Mổ hẹp van tim bao nhiêu tiền

Theo các bác sĩ về tim mạch, điều trị bệnh tim bằng phương pháp phẫu thuật trước đây chủ yếu sử dụng đường mở ngực giữa xương ức. Tuy nhiên, đường mở ngực giữa xương ức vẫn có một số nhược điểm nhất định như đau nhiều, mất máu nhiều hơn, làm tăng thời gian nằm hồi sức và thở máy, từ đó làm tăng thời gian nằm viện, tính thẩm mỹ chưa cao.

Show

Bên cạnh đó, còn một biến chứng quan trọng là nhiễm trùng xương ức, đây là biến chứng có tỉ lệ thấp (< 1%), nhưng khi xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ tử vong từ 30 - 50% cũng như kéo rất dài thời gian nằm viện từ nhiều tuần, thậm chí đến nhiều tháng.
PGS TS BS.Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Phó giám đốc bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong khoảng 2 thập kỉ trở lại đây, nhờ vào những thành quả của khoa học, phẫu thuật tim nội soi đã ra đời và phát triển mạnh mẽ. Số lượng trung tâm áp dụng kĩ thuật này cũng như tỉ lệ người bệnh được mổ nội soi so với người bệnh mổ hở không ngừng tăng cao, không chỉ ở những nước phát triển mà còn ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tại bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu ứng dụng mổ nội soi và ít xâm lấn tim mạch từ năm 2014. Cho đến nay đã có 200 trường hợp phẫu thuật thành công. Với tỉ lệ tử vong rất thấp, tỉ lệ tai biến và biến chứng thấp, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn đã trở thành lựa chọn thường quy đối với người bệnh.

Theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tim nội soi và ít xâm lấn có thể điều trị được hầu hết các mặt bệnh tim mạch như phẫu thuật tim hở qua đường mở ngực giữa xương ức có thể thực hiện được. Trong đó, nổi bật là phẫu thuật van tim như van 2 lá, van động mạch chủ; phẫu thuật tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch; phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành…

"Lợi ích của phẫu thuật tim nội soi như giảm đau, giảm chảy máu, giảm truyền máu, giảm thời gian thở máy và nằm hồi sức, giảm thời gian nằm viện, nhanh chóng trở về với cuộc sống và sinh hoạt thường nhật và có tính thẩm mỹ cao", bác sĩ Nguyễn Hoàng Định cho biết thêm.

Cho đến hiện nay, độ tuổi an toàn cho phẫu thuật tim nội soi cũng tương tự như những trường hợp phẫu thuật hở. Tuy nhiên, do đặc trưng chuyên môn, người bệnh trên 50 tuổi và có yếu tố nguy cơ tim mạch cần phải chụp CT scan ngực bụng để giúp ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não do hệ thống tim phổi nhân tạo gây ra. Được biết, chi phí cho một ca phẫu thuật tim nội soi khoảng 80 triệu đồng và được thanh toán bảo hiểm y tế như phương pháp mổ tim thông thường.

“Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn với đường mổ nhỏ, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh, giảm mất máu, giảm đau sau mổ, chi phi phẫu thuật thấp hơn, yếu tố thẩm mỹ cao hơn”, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ trong buổi tư vấn trực tuyến “Phẫu thuật van tim ít xâm lấn: Chẩn đoán và điều trị” vào ngày 16/2/2022.

Bệnh van tim là bệnh lý có thể gặp ở mọi độ tuổi. Đây là tình trạng van bị hư hỏng và không hoạt động như bình thường. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, các van hư hỏng cần được sửa chữa hoặc thay thế qua cuộc phẫu thuật van tim. 

Trước đây, phương pháp phẫu thuật truyền thống được áp dụng để sửa chữa hoặc thay thế van tim là đi đường giữa xương ức với chiều dài từ 8-12 cm, nhưng với kỹ thuật mổ ít xâm lấn, đường mổ chỉ từ 4-5cm, bệnh nhân chỉ mất khoảng 2-4 tuần để phục hồi thay vì 6-8 tuần.

Tại buổi tư vấn trực tuyến diễn ra vào ngày 16/2/2022, hai chuyên gia đến từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan, Phó Giám đốc phụ trách Ngoại khoa đã giải đáp tất cả thắc mắc của độc giả về phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn. Độc giả có thể xem lại buổi tư vấn tại đây.

thumb livestream tim mạchTừ trái qua: PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan, Phó Giám đốc phụ trách Ngoại khoa, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM và MC Bích Ngọc tại buổi tư vấn

Những ưu điểm của phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn

Buồng tim có 4 van: 2 van ngăn cách tâm thất và tâm nhĩ gọi là van 2 lá và van 3 lá, trong khi van động mạch chủ dẫn máu từ thất trái lên động mạch chủ, còn van động mạch phổi cho phép máu từ thất phải lên động mạch phổi. Van tim có một mục đích duy nhất, đó là giúp máu đi theo một hướng, ví dụ van 2 lá cho máu đi từ nhĩ đổ xuống thất. Van tim rất quan trọng cho sự vận hành của tim. Nếu van tim bị hẹp/hở, người bệnh cần được chẩn đoán bệnh, điều trị nội khoa trong giai đoạn thích hợp hoặc sửa chữa/thay van.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ: “Năm 1990 khi tôi sang Pháp thực tập tại một Viện mổ tim, để mổ tim hở, người ta phải cưa xương ức từ trên ngực xuống dưới, ước tính đường mổ hơn 20cm. Sau đó tôi về Việt Nam. Những năm đầu Viện Tim mới thành lập, việc mổ tim cũng tiến hành theo phương pháp này. Khi chăm sóc bệnh nhân sau mổ, tôi thấy họ rất đau, và nguy hiểm nhất là nguy cơ viêm xương ức, viêm trung thất.

Năm 2005, Mỹ bắt đầu tiến hành kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn. Ưu điểm của phương pháp này là không phải cưa xương ức nên đỡ biến chứng nặng, bệnh nhân chỉ nằm khoảng 4-5 ngày tại bệnh viện (so với 7-10 ngày nếu mổ theo phương pháp truyền thống), đỡ tốn máu hơn. Chính nhờ những ưu điểm đó nên tôi rất mong các bệnh nhân phải phẫu thuật van tim sẽ được mổ theo kỹ thuật mới”.

Cùng chung suy nghĩ với PGS Phạm Nguyễn Vinh, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan cho biết: “Có hai phương pháp điều trị ngoại khoa cho bệnh lý van tim: sửa van và thay van. Trước đây, phẫu thuật viên sử dụng phương pháp phẫu thuật kinh điển, tức là xẻ dọc xương ức với đường mổ rất dài. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn được ứng dụng nhiều, phẫu thuật viên có thể mổ can thiệp cùng lúc 2 van tim, sửa 1 van và thay 1 van. Trên thế giới, phương pháp này được áp dụng cho rất nhiều bệnh lý tim khác nhau. Việt Nam cũng đã tiếp cận rất nhanh chóng với kỹ thuật này”.

