Phụ nữ mang thai nhiễm covid-19 có sao không

Cập nhật: 18:24 - 21/02/2022 | Lần xem: 13133

Một trong những mối quan tâm hiện nay ở phụ nữ có thai chính là nỗi lo về COVID-19 và những ảnh hưởng của nó đến thai kỳ. Những nghiên cứu về vấn đề này vẫn đang được tiến hành, tuy nhiên, dựa theo những dữ liệu có sẵn, dịch tễ học, virut học, lây truyền, các triệu chứng và dấu hiệu của COVID-19 trên phụ nữ có thai gần như không có gì khác biệt so với những bệnh nhân không mang thai.

Nguy cơ mắc COVID-19 ở phụ nữ mang thai

Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy dường như COVID-19 không làm tăng nguy cơ tiến triển nặng ở phụ nữ có thai. Tuy nhiên, những tai biến sản khoa (sinh non, thai suy…) có thể tăng lên nếu như thai phụ nhiễm COVID-19 vào thời điểm gần cuối thai kỳ. Nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con trước khi sinh và lây truyền qua sữa mẹ rất thấp, có thể khoảng 1%. Mặc dù vậy, việc phòng ngừa lây nhiễm vẫn cần đặt lên hàng đầu khi chưa biết COVID-19 có ảnh hưởng gì khác đối với sức khỏe thai nhi và thai phụ hay không. Thực hiện 5K và tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tốt nhất hiện nay.

Phụ nữ mang thai nhiễm covid-19 có sao không

Trẻ được da kề da với mẹ (nhiễm COVID-19) sau khi chào đời. Nguồn ảnh: Vietnamnet

Tính an toàn và hiệu quả của tiêm chủng COVID-19 trong thai kỳ?

Mặc dù còn hạn chế, tuy nhiên bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả của vaccine COVID-19 trong suốt thai kỳ hiện tại ngày càng nhiều (trừ Sputnik V vì theo hướng dẫn vaccine này chống chỉ định phụ nữ mang thai và cho con bú).

- Vaccine phòng COVID-19 không làm lây nhiễm COVID-19 (kể cả ở phụ nữ có thai và thai nhi). Vì không có bất kỳ vaccine phòng COVID-19 nào có chứa virus SARS-CoV-2 còn sống; do đó không có khả năng nhân lên và gây bệnh.

- Vaccine ngừa COVID-19 không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như khả năng thụ thai của phụ nữ và khả năng sinh tinh của nam giới.

- Chưa nhận thấy có nguy cơ gia tăng sẩy thai khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 ngay trước và trong giai đoạn đầu thai kỳ (trước 20 tuần). Bên cạnh đó, sau khoảng 13 tuần đầu thai kỳ, thai nhi đã có sự định hình và phát triển các cơ quan trong cơ thể nên việc tiêm vaccine gần như sẽ không có ảnh hưởng đến thai nhi.

- Chưa nhận thấy có sự nguy hại của vaccine cho thai phụ và thai nhi trong những tháng cuối thai kỳ.

- Tiêm chủng trong thai kỳ có thể tạo kháng thể để bảo vệ cả bà mẹ lẫn trẻ sơ sinh (kháng thể được tìm thấy trong máu dây rốn và sữa mẹ). Việc tiêm vaccine đủ liều sẽ giảm cả nguy cơ mắc COVID-19 lẫn nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc COVID-19.

- Hiện tại vẫn không có dữ liệu nào về ảnh hưởng của vaccine đến phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ, trẻ sơ sinh cũng như khả năng tạo sữa của mẹ.

Điều trị sản phụ và thai nhi mắc COVID-19

Hiện nay, việc điều trị cho điều trị cho sản phụ nhiễm COVID-19 chủ yếu vẫn là điều trị hỗ trợ. Acetaminophen (Paracetamol) vẫn được khuyến cáo cho điều trị sốt và đau từ nhẹ đến trung bình và tốt nhất cần giữ độ bão hòa oxy (SpO2) ở mức trên 95%.

Tại Việt Nam, những nghiên cứu vẫn đang được phát triển, tuy nhiên theo thực tiễn lâm sàng sơ bộ cho kết quả tương tự những dữ liệu quốc tế. Theo bác sĩ Hồ Viết Thắng, bệnh viện Hùng Vương, điều lo lắng nhất chính là tâm lý lo lắng, căng thẳng của sản phụ khi nhiễm COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con. Trên thực tế, tại bệnh viện Hùng Vương, gần như tất cả những trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 đều xuất hiện rất ít các triệu chứng lâm sàng cũng như không cần chăm sóc đặc biệt, trẻ được da kề da với mẹ ngay sau khi chào đời. Những sản phụ mắc COVID-19, nếu có tình trạng sức khỏe tốt, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ vẫn có thể thực hiện chăm sóc em bé an toàn.

