(ĐCSVN) - Đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến, dân tộc không có độc lập, nhân dân không có tự do, cuộc sống vô cùng lầm than. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành, với lòng yêu nước thương dân, với nhãn quan chính trị sắc sảo đã nhận thấy không thể cứu nước và giải phóng dân tộc theo cách cũ, như phong trào Cần Vương - đại biểu cho hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, phong trào nông dân Yên Thế mà thực chất cũng theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến; cũng không thể theo con đường của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học - đại biểu cho khuynh hướng tư tưởng tư sản dân tộc…

Với quyết tâm ra đi để tìm con đường cứu nước, cứu dân, sau gần mười năm qua nhiều châu lục, tìm hiểu chủ nghĩa thực dân, đế quốc cả ở “chính quốc” và thuộc địa của chúng, tích cực hoạt động trong trào giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác – Lênin. Người khẳng định: "Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc...".[1]

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra cho nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa thấy rằng công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, vì đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa".[2] Theo Người, trong thời đại ngày nay, cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Người chỉ rõ: "nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".[3] Theo Hồ Chí Minh: chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do; về bản chất, chủ nghĩa xã hội là một xã hội do nhân dân lao động làm chủ, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Đó cũng là ước nguyện cháy bỏng của Người: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".[4]

Người kết luận: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.

Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Chính cương vắn tắt do Người khởi thảo, đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc trong triển vọng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người đã làm sáng tỏ mối quan hệ hữu cơ giữa giải phóng dân tộc với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng con người, đặt nền tảng cho bước chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Người khẳng định: chỉ có hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện tiến lên chủ nghĩa xã hội, và chỉ có làm cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giữ vững những thành quả do sự nghiệp giải phóng dân tộc mang lại.

Năm 1954, miền Bắc được giải phóng, Người chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này "là ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".[5] Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, Người khẳng định: "Nhiệm vụ hiện nay của cách mạng Việt Nam là: đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước".[6]. Những năm tháng cuối đời, Người vẫn không quên căn dặn đảng viên: "không được phút nào quên lý tưởng cao cả của mình là: suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới".[7] Tháng 8 năm 1969, trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nhân đạo, Người khẳng định lại một lần nữa: "chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới".[8]

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, một cuộc cách mạng vừa phải giành độc lập dân tộc, vừa phải giải phóng nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột. Luận điểm trung tâm, xuyên suốt để giải quyết triệt để cả hai vấn đề ấy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vấn đề dân tộc phải được giải quyết theo lập trường của giai cấp vô sản. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp trên lập trường vô sản đã bám sát thực tiễn cách mạng Việt Nam, theo sát sự phát triển của thời đại. Tư tưởng ấy đã góp phần làm sáng tỏ thêm mối quan hệ không tách rời giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Thật vậy, lịch sử đã cho thấy từ khi dân tộc xuất hiện cho đến nay, dân tộc luôn gắn liền với giai cấp. Giai cấp đại biểu cho phương thức sản xuất thống trị luôn nắm quyền thống trị dân tộc. Do đó, không có dân tộc phi giai cấp và giai cấp thống trị dân tộc bao giờ cũng bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc theo hình ảnh và lợi ích của giai cấp mình. Vì thế, việc giải quyết vấn đề dân tộc bao giờ cũng phụ thuộc vào lập trường, quan điểm của giai cấp thống trị dân tộc. Gắn liền với các giai cấp đã nắm quyền thống trị dân tộc là các cách tương ứng bảo vệ độc lập, tự chủ và phát triển dân tộc, giải quyết vấn đề dân tộc.

Giai cấp phong kiến, tư sản và vô sản nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc khác nhau. Nhân loại đã từng biết chủ nghĩa dân tộc truyền thống thể hiện lòng yêu nước lâu đời của một dân tộc, chủ nghĩa dân tộc t­ư sản, chủ nghĩa dân tộc vô sản, chủ nghĩa dân tộc cách mạng, chủ nghĩa dân tộc sô vanh nước lớn, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi... Chưa có và chừng nào còn giai cấp sẽ không có dân tộc phi giai cấp. Ngay từ những năm đầu tiên đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã phân biệt rõ “chủ nghĩa dân tộc bản xứ” - chủ nghĩa dân tộc truyền thống ở các nước thuộc địa, với “chủ nghĩa quốc tế” - chủ nghĩa dân tộc theo lập trường của giai cấp vô sản. Người viết: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước… Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản… Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”.[9] Người luôn nhắc nhở khi giải quyết vấn đề dân tộc phải đứng vững trên lập trường vô sản, tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa dân tộc tư sản, chủ nghĩa sô vanh cũng như chống chủ nghĩa giáo điều và chủ nghĩa xét lại.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải quyết quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp thể hiện sâu sắc ở quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đã định hướng chính trị, chỉ đạo nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta, đồng thời đã được kiểm nghiệm, khẳng định trong thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam.

Hiện nay, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh đang được Đảng ta vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới nhằm ra sức phát triển kinh tế, văn hóa làm cho dân giàu nước mạnh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là luận điểm trung tâm, nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là một đóng góp của cách mạng Việt Nam vào kho tàng của chủ nghĩa Mác - Lênin, vào lý luận cách mạng xã hội trong thời đại hiện nay. Thực tiễn cách mạng đã chứng tỏ sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam cần thiết, có thể và đã được giải quyết theo lập trường của giai cấp vô sản.

Thế nhưng hiện nay, vẫn có quan điểm cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người theo “chủ nghĩa dân tộc”. Quan điểm này đã bỏ tính giai cấp, làm mờ đi lập trường, quan điểm giai cấp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc ở Việt Nam. Thực chất, đó là sự tước bỏ nội dung cách mạng, tiên tiến nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ thấp tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cổ súy cho quan điểm muốn nước ta từ bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội.

Quan điểm sai trái ấy đi ngược lại lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - tư tưởng chỉ đạo chiến lược lớn xuyên suốt cả quá trình cách mạng Việt Nam. Quan điểm ấy muốn Việt Nam từ bỏ ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, từ bỏ con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn và quyết hy sinh phấn đấu trong hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của các giai cấp này hay giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo và chính trị xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị”.[10]

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), được thông qua tại Đại hội XI, tiếp tục khẳng định bài học kinh nghiệm lớn đầu tiên là phải “nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Mọi quan điểm tách rời độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là nhận thức chưa đầy đủ, chưa hiểu hoặc cố tình xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó sẽ dẫn đến không nhận rõ mục tiêu chính trị của Đảng; mơ hồ, thậm trí là dao động về tư tưởng, và tất yếu trong hành động sẽ dẫn đến mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự mơ hồ về chính trị, dao động về tư tưởng, mất định hướng trong hành động như vậy là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến nguy cơ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước mà Đảng ta đã chỉ ra, cần tích cực, chủ động đấu tranh ngăn chặn, khắc phục.



[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG. H. 2000.T 1. Tr. 461.

[2] Sđd. T3. Tr. 268.

[3] Sđd. T4. Tr. 56.

[4] Sđd. T4. Tr. 161.

[5] Sđd. T9. Tr. 156.

[6] Sđd. T10. Tr. 198.

[7] Sđd. T12. Tr. 93.

[8] Sđd. T12. Tr. 474.

[9] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG. H. 2000. T 1. Tr. 466-467.

[10] Lênin Toàn tập, Nxb TB. M. 1980, T. 23, tr. 57.