Mối quan hệ giữa thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và thẩm quyền của trọng tài thương mại

03(70)/2012

Mối quan hệ giữa thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và thẩm quyền của trọng tài thương mại

Mục lục

  • 0.Dẫn nhập
  • 1.Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
  • 2.Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam
  • 3.Tài liệu tham khảo

Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài

PHAN HOÀI NAM

03(70)/2012 - 2012, Trang 64-70

Ngày đăng:

  • Trích dẫn

TÓM TẮT

không có


ABSTRACT:

No


TỪ KHÓA: không có,

KEYWORDS: no,


Trích dẫn:

×

PHAN HOÀI NAM, Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, 03(70)/2012, Trang 64-70

https://tapchikhplvn.hcmulaw.edu.vn/module/xemchitietbaibao?oid=375517f1-fb57-4a20-aa88-424bc77f8a6f

Đăng ký để tải miễn phí Đăng ký

Bài viết đã được lưu vài tài khoản.

×

Vui lòng vào mục "Quản lý tài khoản" -> "Bài viết đã lưu" để có xem tiếp ngay lần đăng nhập sau.

Quá trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam đã kéo theo sự phát triển các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài, trong đó có quan hệ hợp đồng. Sự phát triển các quan hệ này cũng kéo theo việc gia tăng các tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài[1] và vấn đề thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với loại tranh chấp này được đặt ra.

Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này của tòa án một nước dựa vào quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên[2]và pháp luật tố tụng dân sự của chính quốc gia đó.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ tập trung vào khai thác các quy định trong pháp luật tố tụng của Việt Nam về việc xác định thẩm quyền của tòa án Việt Nam đối với các hợp đồng có yếu tố nước ngoài dưới hai góc độ: thẩm quyền xét xử chung và thẩm quyền xét xử riêng biệt.



[1]Về yếu tố nước ngoài, xem thêm Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Tư pháp quốc tế Việt Nam - Quan hệ dân sự, lao động, thương mại có yếu tố nước ngoài, Nxb. CTQG 2010, phần số 5 và tiếp theo.

[2] Chủ yếu là các Hiệp định Tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký với các nước.




I- Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

1) Khái niệm thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

a. Ý nghĩa của thẩm quyền riêng biệt đối với bản án nước ngoài.

Điều 411 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004[3] (BLTTDS) có quy định “Thẩm quyền riêng biệt của Toà án Việt Nam” đối với vụ án và việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Cơ sở lý luận cho thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam không được thể hiện trong các văn bản. Thông thường việc quy định thẩm quyền riêng biệt được giải thích là nhằm bảo vệ an ninh, chủ quyền trật tự của quốc gia hay nhằm mục đích bảo vệ cho các cá nhân, pháp nhân hoặc một lĩnh vực ngành nghề nào đó trong nước[4].

Trong điều luật này chúng ta biết những trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam nhưng chưa biết “thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam” là gì. Hiện nay ở nước ta có những quy định về thẩm quyền tài phán riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, BLTTDS chưa thể hiện rõ ý nghĩa của việc xác định thẩm quyền này. Khi một vấn đề thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì hệ quả pháp lý là gì đối với các chủ thể trong quan hệ có yếu tố nước ngoài?

Hiện nay chỉ có một điều luật cho biết ý nghĩa của việc xác định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Đó là khoản 3 Điều 356, BLTTDS: “những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án Việt Nam”. Như vậy, thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam có tính áp đặt và việc áp đặt này thể hiện ở việc khi Tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam thì bản án, quyết định của họ sẽ không được công nhận và cho thi hành ở Việt Nam.

b. Ý nghĩa của thẩm quyền riêng biệt đối với lựa chọn Tòa án nước ngoài.

Nếu chủ thể trong quan hệ có yếu tố nước ngoài yêu cầu Tòa án nước ngoài giải quyết thì quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận ở Việt Nam. Còn nếu một bên yêu cầu Tòa án nước ngoài còn bên kia yêu cầu Tòa án Việt Nam thì chúng ta phải giải quyết như thế nào?

