Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4

Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4
Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4

Bệnh thận mạn tính (hay suy thận mạn) là tình trạng mà chức năng thận bị suy giảm. Suy thận được chia thành 5 cấp độ dựa theo thang đo tăng dần mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe người mắc. Sự tiến triển của suy thận độ 4 có liên quan đến một số biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tăng tỷ lệ mắc các vấn đề tim mạch, tăng lipid máu, thiếu máu, bệnh về xương,… Người bị suy thận cần được chăm sóc y tế đầy đủ, thực hiện các phương pháp quản lý biến chứng nhằm giảm nguy cơ tử vong.

Ở giai đoạn đầu, người bị suy thận mạn có thể biểu hiện rất ít triệu chứng hoặc các dấu hiệu không rõ ràng cho đến khi chức năng thận bị suy giảm đáng kể. Phương pháp điều trị bệnh thận mạn tính tập trung vào việc làm chậm sự tiến triển của tổn thương thận, thường là bằng cách kiểm soát nguyên nhân cơ bản. Bệnh thận mạn tính có thể tiến triển dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, gây tử vong nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) hoặc ghép thận.

Những con số đáng báo động của bệnh suy thận mạn

Ước tính, trên thế giới có khoảng 10% dân số mắc bệnh suy thận mạn. Tại Mỹ, suy thận tác động đến khoảng 13% dân số với các con số cụ thể như sau:

  • 1,8% dân số bị bệnh thận độ 1
  • 3,2% dân số bị bệnh thận độ 2
  • 7,7% dân số bị bệnh thận độ 3
  • 0,35% dân số bị bệnh thận độ 4 và 5.

Trong đó, số người bị suy thận độ 3, 4 tiến triển sang cấp độ 5 với tỷ lệ 1,5%/năm. Khoảng 0,5% số người bị suy thận độ 1, 2 tiến triển sang cấp độ cao hơn mỗi năm.

Tính đến thời điểm năm 2016, ước tính tại Việt Nam có khoảng 5 triệu người bị suy thận, khoảng 8.000 ca bệnh mắc mới mỗi năm. Số trường hợp mắc suy thận mạn tính giai đoạn cuối là khoảng 26.000 người, chiếm 0,016% dân số. Hiện nay, chi phí cho 1 lần chạy thận không có Bảo hiểm Y tế khoảng từ 800.000 đồng trở lên. Điều đó cho thấy việc chạy chữa suy thận mạn rất tốn kém.

Suy thận độ 4 là gì?

Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4
Người bị suy thận độ 4, 5 phải chạy thận (lọc máu) để duy trì sự sống

Suy thận độ 1 và 2 được xem là nhẹ nhất. Trong những giai đoạn đầu, thận bị hư hại nhẹ và không hoạt động đủ chức năng. Ở giai đoạn 3, khoảng một nửa chức năng thận đã bị mất. Điều này có thể gây ra một số tình trạng khác như huyết áp cao hoặc các vấn đề về xương. Điều trị những vấn đề này là rất quan trọng, thậm chí có thể giúp làm chậm quá trình mất dần chức năng thận. Đến giai đoạn 4, tình trạng tổn thương thận nghiêm trọng đã xảy ra. Ở giai đoạn này, điều quan trọng là làm chậm sự mất chức năng thận bằng cách tuân thủ phác đồ điều trị của chuyên gia, quản lý chặt chẽ các vấn đề sức khỏe khác như huyết áp cao, bệnh tim, rối loạn lipid máu,… và lọc máu. Bệnh thận độ 5 là cấp độ cuối cùng. Bạn cần phải lọc máu hoặc ghép thận mới có thể duy trì sự sống.

Bạn sẽ bị chẩn đoán suy thận độ 4 khi:

  • Chức năng thận bị mất từ 85 – 90%
  • Mức độ lọc máu của thận (GFR) giảm nghiêm trọng chỉ còn 15 – 29 ml/phút
  • Bạn phải chạy thận (lọc máu) hoặc ghép thận mới có thể duy trì cuộc sống.

Hiện tại, chưa có phương pháp chữa khỏi suy thận, nhưng nếu được điều trị đúng và kịp thời, bạn vẫn có thể sống một cuộc sống lâu dài.

