Kiều kiều vô song review

Đây là tác phẩm đầu tiên tôi đọc của Lâm Gia Thành. Ấn tượng thật sự không tệ. Tuy vài chi tiết còn thiếu sót, tôi vẫn cho nó vào list cổ đại trùng sinh đáng đọc.

Bối cảnh của truyện là thời sau Ngụy Tấn, thế hệ sau của Tạ An Vương Đạo. Tôi đọc về thời đại này trong truyện đam mỹ Hoàn Dung trước đó, nên có thể quen thuộc và hiểu nhanh mối quan hệ giữa các thế gia hay phong cách thời đại (Hoàn Dung là truyện nặng quyền mưu quân sự nên khung cảnh rộng lớn hơn nhiều). Nhưng ở truyện này tôi mới nhận ra được sự nặng nề của trọng nam khinh nữ và môn đăng hộ đối. Đọc nhiều lúc tức anh ách.

Kiều kiều vô song review

Cơ Tự đời trước dựa vào nhan sắc mà đeo bám thế gia quý tộc, chứ không phải dạng sống an ổn biết mình biết ta. Tuy nhiên nàng bị mẫu thân của Trang Thập Tam hại chết cháy, cũng coi như khá thảm. Sau đó linh hồn nàng bám vào mảnh ngọc bội, được đệ đệ nuôi là Tiêu Đạo Thành mang theo bên mình, nên nàng mới phong phú tri thức và hiểu biết như thế. Trải qua cái chết một lần, Cơ Tự nhìn thấu hồng trần, hiểu rõ sai lầm của mình và kiếp này cố gắng thay đổi mọi thứ. Kiếp này, Cơ Tự là một thiếu nữ trẻ tuổi, lại mang đôi mắt chứa đầy bi thương như đã kinh qua bãi bể nương dâu. Sự mâu thuẫn ấy khiến nàng trở nên khác biệt với các nữ tử khác, hấp dẫn vô cùng. Tôi thích Cơ Tự kiếp này hơn nhiều với nàng Cơ Tự kiếp trước. Tôi chẳng có mấy cảm tình với Cơ Tự của kiếp trước, cũng có thể bởi kiếp trước kể qua loa quá nên tôi có chỗ hiểu nhầm nàng chăng?

Bù lại, Cơ Tự sau trùng sinh cực kỳ tỏa sáng. Nàng tiêu sái phóng khoáng, thông minh tự tin. Nàng biết tiến lùi có độ, biết giả heo ăn thịt hổ, biết dùng mưu kế trả thù. Tiếng tiêu của nàng vốn đã xuất sắc, giờ thêm chút thấu tỏ thông suốt. Vẻ đẹp của nàng vừa ngây thơ thiếu nữ vừa phong tình trải đời. Thi thư nàng từ đọc đều được ghi lại trong ký ức. Nàng còn hiểu suy đoán thời tiết, dùng cả những sự kiện tương lai mình biết làm ưu thế, coi như là một dạng tiên tri. Tuy vậy, Cơ Tự vẫn là một nữ tử cổ đại, vẫn bị mê hoặc bởi ôn nhu dịu dàng đẹp đẽ của Tạ Thập Bát của Trần Quận Tạ thị. Nàng yêu chàng, rất yêu, song lại có tự tôn và quyết định của riêng mình. Nàng có tài có sắc, ăn đứt nữ lang của các thế tộc lớn, vì sao nàng không thể có vinh hoa phú quý và danh dự tương tự? Nàng muốn làm chính thê, nàng muốn tôn nghiêm. Nàng không thỏa hiệp mù quáng vì tình yêu dù trong thâm tâm nàng ghen tỵ với những nữ tử có thể quang minh chính đại sánh vai với Tạ Lang vô cùng. Tôi thích nàng ở điểm này.

Tôi rất hiểu suy nghĩ của Cơ Tự. Nàng không gia thế, không bối cảnh, đứng trước Tạ Lang thì ngại ngùng thẹn thùng. Thầm mến thật đấy, lại xen lẫn ít tự ti, sợ hãi, lo lắng. Yêu đương với Tạ Lang quá tốt đẹp, cũng quá nguy hiểm. Nàng không muốn đánh cược, lại không muốn gò bó bản thân. Chàng bày mưu đặt bẫy ngọt ngào khiến nàng rơi vào, giãy giụa không thoát khỏi. Vậy thì cứ yêu thôi. Cứ yêu cho hiện tại đã, tương lai nàng không quan tâm. Nàng vốn không mong đợi bạc đầu răng long, không chờ đợi cưới hỏi, nên nàng sẽ không bi lụy bởi ngăn cách có thể xảy ra và nàng luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho điều này. Nhưng điều đó không có nghĩa nàng không đau khi Tạ Lang bỏ rơi nàng.