Quy định trên không cho câu trả lời rõ ràng vì chỉ đề cập đến hoàn cảnh sau khi Tòa án nước ngoài ra phán quyết, còn trong trường hợp này Tòa án nước ngoài chưa ra phán quyết.

Có lẽ, để việc quy định về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam có ý nghĩa, chúng ta nên bổ sung vào Điều 411 như sau: Đối với trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt, một hay các bên không thể yêu cầu Tòa án[5]hay cơ quan có thẩm quyền khác[6] của nước ngoài giải quyết.

2) Tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

a. Bỏ quy định về hợp đồng vận chuyển

Điều 411 BLTTDS quy định những trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt. Thông qua các quy định này, các nhà làm luật liệt kê các trường hợp Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt. Ở đây chúng tôi chỉ quan tâm tới quy định liên quan đến hợp đồng. Đó là điểm b khoản 1 Điều 411, BLTTSD theo đó Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”[7]. Theo quy định này thì, đối với hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt.

Tại sao trong trường hợp này lại cho rằng thẩm quyền riêng biệt là của tòa án Việt Nam? Nếu chúng ta quy định như vậy thì lý do của việc bảo vệ trật tự công cộng và an ninh quốc gia không giải thích được mà có nguy cơ các hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển Việt Nam đáng ra ký được thì lại không thể ký được khi chúng ta khoanh vùng cứng trong vấn đề thẩm quyền quốc tế[8]. Ở đây, các bên có thể sẽ e ngại không muốn hợp tác với người vận chuyển Việt Nam vì cho rằng tranh chấp giữa họ sẽ không được giải quyết một cách thuận lợi. Trong trường hợp khách hàng là bị đơn thì việc người vận chuyển kiện khách hàng tại quốc gia nơi khách hàng cư trú là thuận tiện hơn cả. Do vậy, trong trường hợp này theo chúng tôi việc xác định thẩm quyền trong trường hợp này nên theo hướng như là một phần của quy định theo thẩm quyền xét xử chung là phù hợp. Xét trên bình diện thế giới cũng như thực trạng của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ quy định này đã không còn phù hợp với xu thế chung[9].

Chính vì vậy, có lẽ chúng ta nên suy nghĩ bỏ quy định trên: không coi đây là trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam[10].

b. Giới hạn phạm vi của quy định về hợp đồng vận chuyển

Nếu không thể bỏ được quy định theo phương án trên thì có lẽ chúng ta cũng nên giới hạn phạm vi điều chỉnh của quy định này. Điều luật trên quy định tranh chấp hợp đồng vận chuyển nói chung nên có thể hiểu tranh chấp phát sinh từ phần hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam cũng như từ phần hợp đồng được thực hiện ở ngoài Việt Nam thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Việc cho rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với việc thực hiện hợp đồng ở nước ngoài là không thuyết phục. Để tiện cho việc theo dõi, chúng tôi đơn cử vụ việc sau làm ví dụ minh họa[11]:

Doanh nghiệp Sadaco ký hợp đồng mua bột mì của một công ty nước ngoài. Để chuyển hàng từ cảng BomBay về cảng thành phố Hồ Chí Minh, Sadaco đã thuê Công ty đại lý và dịch vụ vận tải Sài Gòn. Sau khi gặp bão, tàu bị mắc cạn và chìm tại vùng biển BomBay dẫn đến lô hàng bị tổn thất hoàn toàn. Ở đây, người vận chuyển có trụ sở ở Việt Nam. Vậy, đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển này, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt theo Điều 411 trên. Điều đó có nghĩa là chỉ Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết, Tòa án nơi xảy ra sự cố không được giải quyết.

Giải pháp này phải chăng đã hợp lý? Tại sao Tòa án Ấn Độ nơi tàu bị chìm không có thẩm quyền giải quyết? Tại sao, các bên không thể yêu cầu Tòa án Ấn Độ nơi tàu chìm giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển ? Trong khi Tòa án nơi xảy ra sự cố hoàn toàn có thể giải quyết tốt vụ việc. Do đó, trong trường hợp này, thiết nghĩ giải pháp hợp lý nhất là Tòa án Việt Nam và Tòa án Ấn Độ đều có thể giải quyết tranh chấp tùy theo yêu cầu của các bên.