Dưới đây là phần giải đáp chi tiết của hai chuyên gia về những vấn đề xoay quanh phẫu thuật van tim ít xâm lấn.

1. Điều kiện để tiến hành phẫu thuật van tim ít xâm lấn.

Phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn được thực hiện như thế nào? Điều kiện về phòng mổ, trang thiết bị và nhân lực để có thể tiến hành phẫu thuật này? 

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Với phương pháp phẫu thuật van tim ít xâm lấn, thay vì thực hiện một đường mổ dài giữa xương ức, bác sĩ chỉ chẻ một nửa xương ức. Thậm chí, người ta có thể dùng đường mổ ở bên ngực phải (liên sườn 3, liên sườn 4), kèm thêm sự hỗ trợ của hệ thống camera thì phẫu trường sẽ hiện lên trên màn hình, và người phẫu thuật viên có thể thao tác sửa van hoặc thay van qua đường mổ rất nhỏ, ít sang chấn. Chất lượng của ca mổ không kém gì so với đường mổ dài như trước đây.

Để thực hiện một cuộc phẫu thuật van tim ít xâm lấn, trang thiết bị của phòng mổ phải thật tốt, phải có hệ thống camera hỗ trợ, người kỹ thuật viên cần có kinh nghiệm từ những ca mổ với đường mổ dài trước đó. Từ một đường mổ 20cm thu gọn lại chỉ còn 4-5cm, thậm chí 1,5cm (chỉ mổ vài lỗ trên ngực, sử dụng camera hoàn toàn), thế giới còn tiến hành mổ van tim bằng robot – để làm được điều đó đòi hỏi phải có trang thiết bị hiện đại, dụng cụ mổ chuyên biệt, thao tác mổ thuần thục, kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể tốt.

2. BVĐK Tâm Anh đã đảm bảo các điều kiện này như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

BVĐK Tâm Anh có đầy đủ trang thiết bị cũng như đội ngũ bác sĩ thuần thục, có kinh nghiệm phẫu thuật tim trong nhiều năm. Bản thân tôi đã tiến hành phẫu thuật tim hơn 30 năm với khoảng 400 ca mổ tim ít xâm lấn. Ekip bác sĩ làm việc chung với tôi đều có kinh nghiệm từ 15-20 năm. Chính vì vậy, BVĐK Tâm Anh có thể phát triển kỹ thuật mổ này. 

3. Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn có áp dụng cho trẻ em không?

Phương pháp phẫu thuật tim ít xâm lấn có áp dụng cho trẻ em không, đặc biệt là trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh phức tạp phải mổ sớm sau khi chào đời?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Phần lớn các ca phẫu thuật van tim ít xâm lấn được thực hiện trên người lớn. Không nên tiến hành kỹ thuật mổ này ở trẻ sơ sinh, vì không chỉ mổ một đường nhỏ mà còn phải có những trang thiết bị đi kèm như tích hợp hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể. Ở người lớn, có thể đưa đường dây vào các mạch máu dễ dàng. Trong khi mạch máu trẻ sơ sinh rất nhỏ, và những trang thiết bị dành cho trẻ sơ sinh (có bé chỉ nặng 2-3kg) thì gần như chưa có. Do vậy, để chọn bệnh nhân làm phẫu thuật ít xâm lấn phải cân nhắc trên nhiều phương diện. Trong đó, cân nặng là điều cần quan tâm, các cháu mới sinh muốn mổ ít xâm lấn phải từ 10kg trở lên. Lúc này, thao tác của phẫu thuật viên cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên vẫn cần phải chọn lọc, không nên mổ những thương tổn quá phức tạp vì có thể không đảm bảo được chất lượng của cuộc phẫu thuật. Chỉ khi phẫu thuật ít xâm lấn đảm bảo kết quả ngang bằng với mổ đường giữa xương ức thì chúng ta mới tiến hành phương pháp này.

phẫu thuật van tim ít xâm lấnPGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan cho biết BVĐK Tâm Anh TP.HCM được trang bị đầy đủ trang thiết bị sẵn sàng cho kỹ thuật phẫu thuật van tim ít xâm lấn

4. Hở van 3 lá 1/4 có phải di chứng hậu Covid-19?

Từ trước đến nay em không có bệnh hay triệu chứng gì về tim. Trong đợt dịch Covid-19 năm ngoái, em bị F0 và sau tiêm vaccine thì em cảm thấy khó thở. Đi bác sĩ siêu âm cho kết quả hở van tim 3 lá 1/4, rối loạn nhịp tim, nhưng bác sĩ bảo tình trạng này là bình thường. Em cảm thấy rất lo lắng, không biết hở van 3 lá 1/4 có phải di chứng hậu Covid-19 không, bệnh có nguy hiểm không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Người bị nhiễm Covid-19 có thể có biến chứng ở tim, phổi và não. Hiện nay, hầu như tuần nào tôi cũng khám cho vài bệnh nhân bị những triệu chứng về tim hậu Covid-19. Thường trong những trường hợp đó, tôi sẽ chỉ định bệnh nhân làm siêu âm tim, điện tâm đồ và X-quang ngực. Nếu người bệnh có thêm những triệu chứng về hô hấp thì làm thêm CT phổi không cản quang liều thấp. Và thường bệnh nhân có nhiều triệu chứng về tim, có khi chúng tôi phải thử thêm Troponin T để xem có hoại tử cơ tim hay không, thử NT-ProBNP để biết bệnh nhân có suy tim không. Đồng thời, có một số bệnh nhân hậu Covid có vấn đề huyết khối, thì tôi phải thử D-dimer. Đây được gọi là những chỉ điểm sinh học cho người bệnh. 

Với trường hợp của bạn, siêu âm tim thấy hở van 3 lá 1/4 tức là rất nhẹ, có thể là biểu hiện bình thường của một người bình thường chứ không phải bệnh tim. Nhưng nếu bạn lo lắng, mỗi năm có thể đi siêu âm lại và theo dõi thêm.

5. Lưu ý gì trước và sau mổ hẹp van động mạch chủ?

Ba em 65 tuổi, bị hẹp van động mạch chủ giai đoạn nặng, biến chứng sang cơ tim phì đại, gần đây có dấu hiệu suy tim. Vừa rồi tái khám, bác sĩ bảo bệnh tình ba chuyển nặng nên cần phẫu thuật. Ba em ốm và hơi xanh xao, em sợ mổ mất máu nhiều ba lại yếu hơn. Gia đình em rất lo, không biết cần chuẩn bị gì trước cuộc mổ và chăm sóc sau mổ như thế nào?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Khi nhắc đến hẹp van động mạch chủ nặng, tức là diện tích mở van trên dưới 1cm và đã làm phì đại tâm thất. Ba bạn đã có dấu hiệu suy tim, nên mổ sớm. Nếu để lâu thì khi hẹp van động mạch chủ nặng, tâm thất trái sẽ bóp tống máu qua van động mạch chủ bị hẹp, làm tâm thất dày lên giống như tình trạng hiện tại. Tới một lúc nào đó, tâm thất sẽ bắt đầu giãn ra và dẫn đến suy tim giai đoạn cuối, lúc đó người bệnh có nguy cơ đột tử. 

