So sánh áp giải và dẫn giải

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật MinhKhuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

2. Luật sư tư vấn:

Căn cứ điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, có thể hiểu áp giải và dẫn giải như sau:

Dẫn giải:

Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Ví dụ: Cơ quan công an tiến hành dẫn giải ông A là người làm chứng đến làm chứng cho một vụ án tại tòa

Áp giải:

>> Xem thêm: Bộ luật Hồng Đức là gì ? Tìm hiểu về bộ luật Hồng Đức ?

Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội

Ví dụ: Cơ quan công an áp giải đối tượng B đến trụ sở để làm việc

Những người có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải bao gồm:Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử

Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này, người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải, không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗtrợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài điện thoạigọi số:1900.6162để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự - Công ty luật Minh Khuê

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì biện pháp áp giải và dẫn giải chưa được quy định thành một mục riêng như trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhưng nó đã được quy định cụ thể trong các điều 49, 50, 55 thuộc chương IV (Người tham gia tố tụng), điều 130 thuộc Chương X (Khởi tố bị can và hỏi cung bị can), điều 134 thuộc Chương XI (Lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Đối chất và nhận dạng). Theo đó áp giải và dẫn giải đã được coi là một biện pháp cưỡng chế trong hoạt động tố tụng hình sự, được áp dụng trong các trường hợp bị can, bị cáo, người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án mà không có lý do chính đáng và việc không có mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng cũng đã có những điểm chưa phù hợp gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng. Để khắc phục những hạn chế đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định riêng một mục về biện pháp cưỡng chế (nằm trong Chương VII - Biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế). Trong đó, đã dành ra 2 điều (điều 126, 127) quy định cụ thể áp giải và dẫn giải là một trong 4 biện pháp cưỡng chế và trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng để bảo đảm cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tuân thủ đúng pháp luật. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì án giải và dẫn giải được áp dụng trong các trường hợp sau: - Áp giải có thể áp dụng đối với: + Bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng; + Người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp; + Người bị buộc tội. - Dẫn giải có thể áp dụng đối với: + Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; + Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; + Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì  lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

Như vậy, so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng hơn về đối tượng bị áp dụng biện pháp cương chế áp giải, dẫn giải. Cụ thể là: biện pháp áp giải không chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong trường hợp đã được triệu tập nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng mà còn được áp dụng đối với người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội (điều 60, 61, khoản 1 điều 126 BLTTHS năm 2015); biện pháp dẫn giải không chỉ được áp dụng đối với người làm chứng mà còn có thể được áp dụng đối với người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (trong các trường hợp cụ thể theo khoản 2 điều 127 BLTTHS năm 2015). Đặc biệt việc quy định có thể dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan là một điểm mới, tiến bộ, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục được khó khăn trong  thực tiễn giải quyết các vụ án Cố ý gây thương tích, Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà người bị hại từ chối giám định sức khỏe nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không cưỡng chế được, làm cho việc xử lý vụ án bị kéo dài hoặc đi vào bế tắc.

Về thẩm quyền quyết định biện pháp áp giải, dẫn giải cũng được mở rộng hơn: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định cơ quan ra quyết định triệu tập bị can, bị cáo, người làm chứng có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải thì điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm không chỉ có cơ quan mà “người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải…” và khoản 3 điều 127 cũng đã quy định cụ thể người có thẩm quyền quyết định áp giải, dẫn giải là “Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử”. Việc mở rộng thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải đã giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thể áp dụng linh hoạt hơn, giúp cho quá trình giải quyết các vụ án hình sự được thuận lợi và nhanh chóng. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải đó là Cơ quan Công an nhân dân và Quân đội nhân dân có thẩm quyền. Đồng thời khoản 6 điều 127 cũng đã quy định rõ hơn về thời điểm “Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế”.

Như vậy với việc mở rộng phạm vi và thẩm quyền về áp giải, dẫn giải trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 sẽ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Tuy nhiên trên thực tế việc áp giải, dẫn giải là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và rất dễ bị phản ứng, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần phải xem xét rất thận trọng, chỉ nên áp dụng khi thật cần thiết để làm rõ các nội dung quan trọng của vụ án. 

 Từ khóa: hoạt động, pháp luật, tố tụng, áp dụng, khó khăn, quyết định, quy định, xét xử, trình tự, sửa đổi, bổ sung, thực tiễn, truy tố, tuy nhiên, biện pháp, thẩm quyền, bảo đảm, phạm vi, áp giải, khái niệm, nhất định