Do vậy, điều luật trên nên được viết như sau: Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vận chuyển được thực hiện ở Việt Nam mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt Nam”. Với hướng này, chúng ta đã giới hạn phạm vi thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp từ hợp đồng vận chuyển.

3) Khả năng giải quyết bằng phương thức trọng tài đối với tranh chấp về hợp đồng thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam

a. Thỏa thuận chọn trọng tài nước ngoài

Có một vấn đề nữa mà chúng ta cần phải bàn đến, đó là đối với một vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam thì rõ ràng Tòa án nước ngoài không thể có thẩm quyền như đã nêu ở trên[12]. Vậy thì liệu rằng trọng tài nước ngoài có thể có thẩm quyền hay không đối với những vụ việc như trên nếu các bên trong tranh chấp có thỏa thuận chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Điều này còn là một vấn đề bỏ ngỏ trong pháp luật Việt Nam. Liên quan đến các điều kiện để không công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Điều 370 BLTTDS không hề có bất kỳ quy định nào tương tự như khoản 3 điều 356 về những trường hợp để không công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài: “Vụ án thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam”.

Ở Việt Nam cũng như trong các hệ thống pháp luật khác mà chúng tôi biết, Trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng nhưng không dưới danh nghĩa Nhà nước (vì là tổ chức phi chính phủ). Tuy nhiên, Trọng tài nước ngoài vẫn chịu sự giám sát của Tòa án nước ngoài. Do đó, về nguyên tắc, khi tòa án nước ngoài không thể có thẩm quyền đối với những trường hợp đặc biệt này thì, theo chúng tôi, trọng tài nước ngoài cũng không thể có thẩm quyền.

b.Thỏa thuận chọn trọng tài Việt Nam

Còn đối với trọng tài trong nước thì sao? Khi nghiên cứu Luật Trọng tài Thương mại năm 2010, chúng ta cũng không tìm thấy bất kỳ quy định nào liên quan đến việc hạn chế quyền của trọng tài đối với các tranh chấp trong lĩnh vực hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài khi nó thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam.

Trọng tài Việt Nam là tổ chức phi chính phủ nên không nhân danh Nhà nước giải quyết các tranh chấp. Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp cũng như sau khi có phán quyết, Trọng tài Việt Nam vẫn chịu sự giám sát của Tòa án Việt Nam nhất là thông qua cơ chế hủy bỏ phán quyết trọng tài nên thực chất cái “uy” của Nhà nước đối với các tranh chấp không bị mất.

Cùng với tư duy người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm, chúng ta nên theo hướng trọng tài Việt Nam vẫn có thể có thẩm quyền đối với các tranh chấp này nếu được các bên thỏa thuận. Điều này cũng phù hợp với xu thế tăng cường phương thức giải quyết tranh chấp tư tại Việt Nam nhằm giảm tải cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án.



[3] Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi bổ sung năm 2011.

[4] Nguyễn Bá Bình, “Xác định cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và tính hợp pháp của việc chọn luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6/2008.

[5] Ngay cả đối với EU, Brussel Regulation 2001 cho phép khả năng lựa chọn tòa án để giải quyết các tranh chấp của trong lĩnh vực của Tư pháp quốc tế, cũng loại trừ khả năng này khi nó rơi vào các trường hợp thuộc thẩm quyền riêng biệt – thẩm quyền tuyệt đối (exclusive jurisdiction) – xem David Joshep Q.C, Jurisdiction and arbitration agreements and their enforcement, NXB Sweet and Maxwell, năm 2005, đoạn .24, tr. 23.

[6] Về khái niệm cơ quan có thẩm quyền khác, xem chi tiết phần sau.