Bên cạnh đó, người mẹ cần thực hiện đầy đủ những phương pháp phòng ngừa trong quá trình chăm sóc bé, cụ thể:

- Người mẹ phải thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng, nước rửa tay có cồn hoặc dung dịnh rửa tay. Khi hắt hơi, lấy tay che miệng sau đó rửa sạch tay. Trước khi cho bé bú, phải rửa tay sạch sẽ, rửa núm vú bằng xà phòng và lau khô.

- Người mẹ luôn đeo khẩu trang khi chăm sóc bé, thay mới ít nhất 1 lần/ngày hoặc khi khẩu trang bị ướt, bẩn.

- Ngoài thời gian cho bé bú, hoặc dỗ dành khi bé khóc, người mẹ nên cho con nằm riêng. Có thể đặt trẻ trong nôi cách giường của mẹ 2m. “Đây là điều kiện tương đối, nhằm hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

Bs. Phúc Nguyên - Phòng TTGDSK/ TTYT Tân Bình

Nguồn:

1. Liu D, Li L, Wu X, et al: Pregnancy and perinatal outcomes of women with coronavirus disease (COVID-19) pneumonia: A preliminary analysis. Am J Roentgenol Mar 18, 1–6: 2020. doi.org/10.2214/AJR.20.23072. [Epub ahead of print].

2. Breslin N, Baptiste C, Gyamfi-Bannerman C, et al: COVID-19 infection among asymptomatic and symptomatic pregnant women: Two weeks of confirmed presentations to an affiliated pair of New York City hospitals. Am J Obstet Gynecol MFM 2020. https://doi.org/10.1016/j.ajogmf.2020.100111. [Epub ahead of print].

3. Schwartz DA: An analysis of 38 pregnant women with COVID-19, their newborn infants, and maternal-fetal transmission of SARS-CoV-2: Maternal coronavirus infections and pregnancy outcomes. Arch Pathol Lab Med Mar 17 2020. doi: 10.5858/arpa.2020-0901-SA. [Epub ahead of print].

4. Wang W, Xu Y, Gao R, et al: Detection of SARS-CoV-2 in different types of clinical specimens. JAMA Mar 11, 2020. doi: 10.1001/jama.2020.3786. [Epub ahead of print].

5. Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists, ACOG): COVID-19.

6. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Centers for Disease Control and Prevention): Thai kỳ và nuôi con bằng sữa mẹ.

7. Vietnamnet: Sản phụ F0 làm thế nào để chăm sóc và nuôi con bằng sữa mẹ an toàn?

Dường như phụ nữ mang thai không dễ bị mắc COVID-19 hơn. Tuy nhiên, bạn dễ bị mắc các bệnh nghiêm trọng hơn nếu nhiễm COVID-19 trong khi mang thai. Bạn cũng có nguy cơ sinh non cao hơn nếu nhiễm COVID-19.

Đó chính là lý do vì sao bạn – và những người xung quanh – cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ chính mình khỏi COVID-19. Hãy đi khám sớm nếu bạn xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho hoặc khó thở.

Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng như những người khác để tránh lây nhiễm COVID-19. Để giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh, hãy:

  • Cân nhắc tiêm vắc-xin với sự tư vấn từ cơ sở y tế.
  • Đeo khẩu trang khi không thể tránh xa người khác.
  • Giữ khoảng cách với những người khác và tránh các không gian thông gió kém hoặc đông người.
  • Mở cửa sổ để cải thiện lưu thông không khí trong nhà.
  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng hoặc dung dịch khử khuẩn có cồn.

Nếu bạn bị sốt, ho hoặc khó thở, hãy sớm tìm kiếm sự chăm sóc y tế.

Bạn có thể tiêm vắc-xin COVID-19 trong khi mang thai. Nhìn chung, dù nguy cơ bị bệnh nặng do COVID-19 thấp, nhưng khi mang thai, bạn dễ bị bệnh nặng hơn so với phụ nữ không mang thai.

Mặc dù có ít dữ liệu về việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai, song bằng chứng về tính an toàn của vắc-xin COVID-19 trong thời kỳ mang thai ngày càng nhiều và chưa phát hiện mối lo ngại nào về mức độ an toàn của vắc-xin. Để biết thêm thông tin về tiêm chủng ngừa COVID-19 trong khi mang thai, hãy liên hệ với cơ sở y tế.

Nếu bạn đang cho con bú, bạn nên tiêm vắc-xin ngay khi có thể. Việc này rất an toàn và không mang nguy cơ gây hại đối với bà mẹ hoặc em bé. Ở thời điểm hiện tại, không vắc-xin COVID-19 nào mang vi-rút sống, vì vậy, không có nguy cơ bạn truyền COVID-19 từ vắc-xin cho con mình qua sữa mẹ. Trên thực tế, kháng thể trong người bạn sau khi tiêm vắc-xin có thể truyền cho em bé qua sữa mẹ và giúp bảo vệ bé.