Kiều kiều vô song review

Đúng hôm được coi như ngày thành thân của họ, Tạ Lang nói chờ chàng về, rồi một đi không trở lại. Đây là khúc mắc lớn nhất của tôi với Tạ Lang, và làm giảm cảm tình kha khá, dù sau đó tác giả cố để Tạ Lang cố bù đắp. Chàng nói mình sợ hãi nói từ biệt với nàng, không dám trực tiếp rời đi nàng. Tôi chỉ thấy nực cười. Thế thì nàng đáng bị vứt bỏ khi không biết gì sao? Nàng xứng bị lôi ra làm trò cười trong ngày nàng tưởng là ngày hạnh phúc nhất ư? Rõ ràng là Tạ Lang bày kế bẫy Cơ Tự, rõ ràng là Tạ Lang cố ý muốn công bố mối quan hệ của hai người cho thiên hạ, kéo theo bao nhiêu nguy hiểm, tại sao lại thành lỗi của Cơ Tự rồi? Chẳng lẽ Tạ Lang không nghĩ đến hậu quả sao? Cơ Tự oan ức lắm chứ. “Rõ ràng là A Lang trêu chọc ta trước, rõ ràng là A Lang cố ý tuyên bố thân phận của ta với mọi người… nhưng tại sao đến cuối cùng, mọi thứ lại thành ra là ta sai? Vì sao sau khi ta bị cưỡng ép đuổi khỏi Ô Y Hạng, chỉ muốn gặp mặt A Lang một lần, muốn nói thêm một câu, muốn A lang cho ta một lời từ biệt hẳn hoi lại khó khăn đến thế?”.

Đoạn ngược Tạ Lang quá ít, đọc chẳng đã gì cả. Cơ Tự lạnh nhạt, hay có người để ý đến Cơ Tự, Tạ Lang lại đi níu kéo. Đã biết vậy cớ sao trước còn làm? Cơ Tự không muốn quay lại, cũng không muốn thành thiếp, Tạ Lang quay ra trách Cơ Tự vứt bỏ mình. Haha, chưa biết ai nên trách ai đâu! Tạ Lang được phép bỏ rơi Cơ Tự còn Cơ Tự thì không chủ động rời xa được à? Tạ Lang tổn thương Cơ Tự sâu sắc thế, chỉ xin lỗi và hứa không hành động như vậy nữa là xong à? Tạ Lang quý giá, lẽ nào Cơ Tự thì rẻ bèo? Nói thật, do không có phiên ngoại nên tôi không hiểu được suy nghĩ của Tạ Lang, thành ra chỉ thấy bực mình khó chịu. Tác giả xử lý đoạn này không tốt, đến tận khi Tạ Lang và Cơ Tự được Trần Quận Tạ thị thừa nhận, tôi vẫn cảm thấy lấn cấn. Chủ yếu do Cơ Tự dễ tha thứ quá. Tôi muốn ngược Tạ Lang, ngược nhiều vào, phải trả giá lớn cho lỗi lầm khó chấp nhận kia của mình chứ. Đoạn xin thánh chỉ cấm cưới hỏi của Cơ Tự làm tôi thấy khá hài lòng. Kiên định được như vậy mới là Cơ Tự tôi muốn. Nàng đã trả lời Tạ Lang: “Tại sao ta phải do dự? Khi A Lang bỏ rơi ta, chàng có hề do dự một khắc nào đâu!”, là quá chuẩn. Tiếc là nàng không kiên trì được lâu. Nếu Cơ Tự là nữ xuyên không thì có khi đã khác rồi.

