Nước xa không cứu được lửa gần nghĩa là gì

Người Việt có thói quen uống trà, nhưng gần đây nhiều người bỗng băn khoăn khi đưa chén trà lên miệng. Sở dĩ như vậy là bởi qua báo chí, người ta tá hoả với câu chuyện chè (trà) bẩn.

Những hộ dân tại các vùng chè nổi tiếng Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang, vì tham lợi nhuận đã trộn từ thuốc trừ sâu cho tới bùn đất vào chè, cho ra lò một thứ chè vô cùng kinh dị. Loại chè bẩn này sau đó được thương lái Trung Quốc mua lại (không biết để làm gì) với giá cao. Vậy là nhà nhà, người người lao vào cuộc mưu sinh - cũng là cuộc tàn phá thương hiệu chè Việt Nam.


Câu chuyện chè bẩn cũng na ná như câu chuyện tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) mấy tháng trước. Lý Sơn được thiên nhiên ban đặc ân khi tỏi trồng ở đây rất thơm, ngon và có giá thành cao trên thị trường. Lợi dụng điều này, không ít các tư thương người Lý Sơn đã mua tỏi ở những nơi khác, cho lên thuyền vượt biển về Lý Sơn, gắn mác tỏi bản địa rồi xuất ngược ra ngoài bán với giá cao. Vậy là cũng từ mục tiêu kinh tế, dân Lý Sơn đã bôi nhọ thương hiệu của chính mình.


Câu chuyện sau đây, chẳng liên quan gì đến ăn uống nhưng lại liên quan đến chuyện "nước xa, lửa gần". Qua thông tin mà các trường Đại học, Cao đẳng vừa công bố thì thấy điểm thi năm nay ở ngành xã hội thấp đến mức…thê thảm. Có trường, môn Lịch sử chỉ có hơn chục thí sinh đạt điểm trung bình trở lên, còn lại phổ biến là 1 đến 3 điểm. Môn Văn, Địa cũng không sáng sủa hơn. Nhiều vị hiệu trưởng đã than thở rằng, với tình hình điểm số như thế này thì dù có lấy đến điểm sàn, cũng chưa chắc đã đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Suốt thời gian qua, không ít các nhà giáo, các nhà quản lý đã phân tích nguyên nhân về sự thoái trào của Khối C. Dù các ý kiến có khác nhau song đều thống nhất, một trong những nguyên nhân là do tốt nghiệp các ngành Khối C sau này ra trường khó xin việc, hoặc xin được thì lương cũng rất thấp so với những ngành khác. Từ chỗ khó có việc làm, thí sinh đã lạnh nhạt với Khối C, nếu có dự thi Khối C thì nhiều khi cũng vì không còn con đường nào khác.


Làm chè bẩn, đánh tráo thương hiệu tỏi, lợi lộc thấy ngay, mỗi ngày có thể kiếm thêm dăm ba triệu đồng. Học, thi các ngành "hót" ra trường có việc ngay, thu nhập lại cao. Chè bẩn, tỏi "đểu" còn có thể xử lý, nhưng việc học là tuỳ sở thích, khả năng của mỗi người, cũng không vi phạm quy định nào.

Thế nhưng "lửa cháy chân thành" sẽ chỉ là vấn đề thời gian, nếu tỏi giả danh, chè kinh dị vẫn đều đều xuất xưởng. Điều đầu tiên là khách hàng sẽ kinh sợ, thậm chí có thể tẩy chay các sản phẩm này. Sau đó, khi thương lái nước ngoài không thể tiếp tục bao tiêu thứ sản phẩm đáng sợ đó, lúc thương hiệu đã tan tành, chắc chẳng khó khăn để hình dung tình cảnh thê thảm của người sản xuất.


Còn việc quay lưng với học, thi Khối C hiện nay, không cần bình luận nhiều bởi các chuyên gia đã nhận định, đó sẽ là "sự suy thoái các giá trị nhân văn, quay lưng với giá trị làm người". Gánh chịu hậu quả này, không chỉ là xã hội chung chung, mà là mỗi gia đình cụ thể.


Ai cũng sợ hoả hoạn, do vậy cần nhìn ra những nguy cơ gây cháy mà đề phòng. Nếu không, đến khi lửa cháy lại ngậm ngùi trước lời dạy của tiền nhân.