Bạn nên đưa ba đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ khảo sát thật kỹ. Đặc biệt là những trường hợp trên 60 tuổi thì phải khảo sát thêm động mạch vành để xem có kèm theo những thương tổn do mạch vành hay không. Trong trường hợp không có thương tổn mạch vành thì nhất thiết phải mổ để thay van. Bác năm nay 65 tuổi, chúng tôi sẽ cân nhắc thay van sinh học cho bác.

Trước khi mổ, chúng ta có thể sử dụng một số loại thuốc để hạn chế suy tim. Sau phẫu thuật, dù đã được thay van nhưng người bệnh vẫn cần theo dõi trong vòng 6 tháng đến 1 năm đầu sau mổ để điều chỉnh những rối loạn nhịp nếu có, điều chỉnh chức năng tim về bình thường cũng như nâng thể trạng của bác lên. Ngoài ra, bác phải dùng thuốc kháng đông từ 3-6 tháng. Nếu ca mổ diễn ra tốt, thay được van tốt thì tôi tin sức khỏe của bác sẽ tiến triển theo chiều hướng tích cực sau một thời gian rất ngắn.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Để chuẩn bị tốt nhất cho ca mổ, bạn nên cho ba ăn nhiều bữa, nhưng chia nhỏ mỗi bữa ra. Tại Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh, bệnh nhân sau khi mổ xong, được xuất viện thì sẽ quay lại tái khám sau 7 ngày, sau đó tiếp tục tái khám ở tháng thứ nhất và thứ ba. Trong lúc tái khám, ngoài khám lâm sàng, chúng tôi sẽ cho siêu âm tim, đo điện tâm đồ. Đến tháng thứ 6 và tháng thứ 12 tiếp tục tái khám, nếu bệnh nhân cần dùng thuốc kháng đông thì phải khám thường xuyên hơn. Như vậy, người bệnh sẽ được chăm sóc rất sát và bác sĩ có thể khuyến cáo những điều thích hợp để nâng cao sức khỏe người bệnh lên. 

6. Suy tim do hở van, có cần mổ thay van?

Bố tôi sinh năm 1944, đi khám bác sĩ kết luận ông bị suy tim do thiếu máu cơ tim cục bộ, hẹp – hở van động mạch chủ, hở van 2 lá nhẹ. Sức khỏe của ông hiện rất yếu. Trường hợp của bố tôi nếu mổ thay van có được không? Nếu không mổ thì phương pháp điều trị như thế nào là phù hợp?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Bố bạn có bệnh lý mạch vành. Đầu tiên, chúng tôi sẽ chụp mạch vành cho cụ, nếu cụ còn nhịp xoang thì trước đó chúng tôi làm MSCT mạch vành, không có thì chỉ chụp mạch vành. Nếu chụp mạch vành, tôi sẽ cân nhắc tổn thương này nhiều hay ít, có cần tái lưu thông không. Tiếp đó là cụ năm nay đã 78 tuổi, bị hẹp van động mạch chủ thì sẽ cân nhắc có cần mổ hay không. Ví dụ van động mạch chủ chúng ta mỗi lần mở từ 3-5cm², nếu của cụ vẫn mở được 1,7-1,8cm² và hở chỉ 2/4, đặc biệt là thất trái chưa dày, thì sẽ ưu tiên chữa mạch vành trước, chưa phẫu thuật. Còn cụ hẹp van động mạch chủ nặng và vừa có một nhánh mạch vành bị tổn thương trên 70%, chúng tôi sẽ hội chẩn phẫu thuật thay van, đồng thời mổ bắc cầu mạch vành luôn cho người bệnh. 

Trước khi hội chẩn, chúng tôi sẽ tính EuroSCORE, là chỉ số nguy cơ cho người bệnh. Ví dụ tỷ lệ thành công khoảng 96% thì chúng ta chấp nhận được. Chúng tôi luôn nói với người nhà bệnh nhân, độ thành công khoảng 95-96%, nếu gia đình bằng lòng chúng tôi mới mổ. 

Trong trường hợp van động mạch chủ chưa đến nỗi phải can thiệp thì có thể đặt stent động mạch vành. BVĐK Tâm Anh có đầy đủ ekip y bác sĩ và trang thiết bị để tiến hành phương pháp này.

tái khám tim mạch định kỳPGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, người bệnh sau phẫu thuật thay van cần tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi thể trạng và điều chỉnh thuốc

7. Hở van 2 lá 2.5/4, nên sửa hay thay van?

Chị gái em 41 tuổi, bị hở van 2 lá bẩm sinh, gần đây bệnh chuyển nặng, van hở mức độ 2.5/4 nên được chỉ định mổ sửa van tim. Gia đình em muốn thay van cho chị luôn để bệnh được chữa dứt hoàn toàn. Em nhờ bác sĩ tư vấn giúp liệu em có nên đề nghị mổ thay van không hay cứ sửa van trước? Và có thể tiến hành mổ ít xâm lấn được không?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Chị của bạn năm nay 41 tuổi, được chẩn đoán hở van 2 lá bẩm sinh, có nghĩa là van này đã hở 41 năm rồi. Mức độ hở là 2.5/4 là mấp mé giữa trung bình và nặng. Tuy nhiên, bạn không nói rõ cơ chế hở van là như thế nào. Do đó, bạn nên đưa chị đến bệnh viện để chúng tôi khảo sát lại. Khảo sát thứ nhất là xem độ nặng của hở van có đúng ở mức 2.5/4 không. Bên cạnh đó, kiểm tra xem độ hở van có ảnh hưởng lên tim nặng nề hay chưa. Trong trường hợp của chị bạn, không chỉ khảo sát độ nặng của hở van mà cần khảo sát thêm những yếu tố khác, chẳng hạn như kích thước tâm thất trái, tâm nhĩ trái, áp lực động mạch phổi… từ đó mới quyết định có can thiệp phẫu thuật hay không.

Một điều đặc biệt nữa là nếu có hở van thì phải khảo sát cơ chế của hở van, là hở van loại gì. Giả sử đây là trường hợp hở van nặng (3/4 hoặc 4/4), và nó bắt đầu ảnh hưởng lên tim trái thì tôi nghĩ sẽ có chỉ định mổ, và nên mổ trước khi bệnh nhân có dấu hiệu suy tim. Nếu chị bạn phải mổ trong trường hợp này, tôi tin có thể tiến hành phương pháp ít xâm lấn vì chị bạn còn trẻ, tình trạng hở chưa diễn biến kéo dài lắm, chưa ảnh hưởng lên tim nhiều. 