Kiều kiều vô song review

Sau đoạn này có đoạn Tạ Lang hứa để Cơ Tự làm quý thiếp, tức là Tạ Lang vẫn cưới chính thê, vẫn sinh con với người khác. Nào là nâng nhà nàng lên làm thế gia vọng tộc, nào là hứa cho nàng vị trí quý thiếp, nào là cam đoan trong tim chỉ có mình nàng, nào là hứa sẽ chết cùng nhau….mà nghe sao thật nực cười. Tôi chỉ muốn đánh cho chàng ta một trận. Sự thực gia thế của Cơ Tự không tốt, không thể thành chính thê của chàng, là điều ai cũng biết. Chàng thì hiểu rõ cố chấp và mong muốn của Cơ Tự. Tại sao chàng có thể nói ra những điều phũ phàng và thiếu thực tế thế nhỉ? Tình yêu mà có sự chia sẻ, có người thứ ba, thì còn là tình yêu sao? Đến chết đi cùng nhau cũng phải giấu giếm, tìm nơi xa xôi hẻo lánh. Mà ai biết được Tạ Lang liệu có mãi mãi chung tình, ủng hộ Cơ Tự? Ai biết được Cơ Tự liệu có sống sót trong cuộc chiến tranh đoạt thê thiếp, chính thứ cho mình và con cái? Cơ Tự không cần thứ bố thí kiểu đấy! Với Tạ Lang, nàng đúng là không cầu được không bỏ được. Song đã không đáp ứng được nàng thì đừng nói những điều vô bổ, đừng cố van xin bằng sự thực. Nàng có thể tiêu sái buông tay tức là nàng chẳng mặn mà gì cái vị trí thiếp kia, chứ đừng nói là tiện hay quý. Không buông tay được là do chàng, dây dưa mãi vẫn là chàng. Đừng trách móc Cơ Tự, đừng yêu cầu nàng nhún nhường vì mình, vì ích kỷ tư tâm của bản thân. Tôi thấy đoạn nói chuyện này vừa tổn thương vừa vớ vẩn.

Nói thẳng ra là Tạ Lang quá tự tin. Chàng bình thường muốn gì có đó, cầu gì được nấy, cho nên chàng xem nhẹ hết thảy. Tất cả mọi lạnh nhạt nhận được từ Cơ Tự là chàng tự tìm lấy. Chàng không có lý do gì để oán trách nàng cả. Đừng có bày ra bộ mặt mình là kẻ bị hại! Nếu không phải họ chẳng may gặp lại, nếu không phải Cơ Tự không tỏ ra quyến luyến si mê như cũ, liệu Tạ Lang còn biểu hiện như vậy nữa không? Chưa chắc ấy chứ. Đặt mình vào trong bối cảnh của truyện, có thể hành vi của Cơ Tự và Tạ Lang là hợp lý. Tuy nhiên dưới góc nhìn của một độc giả người hiện đại thích mang thù như tôi thì không chấp nhận được. Cái sự bức bối kéo dài suốt sau đó. Tôi nhảy đến cuối, biết được Tạ Lang từ bỏ thân phận mình để lấy Cơ Tự, khiến tôi có cảm tình với chàng hơn chút xíu. Cơ mà đọc từ đoạn ngược Tạ Lang đến kết lại hơi bị dài, chờ không được và không đủ sức để chờ.

Kiều kiều vô song review

Tôi chỉ thích đọc đi đọc lại mấy phân đoạn ngược Tạ Lang thôi. Đọc để cảm nhận rằng, ngược đúng lắm, ngược đáng lắm. Cơ Tự biết rõ những thứ phải dựa vào Tạ Lang mới có thì không hề bền vững, nên nàng tự lập tự cường, còn tỏa sáng rạng rỡ hơn trước khi bị tổn thương. Cần cảm ơn Tạ Lang đấy nhỉ? Việc không cần danh phận tuy chứng tỏ rằng nàng thỏa hiệp nhanh quá, nhưng cũng cho thấy thực tế. Cơ Tự không dứt tình được với Tạ Lang, Tạ Lang không bỏ được Cơ Tự. Muốn yêu nhau chứ gì? Cứ yêu thôi, không cần công khai là được. Cơ Tự mà là nữ xuyên không thì hẳn không dài dòng thế này. Như Mộ Dung Thư của Chính phi không bằng tiểu thiếp ấy, không nhất sinh nhất thế nhất song nhân được là dứt khoát bỏ đi luôn. Mình có bản lĩnh tài năng của mình để tự đứng vững, thì đâu cần gì nữ nhi tình trường mệt mỏi đau khổ? Cách phản ứng và xử lý của Trần Dung và Trương Khởi trong Mị công khanhCảnh xuân Nam triều cũng hợp ý tôi hơn hẳn Cơ Tự của Kiều kiều vô song.