Nguyễn Đức

baoin

(HNM) - Nhiều ngày đã trôi qua, thế nhưng vụ hỏa hoạn khủng khiếp thiêu rụi tòa chung cư Grenfell Tower cao 27 tầng tại Thủ đô London (Anh) rạng sáng 14-6 vẫn khiến cả thế giới bàng hoàng. Nhiều người Việt cũng không thể tin được ở một quốc gia phát triển, đồng nghĩa với việc lực lượng cứu hỏa được trang bị tối tân, tính chuyên nghiệp cao... nhưng vẫn bất lực trước sức mạnh của ngọn lửa.
Quả thực, đứng trước thảm họa mới dễ nhận thấy con người thật nhỏ bé. Dân gian có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về những ẩn họa từ nước và lửa vẫn luôn rình rập. Tiếc là, nguyên nhân hỏa hoạn tựu trung vẫn chủ yếu do ý thức con người. Thực tế đã có quá nhiều bài học đau xót từ các vụ cháy. Tuy nhiên, đằng sau nỗi sợ hãi vẫn nguyên vẹn là thái độ thờ ơ, coi thường hỏa hoạn của nhiều người dân. Ví dụ, một loạt vụ cháy lớn, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng như: Cháy nhà hàng karaoke trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội) xảy ra tháng 11-2016 làm 12 người thiệt mạng; cháy quán bar Zone 9 (Hà Nội) tháng 11-2013 làm 6 người thiệt mạng; đặc biệt vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại quốc tế (TP Hồ Chí Minh) xảy ra tháng 10-2002 cướp đi sinh mạng 60 người... Tất cả những đám cháy khổng lồ ấy đều có nguyên nhân từ một tia lửa hàn nhỏ bé. Vậy mà kinh nghiệm rút ra vẫn chỉ là… tiếp tục "rút kinh nghiệm". Dường như ai cũng nghĩ “cháy không đến tới mình” vậy? Tại Hà Nội hiện nay, theo cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, trong quý I-2017 đã xảy ra 291 vụ cháy, trong đó có 4 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng đáng chú ý hơn là hạ tầng chữa cháy trong thành phố vẫn hết sức khó khăn. Giao thông thường xuyên ùn tắc, ngõ phố nhiều chướng ngại vật khiến việc chữa cháy ở nhiều chỗ được ví... khó như lên trời. Đặc biệt, Hà Nội được cho là vẫn thiếu trên 4.000 trụ nước cứu hỏa, và trong đợt kiểm tra mới đây còn phát hiện hơn 300 trụ không bơm nước lên được. Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là bài học không có gì mới, nhưng thực tế hỏa hoạn vẫn tiềm ẩn từng giờ. Vấn đề đặt ra là ý thức của người dân trong phòng hỏa còn thấp; nhận thức về công tác PCCC của những người đứng đầu các cơ sở còn chủ quan, lơ là, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật. Hỏa hoạn tại các chung cư thường để lại hậu quả nặng nề, vì là nơi tập trung đông người, khó thoát hiểm. Thế nhưng, thật đáng lo ngại khi có nhiều chủ đầu tư nhà cao tầng lại phớt lờ các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy. “Danh sách đen” 79 chung cư có vi phạm về an toàn PCCC vừa được cơ quan quản lý công bố khiến không ít người giật mình. Trong đó có nhiều chung cư "cao cấp" hay những tên tuổi đình đám của làng bất động sản Hà Nội như: Mường Thanh, Sông Đà Thăng Long, Vinaconex… Thậm chí, có những chủ đầu tư như Tập đoàn Mường Thanh (doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên) vốn từng để xảy ra hỏa hoạn ở các chung cư, nhưng vẫn cho tồn tại 11 công trình có vi phạm.

Dân gian vẫn nói “nước xa không cứu được lửa gần”; “phòng hỏa hơn cứu hỏa”. Đến lúc, cơ quan quản lý không thể dung túng cho những trường hợp sai phép, vi phạm an toàn PCCC. Không thể chỉ phạt rồi cho hợp thức hóa sai phạm. Cũng cần thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC ở cơ sở, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm nếu phát hiện không bảo đảm an toàn. Các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện công tác phòng cháy, phát huy hiệu quả PCCC tại chỗ; tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC trong đời sống nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp; đưa giáo dục kỹ năng PCCC vào nhà trường... để hình thành ý thức mỗi cá nhân biết chủ động bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Chỉ như vậy, mới mong hạn chế thấp nhất xảy ra hỏa hoạn!

