Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại

Văn hào Honoré de Balzac (1799-1850) từng nói: “Nhà văn phải là thư ký trung thành của thời đại”. Nước nào, thời nào cũng đã có những thư ký trung thành như vậy.

Đại dịch Covid-19 đang tác động, thay đổi thế giới không chỉ về nhân sinh, mà còn thay đổi cả tâm thế, tư tưởng của thời đại. Hiển nhiên chủ đề này sẽ đi vào văn chương nhiều nước, nhưng nhà văn nào tiếp cận và viết thành công hơn thì vẫn còn là bí ẩn.Văn chương thường có độ lùi về thời gian so với thời sự một chút. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) thử đặt vấn đề này với các tiểu thuyết gia của Việt Nam hiện nay, xem họ tiếp cận với Covid-19 như thế nào trên trang viết.

Nhà văn Uông Triều: “Chất xúc tác cho những tiểu thuyết lớn”

“Tôi nghĩ với những biến cố lớn như dịch bệnh, chiến tranh có thể là tai họa cho loài người, nhưng lại là chất xúc tác cho những tiểu thuyết lớn. Nói thì có vẻ mâu thuẫn và tàn nhẫn, nhưng sự thực thì đúng như vậy. Sự tàn khốc, máu và nước mắt, chết chóc đau thương luôn là bối cảnh cho rất nhiều tác phẩm lớn, điều này đã được chứng minh rất nhiều trong lịch sử loài người và lịch sử văn học.

Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại
Nhà văn Uông Triều

Có lẽ lâu lắm rồi loài người mới trải qua một đại dịch ở quy mô rộng lớn và khủng khiếp như thế này, đã có hàng triệu người chết, hàng triệu người bị ốm đau, thất nghiệp và rất nhiều người khác sống trong nỗi sợ hãi lo âu.Thời kỳ này khiến tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết Mù lòa của José Saramago, viết về một căn bệnh có bối cảnh gần như tương tự. Một căn bệnh quái ác và tốc độ lây nhiễm kinh khủng của nó đã gần như thay đổi toàn bộ thế giới. Có bao nhiêu đau thương mất mát trong một thế giới bệnh dịch, ở đó người ta sẽ thấy được sự sợ hãi, nỗi thất vọng, thủy chung và phản bội, nhân tính và thú tính, thương yêu và độc ác… Đó chính mảnh đất màu mỡ để nhà tiểu thuyết khai thác.

Nhà văn không thể dửng dưng với những sự kiện xảy ra xung quanh, đây rõ ràng là một nỗi đau quá lớn, một thảm kịch, một tai họa, nhưng cũng là một động lực lớn cho việc cầm bút. Không ai muốn đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng rồi phải chấp nhận nó, sống chung với nó.

Cái khó của tiểu thuyết gia là phải viết thế nào cho hấp dẫn, có sức nặng. Dễ dãi quá sẽ trở thành một vở kịch tuyên truyền sống sượng, khóc lóc bi quan quá thì gieo nỗi lo lắng cho người đọc. Đây là một gánh nặng, một thách thức với những người cầm viết. Tôi tin rằng rồi sẽ có những tác phẩm lớn viết về giai đoạn gian khó này của loài người, vấn đề là người viết có đủ sâu sắc, đủ thương cảm, đủ tài năng và tâm huyết để cảm nhận và chuyển tải hay không”.

Nhà văn Trần Nhã Thụy: “Tôi muốn kể lại câu chuyện này bằng phim trước”

“Covid-19 là đại dịch mang tính thảm họa toàn cầu, chứ không riêng một quốc gia nào. Bối cảnh, câu chuyện của nó trải dài từ Đông sang Tây, bất kỳ một người nào cũng dính vào nó theo một cách thức nào đó.

Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại
Nhà văn Trần Nhã Thụy

Nếu quan niệm rằng tiểu thuyết là tác phẩm lớn, phản ánh những điều lớn lao, mang tư tưởng thời đại, thì Covid-19 thừa sức “đáp ứng” điều đó. Còn nếu quan niệm tiểu thuyết là những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt (sau trung thuyết, đại thuyết) thì Covid-19 càng là nguồn đề tài bất tận. Từ chuyện một cơn ho, một cái hắt xì hơi, đến chuyện khẩu trang, chuyện một con chó nhỏ, chuyện bó rau muống giữa thành phố… cũng sẽ thành tiểu thuyết.