8. Thay vì sửa van, có nên mổ thay van luôn để tránh phải mổ lại?

Nhiều bệnh nhân nghĩ rằng đằng nào cũng một lần làm phẫu thuật, thay vì mổ để sửa chữa thì nên mổ thay thế luôn, bởi họ nghĩ thay là thay mới còn sửa là sửa cái đã hỏng. Suy nghĩ này có đúng không? Để đưa ra quyết định nên mổ sửa chữa hay thay thế, các chuyên gia cần dựa vào các điều kiện như thế nào đối với từng bệnh nhân?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Hầu hết các bệnh nhân đều không mong muốn phải mổ đi mổ lại nhiều lần, đặc biệt là những trường hợp kinh tế khó khăn. Dĩ nhiên, bác sĩ sẽ cố gắng tìm phương pháp tốt nhất cho người bệnh. Với những đối tượng tuổi còn trẻ, sửa van là phương pháp tối ưu vì đem lại nhiều điểm lợi cho bệnh nhân. Thứ nhất, có thể giữ lại được van tự nhiên. Thứ hai khi sửa van, mình chỉ đặt vào đó một cái vòng van thì người bệnh không phải uống thuốc kháng đông. Trong khi đó nếu thay van, đối với bệnh nhân trẻ thường phải dùng van cơ học (van sinh học chỉ dùng cho những người từ 60 tuổi trở lên), người bệnh phải uống thuốc kháng đông suốt đời. 

Như vậy, để quyết định sửa van hay thay van, phải dựa trên nhiều yếu tố:

  • Thứ nhất, thương tổn van có thể sửa được không?
  • Thứ hai, tay nghề của bác sĩ có thể sửa được cái van đó không?
  • Thứ ba, tùy thuộc bệnh nhân đang trong độ tuổi nào để chọn phương pháp điều trị thích hợp.

Cho dù sửa hay thay van thì chúng ta phải nhìn về tương lai của bệnh nhân, ít nhất là 20 năm sau đó. Nếu cố sửa trên một cái van đã xấu, thì van đó sẽ không chịu đựng được lâu. Như vậy trong vòng 5-10 năm sau, van sẽ hư một lần nữa và người bệnh phải mổ lại. Thay vì vậy, nếu thấy cái van đó hư nặng quá thì tốt nhất nên thay van mới cho người bệnh. 

9. Hở van tim uống thuốc không hết, có cần phẫu thuật?

Tôi 44 tuổi, hay mệt và khó thở, đi khám thì có kết quả: tim hở van 2 lá và đau dây thần kinh thực vật, hở động mạch chủ. Bác sĩ có cho thuốc uống, sau một thời gian uống thuốc thì gần đây tôi thường xuyên bị mệt, nhói ở ngực và sau lưng. Tôi đo huyết áp thì thấp, sau đó uống ly trà gừng thì lên lại nhưng vẫn còn mệt, nói nhiều cũng mệt. Xin hỏi bác sĩ bệnh của tôi có cần phẫu thuật không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Bạn hở van 2 lá thì tôi cần biết là nặng hay nhẹ. Hở 1/4 tức là rất nhẹ, 2/4 là nhẹ và vừa, còn 3/4 là bắt đầu nặng, và 4/4 là rất nặng. Thường hở van điều trị bằng thuốc là điều rất hạn chế, phải phẫu thuật. 

Bên cạnh đó, bạn còn bị hở động mạch chủ. Tương tự như hở van 2 lá, hở van động mạch chủ cũng có hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu bạn hở động mạch chủ 1/4, hở van 2 lá 1/4, huyết áp không cao thì không cần điều trị. Nhưng nếu hay bị hồi hộp, tôi sẽ cho thuốc chẹn beta liều rất thấp, đồng thời khuyên bạn nên tập thể dục. Bạn hãy lạc quan lên vì uống trà gừng mà người còn khỏe lên được, thì chắc chắn là bệnh không nặng, nên bạn yên tâm nhé!

10. Những rủi ro thường gặp trong và sau ca mổ van tim?

Những rủi ro thường gặp trong và sau ca mổ thay van tim? Làm cách nào để hạn chế những rủi ro này?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Cho đến nay, người ta xếp phẫu thuật sửa van 2 lá vào một trong những phẫu thuật an toàn cao trong các phẫu thuật tim. Cách đây khoảng 20-30 năm, tỷ lệ tử vong ở phẫu thuật sửa van 2 lá khoảng từ 3-5%, nhưng hiện nay với sự phát triển về trang thiết bị, thuốc men, kỹ năng mổ của bác sĩ thì tỷ lệ này rất thấp. Những biến chứng sau ca mổ cũng cực kỳ thấp. Ngay cả khi mổ bằng phương pháp ít xâm lấn thì tỷ lệ tử vong cũng vô cùng nhỏ.

11. Hở van tim 1/4 có cần điều trị?

Hồi tháng 4/2020 em có đi khám, bác sĩ chẩn đoán hở van tim 2 lá 1/4, cách 2 tháng sau thì thêm hở van 3 lá 1/4. Bác sĩ nói không sao, không cần điều trị. Nhưng bắt đầu từ đó, sáng ngủ dậy em hay bị tức ở ngực, phải mấy tiếng sau mới đỡ. Mấy ngày nay em bị tức ngực trái, đau từ ngực truyền sang tay bên trái, chỉ bị một bên. Không biết có phải bệnh trở nặng không và em có cần điều trị không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Hở van 2 lá 1/4 và hở van 3 lá 1/4 không có gì đáng ngại. Triệu chứng của bạn có thể do một bệnh lý khác như rối loạn thần kinh tim, rối loạn thần kinh thực vật… gây ra chứ không phải do van tim. Bạn nên đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh. 

12. Hở van tim có dẫn đến suy tim?

Em được biết bệnh hở van tim nếu không điều trị sẽ dẫn đến suy tim, điều này có đúng không và có phải ai bị hở van tim cũng phải làm phẫu thuật thì mới hết bệnh không? Hở van tim có phẫu thuật nội soi được không?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Ở bệnh nhân hở van tim, khi tâm thất trái bóp, thay vì máu đi lên trên động mạch chủ thì một phần máu của tâm thất trái sẽ đi qua phần van bị hở để ngược trở lại tâm nhĩ trái, khiến tâm nhĩ trái phải đón nhận lượng máu phụt ngược từ tâm thất trái. Nếu chuyện này diễn biến lâu dài, tâm thất trái sẽ bị mệt, vì khi đó lượng máu bóp lên động mạch chủ không đủ và tâm thất trái phải co bóp nhiều hơn, nhịp tim tăng lên để bảo đảm lượng máu đi nuôi cơ thể. 

