Hình ảnh hướng dẫn viên du lịch

Hướng dẫn viên du lịch tự do chật vật qua mùa dịch

Đành rằng, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhân lực trong ngành cũng không tránh khỏi những khó khăn. Song, đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch tự do là đối tượng không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía các doanh nghiệp. Cho nên, khi du lịch đóng băng buộc họ phải xoay đủ nghề để kiếm sống.

Hình ảnh hướng dẫn viên du lịch

Trong thời điểm du lịch hoạt động bình thường, HDV du lịch Cao Thị Hương (thứ 2 từ trái sang) được nhiều đơn vị lữ hành săn đón.

Xoay đủ nghề trong bão dịch

Chị Cao Thị Hương (30 tuổi, TP Thanh Hóa) từng là HDV được nhiều đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh săn đón. Dịch COVID-19 bùng phát, hàng loạt tour du lịch bị hủy, đến nay sau 2 năm thất nghiệp, chị Hương vẫn chật vật tìm kiếm việc làm. Từ tư vấn bảo hiểm cho đến môi giới bất động sản. Chia sẻ về công việc tay trái, chị Hương cho biết, việc bước chân vào lĩnh vực tư vấn bảo hiểm và môi giới bất động sản là con đường cực chẳng đã. Bởi nếu chỉ trông chờ vào đồng lương của chồng, cuộc sống gia đình có con nhỏ sẽ rất khó khăn. Thế nhưng, việc kinh doanh cần có doanh số mới có thu nhập. Kém duyên ở lĩnh vực mới, cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh, mọi công việc đều không mang lại cho chị Hương nguồn thu nhập ổn định. Khó khăn về kinh tế, cộng thêm điều kiện ở trọ chật hẹp, cả 2 vợ chồng đành gửi con về quê với ông bà. Thế nhưng, theo chị Hương, cuộc sống hiện tại của bản thân vẫn còn ổn định hơn nhiều đồng nghiệp khác. Bởi, có những gia đình cả 2 vợ chồng đều làm HDV, nuôi thêm 2 con nhỏ cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều.

Ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động lữ hành gần như đóng băng trong gần 2 năm qua, chẳng riêng gì chị Cao Thị Hương mà đội ngũ HDV du lịch tự do đã buộc đi làm những việc vốn không phải sở trường. Thiếu nguồn thu nhập ổn định nên họ đều phải đi tìm công việc khác để lo cho bản thân và gia đình. Treo tấm thẻ HDV trong phòng trọ nhỏ, Lê Thị Dương (quê Thọ Xuân), hàng ngày mải miết với công việc trực chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa. Cô gái với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn trước nay vốn quen với những chuyến đi xa, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn. Giờ đây, không quản ngại nắng mưa, kể từ khi TP Thanh Hóa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (ngày 2-9), Dương đã đăng ký tình nguyện tham gia hoạt động phòng, chống dịch của phường. Cũng nhờ có công việc tình nguyện hiện tại mà cuộc sống trong lúc thất nghiệp với Dương không cảm thấy buồn chán. Mỗi ngày trôi qua đều có thêm niềm tin dịch bệnh sớm được đẩy lùi để trở lại với nghề.

Theo chia sẻ của Lê Thị Dương, kể từ thời điểm đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các tour du lịch thường xuyên bị hủy, không có đơn vị lữ hành nào mời tham gia, Dương quyết định xin làm nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố. Đây cũng là cách để Dương có thể bám trụ lại thành phố, chờ khi dịch bệnh ổn định. Cuộc sống của HDV tự do vốn đã không ổn định, nay dịch bệnh càng khiến cuộc sống của Dương trở nên bấp bênh. Khó khăn vẫn chưa dừng lại, khi hơn 1 tháng nay siêu thị cắt giảm nhân sự, Dương buộc phải nghỉ việc không lương. Thấy hoàn cảnh khó khăn, từ đầu năm đến nay bác chủ nhà trọ đã hỗ trợ em 1 tháng tiền thuê phòng, tháng 8 vừa rồi bác cũng giảm thêm cho 200 nghìn tiền phòng. Thi thoảng em đi trực chốt về bác còn nấu cho ăn..., Dương cho biết.

Khó khăn có thể sẽ chưa dừng lại với Lê Thị Dương, trong khi hoạt động du lịch chưa hẹn ngày trở lại, nhưng bản thân Dương cũng như nhiều HDV khác vẫn luôn hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để lại tiếp tục được sống với nghề, với đam mê.

Tạo điều kiện để HDV tự do được hỗ trợ

Là một người có 17 năm trong nghề, anh Nguyễn Tiến Giáp, Chi hội trưởng Chi hội HDV du lịch Thanh Hóa, cho biết, chưa bao giờ anh em HDV du lịch chật vật, khó khăn như hiện nay. Đặc biệt là đối với đội ngũ HDV tự do. Không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào, đồng nghĩa với việc không được đóng bảo hiểm, không có sự hỗ trợ, chia sẻ của doanh nghiệp trong lúc thất nghiệp. Đa phần anh chị em HDV du lịch hiện nay chuyển sang lĩnh vực tư vấn bảo hiểm, kinh doanh bất động sản. Nhưng ai cũng chỉ mong dịch bệnh sớm được khống chế để trở lại với nghề.

Cũng theo anh Nguyễn Tiến Giáp, hiện nay thủ tục đề nghị hỗ trợ cho HDV theo Nghị quyết 68 của Chính phủ đã được cắt giảm tối đa, chỉ gồm 2 loại giấy tờ là: Giấy đề nghị hỗ trợ và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về HDV du lịch. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ HDV du lịch tự do tiếp cận với gói hỗ trợ, trong thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có những hướng dẫn cụ thể. Đồng thời thông qua Chi hội HDV du lịch Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền đến đội ngũ HDV về thủ tục hồ sơ; đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục và cấp thẻ hội viên hiệp hội du lịch để họ có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.

Mới đây, ngày 31-8, Tổng cục Du lịch đã tổ chức họp trực tuyến với một số địa phương về việc thực hiện chính sách hỗ trợ HDV du lịch theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tập trung đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để tăng số lượng HDV được thụ hưởng chính sách này, trên tinh thần của Nghị quyết 68 là hỗ trợ kịp thời HDV du lịch nhưng cũng không để trục lợi chính sách. Với tinh thần chung là cố gắng cao nhất và mở rộng đối tượng, cắt giảm tối đa những điều kiện không cần thiết, tạo điều kiện để đội ngũ HDV, lực lượng lao động nòng cốt của ngành vượt qua khó khăn hiện nay, chuẩn bị cho giai đoạn khôi phục và phát triển sắp tới - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh tại hội nghị.

Thực tế, cánh cửa việc làm từ du lịch tạm thời đóng lại, cũng đã có những cánh cửa khác mở ra, song dịch bệnh khiến mọi lối đi đều trở nên khó khăn đối với lao động lĩnh vực du lịch. Và với những người làm HDV du lịch, việc chuyển sang lĩnh vực khác đang là giải pháp tình thế. Hy vọng, với nhiệt huyết, đam mê với nghề, cùng với chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự quan tâm của tỉnh, đội ngũ HDV du lịch nói riêng, lao động lĩnh vực du lịch nói chung sẽ sẵn sàng trở lại với công việc khi du lịch phục hồi.

Bài và ảnh: Hoài Anh