Theo quan sát của tôi thì các tiểu thuyết gia sống ở các đô thị lớn có điều kiện thuận tiện hơn khi triển khai tiểu thuyết. Bởi dịch Covid-19 hầu hết tấn công vào đô thị, dồn con người vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng là những cuộc tháo chạy ra khỏi thành phố… Nếu chịu khó quan sát, thêm một chút trải nghiệm, tôi nghĩ có hàng tỷ chuyện để viết, từ thân phận nhỏ bé tới chính sách và gương mặt quốc gia.

Dĩ nhiên, cuối cùng vẫn là tài năng, tiểu thuyết không phải là nhật ký phong thành. Cá nhân tôi nghĩ mình rồi cũng sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về đại dịch này, nhưng trước mắt tôi đang xây dựng một kịch bản điện ảnh, bởi tôi muốn kể lại câu chuyện này bằng phim trước”.

Nhà văn Bùi Anh Tấn: “Tôi đã có rất nhiều ghi chép”

“Đây là cơn đại chấn kinh hoàng nhất của những năm đầu thế kỷ 21 với số người chết nhiều hơn vài cuộc chiến tranh cộng lại. Tôi xem đây là lời cảnh báo nghiêm khắc của bà mẹ thiên nhiên gửi đến chúng ta, bởi chúng ta đã xem thường thiên nhiên, tàn phá thiên nhiên vô tội vạ, sống quá vị kỷ, quá vật chất… Là một người chuyên viết tiểu thuyết về những thảm trạng đau thương diễn ra hàng ngày, đây quả là những “chất liệu” cho một cuốn tiểu thuyết trong tương lai.

Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại
Nhà văn Bùi Anh Tấn

Giữa ranh giới cái sống và cái chết, những bản chất sân si nhất, góc khuất nhất của con người đã bộc lộ ra ngoài. Phần con nhiều hơn phần người. Nhưng bên cạnh đó là những tấm gương hy sinh vì đồng loại của đội ngũ y bác sĩ, của những con người thầm lặng, đã và đang ngày đêm không ngừng nghỉ chiến đấu với Covid-19. Những tấm gương đẹp đáng đi vào trang sách để ca ngợi, để được tôn vinh mà tôi sợ ngòi bút của mình không thể miêu tả hết được. Có những vẻ đẹp, có những sự vĩ đại mà nhà văn bỗng thấy bất lực, nên chỉ biết cúi đầu cảm phục, chứ cố gắng trải hết lên trang sách thì chưa chắc đã hay.

Với Covid-19, tôi đã có rất nhiều ghi chép, nên sẽ viết khi cái tứ và cấu trúc hình thành”.

Nhà văn Tạ Duy Anh: “Tôi thì chưa dám viết”

“Cả thế giới thì chắc chắn có nhiều người viết và một số người trong đó sẽ viết rất hay, nhưng có lẽ các ngòi bút ở Việt Nam thì khó mà viết hay cho được. Tôi thì chưa dám viết. Bởi tôi nghĩ đề tài lớn này phải gắn với triết học, thậm chí gắn với Thiên Chúa, thì mới đáng giá, còn chỉ viết trên nền tảng hiện thực thì khó mà triển khai sâu sắc, rung động.

Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại
Nhà văn Tạ Duy Anh

Với lại nhiều nhà văn Việt Nam họ sẽ sớm quên Covid-19 trên trang viết, khi đại dịch này đi qua. Có sự khác nhau rất lớn giữa việc xem hiện thực là cái cớ của trang viết, hoặc hiện thực là chất liệu của trang viết. Văn chương Việt Nam còn thường thiếu hiện thực ảo, tức hiện thực tưởng tượng, thứ chỉ được chắp cánh bởi triết học và tôn giáo, bởi những suy tư về vũ trụ, mà chỉ thường viết theo hiện thực đời sống, thì lúc tác phẩm chưa kịp hình thành thì dịch đã rã mất rồi”.