“Nước xa không cứu được lửa gần” - hiểu đúng theo nghĩa đen, đó là một câu khái quát bao hàm đủ thông điệp về sự gấp gáp, chạy đua với thời gian của công tác chữa cháy. 

Vậy, làm sao để chỗ nào cũng có “nước”, làm sao để khi cháy, đám cháy được dập tắt một cách sớm nhất có thể, và quan trọng hơn, làm sao để không xảy ra cháy - đó mới là câu hỏi cần đặt ra cho mỗi người dân.

1. Mấy ngày vừa qua, cứ vài ngày lại có một vụ cháy lớn, thậm chí trong ngày xảy ra 2 vụ cháy. chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh ngày 23-3 khiến 13 người chết, nhiều người bị thương. Cũng trong ngày hôm đó, một trung tâm điện máy ở TP Vinh, Nghệ An bỗng bốc hỏa. 

4h sáng 25-3, thêm một vụ cháy ở công ty may trong Khu công nghệ Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc. Và, chỉ chưa đầy 3 tiếng sau, vào lúc 6h20 ngày 25-3, tại quán karaoke Kingdom, TP Hà Tĩnh lại xảy ra cháy lớn. Nhìn những chiến sỹ Cảnh sát chữa cháy chuyên nghiệp khuôn mặt lấm lem khói bụi, những bàn tay phồng rộp, bong tróc da vì sức nóng, những người dân đau đớn nhận thi thể người thân, những hiện trường tan hoang sau vụ cháy… không ai không cảm thấy xót xa.

Nước xa không cứu được lửa gần nghĩa là gì
Chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh vào đêm 23-3.

Nhìn vào cách chữa cháy của những vụ việc vừa xảy ra cho thấy, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đã nỗ lực tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất.

Như sáng 25-3, báo chí đưa tin, sau khi nhận được tin báo cháy ở một cơ sở thuộc Khu công nghiệp Khai Quang, chỉ 3 phút sau, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã có mặt tại hiện trường chữa cháy. Và lúc 7h sáng, phóng viên truyền hình đã kết nối với đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đang tại cơ sở này. 

Những hình ảnh về các cán bộ chiến sỹ (CBCS) lực lượng chữa cháy tác nghiệp tại hiện trường và số người, tài sản được cứu đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong công tác PCCC, sự dũng cảm của các chiến sỹ Cảnh sát PCCC cũng như sự nỗ lực, trách nhiệm của người đứng đầu có mặt tại hiện trường chỉ đạo, kiểm tra công tác chữa cháy và khắc phục hậu quả. 

Nhưng, dù đã nỗ lực để hạn chế thấp nhất thiệt hại thì chúng ta vẫn phải chấp nhận một sự thật là hậu quả của cháy vô cùng đau xót. Tính mạng con người, tài sản thiệt hại không thể lấy lại được. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nợ nần chồng chất sau một vụ cháy, nhiều gia đình tán gia bại sản… cả đời không khắc phục được hậu quả.

Còn nhớ năm ngoái, các vụ cháy lớn đã để lại hậu quả vô cùng khốc liệt: 8 người chết trong một xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức, Hà Nội; vụ cháy nhà dân khiến 4 người trong một gia đình tử vong ở tỉnh Bình Dương, quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) và Xuân Đỉnh (Hà Nội), và cả vụ cháy “chuồng cọp” xảy ra ở một số gia đình gia cố cửa chống trộm mà quên lối thoát hiểm khi cháy… 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 trên địa bàn cả nước xảy ra 4.114 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. 

Đầu năm 2018, hàng loạt vụ cháy xảy ra, từ cháy tàu chở xăng dầu trên biển ở Hải Phòng cho đến cháy chung cư, cháy cơ sở kinh doanh, cháy nhà dân… Năm nào cũng xảy ra cháy, thậm chí năm nào cũng có những vụ cháy vô cùng nghiêm trọng. Ai cũng sợ, ai cũng lo lắng, nhưng cháy vẫn xảy ra. Vậy nguyên nhân do đâu?

