Quan hệ song phương của Việt Nam

Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore từ ngày 24-26/2 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho thấy tầm quan trọng của quan hệ song phương trong chính sách đối ngoại của hai nước.

Quan hệ song phương của Việt Nam

Trên đây là nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia Viện ISEAS-Yusof Ishak, khi ông trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore về tầm quan trọng của chuyến thăm, sự phát triển của quan hệ song phương và những ưu tiên của Singapore trong quan hệ với Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, lãnh đạo Việt Nam mới đi thăm 3 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó thăm song phương Campuchia và Lào - là hai nước đối tác đặc biệt và thăm Indonesia trong chuyến tham dự hội nghị ASEAN về Myanmar. Như vậy, Singapore là quốc gia thứ 3 trong ASEAN mà lãnh đạo Việt Nam đã tiến hành thăm song phương. Điều đó chứng tỏ Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Singapore. Bản thân chuyến thăm cũng cho thấy Singapore rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, vì trong suốt thời gian qua, Singapore tiếp đón rất ít lãnh đạo nước ngoài. Trong năm 2022 này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên thăm song phương Singapore. Chuyến thăm sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore càng đi vào chiều sâu. Chuyến thăm cũng có thể tạo nền tảng để giúp thúc đẩy hợp tác song phương trong một số lĩnh vực cụ thể như du lịch, phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, hợp tác phát triển kinh tế số, đảm bảo an ninh mạng, hay hợp tác quốc phòng.

Về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Singapore, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định trong hơn 8 năm qua kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ song phương đã phát triển ngày càng sâu rộng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với thương mại, đầu tư tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Năm qua, trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore hiện cũng nằm trong top 3 những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xét về tổng số vốn đăng ký từ trước tới nay. Nguồn vốn từ Singapore có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng hay phát triển hạ tầng khu công nghiệp, với điển hình là thành công của các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore.

Trong lĩnh vực hợp tác chiến lược, Việt Nam và Singapore có nhiều điểm chung về lợi ích an ninh và nhận thức chiến lược. Quan điểm của hai nước về nhiều vấn đề an ninh khu vực và trật tự quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, có nhiều điểm tương đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác song phương trong các lĩnh vực chiến lược, an ninh quốc phòng trong tương lai. Trong thời gian tới, nhiều khả năng Singapore sẽ tiếp tục ưu tiên các lĩnh vực nêu trên trong quan hệ song phương, đặc biệt là khía cạnh đầu tư vào Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một thị trường trọng điểm của các nhà đầu tư Singapore, cũng như các nhà đầu tư quốc tế có chi nhánh, trụ sở khu vực ở đây. Ngoài ra, quan hệ chiến lược, an ninh quốc phòng vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn trong thời gian tới. Các khía cạnh như hợp tác du lịch hay giáo dục, vốn là các điểm sáng khác của quan hệ song phương thời gian trước đại dịch COVID-19, cũng sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch.

Về kết quả chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định với việc Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn cho các chuyến bay thương mại quốc tế, đồng thời Singapore cũng đang nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại để mở cửa nền kinh tế với bên ngoài, nhiều khả năng lãnh đạo hai nước sẽ có những thảo luận hướng tới việc nối lại các hoạt động đi lại bình thường nhất, thuận lợi nhất có thể. Ông hy vọng sẽ có một thỏa thuận hay tuyên bố được đưa ra trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc như cơ chế đi lại dựa trên hộ chiếu vaccine cho công dân hai nước trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp hai nước phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và giáo dục.

Ngoài ra, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng bày tỏ hy vọng hai bên có thể có thêm những thỏa thuận khác nhằm phát triển hơn nữa một cách thực chất trong quan hệ song phương như các lĩnh vực kinh tế số, an ninh mạng hay quốc phòng. Đây đều là những lĩnh vực quan trọng đối với lợi ích quốc gia của hai bên trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới.

Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, trao đổi Đại sứ đầu tiên vào tháng 7/1997, mở Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thành phố San Francisco vào tháng 11/1997.

Quan hệ chính trị: Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam thăm Hoa Kỳ: Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm (1998, 2000). Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (2001). Phó Thủ tướng Vũ Khoan (2003). Nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải vào tháng 6/2005. Ngoài ra còn nhiều đoàn cấp Bộ trưởng.Phía Hoa Kỳ cũng cử nhiều đoàn cấp cao thăm Việt Nam:

Cựu Tổng thống George H.W. Bush (1995).Ngoại trưởng Warren Christopher (1995). Cố vấn an ninh quốc gia A. Lake (1996).Ngoại trưởng Madeleine Albright (1997).Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cohen (2000). Tổng thống Bill Clinton (tháng 11/2000).Ngoại trưởng Colin Powell (2001). Bộ trưởng Quốc phòng Rumsfeld (2006). Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert (2006). Tháng 11/2006, Tổng thống Mỹ George W. Bush thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị cấp cao APEC.Các chuyến thăm này đã đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, mở ra khuôn khổ quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài. Ngoài ra, lãnh đạo cấp cao hai nước cũng đã gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương của khu vực và thế giới.