Có hai hệ quả ở đây. Thứ nhất, khi tâm thất trái phải bóp nhiều, bóp nhanh thì tới một lúc nào đó sẽ bị suy. Thứ hai, khi tâm nhĩ trái phải đón nhận một lượng máu phụt lên trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm thì đường kính của tâm nhĩ trái sẽ giãn ra. Do đó, đối với trường hợp hở van 2 lá nặng, tình trạng suy tim sớm muộn cũng sẽ xảy ra. 

Có nhiều bệnh nhân hở van 2 lá rất nặng nhưng chưa có dấu hiệu suy tim, tức là đi bộ hay lên xuống cầu thang chưa mệt, sinh hoạt vận động vẫn bình thường. Người ta gọi trường hợp này là tiềm ẩn suy tim. Khi bệnh nhân có triệu chứng mệt, là lúc tâm thất trái đã bắt đầu mệt mỏi, đời sống của bệnh nhân bị hạn chế. Vì vậy với những người bị hở van nặng, cho dù là hở van 2 lá hay hở van động mạch chủ, thì tâm thất trái là bộ phận chịu ảnh hưởng đầu tiên, và tới một lúc nào đó cũng sẽ dẫn đến suy tim. Chúng ta phải can thiệp phẫu thuật trước khi bệnh nhân có dấu hiệu suy tim.

Những trường hợp hở trung bình, chỉ hở khoảng 2/4 hoặc thậm chí ít hơn 2/4, cho dù là van 2 lá hay van động mạch chủ, thì có thể theo dõi chứ chưa cần phẫu thuật. Theo dõi bằng cách nào? Đó là thăm khám và làm siêu âm tim mỗi 3-6 tháng/lần, từ đó so sánh kết quả đọc siêu âm trong những lần liên tiếp nhau. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ xem diễn biến của hở van âm tim có nặng hơn không, kích thước của những buồng tim có thay đổi hay không, qua đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về phương pháp điều trị phù hợp.

siêu âm tim định kỳNgười bệnh hở van tim mức độ nhẹ cần thăm khám, siêu âm tim mỗi 3-6 tháng/lần để theo dõi sự tiến triển của bệnh

13. Phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh có khả năng sinh con không?

Em năm nay 24 tuổi. Hồi em học trung học, nhà trường có cho học sinh khám sức khỏe, lúc đó phát hiện nhịp tim em không bình thường, có dấu hiệu hở van tim nên bác sĩ yêu cầu gia đình đưa em đi khám lại chuyên khoa tim mạch. Đi khám lại thì em được thử máu, siêu âm… kết quả là em bị bệnh hở van tim bẩm sinh, được yêu cầu phẫu thuật nhưng điều kiện gia đình không cho phép nên chưa mổ. Hiện tại sức khỏe em bình thường, chỉ thỉnh thoảng hơi mệt tim một chút, lâu lâu có đau ngực và cảm giác như có vật gì đó đè lên ngực. Em nghe nói phụ nữ bị bệnh tim bẩm sinh sẽ ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé khi mang thai, không biết có đúng không? Vậy bây giờ em có nên đi mổ tim để tương lai có thể lập gia đình và sinh con không? Bệnh của em nên mổ nội soi hay mổ hở?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Với một bệnh nhân có hở van tim, tôi luôn tìm hiểu trường hợp này là hở van nguyên phát hay thứ phát. Hở van tim nguyên phát tức là bệnh nhân có bệnh lý tại van, có thể do bệnh co rút lá van, thoái hóa van, cũng có thể là hở van bẩm sinh. Trong đa số trường hợp đó, nếu bác sĩ đã khuyên mổ thì bạn nên thực hiện. Nhưng bạn đã để đến bây giờ thì tôi cần thăm khám lại, làm siêu âm tim để xem tâm nhĩ trái, tâm thất trái giãn ra nhiều chưa; sức co bóp của tim có đạt 70-80% hay không. Nếu chỉ số này của bạn chỉ còn 50% thì tôi sẽ hỏi xem bạn có khó thở không. Hoặc chúng tôi sẽ cho làm siêu âm tim gắng sức, tức là bệnh nhân vừa đạp xe đạp vừa làm siêu âm. Nếu phát hiện bệnh nhân có hở van cơ năng 3/4 trở lên, tôi sẽ khuyên bệnh nhân đi phẫu thuật. 

Bạn hỏi liệu mình có lấy chồng và sinh con được không, tôi ví dụ nếu bạn lập gia đình và có em bé thì đến tháng thứ 7, thể tích máu trong người tăng 50%, lúc đó suy tim nặng sẽ dẫn đến tử vong người mẹ. Cho nên, tôi khuyên bạn phải thăm khám và điều trị trước, sửa được van tim để còn mang thai sau này.

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Nếu các bác sĩ đã khảo sát kỹ và có chỉ định mổ thì bạn nên mổ sớm. Tim bạn bị hở van nặng, thậm chí có dấu hiệu suy tim mà bạn có con thì rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Trong thực tế, chúng tôi từng rất khó để quyết định nên dùng phương pháp điều trị gì ở những sản phụ đã có thai 6, 7, 8 tháng. Thậm chí, có những người gần sinh nhưng lại bị hở van tim, hẹp van tim rất nặng. Trong các trường hợp đó, bác sĩ sẽ suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn phương án nào là tối ưu nhất cho mẹ và con. Có khi chúng tôi phải mổ bắt con mặc dù sản phụ chưa đến thời điểm sinh nở, mục đích là cứu được người mẹ.

Tôi nghĩ bạn nên đi phẫu thuật để được chỉnh hình lại, tôi tin sẽ sửa được van cho bạn để bạn giữ được van tự nhiên. Như vậy, cuộc sống lâu dài của bạn sẽ tốt hơn, có thể lập gia đình và sinh con. Với những bệnh nhân hở van tim bẩm sinh còn trẻ như bạn thì chắc chắn có thể mổ được bằng phương pháp ít xâm lấn.

14. Phương pháp chẩn đoán, điều trị hở van 3 lá 3/4 và rối loạn nhịp tim?

Tôi bị hở van 3 lá 3/4 cộng thêm rối loạn nhịp tim. Tôi muốn đến BVĐK Tâm Anh điều trị thì cần làm những kiểm tra gì và điều trị như thế nào? 

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Chúng tôi gặp bệnh nhân hở van 2 lá, hở van động mạch chủ hàng ngày. Nếu bạn chỉ có bệnh hở van 3 lá đơn độc cộng rối loạn nhịp nhiều, tôi sẽ nghĩ bạn hở van 3 lá có nguyên phát không, tức là có bệnh lý tại van không. Nếu bệnh lý tại van thì có trường hợp bị bệnh lý tim bẩm sinh, trường hợp này rất khó, phải cần có chuyên viên mổ. Thứ hai, nếu hở nhịp nhiều quá thì có thể bạn bị giãn nở buồng thất phải nhiều quá. Đây là triệu chứng của bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp gây hở van 3 lá, trường hợp này điều trị rất khó khăn.

