Kế hoạch xây dựng cộng đồng học tập trong trường mầm non

I. Mục tiêu

- Nhằm nâng cao nhận thức vai trò trách nhiệm, kỹ năng cho cha mẹ trẻ, đồng thời có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ với nhà trường và cộng đồng trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

- Tuyên truyền tới cha mẹ trẻ trong xã về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non và hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ tại gia đình, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp một.

- Tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Kịp thời thông tin đến gia đình trẻ về những tiến bộ hoặc những khó khăn của trẻ. Có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình về đặc điểm tâm lí của trẻ để thống nhất các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ.

- Bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho giáo viên, nhân viên có kỹ năng tổ chức thực hiện công tác thu hút cha mẹ và cộng đồng tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ đặc biệt trong giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với từng đối tượng cụ thể và điều kiện thực tế.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Phối hợp giữa trường mầm non với gia đình

1.1. Phối hợp thực hiện chương trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ

- Tham gia tổ chức khám sức khỏe, theo dõi sức khỏe của trẻ theo định kỳ.

- Giáo viên và cha mẹ cùng chia sẻ về đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ để có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

- Phòng chống suy dinh dưỡng và béo phì cho trẻ, có kế hoạch và biện pháp chăm sóc đối với trẻ suy dinh dưỡng và trẻ có khiếm khuyết trong trường ( Hiện tại trường có 2 trẻ khuyết tật và 3 cháu có biểu hiện của trẻ tự kỷ và tăng động)

- Đóng góp tiền ăn theo yêu cầu của nhà trường.

1.2. Phối hợp thực hiện chương trình giáo dục trẻ

- Tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, của nhóm, lớp.

- Cha mẹ tham gia vào các hoạt động thực hiện các nội dung giáo dục trẻ phù hợp với chương trình, cụ thể là :

+ Tạo điều kiện giúp trẻ được tự do tìm tòi khám phá trong môi trường an toàn theo khả năng và sở thích của mình tạo cho trẻ tính tò mò thích khám phá, sáng tạo; tự tin và luôn được hạnh phúc vì mọi người xung quanh yêu thương, gần gũi trẻ.

+ Thu hút các thành viên trong gia đình, đặc biệt các thành viên là nam giới : ông, bố, anh, chú, bác tham gia vào việc chăm sóc và dạy trẻ.

+ Giáo dục giới tính cho trẻ mẫu giáo.

+ Phát hiện, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, trẻ có biểu hiện tự kỷ, tăng động.

- Cung cấp hoặc giới thiệu cho các bậc cha mẹ trẻ biết các mốc phát triển bình thường của trẻ, những vấn đề cần lưu ý trong sự phát triển của trẻ để có thể phát hiện và can thiệp sớm.

-  Chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng tâm thế vào học lớp một: Nhà trường cần tư vấn để bố mẹ trẻ và cảc thành viên trong gia đình có thể chuẩn bị cho trẻ các kĩ năng tiền đọc viết, tâm thế phấn khởi sẳn sàng đi học tiểu học.

- Phối hợp trong việc tổ chức ngày lễ, ngày hội, tổ chức ngày sinh nhật cho trẻ,...tổ chức các hội thi, các cuộc tham quan dã ngoại, các hoạt động cho trẻ trải nghiệm.

- Tạo môi trường an toàn về tinh thần cho trẻ.

1.3. Phối hợp kiểm tra đánh giá công tác chăm sóc – giáo dục trẻ của trường/ lớp mầm non

- Tham gia cùng với nhà trường kiểm tra đánh giá chất lượng chăm sóc – giáo dục.

+ Theo dõi để phát hiện những tiến bộ, thay đổi, những biểu hiện bất thường...của trẻ diễn ra hằng ngày, trao đổi kịp thời để giáo viên có sự điều chỉnh trong nội dung và phương pháp chăm sóc – giáo dục trẻ.

+ Tham gia đóng góp ý kiến với nhà trường về chương trình và phương pháp chăm sóc – giáo dục trẻ. Đề xuất nhà trường hướng dẫn các bậc cha mẹ thực hiện việc chăm sóc – giáo dục trẻ ở gia đình có hiệu quả hơn.

- Đóng góp ý kiến về các mặt khác nhau như: Tạo môi trường học tập, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi của nhóm, lớp...Thái độ, tác phong, hành vi ứng xử,... của giáo viên và nhân viên trong trường với trẻ và phụ huynh.

