Quy định về xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

         Ngày 14 tháng 02 năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ.

Tự chủ về tài chính mang tính quyết định để đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về thực hiện nhiệm vụ và nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công (bao gồm cả nguồn ngân sách nhà nước đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá tính đủ chi phí) chính là yếu tố quan trọng trong nguồn tài chính của đơn vị.

Về lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công: (1) Đến năm 2016: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định); (2) Đến năm 2018: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định); (3) Đến năm 2020: Tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

Định mức kinh tế - kỹ thuật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt đơn giá, giá dịch vụ, dự toán kinh phí cung cấp dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý kinh tế theo quy định của pháp luật.

Trên thực tế, một số phí chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ theo luật giá; việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung Định mức kinh tế - kỹ thuật trong một số lĩnh vực gặp khó khăn do Trung ương chưa ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật dẫn đến khó khăn và chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng Định mức kinh tế - kỹ thuật cho các lĩnh vực tại địa phương.

Để các cơ quan, đơn vị thuận lợi hơn trong công tác xây dựng, thẩm định, ban hành Định mức kinh tế - kỹ thuật, trong phạm vi nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành, Tôi mong muốn trao đổi một số nội dung cần quan tâm khi xây dựng Định mức kinh tế - kỹ thuật:

1. Phân loại định mức kinh tế - kỹ thuật

a) Định mức kinh tế - kỹ thuật ngành: Là định mức kinh tế - kỹ thuật do Bộ, ngành chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật ngành áp dụng trong phạm vi toàn quốc.

b) Định mức kinh tế - kỹ thuật của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Là định mức kinh tế - kỹ thuật do các địa phương tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành đối với các ngành, nghề theo danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp, thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Định mức kinh tế - kỹ thuật do địa phương ban hành chỉ có hiệu lực áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương. Các địa phương có thể xem xét áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật ngành và định mức kinh tế - kỹ thuật của các địa phương khác đã ban hành.

c) Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở chỉ ban hành đối với các ngành, nghề thuộc chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký hoạt động hoặc khi cần cụ thể hóa định mức kinh tế - kỹ thuật ngành cho phù hợp với điều kiện và đặc thù của đơn vị sự nghiệp. Định mức kinh tế - kỹ thuật cơ sở do đơn vị sự nghiệp xây dựng và chỉ áp dụng trong phạm vi đơn vị sự nghiệp đó.

2. Thành phần cơ bản của Định mức kinh tế - kỹ thuật

Định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước là lượng tiêu hao các yếu tố chi phí về lao động, vật tư,máy móc thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm ba định mức thành phần cơ bản: định mức lao động, định mức vật tư và định mức máy móc, thiết bị. Trong đó:

a) Định mức lao động là mức tiêu hao lao động cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

- Nội dung của định mức lao động bao gồm: Lao động kỹ thuật; lao động phục vụ (lao động phổ thông)

+ Lao động kỹ thuật: là lao động được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ theo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường và các ngành nghề khác có liên quan, gồm: Kỹ sư, Kỹ thuật viên, Công nhân kỹ thuật;

+ Lao động phục vụ (lao động phổ thông): là lao động giản đơn được thuê mướn để vận chuyển thiết bị, vật tư, dẫn đường và các loại lao động tương tự.

- Thành phần định mức lao động gồm:

+ Nội dung công việc: liệt kê các thao tác cơ bản, thao tác chính để thực hiện bước công việc.

+ Phân loại khó khăn: nêu các yếu tố cơ bản gây ảnh hưởng đến việc thực hiện bước công việc (yếu tố vùng, miền, địa hình, địa vật, giao thông).

+ Định biên: xác định số lượng và cấp bậc lao động kỹ thuật cụ thể phù hợp với yêu cầu thực hiện của từng nội dung công việc.

- Định mức: thời gian lao động trực tiếp cần thiết hoàn thành một sản phẩm; đơn vị tính là công cá nhân hoặc công nhóm/đơn vị sản phẩm. Các mức lao động ngoại nghiệp, nếu công việc có lao động phục vụ (lao động phổ thông) thể hiện dưới dạng phân số, trong đó tử số là mức lao động kỹ thuật (tính theo công nhóm, công cá nhân); mẫu số là mức lao động phổ thông (tính theo công đơn).

- Công lao động bao gồm:

+ Công đơn (công cá nhân): là mức (8 giờ đối với lao động bình thường và 6 giờ đối với lao động nặng nhọc) lao động xác định cho một cá nhân có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm;

+ Công nhóm: là mức lao động xác định cho một nhóm người có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước công việc tạo ra sản phẩm.