Trường hợp hở van 2 lá do tăng áp động mạch phổi, chúng tôi phải tìm ra nguyên nhân tại sao bạn bị tăng áp động mạch phổi, phải chữa đến tận gốc thì mới chữa được hở van 3 lá. Như vậy, đứng trước bệnh nhân hở van 3 lá, bác sĩ nội khoa không có quyết định dễ dàng như hở van 2 lá, chưa thể mổ ngay được. Phải tìm nguyên nhân tại sao và sau đó mới bàn với phẫu thuật viên liệu phẫu thuật có lợi hay không.

15. Van tim có lỗ thủng cùng nhiều bệnh lý đi kèm, điều trị thế nào?

Anh trai em 49 tuổi, bị cao huyết áp và tiểu đường tuýp 1. Ngày 27 Tết anh phát hiện phổi vô nước, bác sĩ cho uống thuốc về nhà và hẹn mùng 6 tái khám. Tối mùng 1 Tết anh không nằm ngủ được vì không thở được, phải ngồi ngủ và đến mùng 4 Tết thì chân anh bị sưng phù. Sau đó bác sĩ phát hiện van tim của anh có lỗ thủng do bẩm sinh, nhưng từ nhỏ đến giờ anh không có dấu hiệu gì đặc biệt. Bác sĩ tư vấn đặt stent. Mong bác sĩ giải thích rõ hơn về trường hợp của anh trai em!

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Trong thông tin bạn đưa ra có nhiều bệnh lý, nhưng lẫn lộn nhiều bệnh lý khác nhau. Thật sự khi nghe những thông tin này, tôi cũng chưa xác định rõ ràng tổn thương là gì. Bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường, sau đó là phù, đi siêu âm thì thủng van tim. Như vậy, có thể thủng van tim nặng ảnh hưởng đến tim và làm sưng phù, làm tăng áp lực lên động mạch phổi. Tuy nhiên, tình trạng thủng van tim ở người lớn tuổi có thể liên quan đến người bị nhiễm trùng trước đó. Vì thế, bạn nên đưa anh đến một bệnh viện chuyên khoa để chuyên gia làm khảo sát thật kỹ, xem những tổn thương ở van đã đủ nặng để gây ra tổn thương trên các cơ quan khác chưa, hay bản thân anh bạn có những bệnh lý đi kèm với nhau khiến tổng trạng trở nên nặng như vậy.

Nếu có chỉ định mổ trong trường hợp này, tôi nghĩ đó là chỉ định khi có thủng lá van. Lúc này, chúng tôi cần khảo sát thêm cơ chế thủng lá van này là do cái gì, thường là do viêm nội tâm mạc làm hư van, hở van hoặc thủng lá van, từ đó làm thương tổn ở tim nặng hơn, lâu ngày có thể ảnh hưởng đến tổng trạng của cơ thể. Riêng với biểu hiện phù, cho dù là phù do tim, do phổi hay do thận thì cũng là tình trạng nặng rồi. Bạn cần đưa anh đi khám để chẩn đoán sớm.

16. Đã mổ tạo hình van tim 2 lá, có cần uống thuốc cao huyết áp hàng ngày?

Tôi đã mổ tạo hình van tim 2 lá, đặt nong van thì có bắt buộc phải uống thuốc phòng cao huyết áp hàng ngày hay không?  

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh 

Trường hợp mổ tốt thì sau này bạn không cần uống thuốc cao huyết áp, nhưng nếu tương lai bị tăng huyết áp thì phải điều trị chứ không phải uống thuốc tăng huyết áp chữa van tim. Nếu người bệnh đã được phẫu thuật sửa lại van thì nên tái khám định kỳ từ 6 tháng – 1 năm/lần để theo dõi. Mỗi lần đến khám tất nhiên sẽ được đo huyết áp, huyết áp cao thì phải chữa, nếu không có thể ảnh hưởng đến thất trái cũng như kết quả phẫu thuật. 

17. Hở van tim 2 lá 3/4 có nên mổ thay van không, mổ bằng phương pháp nào?

Bố em 57 tuổi, bị hở van tim 2 lá 3/4, hiện vẫn đang uống thuốc và sức khỏe ổn định. Với trường hợp của bố em thì có nên mổ thay van không? Nếu mổ thì nên sử dụng phương pháp nào? Sau mổ bao lâu sẽ hồi phục? Nếu bây giờ mổ thay van thì sau bao lâu nên mổ lại? Và nếu không mổ, vẫn uống thuốc điều trị như hiện tại thì có sao không?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Bố bạn 54 tuổi bị hở van 2 lá nặng, đây là một trong những yếu tố nghĩ tới cần phải mổ. Tuy nhiên ngoài độ hở, còn cần phải khảo sát ảnh hưởng của hở van lên trái tim. Cần làm siêu âm chẩn đoán thật kỹ, xem xét đường kính thất trái, đường kính nhĩ trái, áp lực động mạch phải, và nó đã ảnh hưởng qua tim bên phải hay chưa… để có quyết định mổ. Trong trường hợp cần thiết phải mổ, tôi vẫn cố gắng sửa van cho ba bạn, bởi phương pháp sửa van sẽ giúp cho người bệnh có cuộc sống sinh lý hơn thay van. Nếu tim vẫn còn nhịp xoang, chúng ta sửa van tốt thì ba bạn chỉ cần uống thuốc khoảng 3 tháng, sau đó ngưng không cần uống bất kỳ viên thuốc nào. 

Dĩ nhiên 54 tuổi, hở van 2 lá nặng ở người thể trạng tốt, tim không giãn lắm thì vẫn có thể mổ bằng phương pháp ít xâm lấn. Bạn nên đưa ba đến bệnh viện để chúng tôi khảo sát thật kỹ và tư vấn cụ thể hơn. 

18. Vôi hóa van tim có thể điều trị bằng thuốc hay nhất thiết phải mổ?

Mẹ em năm nay 56 tuổi, chưa có triệu chứng gì nhưng đi khám phát hiện bị vôi hóa van tim. Bác sĩ chỉ định mổ thay van tim động mạch chủ. Gia đình động viên nhưng vì mẹ em có tuổi và hay lo lắng nên mẹ không muốn mổ. Liệu nếu chỉ điều trị bằng thuốc thì tình trạng của mẹ có đỡ hơn không, hay bắt buộc phải mổ?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

54 tuổi mà van động mạch chủ bị vôi hóa thì thường van động mạch chủ có dị tật bẩm sinh, y khoa gọi là van động mạch chủ có 2 lá hay 2 mảnh. Van động mạch chủ thường có 3 mảnh van như hình tổ chim úp lại với nhau. Khi tâm thất trái bóp van mở ra, ở quãng thời gian tâm trương thì van đóng lại. Người bình thường luôn có 3 mảnh van như vậy. Nhưng nếu chỉ có 2 mảnh van thì khoảng lúc 40-50 tuổi, chúng ta có thể bị hẹp van động mạch chủ và nó bị vôi hóa. 