2. Thực ra, bài học kinh nghiệm sau mỗi vụ cháy luôn được các phương tiện truyền thông nói với mật độ dày đặc, nhưng vụ cháy qua đi người ta lại quên mất phải làm những gì để phòng cháy. 

Thực tế, để trang bị hệ thống PCCC hiện đại thì chi phí khá lớn. Trong khi các cơ sở sản xuất thường tận dụng mọi địa hình để chứa đồ, không sắp xếp hàng hóa khoa học, không trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC cho nhân viên. Ở các gia đình thì mải chống trộm mà quên phòng cháy. 

Có lần lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đi kiểm tra công tác phòng cháy ở một chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, dù đã thông báo trước về kế hoạch kiểm tra nhưng chủ đầu tư không đến dự. Thậm chí tại chung cư này, cơ quan chức năng đã có quyết định xử phạt hành chính lên tới gần 100 triệu đồng nhưng doanh nghiệp không nộp phạt. Thực tế điểm tra cho thấy, chủ các công trình lớn chưa thực sự chú trọng việc đảm bảo an toàn phòng cháy.

Có mặt tại hiện trường một đám cháy xưởng sản xuất nhựa ở ngoại thành Hà Nội cuối năm ngoái, tôi chứng kiến sự đau đớn của chủ xưởng sản xuất khi nói rằng cả gia sản của chị thế là tan hết. Chị kêu gào thảm thiết nhưng chị lại không biết phải làm thế nào để hạn chế đám cháy khi phát hiện ra. 

Cũng giống như chị, phần lớn người dân thiếu kỹ năng phòng cháy chữa cháy, và không có kỹ năng thoát nạn. Những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn được tuyên truyền khá sâu rộng, nhưng hiệu quả thì chưa nhiều. 

Quá trình tìm hiểu công tác phòng cháy chữa cháy, tôi được nghe nhiều lần phản ánh của các cán bộ làm công tác tuyên truyền rằng, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc phòng cháy. 

Những buổi tuyên truyền kiến thức phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư chưa thu hút được người dân, dù thông báo đến từng nhà, nhưng số người dự các buổi tuyên truyền như vậy chưa nhiều. Không ít người chủ quan từ ý thức đến hành động, cứ nghĩ “bà hỏa” đến nhà ai chứ không vào nhà mình. Họ có chút kiến thức về thoát nạn nhưng khi xảy ra cháy thì phần lớn là hoảng loạn, chưa chắc đã áp dụng được những kỹ năng đơn giản đã từng biết.

Bởi thế, ngoài việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực PCCC thì vấn đề trang bị kiến thức, kỹ năng cho từng con người cụ thể là đặc biệt quan trọng. 

Nước xa không cứu được lửa gần – khi xảy ra cháy, bản thân mỗi người ở hiện trường phải biết cách dập đám cháy khi nó chưa cháy lớn và tự giải cứu mình. Đó cũng là phương châm chữa cháy 4 tại chỗ luôn được nhắc đến (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ).

Việc trang bị kỹ năng cho từng người cần được thực hiện ngay từ trường học. Hiện một số trường học đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm chữa cháy và thực hành kỹ năng thoát nạn. 

Cục Cảnh sát PCCC&CNCH phối hợp cùng Trường đại học PCCC tổ chức khóa học "Phòng vệ thông minh" cho học sinh bằng trải nghiệm thực tế cách thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp tại Trung tâm Huấn luyện Đào tạo Cứu hộ, cứu nạn Lương Sơn (Hòa Bình). 

Tại đây các em được đu dây từ tầng cao xuống mặt đất, bò trên sàn tránh khói, sử dụng bình cứu hỏa… Tuy nhiên, các lớp huấn luyện kỹ năng đó chưa có nhiều và chưa phổ biến nên tỷ lệ học sinh được trang bị kiến thức có thể áp dụng vào thực tế chưa cao. Những khóa học kỹ năng như thế cần được nhân rộng để lớp trẻ biết ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố. 

Có kỹ năng sẽ có cơ hội - câu chuyện về một người cha từ Yên Bái gọi điện thoại hướng dẫn con thoát nạn thành công trong vụ cháy ở chung cư Carina đáng để chúng ta suy ngẫm và lên kế hoạch hành động.

Việt Hà