+ Tháng công: là mức lao động xác định cho một người có cấp bậc kỹ thuật cụ thể, trực tiếp thực hiện một bước hoặc một phần công việc tạo ra sản phẩm.

- Thời gian lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

b) Định mức vật tư là mức tiêu hao từng loại nguyên, nhiên vật liệu cần thiết để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nội dung định mức sử dụng vật liệu phải xây dựng gồm:

- Xác định danh mục vật liệu cần thiết để sản xuất theo từng nội dung công việc tạo ra một đơn vị sản phẩm.

- Xác định số lượng vật liệu cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm: Đơn vị sản phẩm tính mức phải tương ứng với đơn vị sản phẩm phần định mức lao động. Trường hợp định mức vật liệu tính chung cho sản phẩm cuối cùng (cho nhiều bước công việc) thì xác định hệ số phân bổ mức cho từng bước công việc tương ứng ở phần định mức lao động.

c) Định mức máy móc, thiết bị là thời gian sử dụng cần thiết đối với từng loại máy móc, thiết bị để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Nội dung định mức sử dụng máy móc thiết bị phải xây dựng gồm:

- Xác định danh mục máy móc thiết bị, phần mềm cần thiết để sản xuất theo từng nội dung công việc tạo ra một đơn vị sản phẩm. Đối với những máy móc thiết bị có sử dụng điện hoặc sử dụng nhiên liệu cần được xác định công suất tiêu hao của từng loại máy móc thiết bị.

- Xác định số ca người lao động trực tiếp sử dụng máy móc thiết bị, phần mềm cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

- Xác định định mức tiêu hao điện năng, tiêu hao nhiên liệu trong thời gian sử dụng máy móc thiết bị để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm phù hợp với công suất tiêu hao của máy móc thiết bị.

- Thời hạn sử dụng máy móc thiết bị: theo quy định hiện hành của nhà nước.

- Đơn vị sản phẩm tính mức phải tương ứng với đơn vị sản phẩm phần định mức lao động và định mức vật liệu, dụng cụ. Trường hợp định mức máy móc thiết bị tính chung cho sản phẩm cuối cùng (cho nhiều bước công việc) thì xác định hệ số phân bổ mức cho từng bước công việc tương ứng ở phần định mức lao động.

3. Về nguyên tắc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

a) Đảm bảo tính đúng, tính đủ để hoàn thành việc thực hiện một dịch vụ sự nghiệp công đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định hiện hành.

b) Đáp ứng yêu cầu chung về kết cấu của các loại định mức kinh tế - kỹ thuật, đảm bảo tính trung bình tiên tiến, ổn định, thống nhất và tính kế thừa của định mức kinh tế - kỹ thuật trước đó. Khi có sự thay đổi về công nghệ hoặc các yếu tố khác làm cho định mức không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn thì các tổ chức, cá nhân áp dụng định mức có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xem xét điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp.

4. Về căn cứ xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

a) Tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật, yêu cầu cơ bản, năng lực thực hiện, trình độ tổ chức, hạ tầng công nghệ.

b) Quy định pháp luật hiện hành về chế độ làm việc của người lao động.

c) Điều kiện thực tế hoạt động của đơn vị sự nghiệp về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị, nguồn lực tài chính, đất đai.

d) Số liệu thống kê hàng năm và các tài liệu có liên quan.

đ) Tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, quy trình xác định định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành và quy định đã ban hành để xác định mức tiêu hao đối với từng công việc, trên cơ sở đó tính toán, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

5. Về phương pháp xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật

a) Phương pháp thống kê, tổng hợp: Căn cứ số liệu thống kê hàng năm hoặc trong các kỳ báo cáo (số liệu thống kê phải đảm bảo độ tin cậy, pháp lý trong thời gian ba năm liên tục trước thời điểm xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật) và dựa vào kinh nghiệm thực tế hoặc các thông số so sánh để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật.

b) Phương pháp so sánh: là phương pháp xây dựng mức dựa vào các định mức của công việc, sản phẩm tương đương đã thực hiện trong thực tế.

b) Phương pháp tiêu chuẩn: Căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước về thời gian lao động, chế độ nghỉ ngơi để xây dựng định mức lao động cho từng công việc.

c) Phương pháp phân tích thực nghiệm: Trên cơ sở triển khai khảo sát, thực nghiệm theo từng quy trình, nội dung công việc để phân tích, tính toán từng yếu tố cấu thành định mức (lựa chọn những công việc không xác định được qua hai phương pháp trên hoặc xác định được nhưng chưa chính xác mà cần phải kiểm nghiệm thực tế).

