Nguyễn nhân Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng sau khi về nước Năm 1941

     Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về hoạt động và gắn bó với Cao Bằng là sự nối tiếp dòng chảy của thời gian 30 năm Người sống và hoạt động ở nước ngoài. Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, sự kiện ngày 28/01/1941 (tức mồng Hai Tết Tân Tỵ), Bác Hồ trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam là một sự kiện chính trị quan trọng, là mốc son đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng Việt Nam. Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để về nước hoạt động và xây dựng căn cứ địa cách mạng không phải sự lựa chọn tình cờ hay ngẫu nhiên, mà là một sự tính toán kỹ lưỡng. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả “ t hiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Nguyễn nhân Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng sau khi về nước Năm 1941

Ngày 28/01/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình vượt qua mốc 108

biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Pó (xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) Ảnh: TTXVN

     Kể từ khi Người về nước đến nay đã 81 năm, một quãng thời gian tương đối dài với bao thăng trầm của cách mạng. Nhìn lại sự kiện ấy, chúng ta càng kính phục thiên tài Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo tài tình đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, càng thêm tin tưởng, tự hào và quyết tâm vững bước trên con đường mà Người và Đảng ta đã dày công vun đắp.

     Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường đi cho dân tộc theo đi, Người đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất

Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai

     Sáng sớm ngày 28/01/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), dưới sự dẫn đường của anh Lê Quảng Ba, một thanh niên vừa được huấn luyện, sinh ra và lớn lên tại làng Pác Bó, đoàn người về nước gồm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Hoàng Văn Lộc và Thế An đều mặc những bộ quần áo chàm của người Nùng, bước nhanh về phía biên giới. Tới cột mốc 108, đoàn người dừng lại hồi lâu, đưa mắt nhìn về Việt Nam. Đó là những giây phút tràn đầy xúc động của đoàn người trong đó có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, như sau này, Người kể lại: “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới được bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động” [1].

     Sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã đáp ứng đòi hỏi khách quan của phong trào cách mạng trong nước và sự phát triển của tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc Việt Nam. Người đã cùng Trung ương Đảng hoàn chỉnh sự chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam và phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng cùng toàn Đảng, toàn dân hướng vào mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc và chính quyền về tay nhân dân; thúc đẩy toàn bộ tiến trình của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, góp phần lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ; cùng với đó là việc củng cố tổ chức, hệ thống Đảng từ Trung ương đến địa phương, tập hợp các lực lượng tham gia vào phong trào đấu tranh cách mạng.

     Đối với quốc tế, quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi trở nước cũng là cơ sở quan trọng sau này để Việt Nam củng cố các mối quan hệ với các nước đồng minh chống lại chủ nghĩa phát xít cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhiều nước đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nước ta giành thắng lợi trong khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử Việt Nam đã viết nên những trang đẹp nhất trong thế kỷ XX. Từ Pác Bó, Người đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng và ngọn lửa đó đã bùng cháy, tỏa sáng ra khắp cả nước; dẫn dắt, soi đường cho toàn dân đứng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

     Ngay sau đó, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, nhân dân Cao Bằng bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” chống thực dân Pháp xâm lược. Đầu năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Nhằm đưa cuộc kháng chiến tiến lên một bước mới, tháng 6/1950, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Biên giới, với mục đích: Tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng phần biên giới phía Đông Bắc, khai thông đường giao thông với các nước xã hội chủ nghĩa; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, tiến tới giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường chính, tạo điều kiện thúc đẩy cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mau chóng giành thắng lợi.

     Tỉnh Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính, đồng thời cũng là hậu phương tại chỗ cung cấp sức người, sức của phục vụ chiến dịch. Với khẩu hiệu “tất cả cho chiến dịch toàn thắng”, Tỉnh ủy Cao Bằng đã phát động quân và dân trong tỉnh tích cực huy động sức người, sức của tham gia chiến dịch. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên và là chiến dịch duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo động viên quân và dân chiến đấu. Hình ảnh “Bác Hồ ra trận” thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng và nhân dân ta, là nguồn sức mạnh động viên tinh thần vô cùng to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân và toàn dân ta quyết tâm giành thắng lợi, nô nức “thi đua giết giặc lập công”.

