Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất

`a)` Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

`b)` Tác giả đã phê bình cách đọc: ” Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất đã lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách vô thưởng vô phạt “

`c)` Biện pháp tu từ: So sánh ” Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận. “

– Tác dụng:

+ So sánh làm cho cách diễn đạt của câu văn thêm sinh động, cụ thể, gợi hình, gợi cảm, lập luận chặt chẽ, gây thuyết phục đối với người đọc…

+ So sánh nhấn mạnh việc học tập của con người không đơn giản, mà đó là cả một quá trình phức tạp, lâu dài, khó khăn, đòi hỏi con người phải nỗ lực không ngừng nghỉ.

+ Thể hiện thái độ quan tâm tới sách và việc đọc sách, chiếm lĩnh học vấn của giới trẻ của một học giả có uy tín và kinh nghiệm lâu năm.

`d)`  Việc đọc sách vô cùng quan trọng trong quá trình bước tới học vấn, xa hơn là thành công trong cuộc sống. Bởi vì đọc sách mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một mảng kiến thức khổng lồ, giúp ta làm chủ trí tuệ của toàn nhân loại. Con người cần đọc sách bởi sách chính là công cụ để chúng ta rút ngắn khoảng cách với bạn bè năm châu, để chúng ta học tập và phát huy những tinh hoa của nhân loại, góp phần xây dựng và phát triển đất nước mình. Việc đọc sách sẽ giúp chúng ta trở thành người học thông minh, chủ động; bồi đắp nhân cách, đạo đức; giải trí thư giãn tâm hồn; giúp chúng ta vươn tới những cái đẹp, giá trị thẩm mĩ của cuộc sống. Nhưng cần đọc sách sao cho hợp lí, nên đọc những loại sách bổ ích, tránh xa những loại sách lậu, sách vô giá trị đối với bản thân vì nó không mai lại kiến thức sâu rộng cho ta mà hoàn toàn ngược lại. Vậy nên, mỗi người hãy biết chọn sách phù hợp, có phương pháp đọc sách khoa học, hiệu quả, để sách trở nên hữu dụng hơn trong cuộc sống nhân loại.

Bàn về đọc sách là lời khẳng định của Chu Quang Tiềm về vấn đề đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Để giúp bạn hiểu rõ ràng và sâu sắc hơn về các dạng đề đọc hiểu liên quan đến văn bản, cùng THPT Sóc Trăng tham khảo soạn bài Bàn về đọc sách cùng một số đề đọc hiểu dưới đây và xem gợi ý đáp án của từng đề bạn nhé:

Đề đọc hiểu Bàn về đọc sách

Đề số 1

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

Bạn đang xem: Đề đọc hiểu Bàn về đọc sách – Chu Quang Tiềm

(2) Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.

(Chu Quang Tiềm – Bàn về đọc sách)

Câu 1: Vấn đề nghị luận trong đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Trong đoạn (1), tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào?

Câu 3: Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, anh/ chị thấy sách có tầm quan trọng như thế nào? Việc đọc sách có ý nghĩa gì?

Câu 4: Theo anh/ chị, vì sao muốn tích luỹ kiến thức, đọc sách có hiệu quả thì trước tiên cần phải biết chọn lựa sách mà đọc?

Đáp án đề đọc hiểu Bàn về đọc sách số 1

Câu 1: Vấn đề nghị luận trong đoạn trích trên là:

– Đoạn 1: tác giả Chu Quang Tiềm bàn về việc đọc sách và nhấn mạnh đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn. “Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại”.

– Đoạn 2: tác giả khẳng định “Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi”. Và con đường học vấn không thể thiếu sách.

Câu 2: Trong đoạn (1) tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận: phân tích.

Câu 3:

– Qua lời bàn của Chu Quang Tiềm, ta thấy sách có tầm quan trọng rất lớn, đó là con đường của học vấn vì sách là kho tàng  tích luỹ kiến thức của  nhân loại. Muốn tiến bộ thì phải đọc sách,  phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát.

– Việc đọc sách có ý nghĩa: tiếp thu kiến thức, cập nhật những vấn đề mới để không bị lạc hậu. Từ đó ta mới có thể vững vàng trên con đường học vấn.

Câu 4: Muốn tích luỹ kiến thức, đọc sách có hiệu quả thì trước tiên cần phải biết chọn lựa sách mà đọc vì: sách có nhiều loại sách, nhiều lĩnh vực: khoa học, xã hội, giải trí, giáo khoa… Mỗi chúng ta cần biết mình ở độ tuổi nào, có thế mạnh về lĩnh vực gì. Xác định được điều đó ta mới có thể tích luỹ được kiến thức hiệu quả. Cần hạn chế việc đọc sách tràn lan lãng phí thời gian và công sức…

Đề số 2

Đọc đoạn văn sau:

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng việc đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả  đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ, thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

(Chu Quang Tiểm, Bàn về đọc sách)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên? Nội dung chính của đoạn trích?

Câu 2: Từ học vấn trong đoạn văn trên được dùng với nghĩa nào? Xác định thành phần biệt lập có trong đoạn văn trên và chỉ ra đó là gì?