[7] Liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài, khoản 1 Điều 411 BLTTDS còn một quy định đáng lưu tâm. Đó là điểm b theo đó “vụ án dân sự có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam” thuộc “thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam”. Quy định trên không trực tiếp điều chỉnh quan hệ hợp đồng nhưng vụ án “có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản” có thể bao gồm tranh chấp về hợp đồng “có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản”. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào hợp đồng vận chuyển được quy định trực tiếp tại điểm b.

[8] Có tác giả cho rằng việc quy định như trên là nhằm bảo vệ cho ngành hàng hải còn non trẻ của Việt Nam.

[9] Brussel Regulation năm 2001 của EU không có bất kỳ quy định nào về thẩm quyền riêng biệt hay tuyệt đối với trường hợp này.

[10] Xem thêm quan điểm tương tự của Nguyễn Trung Tín, “Thẩm quyền của tòa án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 03/2004 và Lê Thị Nam Giang, Tư pháp Quốc tế, Nxb ĐHQG Tp.HCM, năm 2009, tr. 213.

[11] .Ví dụ dựa vào Quyết định số 01/2002/HĐTPKT ngày 26-12-2002 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[12] Xem khoản 3, điều 356 BLTTDS năm 2004.


II- Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam

Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định tại Điều 410 của BLTTDS. Trong điều luật này, chúng ta có quy định liên quan đến thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hợp đồng được thực hiện tại Việt Nam và đối với hợp đồng không được thực hiện tại Việt Nam.

1) Tranh chấp liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam

a. Tiêu chí căn cứ vào nơi thực hiện hợp đồng

Tại khoản 2 Điều 410 BLTTDS, các nhà lập pháp đã đưa ra 07 điểm xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi vụ việc có yếu tố nước ngoài. Điểm e của khoản 2 quy định trực tiếp vấn đề thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Cụ thể, “Toà án Việt Nam giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong các trường hợp sau đây: Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam”.

Như vậy, dấu hiệu để tòa án Việt Nam xem xét thẩm quyền của mình là dựa trên yếu tố “nơi thực hiện hợp đồng”. Điều đó cũng có nghĩa là việc xác định nơi thực hiện hợp đồng là cần thiết để áp dụng đúng quy định trên.

b. Xác định nơi thực hiện hợp đồng

Nơi thực hiện hợp đồng, trước hết sẽ là nơi được các bên thỏa thuận trong hợp đồng, dựa trên nguyên tắc vàng của lĩnh vực hợp đồng là tự do thỏa thuận. Trong trường hợp này, nơi thực hiện hợp đồng có thể được xác định một cách dễ dàng, chỉ cần căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng là hoàn toàn có thể xác định được nơi thực hiện hợp đồng[13]. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận[14], thì xác định như thế nào?

Ví dụ, một công ty A của Việt Nam ký hợp đồng bán hạt điều cho một công ty B của Singapore. Vào thời điểm ký kết hợp đồng, lô hạt điều đang nằm tại Trung Quốc. Sau đó, nó được chuyên chở từ Trung Quốc sang Singapore bằng đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam, sau đó là bằng đường biển tại Cảng Sài Gòn. Trên đường chuyên chở, hàng hóa bị tổn thất, làm phát sinh tranh chấp giữa A và B. Địa điểm thực hiện hợp đồng này là ở đâu? Ở Việt Nam, Trung Quốc hay Singapore? BLTTDS ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp hợp đồng trên cơ sở “nơi thực hiện hợp đồng tại Việt Nam” nhưng lại không cho biết xác định nơi thực hiện hợp đồng như thế nào nếu các bên không có thỏa thuận và không thống nhất về điểm này[15]. Chúng ta áp dụng pháp luật nước nào để xác định nơi hợp đồng được thực hiện?