Biến chứng của suy thận độ 4

Điều trị suy thận mạn giai đoạn 4
Người bị suy thận độ 4 có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tim mạch

Bệnh suy thận mạn có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận trong cơ thể. Những người bị suy thận độ 4 có nguy cơ mắc bệnh tim cao. Trong thực tế, hầu hết những người bị bệnh thận không chết vì suy thận mà chết vì các bệnh liên quan đến tim. Nguyên nhân là ngoài bệnh thận, họ thường gặp một trong những vấn đề sức khỏe sau:

  • Huyết áp cao khiến các động mạch trở nên dày và hẹp, việc hình thành cục máu đông trở nên dễ dàng hơn, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Huyết áp cao cũng có thể khiến tim dày lên và to ra. Thông thường, các chuyên gia sẽ kê toa thuốc giúp kiểm soát huyết áp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần phải giảm muối trong chế độ ăn uống hàng ngày.
  • Đái tháo đường, đặc biệt là khi không kiểm soát, dẫn đến tình trạng mỡ tích tụ nhiều trong các động mạch. Đây có thể là nguyên nhân hình thành cục máu đông, dẫn đến một cơn đau tim hoặc đột quỵ. Nếu bị đái tháo đường, bạn cần phải kiểm soát lượng đường trong máu, tuân thủ chế độ ăn uống và uống thuốc theo quy định.
  • Thiếu máu khiến lưu lượng oxy trong cơ thể giảm, vô tình thúc đẩy tim phải hoạt động mạnh hơn. Kết quả là tim dần dày lên và to ra, có thể dẫn đến suy tim hoặc tử vong. Để điều trị bệnh thiếu máu, bạn có thể cần phải bổ sung sắt và một loại thuốc gọi là ESA (thuốc kích thích hồng cầu). Điều này sẽ giúp cơ thể bạn sản xuất các tế bào hồng cầu, làm tăng lưu lượng oxy.
  • Nồng độ cholesterol bất thường khiến chất béo lắng đọng trong các động mạch, dễ hình thành cục máu đông, là nguyên nhân có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nếu nồng độ cholesterol quá cao, chuyên gia có thể khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục thường xuyên và dùng các loại thuốc nhằm giảm lượng cholesterol.
  • Bệnh về xương và rối loạn khoáng chất khiến các động mạch bị cứng lại và thu hẹp do hấp thụ thêm canxi và phốt pho đang được thải ra từ xương. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến tim, có thể dẫn đến một cơn đau tim và tử vong. Để giúp kiểm soát bệnh về xương và khoáng chất, bạn cần phải hạn chế lượng thực phẩm có hàm lượng phốt pho cao, uống một loại thuốc gọi là chất kết dính phosphate và dùng một dạng vitamin D.
  • Hút thuốc làm mạch máu bị viêm, gây tích tụ nhiều chất béo trong động mạch. Hút thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Nếu hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc. Nếu không thể bỏ thuốc, hãy hút ít nhất có thể.
  • Giữ nước có thể dẫn đến phù ở cánh tay và chân, huyết áp cao hoặc trong phổi có dịch (phù phổi).
  • Sự gia tăng bất thường nồng độ kali trong máu (tăng kali máu) có thể làm giảm khả năng hoạt động của tim và có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Gặp các vấn đề về tình dục như giảm nhu cầu tình dục, rối loạn cương dương hoặc giảm khả năng sinh sản.
  • Gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương, có thể khiến bạn khó tập trung, thay đổi tính tình hoặc bị co giật.
  • Giảm đáp ứng miễn dịch khiến bạn dễ bị nhiễm trùng hơn.
  • Biến chứng thai sản ảnh hưởng đến người mẹ hoặc thai nhi.
  • Suy thận mạn có thể dẫn đến suy thận cấp độ 5 cần phải chạy thận hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Nếu mắc bệnh suy thận độ 4, có thể bạn đang gặp phải một số biến chứng kể trên. Chuyên gia Thận – Tiết niệu sẽ lập kế hoạch điều trị nhằm quản lý những biến chứng này để bệnh không trở nên tồi tệ hơn. Phương pháp điều trị có thể bao gồm: Chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc. Điều quan trọng là hãy tuân theo kế hoạch điều trị bởi điều này có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và kéo dài sự sống. Việc điều trị cũng có thể giúp làm chậm quá trình suy thận, thậm chí ngăn ngừa bệnh không tiến triển xấu hơn.

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.