> Đọc thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ an toàn trong mùa dịch COVID-19

Bạn có thể đã thấy những tuyên bố sai sự thật trên mạng xã hội nhưng không có bằng chứng nào chứng minh rằng vắc-xin, bao gồm cả vắc-xin COVID-19, có thể làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ hay đàn ông. Bạn nên tiêm vắc-xin nếu đang cố gắng mang thai.

Chúng ta vẫn chưa rõ liệu vi-rút có truyền từ mẹ sang trẻ chưa sinh hoặc sơ sinh hay không. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa tìm thấy vi-rút COVID-19 còn sống (vi-rút gây nhiễm bệnh) trong nước ối hoặc sữa mẹ.

Điều tốt nhất bạn có thể làm là thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để ngăn mình bị nhiễm COVID-19. Nếu bạn đang mang thai hoặc vừa sinh con và cảm thấy không khỏe, bạn nên đi khám bệnh kịp thời và làm theo hướng dẫn của cơ sở y tế.

Nhiều mẹ bầu rất sợ đi khám thai trong khi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như ở nhà và giãn cách khi ra ngoài. Hãy tìm hiểu những phương án khả thi bằng cách tham vấn cơ sở y tế.

Sau khi sinh con, bạn cần tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn chuyên môn, bao gồm cả việc tiêm chủng định kỳ. Tham vấn cơ sở y tế về cách an toàn nhất để xếp lịch khám cho bạn và em bé.

Mức độ rủi ro phụ thuộc vào nơi bạn đang sinh sống. Để tìm được lựa chọn an toàn nhất cho mình, bạn cần phải nói chuyện với cán bộ y tế, người đang hỗ trợ bạn trong quá trình mang thai và sinh nở. Họ có thể đưa ra lời khuyên cho bạn về các rủi ro và phương án an toàn nhất dựa trên hoàn cảnh cá nhân của bạn và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại địa phương.

Dù chính sách của mỗi quốc gia khác nhau, bạn nên có người ở bên cạnh hỗ trợ, miễn là có thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như đeo khẩu trang khi ở trong phòng sinh và rửa tay.

Bà Franka Cadée, Chủ tịch Liên đoàn Hộ sinh quốc tế chia sẻ: “Tôi có thể hiểu rằng bạn muốn giảm số người ở bên một người phụ nữ khi cô ấy sinh con vì bạn cố gắng giảm sự tiếp xúc, và điều đó rất hợp lý, nhưng hãy đảm bảo rằng người phụ nữ có một người ở bên khi cô ấy sinh con - bạn tình, chị gái, mẹ cô ấy, [hoặc người thân nhất mà cô ấy chọn]. Và hãy để em bé ở với mẹ.”

Đại dịch COVID-19 là thời điểm khiến tất cả mọi người căng thẳng và bất an, đặc biệt là đối với phụ nữ sắp sinh. Lên sẵn kế hoạch cho việc sinh nở có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác lo lắng bằng cách mang lại cho bạn cảm giác rằng mình có kiểm soát sự việc, đồng thời giúp bạn nhận ra mình cần thay đổi một số khía cạnh tùy thuộc vào hoàn cảnh nơi bạn sống. Kế hoạch của bạn nên bao gồm người cần gọi điện khi bạn bắt đầu chuyển dạ và người sẽ hỗ trợ bạn. Tìm hiểu xem có bất kỳ hạn chế nào tại bệnh viện đối với người hỗ trợ hoặc người nhà không.

Thực hiện một số việc đơn giản tại nhà để thư giãn như vươn vai, tập thở và gọi cho nữ hộ sinh khi bạn cảm thấy cần thiết. Giữ liên lạc với gia đình và bạn bè, ăn ngon, ngủ kĩ và tập trung chăm sóc bản thân. Đây là một khoảng thời gian khó khăn, nhưng hãy cố gắng tận hưởng việc mang thai nhiều nhất có thể.

Bạn nên thiết lập mối quan hệ tin cậy với cơ sở y tế. Bà Franka Cadée, Chủ tịch Liên đoàn Hộ sinh quốc tế chia sẻ: “Tất cả những câu hỏi liên quan đến bạn và sức khỏe của bạn, tôi sẽ hỏi họ một cách thoải mái. “Nếu bạn có mối quan hệ cởi mở với cơ sở y tế – với nữ hộ sinh, với bác sĩ sản khoa – họ sẽ thảo luận những điều này với bạn và trả lời bạn một cách cởi mở. Bạn hoàn toàn có quyền được biết những điều này vì đó là cơ thể của bạn và em bé của bạn”.

