Giải pháp về công bằng xã hội trong chính sách xã hội

(LLCT) - Công bằng xã hội không chỉ có tác động mạnh mẽ, tích cực trong lĩnh vực kinh tế, mà còn đóng vai trò điều chỉnh quan hệ giữa con người với con người trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, đạo đức... Do vậy, công bằng xã hội xuất phát từ sự tự nguyện,nó vừa tạo nên trạng thái ổn định của xã hội, vừa tạo nên những điều kiện cần thiết thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ. Bên cạnh đó, công bằng xã hội còn là điều kiện để mỗi cá nhân có thể phát huy cao nhất khả năng của bản thân trong quá trình hoạt động xã hội, giúp sự phát triển của mỗi người ngày càng toàn diện hơn.

Chính vì vậy, công bằng xã hội là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể với một hoàn cảnh kinh tế - xã hội nhất định, bao giờ cũng có thước đo của công bằng xã hội tương ứng làm căn cứ để xác định một tỷ lệ tương ứng cụ thể giữa cống hiến và hư­ởng thụ cho mọi chủ thể cùng tham dự vào hoạt động của nền sản xuất xã hội.

Công bằng xã hội tạo cơ hội bình đẳng cho mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng của họ vào việc tham gia cống hiến vào sự phát triển của xã hội cũng như quyền được hưởng thụ tương xứng với những cống hiến đó. Do vậy, công bằng xã hội chính là nhân tố kích thích, động viên mọi người ra sức tham gia cống hiến cho sự phát triển của xã hội một cách tự nguyện nhất. Với ý nghĩa đó, công bằng xã hội trở thành động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội nói riêng và sự tiến bộ xã hội nói chung.

Thực hiện công bằng xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta từ khi giành được độc lập cho tới ngày nay. Đại hội VI của Đảng lần đầu tiên tạo sự chuyển biến trong quan điểm nhận thức về vấn đề chính sách xã hội, quan điểm về công bằng xã hội chính thức đưa vào báo cáo chính trị. Cương lĩnh năm 2011 khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng là động lực mạnh mẽ, phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(1). Tiếp theo đó, cácĐại hội,hội nghị Trung ương các khóa, Quốc hội, Chính phủ đã từng bước cụ thể hóa.

Đường lối, chính sách vềviệc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hộiđã từng bước hoàn thiện. Điều này được thể hiệntrong các văn kiện của Đảng và trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VII
(6-1993) về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VII (7-1994) về phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Đại hội VIII của Đảng đánh dấu bước phát triển mới trong chỉ đạo về vấn đề này. Đại hội khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ xã hội và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển. Công bằng xã hội phải thể hiện ở cả khâu phân phối hợp lý tư liệu sản xuất lẫn ở khâu phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người đều có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực của mình”(2).

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội,Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa nông thôn với nông thôn, giữa thành thị với thành thị, giữa các tầng lớp xã hội. Quan điểm nàytiếp tục được khẳng định tại Đại hội IX: “...phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”(3). Đến Đại hội X, vấn đề trên được Đảng ta bổ sung và phát triển một bước quan trọng, cụ thể là: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển kinh tế - xã hội”(4).

Theo quan điểm của Đảng, thực chất của bảo đảm công bằng xã hội là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tếvới thực hiện chính sách xã hội, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của con người, trên tinh thần tất cả vì con người, cho con người.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện công bằng xã hội có ý nghĩa quan trọng, nhằm khắc phục bản chất cố hữu của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh, là mạnh thắng, yếu thua;bảo đảmtính định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện ở sự công bằng nên cần phải được quán triệt sâu sắc, triển khai có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Trên cơ sở kết quả đạt được qua 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã đề ra hệ thống giải pháp cơ bản, tổng thể và toàn diện để thực hiện vấn đề này. Việc nhận thức đúng quan điểm đó sẽ là cơ sở cho triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đảm bảo cho việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trở thành hiện thực. Để đạt được công bằng tạo đà thúc đẩy sự phát triển xã hội cần chú trọng những điểm sau:

Thứ nhất, tiếp tục phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Phát triển kinh tế ổn định, bền vững là điều kiện quan trọng để thực hiện công bằng xã hội. Nếu không có tăng trưởng kinh tế thì xã hội sẽ chậm phát triển và các điều kiện phúc lợi an sinh xã hội không đảm bảo cho người dân. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp, nhất là tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật của kinh tế thị trường. Tích cực đổi mới và hoàn thiện khung pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ những trở ngại về cơ chế chính sách và thủ tục hành chính để huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, Nhà nước phải sử dụng các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân.

