID-19 VÀ CHO NGƯỜI BỆNH RA VIỆN
  • BỘ Y TẾ ĐIỀU CHỈNH ĐỊNH NGHĨA CA BỆNH COVID-19
  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 31/12/2021 (Từ 16h00 ngày 30/12 đến 16h00 ngày 31/12/2021)
  • TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH COVID-19 TÌNH HÒA BÌNH NGÀY 30/12/2021 (Từ 16h00 ngày 29/12 đến 16h00 ngày 30/12/2021)