Bà Cadée khuyên bạn nên tạo một hệ thống cách thức và thời điểm giao tiếp với cơ sở y tế. Ví dụ, xây dựng một lịch trình xoay quanh các cuộc hẹn và cách liên lạc để được chăm sóc khẩn cấp. Bạn cũng nên nói chuyện trước với cơ sở y tế về việc lấy một bản sao sổ y tế của bạn, bao gồm ghi chép về chăm sóc trước khi sinh phòng khi có bất kỳ sự gián đoạn hoặc thay đổi nào về dịch vụ.

Về kế hoạch sinh con, bạn nên đặt ra nhiều câu hỏi theo nhu cầu của mình. Bà Cadée khuyên bạn nên đưa ra những câu hỏi sau:

  • Tôi có nguy cơ mắc COVID-19 trong không gian này không? Có ai bị nhiễm COVID-19 từng ở đây không?
  • Người bị nhiễm COVID-19 được tách biệt khỏi người chưa bị nhiễm như thế nào?
  • Có đủ quần áo bảo hộ cho đội ngũ y bác sĩ không?
  • Tôi có được chọn một người ở bên khi sinh không? Nếu không thì tại sao?
  • Tôi có được giữ em bé bên mình không? Nếu không thì tại sao?
  • Tôi có được cho em bé bú không? Nếu không thì tại sao?

Nếu bạn nhiễm hoặc nghi ngờ mình nhiễm COVID-19, bạn nên đi khám sớm và làm theo hướng dẫn từ cơ sở y tế.

Hãy nhớ rằng bạn và con bạn có quyền được chăm sóc chất lượng cao trong suốt thời kỳ mang thai và sau khi sinh con.

Bạn sẽ được hỗ trợ để:

  • Cho con bú một cách an toàn (xem hướng dẫn cho con bú trong đại dịch COVID-19)
  • Ôm con để da mẹ và con tiếp xúc với nhau
  • Ở cùng phòng với em bé

Tiếp xúc gần gũi và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ từ sớm sẽ giúp trẻ phát triển tốt và có lợi cho sức khỏe của người mẹ.

Khi ở gần em bé, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang y tế (nếu có), rửa tay trước và sau khi tiếp xúc, và làm sạch/khử trùng các bề mặt.

Bạn có thể cho con bú một cách an toàn. Đến nay, vẫn chưa phát hiện việc truyền nhiễm vi-rút COVID-19 sống (vi-rút có thể gây lây nhiễm) qua sữa mẹ và cho con bú, vì vậy không có lý do gì để bạn ngừng hoặc tránh cho con bú.

Nếu bạn có hoặc nghi ngờ mình có thể mang vi-rút COVID-19, bạn nên đi khám sớm và làm theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Bà mẹ đủ sức khỏe để cho con bú nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bao gồm đeo khẩu trang y tế (nếu có), rửa tay trước và sau khi tiếp xúc, và làm sạch/khử trùng các bề mặt. Nếu bạn quá ốm để cho con bú, hãy vắt sữa và cho trẻ uống bằng cốc và/hoặc thìa sạch – và đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tương tự.

Mức độ rủi ro phụ thuộc vào nơi bạn đang sinh sống. Trước tiên, bạn hãy kiểm tra các hướng dẫn có liên quan từ chính quyền địa phương. Bạn nên đề phòng hơn ở những khu vực có tỷ lệ lây truyền COVID-19 cao và mức độ tiêm chủng thấp.

Nếu nơi bạn sống có mức độ rủi ro cao, hãy cân nhắc chỉ sống với gia đình và yêu cầu khách không đến thăm ngay bây giờ.

Dù đây là khoảng thời gian khó khăn, hãy cố gắng nhìn vào những mặt tích cực khi bạn có thời gian gắn kết tình cảm gia đình thêm khăng khít. Khi không có quá nhiều khách đến thăm, bạn có thể tập trung tốt hơn vào việc dành thời gian cho đứa con mới chào đời. Bà Franka Cadée, Chủ tịch Liên đoàn Hộ sinh quốc tế, cho biết: “Đôi khi các ông bố bà mẹ trẻ có thể rất bận rộn khi có quá nhiều người đến thăm. Hãy cùng nhau tận hưởng sự yên bình của gia đình bạn trong thời gian này. Thật đặc biệt khi có thể gắn kết với con bạn một mình, tìm hiểu về sinh linh mới này và tận hưởng điều đó."

Phỏng vấn bà Franka Cadée, Chủ tịch Liên đoàn Hộ sinh Quốc tế của Mandy Rich, Biên tập viên nội dung điện tử, UNICEF.

Bài viết này được cập nhật lần cuối vào ngày 16 tháng 12 năm 2021.