Giả sử tôi làm siêu âm nhìn thấy vôi hóa, chắc chắn tôi phải tìm xem van động mạch chủ có 2 mảnh hay không. Nếu van động mạch chủ 2 mảnh thì xem nó có bị phình không, có phình động mạch chủ bụng hay không. Gần đây có nghiên cứu cho rằng, những bệnh nhân bị động mạch chủ 2 mảnh có thể bị phình động mạch trên não hoặc bị bệnh nhức nửa bên đầu, gọi là đau đầu migraine. 

Trường hợp của mẹ bạn, nếu bác sĩ nói van vôi hóa có chỉ định phẫu thuật thì tôi nghĩ là cần phẫu thuật. Phẫu thuật xong sẽ cho cụ làm thêm MRI mạch máu não để xem có bị dị dạng gì không, siêu âm động mạch chủ xem có bị tổn thương kèm theo hay không. Đồng thời làm thêm siêu âm thận, vì thường người bị động mạch chủ 2 mảnh có nang ở thận. Tóm lại, đây là bệnh bẩm sinh có thể tổn thương đến nhiều cơ quan, người ta đang tìm cơ chế tại sao nó gây tổn thương nhiều cơ quan như vậy. Và người bệnh cần được chăm sóc rất kỹ. 

19. Lưu ý gì trước khi phẫu thuật van tim?

Tôi 57 tuổi, bị hẹp van 2 lá, diện tích mở van 1,1 cm², hở van 2 lá, 3 lá, động mạch chủ 1/4. Không tăng áp lực phổi, lá van dày, xơ hóa, vôi hóa, dính 2 mép, giãn nhĩ trái, bộ máy dưới van khá dày, chức năng tâm thu thất trái tốt (35mmHg), không có huyết khối. Bác sĩ có chỉ định cần mổ thay van trong vòng 6 tháng tới. Vừa rồi tôi có bị cảm và mệt hơn, bác sĩ đang cho uống thuốc chống đông và chống rung nhĩ (cơ học), hiện nhịp tim đã trở lại bình thường, không thấy mệt như tuần trước nữa. Xin bác sĩ tư vấn liệu tôi có cần phải mổ gấp không, cần thay van loại gì và khi làm phẫu thuật thì cần kiêng cữ gì trước khi vào phòng mổ?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Trường hợp 57 tuổi hẹp 1,1cm² là hẹp khít, hẹp nặng rồi. Theo bạn mô tả thì van 2 lá dày, dính mép, tổn thương dưới van dày dính – đây chính là triệu chứng van hậu thấp của van 2 lá. Hiện nay, bệnh lý hậu thấp không còn tồn tại nhiều ở Việt Nam nhưng trong quá khứ, nó chiếm hơn 90%, đặc biệt là đối với van 2 lá ở những thập niên trước. Cách đây hơn 30 năm khi tôi bắt đầu mổ tim ở Việt Nam, khoảng 90% hẹp hở van 2 lá, hẹp hở van động mạch chủ là do hậu thấp. Nên trường hợp của bạn có thể là bạn đã bị hậu thấp từ vài chục năm trước. Những tổn thương của nó ảnh hưởng cho đến bây giờ, gây ra tăng áp lực động mạch phổi, giãn buồng tim. Tôi khuyên bạn nên mổ sớm, thậm chí càng sớm càng tốt, bởi tai biến ở những người hẹp van 2 lá nặng kéo dài có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Khi hẹp van 2 lá nặng, máu không thể xuống tâm thất trái một cách dễ dàng, cứ cuộn ở trong tâm nhĩ làm tâm nhĩ ngày càng giãn ra, tới một lúc nào đó sẽ không còn nhịp bình thường, người ta gọi là rung nhĩ. Khi bị rung nhĩ sẽ dễ dàng hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này bung ra, đi qua dòng máu xuống thất trái và bơm lên trên não, có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Do đó, với trường hợp của bạn thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng đã hiện hữu. Bạn cần được mổ thay van, và có lẽ là van cơ học. 

Bạn bị hẹp van 2 lá nặng kéo dài, hậu thấp như vậy thì khả năng có thể đưa tới suy tim. Vì thế trước khi gặp tôi, tôi khuyên bạn nên gặp Phó giáo sư Vinh trước để làm chẩn đoán, điều chỉnh hết những rối loạn về huyết động học. Một số trường hợp phải chuẩn bị thuốc để giảm bớt suy tim cũng như ngăn ngừa tai biến có thể xảy ra trong quá trình điều trị ngoại khoa. Đây là trường hợp chúng ta cần phối hợp điều trị nội – ngoại khoa tích cực. Cho nên, bạn cần đến sớm để chúng tôi có thời gian khảo sát cũng như chuẩn bị tốt hơn, đặc biệt là điều trị trước mổ. 

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Tất cả các bệnh nhân bị bệnh tim mãn tính, lớn tuổi thì trước khi mổ, chúng tôi đều chủng ngừa. Hiện nay, các y văn thế giới đều khuyên chủng ngừa phế cầu và cúm. Việc này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi vì bệnh nhân tim mạch rất dễ bị nhiễm trùng phổi. 

20. Đã thay van 2 lá nhưng vẫn còn triệu chứng khó thở, tức ngực, có cần thay van lại?

Em thay van 2 lá, van động mạch chủ, sửa van 3 lá được 8 năm rồi mà bây giờ em rất hay bị hụt hơi và khó thở, thỉnh thoảng đau tức ngực. Trường hợp em có phải thay lại van không? Trước em mổ hở thì giờ có thể mổ ít xâm lấn được không?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Theo mô tả, tôi chắc bạn bị bệnh van tim hậu thấp trước kia nên mới hở nhiều van như vậy. Bạn sửa 8 năm rồi mà bây giờ hụt hơi thì chưa chắc vấn đề đã nằm ở van, mỗi năm cần làm siêu âm lại 1 lần. Tôi sẽ đo sự chênh áp lực ngả van nhân tạo van 2 lá, động mạch chủ. Nếu tốt, tôi sẽ xem hở van 3 lá có nhiều không. Nếu tất cả tốt hơn thì triệu chứng hụt hơi có thể do nguyên nhân khác. Nếu bạn trên 55 tuổi thì đây là tuổi có khả năng có bệnh mạch vành, nhiều khi hụt hơi là triệu chứng của mạch vành. Ngoài ra, còn các bệnh lý khác cũng gây hụt hơi như thiếu máu cơ tim, lo lắng… Do đó bạn không cần quá lo, hãy đến một trung tâm tim mạch khám cho kỹ để có kết luận rõ ràng. 