Quan hệ kinh tế - thương mại:
Các hiệp định đã ký kết: Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997). Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (ký ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001). Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 26/3/2001).Hiệp định Dệt may (có hiệu lực từ 1/5/2003). Hiệp định Hàng không (có hiệu lực từ 14/1/2004). Hiệp định khung hợp tác về kinh tế và kỹ thuật (2005). Bản Ghi nhớ hợp tác về Nông nghiệp (ký tháng 6/2005).Đáng chú ý, ngày 31/5/2006 hai nước đã ký Thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét dành quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam.

Kết quả hợp tác:

Kể từ khi Hiệp định Thương mại có hiệu lực đến nay, quan hệ buôn bán giữa hai nước tăng nhanh: kim ngạch buôn bán 2 chiều năm 2005 đạt 7,8 tỉ USD, tăng gấp hơn 5 lần năm 2001 (1,5 tỉ USD). Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính đến tháng 5/2006 đạt khoảng 2 tỷ USD (nếu tính cả qua nước thứ 3 đạt khoảng 4 tỷ USD). Hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên trong quá trình mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại đã nảy sinh một số tranh chấp do chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ như vấn đề cá basa, tôm, hàng dệt may.... Hợp tác trong lĩnh vực Khoa học - Công nghệ, Văn hóa, Giáo dục - Đào tạo, Y tế và Lao động:

Hai nước đã ký kết nhiều văn bản:

Bản Ghi nhớ (MOU) cấp Bộ như Tuyên bố chung về hợp tác y tế giữa hai Bộ Y tế (12/1997). Thỏa thuận hợp tác về thể dục thể thao (3/1999). Bản ghi nhớ về hợp tác lao động Việt Nam - Hoa Kỳ (11/2000), Bản Ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật trong lĩnh vực Khí tượng Thủy văn (1/2001),Biên bản Ghi nhớ giúp đào tạo nhân lực cho ngành Thủy sản Việt Nam (11/3/2003). Hiệp định hợp tác y tế và khoa học y học Việt Nam - Hoa Kỳ (7/2006),... Năm 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết Nguyên tắc hợp tác trong việc thực hiện Đề án Quỹ giáo dục của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam (VEF). VEF đã bắt đầu cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Hoa Kỳ đào tạo.

Ngày 23/6/2004, Tổng thống Hoa Kỳ George Bush tuyên bố đưa Việt Nam vào danh sách 15 nước hưởng viện trợ trong Kế hoạch Viện trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS. Hoa Kỳ cũng hợp tác tích cực và tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống đại dịch cúm gia cầm.

Hợp tác về các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại: Với truyền thống và chính sách nhân đạo, Việt Nam đã và đang hợp tác tốt với Hoa Kỳ trong việc giải quyết vấn đề binh lính Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Đến nay, hai nước đã tiến hành 86 đợt tìm kiếm hỗn hợp. Phía Việt Nam đã trao cho Hoa Kỳ hơn 840 bộ hài cốt. Phía Hoa Kỳ cũng đang từng bước hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh ở Việt Nam như cung cấp các thông tin liên quan tới việc tìm kiếm người Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Hai bên hợp tác tổ chức một số hội nghị về nghiên cứu hậu quả chất độc da cam.

Từ năm 2000, cơ quan viện trợ USAID đã tài trợ cho nhiều tổ chức phi chính phủ - NGO (Peace Tree, VNAH, HealthEd...) thực hiện các chương trình rà phá bom mìn, trồng cây xanh, trợ giúp nạn nhân... Trung tâm xử lý bom mìn của Bộ Quốc phòng (BOMICO) và Quỹ cựu binh Mỹ ở Việt Nam (VVAF) đã hoàn tất giai đoạn 1 của Dự án “Điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam".

Quan hệ an ninh - quân sự: Trao đổi đoàn: Hai bên đã cử Tùy viên quân sự (Hoa Kỳ cử năm 1995 và Việt Nam cử năm 1997); tiến hành trao đổi nhiều đoàn, kể cả các đoàn cấp Thứ trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ W. Cohen thăm Việt Nam tháng 3/2000. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã thăm Hoa Kỳ tháng 11/2003. Tháng 6/2006, Bộ trưởng Quốc phòng D. Rumsfeld thăm Việt Nam. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã thăm Việt Nam nhiều lần. Từ năm 2003, hàng năm tàu hải quân Hoa Kỳ thăm hữu nghị cảng Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác song phương. Hợp tác chống khủng bố:

Việt Nam đã và đang tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực cụ thể để chống khủng bố. Đồng thời, Việt Nam cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ hợp tác ngăn chặn và nghiêm trị những tổ chức và cá nhân có hành động khủng bố chống Việt Nam.