Tạ Lang có sai (sai lớn là đằng khác) song vốn là bắt nguồn từ trách nhiệm trưởng tử dòng chính của Trần Quận Tạ thị. Tôi không trách chàng vì mẫu thân, vì dòng họ, vì thanh danh, mà suy tính thiệt hơn. Nhưng tôi không thích việc chàng dây dưa không dứt. Hai bên đều không cân bằng được thì dứt khoát nhanh nhanh lên. Kéo dài thiếu quyết đoán chỉ khiến Cơ Tự thêm đau khổ, cả hai người đều mỏi mệt. Từ đầu đến cuối quyền chủ động trong tay chàng, thân bất do kỷ gì đó cũng là chàng, vậy mà lằng nhằng mãi thôi. Nói chung cái sự mâu thuẫn của Tạ Lang đặt trong bối cảnh là dễ hiểu, tiếc là tôi không đồng tình được. Giọng văn kiểu nhẹ nhàng dịu dàng càng thể hiện sự dễ tha thứ của Cơ Tự, lại thêm một điều tôi không mấy hài lòng. Mọi thứ đã có thể giải quyết nếu tác giả đi sâu vào tâm lý nhân vật hoặc có hẳn một phiên ngoại riêng cho Tạ Thập Bát.

Về phần nam phụ Thôi Huyền, tính kế tình cảm quá nhiều, bất chấp thủ đoạn, bỏ qua đau khổ Cơ Tự sẽ phải nhận. Cho nên dù Thôi Huyền tỏ ra luyến tiếc bao nhiêu, tôi chẳng thấy hắn đáng thương chút nào. Trang Thập Tam thì yêu một cách điên cuồng và cố chấp. Kỳ thực kiếp trước kiếp này Trang Thập Tam chưa từng phụ Cơ Tự. Cái sai duy nhất của hắn là không kiên quyết được giữa mẫu thân và người mình yêu, cũng chẳng bảo vệ được Cơ Tự. Chứ kiếp trước Cơ Tự đào hoa phong lưu quá, câu dẫn nam nhân khắp nơi. Với kiểu yêu và khống chế của Trang Thập Tam, nàng không bị tù cấm play mới lạ. Không biết kiếp trước Trang Thập Tam biết mẫu thân mình kính trọng thiêu chết người mình yêu và con mình thì sẽ thế nào nhỉ? Ngậm đắng nuốt cay quên đi Cơ Tự? Kiếp này Trang Thập Tam nghe xong gút mắc yêu hận thì thành hòa thượng, còn nói rằng hai đời hắn là hòa thượng. Có lẽ đời trước mẫu thân giết chết người mình yêu và con mình thì Trang Thập Tam tuyệt vọng vào chùa thật. Có chút đáng thương, hai đời có cố thế nào cũng chỉ là nghiệt duyên…

Còn Chu Ngọc ban đầu muốn thành thân với Cơ Tự chỉ vì âm mưu của mình. Sau này Chu Ngọc dần thích Cơ Tự, nhưng vẫn vì quyền thế mà bỏ qua nàng. Họ đã định trước vô duyên vô phận. Chu Ngọc có lẽ không yêu Cơ Tự nhiều. Cái cảm tình của Chu Ngọc giống như sự kết hợp của không cam tâm và cầu mà không được thì đúng hơn. Tiêu Dịch thì phụ hơn cả phụ. Ngoài việc kéo thêm phiền phức cho Cơ Tự, tôi chẳng thấy y có tác dụng hay để lại ấn tượng gì. Bên cạnh đó, dàn nhân vật nữ phụ có kha khá nhân vật não tàn, điên cuồng, cố chấp. Tất cả là để làm nổi bật sự thông tuệ của nữ chính, song chính thế nên đọc mới có chút bực mình. Mỗi khi đọc đến một nữ phụ phản diện nào đó là tôi chỉ mong xử lý nhanh nhanh cho đỡ chướng mắt.

Kiều kiều vô song review

Tổng thể truyện ok. Vấn đề của truyện là vấn đề cá nhân của riêng tôi. Người khác đọc có lẽ sẽ có cách hiểu khác và dễ chấp nhận hơn. Ấn tượng của tôi về truyện này cũng không tệ, dù nói là thích cũng không chuẩn lắm. Nhân vật xây dựng ổn. Diễn biến có logic nhưng chưa đủ sâu. Bối cảnh và cốt truyện phù hợp và nhất quán với triều đại bấy giờ. Kết hợp cao trào và mưu kế tốt. Giọng văn nhẹ nhàng, mường tượng ra được nàng Cơ Tự cơ trí ôn nhu.

So sánh ba tác phẩm: Kiều kiều vô song, Mị công khanh, và Cảnh xuân Nam triềuđây