     Thắng lợi của chiến dịch Biên giới là thắng lợi của nhân dân cả nước, trong đó có đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Trong đó các địa điểm như: Cứ điểm Đông Khê, Khau Luông, Cốc Xả, Điểm cao 477... đã diễn ra những trận đánh ác liệt và trở thành những di tích lịch sử, đánh dấu những mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Thắng lợi của chiến dịch là bước ngoặt quan trọng góp phần quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta, đồng thời, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của Quân đội nhân dân Việt Nam về nhiều mặt, đặc biệt về nghệ thuật chiến dịch, là minh chứng đúng đắn cho đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Đối với Cao Bằng, Chiến thắng Biên giới năm 1950 và giải phóng Cao Bằng mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Kể từ đây, nhân dân Cao Bằng được sống trong độc lập, tự do, được làm chủ chế độ mới, bước vào xây dựng đời sống mới; là hậu phương vững mạnh, tiếp tục đóng góp sức người, sức của góp phần đưa cuộc kháng chiến toàn quốc đến thắng lợi hoàn toàn. Để rồi sau đó 4 năm, ngày 07/5/1954, nhân dân Cao Bằng đã cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và kết thúc trọn vẹn bằng Đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho cả dân tộc Việt Nam.

     Tất cả những dấu son lịch sử huy hoàng đó đều được bắt đầu từ cái mốc của mùa Xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước.

     Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân, theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng, để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng rất vinh dự, tự hào được đóng góp sức mình vào công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Cách mạng đã mang lại cho Cao Bằng tầm vóc lịch sử lớn lao: Là căn cứ địa đầu tiên, “đại bản doanh” của cả nước, là “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn động lực tinh thần to lớn, trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân, đoàn kết xây dựng Cao Bằng ngày càng phát triển, là bức “phên giậu” vững chắc nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin mà Người đã dành cho Cao Bằng: Bác mong tỉnh Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.

     Với tấm lòng biết ơn vô hạn, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn luôn trân trọng, giữ gìn những dấu tích quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trên quê hương mình. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, Khu di tích lịch sử Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng), Khu di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) và Di tích Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây là những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng để các thế hệ nối tiếp thế hệ luôn nhìn thấy Người gần gũi, ghi nhớ công ơn của Người, nâng cao niềm tự hào và trách nhiệm của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     Cùng với cả nước, vinh dự và tự hào là “quê hương cội nguồn cách mạng”, “chiếc nôi của cách mạng Việt Nam”, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng luôn kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương cách mạng, không ngừng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta. Trong suốt quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ Cao Bằng không ngừng vận dụng và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương; lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn gian nan, thử thách, giành được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

     Cao Bằng, nơi ghi dấu những bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam hôm nay đang có nhiều đổi thay. Truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng mãi mãi là nguồn động lực và sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và nhân dân các dân tộc Cao Bằng quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy mạnh mẽ nội lực, bứt phá vươn lên xây dựng Cao Bằng trở thành tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong khu vực miền núi Bắc Bộ, thực sự là “phên dậu” vững chắc phía Đông Bắc của Tổ quốc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

     Tài liệu tham khảo:

     1. PGS.TS Trần Thị Thu Hương, Ths. Nguyễn Văn Biểu, Ngày Bác Hồ trở về nwóc (28/1/1941)- Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc – Sau 80 năm nhìn lại, www.Tạp chí Cộng sản.org.vn, 28/01/2021

     2. Trường Hà, Vì sao Bác chọn Cao Bằng là nơi trở về sau 30 năm đi tìm đường cứu nước? www.qdnd.vn, 4/6/2021.

     3. Mùa xuân 1941, Bác Hồ về Pác Pó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, www.caobang.gov.vn, 9/10/20218.

 

[1] T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb.Văn học, H.1970, tr.73.