Về xác định luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, Bộ Luật dân sự có quy định liên quan đến nơi thực hiện hợp đồng. Cụ thể, theo đoạn một khoản 1 Điều 769, “Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác”. Để biết được nơi thực hiện hợp đồng, đoạn 3, khoản 1, điều 769 BLDS 2005 quy định “Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Thiết nghĩ, để xác định nơi thực hiện hợp đồng theo quy định trên của BLTTDS nhằm xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam, chúng ta cũng nên áp dụng tương tự như quy định về xác định luật điều chỉnh của BLDS: Nơi thực hiện hợp đồng được xác định theo pháp luật Việt Nam nếu các bên không có thỏa thuận về nơi thực hiện hợp đồng.

c. Phạm vi thẩm quyền trên cơ sở nơi thực hiện hợp đồng

Theo các quy định trên, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với “tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mà việc thực hiện toàn bộ hoặc một phần hợp đồng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam”. Nếu hợp đồng được thực hiện toàn bộ ở Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết toàn bộ tranh chấp về hợp đồng này.

Vấn đề tiếp theo cần giải quyết đó chính là phạm vi thẩm quyền của tòa án Việt Nam nếu hợp đồng chỉ được thực hiện một phần tại Việt Nam. Có ý kiến cho rằng thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam sẽ bị giới hạn trong những vấn đề tranh chấp trong phần hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng “Tòa án đã thụ lí giải quyết tranh chấp hợp đồng thì phải giải quyết toàn bộ các nội dung tranh chấp của hợp đồng ấy”[16].

Theo quan điểm của chúng tôi, nếu xét từ góc độ lí luận, xuất phát từ tính thống nhất của một hợp đồng dân sự, việc xác định một tranh chấp phát sinh từ phần nào của hợp đồng là không cần thiết và bất hợp lý. Trong quá trình xét xử của Tòa án đối với một tranh chấp, trong nhiều trường hợp phải xem xét đến toàn bộ các yếu tố của hợp đồng. Chính vì vậy, không thể giới hạn thẩm quyền xét xử của Tòa án trong trường hợp này. Mặt khác, cũng không có bất cứ quy định nào của pháp luật hiện hành hạn chế thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam trong trường hợp này. Nói cách khác, nếu hợp đồng được thực hiện một phần ở Việt Nam và một phần ở nước ngoài thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền và Tòa án có thẩm quyền để giải quyết cả tranh chấp đối với phần hợp đồng được thực hiện ở nước ngoài.

2) Tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài không được thực hiện tại Việt Nam

Nếu tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài mà việc thực hiện hợp đồng không xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền hay không?

Có quan điểm cho rằng vì quy định tại điểm e, khoản 2, điều 410 của BLTTDS 2004 là quy định đặc thù riêng dành cho tranh chấp trong lĩnh vực hợp đồng nên nếu không có căn cứ này thì tòa án không thể phát sinh thẩm quyền của mình được[17].

Trong một tranh chấp được giám đốc thẩm năm 2008, dường như Tòa án nhân dân tối cao cũng theo hướng không thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam.

a. Thực tiễn xét xử. Cụ thể như sau: Ngày 31/01/2004 và ngày 08/03/2004, hai đồng nguyên đơn là Công ty ECE Nhật Bản và Công ty ECE Việt Nam gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty Ngọc Phong thanh toán tiền theo thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 24/06/2002 giữa Công ty ECE Nhật Bản, Công Ty ECE Việt Nam với Công ty Ngọc Phong. Cùng ngày 08/03/2004, Công ty ECE Nhật Bản gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh Long An đơn khởi kiện, yêu cầu Công ty Ngọc Phong thanh toán tiền theo thỏa thuận tư vấn xây dựng ký ngày 02/9/2002 giữa Công ty ECE Nhật Bản với Công ty Ngọc Phong.

Trong vụ việc trên, nguyên đơn là Công ty ECE Nhật Bản có trụ sở tại 1-2-4-5 Kashiwagi Aobaku. Sendai Miyagi Japan; do ông Koji Okamoto đại diện theo Giấy ủy quyền của ông Giám đốc Keigo Nakajo ngày 08/03/2004. Bị đơn là Công ty Ngọc Phong); có trụ sở tại xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; do ông Nguyễn Văn Kha đại diện theo Giấy ủy quyền của ông Tổng giám đốc. Theo Hội đồng thẩm phán, “đây là vụ án có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 405 BLTTDS”. Sau khi khẳng định đây là vụ án có yếu tố nước ngoài, Hội đồng thẩm phán đã xét rằng “Cả hai bản thỏa thuận được ký giữa Công ty ECE Nhật Bản với Công ty Ngọc Phong đều không ghi địa điểm thỏa thuận, nơi thực hiện. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không thu thập chứng cứ, xác minh để làm rõ hợp đồng dưới hình thức hai thỏa thuận tư vấn nêu trên có được triển khai thực hiện tại Việt Nam hay không... Từ đó, xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Việt Nam hay không theo quy định của pháp luật (khoản 2, Điều 410; khoản 1, Điều 411 BLTTDS) là thiếu sót cần được khắc phục khi xét xử lại vụ án”[18].