Văn Bảy (thực hiện)

nguồn: https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/giua-dai-dich-nha-van-co-dang-la-thu-ky-trung-thanh-cua-thoi-dai-n20210809073012791.htm

Nhà văn la người thư kí trung thành của thời đại
SỞ GD – ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG
ĐỀ THI CHỌN HSG TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
 MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10
NĂM 2019
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề)
( Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 ( 8,0 điểm)
Hãy thù ghét mọi ao tù

nơi thân ta rữa mục

,
 mọi thói quen
nếp nghĩ – mù lòa!
Hãy sống như
những con tàu
phải lòng
muôn hải lý, mỗi ngày bỏ sau lưng

nghìn hải – cảng – mưa – buồn!

(Bài thơ Việt Bắc – Trần Dần)

Suy nghĩ của anh/chị về lẽ sống được gợi ra từ đoạn thơ trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Banlzac từng nói: Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại. Nữ văn sĩ Pháp Elsa Trisolet lại cho rằng: Nhà văn là người cho máu.

Bằng những trải nghiệm văn học của bản thân, anh/chị hãy bình luận hai ý kiến trên.

————-Hết————-

SỞ GD – ĐT PHÚ THỌ
TRƯỜNG THPT CHUYÊN HÙNG VƯƠNG
ĐỀ THI CHỌN HSG TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG
 MÔN NGỮ VĂN – KHỐI 10
NĂM 2019
HƯỚNG DẪN CHẤM Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể thời gian phát đề)
( Đề thi gồm 01 trang)

Câu 1 (8 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận xã hội, biết huy động các kiến thức sách vở, kiến thức đời sống và những trải nghiệm của riêng mình để làm bài.

– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

1. Xác định lẽ sống được gợi ra từ đoạn thơ (1,5 điểm)

– Các hình ảnh ẩn dụ:

+ Ao tù (cuộc sống quẩn quanh tù hãm), thói quen nếp nghĩ mù lòa (cách nghĩ, cách làm thiếu tỉnh táo, thiếu sáng suốt), nghìn hải cảng mưa buồn (nơi trú ngụ của nỗi buồn, sự trì trệ)

+ Những con tàu phải lòng muôn hải lý: Khát vọng lên đường đến với những chân trời rộng mở

⇒ Gợi ra hai thế giới đối lập: một thế giới tù hãm, trì trệ – nơi sẽ giết chết con người bằng nỗi buồn và sự vô nghĩa; một thế giới của khát vọng sôi nổi, của ý chí và quyết tâm lên đường đến với những chân trời rộng mở.

– Điệp từ “Hãy”: nêu lên yêu cầu khẩn thiết, cần thực hiện ngay.

⇒  Đoạn thơ đưa ra những lời khuyên về lẽ sống với con người:

+ Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt.

+ Hướng tới một lẽ sống tích cực: sống có khát vọng đến với những chân trời mới, biết vượt qua mọi nỗi đau buồn, luôn lạc quan, sôi nổi.

– Phải biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt vì:

+ Đó là cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa, giết chết ước mơ, khát vọng của con người.

+ Nếu ai cũng sống như vậy, xã hội cũng trở nên trì trệ, không phát triển.

– Phải có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn vì:

+ Con người sẽ có ý chí, nghị lực, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thành công.

+ Biết phát huy tận độ những khả năng của mình để vươn lên, cống hiến cho xã hội.

– Cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

3. Mở rộng, nâng cao vấn đề (1,5 điểm)

Biết thù ghét, lên án cuộc sống tăm tối trì trệ, giam hãm, ngột ngạt không có nghĩa là bất mãn với hiện thực.

– Sống có khát vọng đến với những chân trời mới, vượt qua mọi nỗi đau buồn không có nghĩa là trốn chạy thực tại.

4. Bài học (1,0 điểm)

– Nhận thức được đây là lẽ sống cần thiết

– Bồi dưỡng tâm hồn, nâng cao tri thức, hiểu biết để thực hiện lẽ sống trên.

Câu 2 (12 điểm)

* Yêu cầu về kĩ năng:

– Có kĩ năng viết bài văn nghị luận văn học, biết huy động các kiến thức lí luận, kiến thức về tác giả, tác phẩm để làm bài.