Câu 3: Em có đồng ý với quan niệm của tác giả: Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại hay không? Vì sao?

Câu 4: Theo anh/chị tại sao tác giả cho rằng: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại”

Đáp án đề đọc hiểu Bàn về đọc sách số 2

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên là: Nghị luận.

– Nội dung chính của đoạn trích là: Bàn về việc đọc sách và nhấn mạnh đọc sách là một con đường quan trọng của học vấn, và con đường học vấn không thể thiếu sách.

Câu 2: Từ học vấn trong đoạn trích có nghĩa là những thành quả tích lũy, những hiểu biết, tri thức nhờ học tập mà có của mỗi con người.

– Thành phần biệt lập có trong đoạn văn trên là: thành phần tình thái (có thể nói)

Câu 3: Em đồng ý với quan niệm: Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại. Vì: Sách là kết tinh văn minh nhân loại, là nơi hội tụ mọi tinh hoa của loài người về mọi lĩnh vực nhân văn và khoa học, đánh dấu những bước đường đi lên của mọi dân tộc, mọi quốc gia trên hành trình qua nhiều thiên niên kỉ. Sách hội tụ bao kiến thức để mở rộng tầm nhìn, nâng cao trí tuệ, bồi đắp tâm hồn cho mọi thế hệ.

Câu 4: Tác giả cho rằng: “Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách nhưng đọc sách vẫn là con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại” vì:

– Sách: tư liệu tích lũy kiến thức bằng cách ghi chép được truyền từ đời này sang đời khác.

– Đọc sách không phải con đường duy nhất của học vấn: con đường tích lũy kiến thức, học tập có nhiều cách khác nhau, một trong số đó là đọc sách.

– Nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn: khẳng định vị trí tiên phong, có nhiệm vụ lớn lao trong việc học của con người.

– Ý kiến của Chu Quang Tiềm khằng định sách có vai trò to lớn không thể thay thế trong việc học. Từ đó cho chúng ta có những suy nghĩ đúng đắn về việc đọc sách.

Đề số 3

Đọc đoạn văn sau đây rồi trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

(…) “ Đọc sách vốn có lợi ích cho riêng mình, đọc nhiều không thể coi là một vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức thay đổi khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ là lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém” (…)

(Trích “Bàn về đọc sách” – Chu Quang Tiềm,

Ngữ văn 9, tập 2, NXBGDVN, 2015)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.

Câu 2: “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là từ loại gì? Nó có nghĩa là gì?

Câu 3: Xác định thái độ của tác giả được gửi gắm vào câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý”.

Câu 4: Em có đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người”? Vì sao?

Đáp án đề đọc hiểu Bàn về đọc sách số 3

Câu 1: Phương thức biểu đạt của đoạn trích trên là: Nghị luận.

Câu 2: “đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu”, từ “sâu” ở đây là tính từ. “Sâu” có nghĩa là: sâu sắc, sâu rộng.

Câu 3: Trong câu văn “Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của chỉ biết lấy nhiều làm quý” có thể thấy thái độ của tác giả đó là thái độ phê phán những người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, đọc sách chỉ biết đọc số lượng mà không chú trọng vào chất lượng của sách.

Câu 4: Em đồng ý với ý kiến sau: “Sách luôn có ích cho con người” vì: Đọc sách giúp cho em có được vốn kiến thức sâu rộng; Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo; Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ; Đọc sách giúp sống tốt hơn…

Đề số 4

Trong văn bản “Bàn về đọc sách”, tác giả Chu Quang Tiềm viết:

“Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kỹ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kỹ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. … Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về.”

(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015)

Câu 1: Nêu xuất xứ của đoạn trích trên. Xác định nội dung chính của đoạn trích.

Câu 2: Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên gì về việc đọc sách?

Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật đặc sắc trong câu văn sau: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần”.

Câu 4: Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích.

Đáp án đề đọc hiểu Bàn về đọc sách số 4

Câu 1: Xuất xứ của đoạn trích trên là: được trích trong văn bản “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm.

– Nội dung chính của đoạn trích: Đọc sách không cốt nhiều mà quan trọng là chọn tinh, đọc kĩ.

Câu 2: Ở phần trích trên, tác giả đã đưa ra lời khuyên về việc đọc sách là: Chọn sách mà đọc và đọc cho kĩ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm.

Câu 3: Trong câu văn: “Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần” tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật so sánh nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách cho kĩ để tiếp thu được hết những tinh hoa chứa đựng trong một quyển sách.

Câu 4: Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ là: so sánh và ẩn dụ (đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về).

– Hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích là: Diễn tả một cách hình ảnh và sinh động hệ quả của việc đọc nhiều mà không nghĩ sâu thì dù sách có hay, có bổ ích thì cũng chẳng thu nhận được điều gì giá trị. Từ đó người đọc nhận thức được không nên đọc qua loa, đại khái.

—————–

Trên đây là một số đề đọc hiểu Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm mà THPT Sóc Trăng đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Bàn về đọc sách của Chu Quang Tiềm để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về bài thơ này trong các kì thi em nhé!

Đăng bởi: THPT Sóc Trăng

Chuyên mục: Giáo dục