Trong vụ việc trên, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết nội dung tranh chấp nên đã thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam nhưng theo Hội đồng thẩm phán “Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không thu thập chứng cứ, xác minh để làm rõ hợp đồng dưới hình thức hai thỏa thuận tư vấn nêu trên có được triển khai thực hiện tại Việt Nam hay không...” là thiếu sót. Với cách lập luận trên, chúng ta thấy, nếu hợp đồng “không được triển khai thực hiện tại Việt Nam” thì, dường như theo Hội đồng thẩm phán, Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền.

b. Nhận xét. Liên quan đến hợp đồng không được thực hiện tại Việt Nam nhưng vẫn có quan hệ với Việt Nam (như do bị đơn có cư trú hay trụ sở tại Việt Nam) chúng tôi có nhận xét sau:

Dấu hiệu xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài được quy định trực tiếp tại điểm e, khoản 2 Điều 410 BLTTDS và điểm b khoản 1 Điều 411 BLTTDS như chúng ta đã thấy ở phần trên. Tuy nhiên, đây không là dấu hiệu duy nhất để xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Chúng ta vẫn còn có nhiều cơ sở pháp lý khác để thừa nhận gián tiếp thẩm quyền của tòa án Việt Nam. Trong vụ việc trên, giả sử hợp đồng không được thực hiện tại Việt Nam nhưng bị đơn có trụ sở tại Việt Nam thì đây là điều kiện đủ để xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam[19]. Nếu chúng ta theo hướng không có tiêu chí trực tiếp và do đó Tòa án Việt Nam không có thẩm quyền như vừa nêu thì vô hình chung chúng ta sẽ làm vô hiệu hóa các tiêu chí xác định thẩm quyền gián tiếp như tiêu chí trên cơ sở nơi cư trú, trụ sở của bị đơn (ở đây pháp luật không quan tâm tới nội dung tranh chấp nên tranh chấp nào cũng có thể được coi là thuộc thẩm quyền của Tòa án).

Vì vậy, chúng ta có thể khẳng định, việc hợp đồng không được thực hiện tại Việt Nam không loại trừ thẩm quyền tài phán của Tòa án Việt Nam. Tòa án Việt Nam vẫn có thẩm quyền nếu tồn tại dấu hiệu khác thừa nhận thẩm quyền quyền của Tòa án Việt Nam20.

c. Kinh nghiệm nước ngoài. Thực ra việc thừa nhận thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp hợp đồng không được thực hiện trên lãnh thổ của nước của Tòa án cũng được ghi nhận trong pháp luật nước ngoài.

Ví dụ, theo Điều 14 và 15 Bộ luật dân sự Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền giải quyết những bất đồng mà ở đó một bên là người Pháp (là nguyên đơn theo Điều 14 hay bị đơn theo Điều 15). Ở đây, chỉ cần một bên là người Pháp còn bản chất tranh chấp, pháp luật điều chỉnh tranh chấp không quan trọng. Bên cạnh đó, theo án lệ Pháp thì khi hợp đồng được thực hiện tại Pháp thì Tòa án Pháp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Vấn đề đặt ra là đối với tranh chấp về hợp đồng không được thực hiện tại Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền không. Ví dụ, một chi nhánh của Ngân hàng Pháp tại Hongkong cho một khách hàng tại Hongkong vay tiền và đôi bên phát sinh tranh chấp. Ở đây hợp đồng không được thực hiện tại Pháp nên không thể căn cứ vào tiêu chí trực tiếp trên cơ sở nơi thực hiện hợp đồng để thừa nhận thẩm quyền của Tòa án Pháp. Tuy nhiên, trong tranh chấp này có một bên là Ngân hàng Pháp nên Tòa án Pháp đã thừa nhận thẩm quyền trên cơ sở Điều 14 của Bộ luật dân sự nêu trên[20].