6. Về nội dung định mức kinh tế - kỹ thuật

a) Định mức lao động: Định mức lao động = Định mức lao động trực tiếp (thực hiện) + Định mức lao động gián tiếp (quản lý, phục vụ), trong đó: Định mức lao động trực tiếp là thời gian thực hiện xong một dịch vụ sự nghiệp công; Định mức lao động gián tiếp được quy định theo tỷ lệ phần trăm (%) của lao động trực tiếp.

b) Định mức vật tư: Xác định chủng loại vật tư; Xác định số lượng/khối lượng theo từng loại vật tư: Căn cứ vào chủng loại thiết bị, thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư); Xác định tỷ lệ (%) thu hồi vật tư: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất của vật tư để tính tỷ lệ (%) thu hồi; Xác định yêu cầu kỹ thuật cơ bản của vật tư: Mô tả thông số kỹ thuật của từng loại vật tư phù hợp đểthực hiện một dịch vụ sự nghiệp công.

c) Định mức máy móc, thiết bị: Xác định chủng loại máy móc, thiết bị; Xác định thông số kỹ thuật cơ bản của máy móc, thiết bị và xác định thời gian sử dụng từng chủng loại máy móc, thiết bị: Bao gồm thời gian máy chạy có tải (tiêu hao vật tư) và máy chạy không tải (không tiêu hao vật tư) và tổng hợp định mức máy móc, thiết bị.

7. Quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

a) Đơn vị được giao chủ trì có trách nhiệm tổ chức xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật cho từng dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực.

b) Đơn vị được giao xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (có thể thành lập Tổ soạn thảo) chủ trì triển khai đảm bảo thực hiện các bước sau:

- Xây dựng đề cương tổng hợp và đề cương chi tiết;

- Tổ chức các cuộc họp, thảo luận xây dựng đề cương, xây dựng kế hoạch thực hiện;

- Khảo sát, đánh giá về định mức kinh tế - kỹ thuật: Tổ chức khảo sát tại các đơn vị sự nghiệp; đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

- Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; Xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, quy trình cung cấp dịch vụ cho từng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, nhóm ngành được giao và thuộc phạm vi quản lý nhà nước của đơn vị; Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công;

- Lấy ý kiến cho dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật: Tổ chức hội thảo để hoàn thiện định mức kinh tế - kỹ thuật; Lấy ý kiến chuyên gia độc lập về định mức kinh tế - kỹ thuật (nếu thấy cần thiết).

- Hoàn thiện dự thảo trình Hội đồng thẩm định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

* Hội đồng thẩm định

Căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan chủ quản (đơn vị được giao chủ trì) quyết định thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định về quy trình ban hành định mức, quy định các tiêu chí, tiêu chuẩn, chất lượng định mức được xây dựng.

- Các thành viên Hội đồng thẩm định nghiên cứu dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật và các tài liệu liên quan để chuẩn bị ý kiến nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) đối với dự thảo Quyết định và báo cáo Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

- Họp thẩm định

+ Tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật;

+ Tổ soạn thảo giải đáp các câu hỏi của Hội đồng thẩm định;

+ Các thành viên Hội đồng thẩm định thảo luận, đánh giá công khai về dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật;

+ Các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá chất lượng của dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật bằng phương pháp bỏ phiếu kín theo các mức sau:

Mức 1: Đạt yêu cầu đề nghị ban hành;

Mức 2: Đạt yêu cầu nhưng phải chỉnh sửa trước khi đề nghị ban hành;

Mức 3: Không đạt yêu cầu phải xây dựng lại.

- Chủ tịch Hội đồng thẩm định tổng hợp các ý kiến đánh giá của các thành viên Hội đồng và kết luận về chất lượng của dự thảo Quyết định trên cơ sở đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng thẩm định tham gia cuộc họp (theo một trong ba mức quy định trên). Nếu dự thảo Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật phải chỉnh sửa thì Chủ tịch Hội đồng sẽ yêu cầu chi tiết việc chỉnh sửa. Trường hợp dự thảo Quyết định không đạt yêu cầu phải xây dựng lại thì Chủ tịch Hội đồng sẽ quyết định phương án tổ chức thẩm định lại để Tổ soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định;

- Hội đồng thẩm định tổng hợp, báo cáo kết quả thẩm định để cơ quan quản lý (đơn vị được giao chủ trì) trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định về định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước áp dụng trong từng lĩnh vực sự nghiệp.

- Thông tư số 14/2017/TT-BLĐTBXH ngày 25 tháng 05 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư Quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;

- Thông tư số 47/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nướcáp dụng trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

- Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Trần Văn Vũ