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Về khía cạnh ngoại khoa, bạn đã thay van 2 lá và sửa van 3 lá, tức là lần mổ đầu đã làm hết những gì có thể làm cho bạn. Tim bạn có 4 cái van thì đã thay 2 van và sửa thêm 1 van, nên đây là một trong những trường hợp nặng nhất về bệnh lý van, bị thương tổn nhiều van. Bây giờ bạn mệt thì ngoài những yếu tố như Phó giáo sư Vinh vừa nói, cần khảo sát thêm chức năng hoạt động của những van đã thay xem còn tốt hay không. Nhiều trường hợp đã thay van mà vì lý do nào đó làm cho van bị hư hại, ảnh hưởng đến tim. Ví dụ, có nhiều van bị hư đĩa, bị hở, bị hẹp… Bạn không nói mình bao nhiêu tuổi nhưng các trường hợp thay van ở bệnh nhân quá trẻ sẽ không sử dụng những van kích thước lớn được. Một thời gian sau khi cơ thể phát triển thêm, van thay vào sẽ trở nên quá nhỏ so với cơ thể. Khi đó, mặc dù van không hư nhưng bạn vẫn có những triệu chứng giống như bị hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van 2 lá. 

Chỉ có những chuyên gia tim mạch mới có thể phát hiện những thương tổn này nên tôi khuyên bạn đến bệnh viện sớm để chúng tôi làm khảo sát, xem tình trạng mệt của bạn có liên quan đến những van tim đã thay hay không. Giả sử van thay vô bị hư, hoặc bạn uống thuốc kháng đông không đầy đủ làm van bị kẹt 1 đĩa (thường van cơ học thay vào có 2 đĩa, nếu 1 đĩa bị kẹt thì chỉ còn 1 đĩa hoạt động), cơ chế bệnh lý lúc đó sẽ giống như một trường hợp hẹp van nặng, tổn thương cũng nặng nề và có thể cần mổ lại. Lúc này phải mổ đường giữa, tức là đường mổ kinh điển chứ không thể mổ ít xâm lấn được. 

21. Hở van tim và ngoại tâm thu, điều trị thế nào?

Tôi bị hở van tim 2 lá 1/4, ngoại tâm thu hơn một năm nay, có dùng thuốc dân gian và đã hết. Thời gian gần đây nhịp tim không bình thường, khi nằm thì tim ổn định, đứng dậy đi thì nhịp tim nhanh hơn. Trường hợp của tôi điều trị như thế nào?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Hở van 1/4 không đáng ngại, điều đáng lo lắng là ngoại tâm thu. Bạn chữa thuốc Nam hết bệnh thì khả năng đó là chuyện tình cờ. Giờ bạn bị loạn nhịp tim lại thì cần đi khám, đo điện tâm đồ. Tại BVĐK Tâm Anh có biện pháp đo điện tâm đồ 24h, 48h, 7 ngày, 14 ngày. Chúng tôi sẽ bắt ngoại tâm thu và bác sĩ phải tính phần trăm ngoại tâm thu trong một ngày là bao nhiêu. Nếu bệnh nhân có ngoại tâm thu trên 20% nhát bóp thì sẽ đưa đến nguy cơ suy tim sau này.

Có những trường hợp chúng tôi phải làm triệt phá bằng sóng có tần số radio để phá hết ngoại tâm thu, ngăn ngừa suy tim. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện để khám và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

bác sĩ phạm nguyễn vinhPGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh thăm khám cho bệnh nhân

22. Thay van xong có chơi thể thao như trước được không?

Tôi 38 tuổi, bị hở van động mạch chủ giai đoạn 2 đã hai năm nay. Cách đây 3 tháng, tôi bị huyết áp cao 160/170, đang điều trị bằng thuốc giảm áp, huyết áp tôi hiện tạm ổn trong giới hạn. Trường hợp của tôi có thể thay van không? Ngoài ra, nếu phẫu thuật thay van xong thì tôi có thể chơi thể thao như trước được không? Cần lưu ý gì trong chế độ ăn uống, sinh hoạt?

PGS.TS.BS Nguyễn Văn Phan

Hở van động mạch chủ giai đoạn 2 thì chưa chắc đã có chỉ định mổ, cần phải khảo sát thêm kích thước tâm thất trái và các yếu tố khác. Bạn nên được khảo sát thêm ở một trung tâm tim mạch để xem mức độ tổn thương van ở động mạch chủ như thế nào, có chỉ định mổ hay chưa… 

Tuy nhiên, bạn 38 tuổi mà huyết áp đã cao như vậy thì cần kiểm tra bạn có bệnh lý cao huyết áp kèm theo hay không. Bạn nên đến BVĐK Tâm Anh để xem cần điều trị như thế nào, tối thiểu là điều chỉnh huyết áp trở về mức bình thường. Còn nếu có chỉ định thay van thì tôi có thể mổ thay van cơ học bằng phương pháp ít xâm lấn cho bạn. Có rất nhiều người trẻ sau khi thay van có cuộc sống gần như bình thường, sinh hoạt, vận động bình thường với điều kiện được theo dõi sát sao tại bệnh viện, theo đúng liệu trình thuốc và theo dõi van cơ học, tránh trường hợp van hư không phát hiện kịp thời.

Về sinh hoạt và chế độ ăn uống, với trường hợp huyết áp cao như bạn thì cần hạn chế ăn mặn. Nếu bạn chưa có chẩn đoán hở van động mạch chủ cụ thể thì không nên hoạt động gắng sức, vì hoạt động gắng sức trên cơ địa huyết áp cao sẽ khiến sức khỏe giảm sút rất nhanh.

23. Cách đăng ký gói khám tim mạch tại BVĐK Tâm Anh?

Em muốn đăng ký khám tim mạch tổng quát cho ba tại BVĐK Tâm Anh thì thủ tục thế nào? Gói khám này gồm những hạng mục nào?

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh

Để đăng ký khám tại Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh, bạn có thể gọi đến hotline 1800 6858 (BVĐK Tâm Anh Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (BVĐK Tâm Anh TP.HCM), hoặc đăng ký trên website bệnh viện, nhắn tin qua fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Gói khám bao gồm hỏi thăm bệnh sử, đo điện tâm đồ, siêu âm tim, thử sinh hóa, huyết học…, hoặc kiểm tra sâu hơn như MSCT mạch vành (nếu cần). 

Tóm lại, việc đăng ký khám tim mạch tại BVĐK Tâm Anh rất thuận tiện và đơn giản, và các bác sĩ ở đây đều được đào tạo kỹ về chuyên môn và thấu hiểu tâm lý, tận tâm với người bệnh. Chúng tôi cũng hội chẩn qua lại với nhau, tinh thần làm việc tập thể tại BVĐK Tâm Anh rất cao nên bạn có thể yên tâm đến khám.

Quy tụ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại giúp tầm soát, chẩn đoán chính xác các bệnh lý tim mạch, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh đã điều trị thành công cho nhiều trường hợp bị bệnh lý tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh mạch vành, loạn nhịp tim, tăng huyết áp… cũng như cấp cứu cho các bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim… Trung tâm còn phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa khác như Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Sản phụ khoa, Nội tổng quát, Sơ sinh… giúp điều trị toàn diện cho người bệnh có nhiều bệnh lý đi kèm.