Ví dụ trên cho thấy ở nước ngoài, Tòa án có thẩm quyền khi hợp đồng được thực hiện trên lãnh thổ của Tòa án nước đó. Tuy nhiên đây chỉ là tiêu chí trực tiếp xác định thẩm quyền của Tòa án đối với tranh chấp về hợp đồng. Bên cạnh đó, Tòa án vẫn có thẩm quyền đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài nếu các tiêu chí khác (tiêu chí gián tiếp) ghi nhận thẩm quyền của Tòa án. Đây là kinh nghiệm tốt đối với Việt Nam liên quan đến xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp về hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Kết luận. Qua nghiên cứu các vấn đề pháp lý và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với tranh chấp hợp đồng có yếu tố nước ngoài chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần phải xem xét và điều chỉnh dưới góc độ lập pháp. Sự chưa cụ thể cũng như các quy định bất hợp lý về thẩm quyền xét xử riêng biệt và thẩm quyền xét xử chung của Tòa án Việt Nam sẽ khiến cho Tòa án lúng túng trong quá trình thụ lý giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết được những bài toán này không chỉ giúp quá trình giải thích và áp dụng pháp luật vào thực tiễn được dễ dàng hơn mà còn giúp quá trình giải quyết tranh chấp được Tòa án Việt Nam được công nhận và thi nhanh chóng và khả năng phán quyết của hành ở nước ngoài sẽ cao hơn.



[13] Lưu ý là nếu các bên thỏa thuận nơi thực hiện hợp đồng không ở Việt Nam (mà ở nước ngoài) nhưng thực tế hợp đồng được thực hiện ở Việt Nam thì chúng ta không nên chấp nhận nơi thực hiện theo thỏa thuận mà sử dụng nơi thực hiện hợp đồng thực tế.

[14] Vụ tranh chấp được phân tích ở phần sau sẽ cho thấy điều này.

[15] So sánh với pháp luật EU, ta nhận thấy, vấn đề này được quy định rất cụ thể tại section 2, chương 2 của Brussel Regualtion:

- “in the case of the sale of goods, the place in a Member State where, under the contract, the goods were delivered or should have been delivered,

- in the case of the provision of services, the place

in a Member State where, under the contract, the services were provided or should have been provided,”

[16] Xem Mai Hồng Quỳ, Đỗ Văn Đại, Sđd, phần số 454.

[17] Xem Lê Thị Nam Giang, Sđd, tr. 202

[18] Quyết định số 06/2008/KDTM-GĐT ngày 20/6/2008 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (về quyết định này, xem Đỗ Văn Đại và Nguyễn Văn Tiến, Tuyển tập các bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam về tố tụng dân sự, Nxb. Lao động năm 2010, tr. 514 và tiếp theo).

[19] Về dấu hiệu này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Sđd, phần số 56 và tiếp theo. 20 Về các dấu hiệu này, xem thêm Đỗ Văn Đại và Mai Hồng Quỳ, Sđd, phần số 45 và tiếp theo.

[20] CA de Paris, 28 février 2001, Societe Agricultural Bank of China/LE Credit Lyonnais: Juris Data n° 143195.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

©

Bài viết được đăng tải dưới sự cho phép của Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, mọi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến bài viết được bảo lưu. Chi tiết xin vui lòng liên email

Vui lòng đăng nhập tài khoản để tải miễn phí.

Mối quan hệ giữa thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và thẩm quyền của trọng tài thương mại

Gmail

Đăng ký

Quên mật khẩu?

Đặt mua


Bản giấy tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam

Bài viết liên quan trên

Google scholar

Trích dẫn bài viết qua

Google scholar Crossref