– Vận dụng các thao tác lập luận phù hợp, lí lẽ xác đáng, trình bày khoa học, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đạt được những nội dung cơ bản sau:

1. Giải thích (1,5 điểm)

– Nhà văn: là chủ thể của quá trình sáng tác; là người sáng tạo ra tác phẩm văn học; nhà văn đóng một vai trò rất quan trọng bởi lẽ không có nhà văn thì không có tác phẩm và đương nhiên cũng không có nền văn học.

– Thư kí của thời đại: ghi chép lại tất cả những gì xảy ra trong hiện thực của thời đại. Ý kiến củaBanlzac khẳng định: nhà văn là người ghi chép lại hiện thực, công việc của nhà văn là phản ánh hiện thực thời đại.

– Cho máu: truyền nhiệt huyết, tình yêu của bản thân đến mọi người. Ý kiến của Elsa Trisolet nhấn mạnh:  công việc của nhà văn chính là truyền nhiệt huyết và tình yêu đến với con người.

⇒ Hai ý kiến bổ sung nhau cùng thể hiện hai góc nhìn về công việc của nhà văn.

2. Bình luận (3,0 điểm)

– Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại:

+ Văn học có mối quan hệ chặt chẽ với hiện thực đời sống; bất kì một tác phẩm văn học nào cũng phải xuất phát từ hiện thực; vì vậy nhà văn khi sáng tạo nên tác phẩm phải trung thành với hiện thực, phản ánh hiện thực thời đại mà nhà văn sống và sáng tác.

+ Tuy nhiên, nhà văn không bê chép nguyên xi hiện thực mà phản ảnh hiện thực một cách sáng tạo, thông qua lăng kính chủ quan của mình.

– Nhà văn là người cho máu:

+ Văn học không chỉ phản ảnh thế giới khách quan mà còn thể hiện thế giới chủ quan của người viết. Vì vậy, công việc của nhà văn không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ phản ánh hiện thực khách quan của thời đại mà nhà văn còn phải phản ánh thế giới chủ quan, thế giới tình cảm bên trong của bản thân mình nói riêng và của con người nói chung.

+ Một trong những tư chất quan trọng hàng đầu của nhà văn giàu tình cảm, nhạy cảm, dễ xúc động. Một trong những giá trị cao đẹp của văn học là nhân đạo hóa con người, hình thành cho con người những suy nghĩ và tình cảm tốt đẹp. Hay nói khác hơn, nhà văn chính là người có “dòng máu nóng” và biết truyền đi nhiệt huyết cùng tình yêu đến với mọi người để hướng con người đến những nhận thức và tình cảm tốt đẹp.

3. Chứng minh (6,0 điểm)

 Học sinh dùng dẫn chứng phù hợp để chứng minh, làm nổi bật các ý:

–  Nhà văn phản ánh hiện thực thời đại một cách chân thực.

– Nhà văn truyền đi nhiệt huyết, những tình cảm yêu thương, căm ghét, đau đớn xót xa đến độc giả qua trang viết.

4. Bình luận (1,5 điểm)

– Quan điểm của cả hai nhà văn đều đúng đắn: Hai ý kiến bổ sung cho nhau, hướng tới ngợi ca lao động sáng tạo của những nhà văn chân chính.

– Hai ý kiến góp phần định hướng cho người sáng tác và người tiếp nhận:

+ Đối với người sáng tác:  Mỗi nhà văn cần phải là “người thư kí trung thành của thời đại”, là “người cho máu”; phải nhận thức được thiên chức của mỗi nhà văn để lao động sáng tạo như một nhà văn chân chính.

+ Đối với người tiếp nhận: Trân trọng lao động sáng tạo của nhà văn.

Chú ý: Giám khảo cần tôn trọng ý kiến riêng, cách lựa chọn thể loại văn bản, lối hành văn riêng của thí sinh, miễn là bám sát yêu cầu của đề và bài viết có sức thuyết phục.

  • Lẽ sống cao đẹp
  • Lòng trung thành
  • Thiên chức của nhà văn