Ngày nay, toàn cầu hóa mà trước hết là toàn cầu hóa về kinh tế đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến mọi quốc gia, dân tộc. Không một quốc gia, dân tộc nào có thể phát triển được mà lại tách biệt, cô lập với thế giới. Mở cửa, hội nhập, chủ động gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa, đó chính là đòi hỏi của toàn cầu hóa, nhưng cũng chính là điều kiện thuận lợi để kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển.

Nhận thức sâu sắc tính tất yếu và cơ hội đó, Đảng ta luôn coi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp là một trong những yêu cầu, một trong những bài học kinh nghiệm lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội XI, một lần nữa, bài học kinh nghiệm này lại được nhấn mạnh: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế ... phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”(5).

Thứ hai, xây dựng khung thể chế phân phối các nguồn lực xã hội một cách khoa học.Công bằng là sự thể hiện yêu cầu bình đẳng trong quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nghĩa vụ và quyền lợi giữa các cá nhân  Điều này có nghĩa là những người cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ như nhau. Nói cách khác, xã hội đối xử ngang nhau với những người có đóng góp như nhau. Mức độ hưởng thụ của cải xã hội được xác định dựa trên những cống hiến của họ đối với xã hội. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị cần có những quy chế cụ thể trong phân phối các nguồn lực của tổ chức dựa trên sự lao động và cống hiến. Cách giải quyết vấn đề công bằng xã hội dựa trên sự đóng góp, cống hiến sẽ khuyến khích mọi người chủ động tích cực trong lao động xã hội, tức là tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.

Với quan điểm chung đó, việc phân phối trong lĩnh vực kinh tế chủ yếu dựa vào kết quả lao động, hiệu quả kinh tế; đồng thời, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác. Mặt khác, những đóng góp khác không phải trong hoạt động kinh tế, như những cống hiến trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,... cũng cần và phải tính đến nhằm bảo đảm cho người lao động được hưởng lợi ích tương xứng. Nhiều người đã đóng góp sức lực, trí tuệ và hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong khi thi hành nhiệm vụ xã hội cũng phải được xã hội bù đắp một cách thỏa đáng. Giải quyết vấn đề này không chỉ dừng ở mức độ đạo lý, mà nó phải mang tính pháp lý, được xã hội thừa nhận.

Thứ ba, xây dựng chính sách an sinh xã hội nhằm giảm thiểu phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo. Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường, trong xã hội Việt Nam hiện nay phân tầng xã hội xuất hiện và phân hóa giàu nghèo gia tăng đang có nguy cơ đưa đến phân cực xã hội. Trước hết đó là việc ngày càng tách rời giữa thành thị và nông thôn. Trong đó, vùng nông thôn chiếm tới 90% hộ nghèo. Tỷ lệ hộ giàu thấp. Có vùng chỉ vài phần trăm. Ngược lại, ở thành phố, tỷ lệ hộ giàu cao. Điều này đưa đến sự phân cực xã hội - nguy cơ của những bùng nổ xã hội nếu không kịp thời điều chỉnh.

Ngoài ra, chính ngay trong nội bộ từng vùng, tình trạng giàu nghèo cũng đang có nguy cơ đưa đến bất bình đẳng và xung đột giữa các nhóm xã hội. Ví dụ ở các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, phân hóa giàu nghèo không đều có thể khiến mâu thuẫn sắc tộc gia tăng. Một bộ phận dân cư đồng bào dân tộc ít người, do thiếu vốn, thiếu tri thức thị trường, thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu trình độ chuyên môn kỹ thuật nên thường chiếm đa số hộ nghèo. Ngược lại, người dân tộc đa số, do có nhiều ưu thế hơn, thường là những hộ giàu có, khá giả. Trong điều kiện đó, nếu không tuyên truyền, giải thích để mọi người hiểu được những tất yếu mà kinh tế thị trường mang lại thì rất dễ đưa đến mâu thuẫn và xung đột xã hội giữa người đa số và người thiểu số. Nhất là những người thiểu số mất đất, mất tư liệu sản xuất, mất môi trường khai thác tự nhiên. Mâu thuẫn và xung đột xã hội, trong những điều kiện này càng có nguy cơ bùng phát.

Phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đang diễn ra không đều giữa các nhóm xã hội cũng đang là hiện tượng đang phải chú ý hiện nay. Phân hóa giàu nghèo đang diễn ra giữa các nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý khác nhau - cán bộ đương chức và cán bộ đã về hưu; đảng viên thường và cán bộ lãnh đạo quản lý. Cán bộ cấp trên và cán bộ cấp dưới; cán bộ đảng, cán bộ các đoàn thể xã hội và cán bộ chính quyền. Cuối cùng là giữa nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý và nhân dân... Tất cả những khác biệt trong quá trình phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo đang tạo ra những tiêu cực xã hội không đáng có. Đó chính là sự bất bình đẳng xã hội đang gia tăng do sự phân hóa giàu nghèo giữa các nhóm xã hội. Điều này đang cần những nghiên cứu nghiêm túc để tìm đúng nguyên nhân và hướng để giải quyết. Việc xây dựng hệ thống chính sách an sinh xã hội tập chung vào hỗ trợ các nhóm xã hội gặp nhiều khó khăn là một hoạt động quan trọng nhằm cân bằng và bảo đảm công bằng xã hội.

Thứ tư, giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập, bảo đảm chất lượng đời sống dân cư. Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thiếu việc làm, không có việc làm hoặc việc làm với năng suất và thu nhập thấp sẽ không thể giúp người dân bảo đảm cuộc sống và phát triển bền vững. Có việc làm và tăng thu nhập sẽ giúp người dân có khả năng đáp ứng được những nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần, giúp họ tiếp cận được với các dịch vụ chất lượng tốt, nâng cao vị thế trong xã hội, hòa nhập với môi trường xung quanh. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Tạo cơ hội để mọi người có việc làm và cải thiện thu nhập. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động”(6). Quán triệt tinh thần đó, các cấp, ngành cần đẩy mạnh khuyến khích đầu tư xã hội, tạo ra nhiều việc làm, xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền lương, tiền công, khắc phục cơ bản những bất hợp lý. Trong đó, coi trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động phải gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội, các chương trình phát triển kinh tế, ngành nghề và định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương.

Để có thể tìm được việc làm trong một môi trường cạnh tranh cao như hiện nay, người lao động cần phải trang bị cho mình sức khỏe, trình độ chuyên môn kỹ thuật, hiểu biết về pháp luật, tinh thần chấp hành kỷ luật, văn hóa ứng xử trong công việc mang tính chuyên nghiệp.

Các cấp ủy Đảng và chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết việc làm cho lao động dôi dư từ khu vực nông nghiệp do việc tích tụ, tập trung ruộng đất hoặc thu hồi đất để phát triển công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng; đặc biệt quan tâm thanh niên, phụ nữ, lao động có điều kiện khó khăn. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, huy động nguồn lực đầu tư công tác đào tạo nghề; khuyến khích lực lượng lao động trẻ lập nghiệp, mở rộng sản xuất các ngành nghề, tự giải quyết việc làm. Hoàn thiện và thực hiện chính sách bảo hộ lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động là giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần tăng thu nhập cho người lao động, v.v..

Thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Đại hội XII của Đảng đã định hướng nội dung, phương hướng và giải pháp cơ bản đẩy mạnh thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam trong tình hình mới. Điều đó phản ánh sâu sắc tư duy mới của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội hiện nay, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, cần được nhận thức đúng đắn, triển khai thực hiện có hiệu quả.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1), (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.79, 66.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.113.

(3) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.88-89.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.101.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.135.

TS Nguyễn Thị Tố Quyên

Học viện Báo chí và Tuyên truyền