Nghị định 52 về thanh lý tài sản

     Căn cứ Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, Nghị Định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một sốđiều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính Quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP; Sở Tài chính hướng dẫn cụ thể trình tự và thủ tục thanh lý tài sản như sau:

     1. Về điều kiện để được thanh lý (Điều 25, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP)

     - Đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định của chế độ mà không thể tiếp tục sử dụng.

     - Bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả.

     - Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    2. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản nhà nước (Điều 8, Quyết định số15/2011/QĐ-UBND ngày 25/5/2011 của UBND thành phố Đà Nẵng)

      - Tài sản nhà nước là trụ sở làm việc, các tài sản gắn liền với đất, phương tiện giao thông vận tải: Chủ tịch UBND thành phố quyết định thanh lý theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

    - Tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản: Giám đốc Sở Tài chính quyết định thanh lý.

    - Tài sản có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản: Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đoàn thể quyết định thanh lý.

     3. Trình tự, thủ tục thanh lý tài sản nhà nước

    3.1. Khi tài sản nhà nước đủ điều kiện thanh lý, các đơn vị sử dụng tài sản nhà nước lập hồ sơ thanh lý tài sản gửi cho cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp gửi Sở Tài chính (trường hợp không có cơ quan quản lý cấp trên, thì gửi trực tiếp về Sở Tài chính). Hồ sơ đề nghị thanh lý tài sản gồm:

      - Văn bản đề nghị thanh lý tài sản nhà nước;

     - Danh mục tài sản đề nghị thanh lý, trong đó có nêu cụ thể: tên tài sản, năm đưa vào sử dụng, nguyên giá, giá trị hao mòn, giá trị còn lại; hiện trạng của tài sản ở thời điểm thanh lý.

     - Các hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến việc quản lý, sử dụng TSCĐ.

    - Đối với các loại tài sản mà pháp luật có quy định khi thanh lý cần có ý kiến xác nhận chất lượng tài sản của cơ quan chuyên môn thì phải gửi kèm ý kiến bằng văn bản của các cơ quan này (Trong trường hợp thanh lý xe ôtô: Biên bản xác nhận hiện trạng, chất lượng xe ôtô của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng thuộc Sở Giao thông vận tải).

     3.2. Sau khi có quyết định thanh lý tài sản, đơn vị có tài sản thanh lý tổ chức thanh lý tài sản theo các phương thức sau: Bán tài sản nhà nước hoặc phá dỡ, huỷ bỏ tài sản nhà nước.

Trường hợp thực hiện bán tài sản nhà nước:

          Bước 1: Thành lập Hội đồng thanh lý tài sản để đánh giá lại tài sản, quyết định giá khởi điểm để bán TSCĐ.

Bước 2: Xác định giá khởi điểm và tổ chức bán đấu giá (Điều 22, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP); bán chỉ định (Điều 23, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP).

          - Trường hợp sau đây được bán chỉ định:

       + Tài sản đã hết giá trị còn lại theo sổ kế toán. Riêng tài sản là nhà và tài sản khác gắn liền với đất, phương tiện vận tải, tài sản khác có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản phải đánh giá lại, nếu giá trị còn lại theo đánh giá lại dưới 50 triệu đồng /01 đơn vị tài sản thì được bán chỉ định;

      + Trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá tài sản mà chỉ có 1 tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản và trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm.

      3.3. Sau khi hoàn thành việc thanh lý tài sản, đề nghị hạch toán giảm tài sản theo quy định của pháp luật về kế toán và báo cáo kê khai biến động tài sản.

      3.4. Nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền thu được từ việc bán tài sản thanh lý, sau khi trừ đi các chi phí hợp lý liên quan đến việc thanh lý tài sản.

Nguyễn Thị Bích Thủy