1.4. Tham gia xây dựng cơ sở vật chất

- Tham gia lao động vệ sinh trường lớp, trồng cây xanh, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

- Đóng góp xây dựng, cải tạo trường, nhóm, lớp, công trình vệ sinh,...theo quy định và theo thỏa thuận.

- Đóng góp những hiện vật cho nhóm, lớp hoặc trường mầm non như : bàn, ghế, thang leo, cầu trượt, các vật liệu cho trẻ thực hành...

2. Phối hợp của trường mầm non và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ

    • Tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương

Ban giám hiệu ( Hiệu trưởng) chủ động tham mưu kịp thời với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về kế hoạch hoạt động của nhà trường để các cấp lãnh đạo đưa vào chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hằng năm. Cụ thể:

- Huy động mọi nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất cho trường, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi...).  đáp ứng yêu cầu nhu cầu chăm sóc – giáo dục trẻ.

- Chỉ tiêu huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hàng năm mẫu giáo đạt 100%. Trẻ nhà trẻ đến trường học đạt 70-75%

* Phối hợp với các cơ quan y tế,  Thương binh và Xã hội

- Tạo môi trường sạch, đẹp, đảm bảo vệ sinh an toàn.

-  Phối hợp với trạm y tế xã trung tâm y tế xã tổ chức truyền thông khám sức khỏe định kì, chuyên khoa cho trẻ.

- Tổ chức truyền thông hướng dẫn các bậc cha mẹ phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ em. các bệnh về hô hấp, còi xương, suy dinh dưỡng, tiêm chủng đúng lịch đủ mũi...

- Có chương trình hành động vì trẻ em, phát động tháng hành động vì trẻ em để bảo vệ và thực hiện Quyền trẻ em.

* Phối hợp với Hội phụ nữ

- Nâng cao nhận thức và năng lực của phụ nữ, của nhân dân để họ tham gia tích cực vào việc tổ chức, quản lý thực hiện các hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ, huy động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến trường.

- Huy động sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ vào các hoạt động lập kế hoạch xây dựng, đóng góp bảo vệ các công trình phúc lợi, các hoạt động chăm sóc – giáo dục trẻ

- Phối hợp với tuyên truyền viên của phụ nữ, y tế thôn để trang bị cho hội viên phụ nữ những kiến thức nuôi dạy con theo khoa học (Ví dụ như các nội dung : Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, cách chế biến bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ từ thực phẩm sẵn có của gia đình, địa phương; tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; theo dõi biểu đồ tăng trưởng để phát hiện trẻ còi xương, suy dinh dưỡng hoặc béo phì; đảm bảo an tòan về thể chất và tâm lí cho trẻ,...)

- Phối hợp thực hiện các dự án như giáo dục dinh dưỡng, VAC cho các đối tượng được hưởng là bà mẹ có con trước tuổi đến trường, có con suy dinh dưỡng.

- Vận động cha mẹ đóng góp xây dựng trường lớp, vận động các ban nghành, các tổ chức kinh tế,...đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho giáo dục mầm non.

    • Phối hợp với Đoàn thanh niên :

Phát động phong trào làm đồ chơi, đồ dùng học tập cho trẻ, đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non. Phổ biến kiến thức chăm sóc – giáo dục trẻ

* Phối hợp với Hội nông dân và các tổ chức khác

- Cùng với Hội Nông dân tham mưu với chính quyền địa phương tạo điều kiện có đất làm VAC để bổ sung chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Kết hợp với Hội khuyến học, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ,... để tạo thành một lực lượng hùng hậu, rộng khắp, ủng hộ tích cực cho sự nghiệp phát triển giáo dục mầm non của địa phương.

III. HÌNH THỨC PHỐI HỢP

1. Phối hợp giữa gia đình và nhà trường

* Tổ chức hoạt động truyền thông:

- Qua bảng thông báo hoặc qua góc “tuyên truyền cho cha mẹ” của nhà trường

- Trao đổi trực tiếp với phụ huynh hoặc qua thư, điện thoại.

- Tổ chức họp phụ huynh định kì (3 lần/1 năm) để thông báo cho gia đình những công việc, thảo luận về các hình thức phối hợp giữa gia đình và nhà trường ( họp đầu năm)  kết hợp phổ biến kiến thức chăm sóc – giáo dục trẻ cho cha mẹ trẻ trong những giờ đón, trả trẻ.

- Giới thiệu trang Website của nhà trường cho toàn thể phụ huynh học sinh biết để trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con.

- Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài truyền thanh của xã)

- Trao đổi với phụ huynh qua đợt kiểm tra sức khỏe hoặc sau khi đánh giá trẻ tròn tháng tuổi, theo giai đoạn, cuối năm học.

- Đến thăm tại gia đình trẻ ( khi trẻ có những biểu hiện bất thường)

- Tổ chức những buổi sinh hoạt, phổ biến kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ theo chuyên đề đặc biệt hoặc khi có dịch bệnh.

 - Thông qua các hội thi, sân chơi, hoạt động văn nghệ.

- Mời phụ huynh đến dự và tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng trẻ, các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở lớp như: ngày hội dinh dưỡng, ngày hội thể dục thể thao,...

* Tham vấn/ tư vấn cho phụ huynh :

Hỗ trợ cho cha mẹ về việc bảo vệ trẻ khỏi bạo lực gia đình và bạo lực học đường; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng.

* Tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm theo chuyên đề

* Tổ chức thực hành một số kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ:

- Tổ chức các hoạt động thực hành xen kẽ các buổi truyền thông.

- Thực hiện các video clip hướng dẫn chi tiết các bước thực hành một số nội dung quan trọng, bắt buộc để cha mẹ thực hiện các thao tác cho đúng rồi gửi qua Zalo, viber hoặc messenger cho cha mẹ.

- Thực hành thông qua các buổi tư vấn cho những cha mẹ có nhu cầu.

- Tổ chức riêng một buổi thực hành cho 1-2 nội dung gần nhau.

* Tổ chức các sân chơi, hội thi “Gia đình và nhà trường trong chăm sóc giáo dục trẻ” để tuyên truyền hiệu quả của công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ.

         2. Phối hợp của trường mầm non và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ

- Thông qua các cuộc họp, hội nghị mà cán bộ giáo viên trường mầm non được tham dự.

- Góc tuyên truyền cho cha mẹ ở trường mầm non.

- Qua các buổi họp phụ huynh của  nhà trường.

- Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Đài phát thanh của xã

- Qua các buổi phổ biến kiến thức của Hội Phụ nữ.

- Qua các buổi họp của hội nông dân, thôn, xóm.

- Tổ chức các hội thi.

- Thành lập các câu lạc bộ tư vấn về chăm, sóc – giáo dục trẻ thơ.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với nhà trường - công đoàn

- Thống nhất nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường. Triển khai  thực hiện đảm bảo các nội dung quy định.

- Tổ chức hội thi thực hiện mô hình phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong chăm sóc, giáo dục trẻ trong tháng 03/2020, nộp kế hoạch về bộ phận mầm non vào sáng ngày 20/01/2020; sau khi tập huấn tham quan mô hình làm điểm tại trường mầm non Đông Động

2. Đối với các tổ chuyên môn và giáo viên ( tổ nhà trẻ, tổ mẫu giáo)

- Tham gia đề xuất đóng góp các nội dung, phương pháp, hình thức thực hiện trong công tác tuyên truyền kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Xây dựng nội dung tuyên truyền tại các lớp có nội dung hình thức phong phú và phù hợp với từng độ tuổi.

- Phối hợp chặt chẽ với cha mẹ trẻ trong việc nắm bắt thông tin của trẻ từ cha mẹ trẻ, phảm ánh kịp thời các biểu hiện bất thường của trẻ hàng ngày ở nhà trường cho cha mẹ trẻ biết.

- Kết hợp và hỗ trợ cha mẹ trẻ hiểu biết về tâm sinh lý từng lứa tuổi. Đặc biệt trẻ 5 tuổi chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1. không gò ép trẻ trong việc thực hiện nhiệm vụ của người học sinh tiểu học khi trẻ đang còn học ở trường mầm non.

Quan tâm đến trẻ khuyết tật, trẻ có biểu hiện của các bệnh tự kỷ và tăng động để phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Không được đánh giá trẻ khuyết tật với các trẻ bình thường khác. Giáo viên đánh giá trẻ khuyết tật theo sự tiến bộ của từng giai đoạn trong việc thực hiện mục tiêu của kế hoạch.

Trên đây là kế hoạch thực hiện trong việc phối hợp giữa gia đình nhà trường và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ của trường mầm non Đông Kinh. Đề nghị các đồng chí CBGVNV trong trường nghiêm túc thực hiện.

                 Nơi nhận:                                                                                                 HIỆU TRƯỞNG

               - Phòng GD-ĐT ( báo cáo

                   - Nhà trường ( thực hiện).                                              

                                                                                                                                                    Phan Thị Huệ