Sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế

Mục lục bài viết

  • 1. Các học thuyết về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia
  • 1.1.Thuyết nhất nguyên luận
  • 1.2. Thuyết nhị nguyên luận
  • 2. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam
  • 3. Điều ước quốc tế có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam?

Kính chào công ty luật Minh Khuê. Tôi tên là Ngọc Minh, hiện đang sinh sống và làm việc tại Thái Nguyên. Nhằm phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu pháp luật quốc tế trong công việc của mình, tôi có thắc mắc cần được luật sư giải đáp, cụ thể là: Pháp luật Việt Nam quy định về hiệu lực pháp lý và vị trí của Điều ước quốc tế trong quan hệ với hệ thống pháp luật Việt Nam như thế nào? Rất mong nhận được giải đáp của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Ngọc Minh - Thái Nguyên

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900 6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

- Luật Điều ước quốc tế năm 2016

1. Các học thuyết về mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia

Điều ước quốc tế là một trong các nguồn chính của luật pháp quốc tế bên cạnh tập quán quốc tế và các nguyên tắc pháp luật chung. Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản giữa các chủ thể của luật pháp quốc tế (mà chủ yếu là các quốc gia) được luật pháp quốc tế điều chỉnh bất kể tên gọi, hình thức của văn bản đó. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia thường được xem xét theo hai học thuyết về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật quốc gia: thuyết nhất nguyên luận và thuyết nhị nguyên luận.

1.1.Thuyết nhất nguyên luận

Theo thuyết nhất nguyên luận, điều ước quốc tếvà pháp luật quốc gia là hai bộ phận của cùng một hệ thống pháp lý, do đó các quy định của luật pháp quốc tế sẽ được áp dụng trực tiếp vào bên trong các quốc gia. Nói cách khác, điều ước quốc tế trở thành một nguồn chính thức của pháp luật quốc gia, có thể được viện dẫn, áp dụng trực tiếp bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hay trước các toà án quốc gia. Các quốc gia không cần thiết phải ghi nhận lại các quy định của điều ước quốc tếvào trong pháp luật quốc gia, mà chỉ cần có quy định mang tính nguyên tắc chung để công nhận hiệu lực của điều ước quốc tế.

Một số quốc gia áp dụng thuyết nhất nguyên luận có thể kể đến như Nga, Thuỵ Sỹ, Mỹ và Mexico. Hiến pháp Mỹ quy định các điều ước quốc tế mà Mỹ là thành viên là luật liên bang tối cao, bên cạnh các đạo luật khác của nước này. Mexico đối xử với các điều ước quốc tế được Thượng viện thông qua như luật liên bang. Thụy Sỹ cho phép các điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý trong nước ngay khi điều ước quốc tế có hiệu lực. Tương tự, Nga quy định rằng tất cả các điều ước quốc tế mà Nga là thành viên là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật nước này.

Về hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế, có hai quan điểm chính. Từ quan điểm thứ nhất, có thể có ý kiến cho rằng thuyết nhất nguyên luận xem luật pháp quốc tế có hiệu lực pháp lý cao hơn so với pháp luật quốc gia. Thông qua một số quy định liên quan, họ cho rằng Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969 pháp luật quốc gia có hiệu lực thấp hơn so với điều ước quốc tế, trừ quy định mang tính hiến định. Điều 27 quy định các quốc gia không thể viện dẫn quy định của pháp luật của nước mình để biện minh cho việc không thực hiện điều ước quốc tế. Ngoại lệ duy nhất cho quy định này được trù định ở Điều 46, theo đó một quốc gia có thể tuyên bố một điều ước quốc tế vô hiệu nếu như việc thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc đối với điều ước quốc tế đó vi phạm một cách rõ ràng các quy định có tính chất quan trọng, nền tảng của pháp luật quốc gia (như quy định của hiến pháp). Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn gây tranh cãi.

Quan điểm thứ hai cho rằng luật pháp quốc tế có hiệu lực thấp hơn so với quy định pháp luật quốc gia. Các học giả có thể lập luận rằng Điều 27 và 46 không có nghĩa là Công ước Viện thừa nhận hiệu lực pháp lý cao hơn của pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia. Như vậy, có thể thấy về mặt lý luận, các học giả cùng trường phái nhất nguyên luận cũng không có sự thống nhất với nhau.

1.2. Thuyết nhị nguyên luận

Khác với thuyết nhất nguyên luận, thuyết nhị nguyên luận cho rằng luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống pháp lý riêng biệt. Sự tách biệt này là do cách thức hình thành, đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của luật pháp quốc tế khác biệt hẳn so với pháp luật quốc gia. Do đây là hai hệ thống pháp lý riêng biệt nên sẽ không thể so sánh hiệu lực pháp lý của luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia. Từ góc độ luật quốc tế thì pháp luật quốc gia có vị trí thấp hơn, ngược lại luật pháp quốc gia có thể công nhận hoặc không công nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế.

Mỗi hệ thống có đối tượng điều chỉnh riêng của mình. Luật quốc tế điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế, trong khi pháp luật quốc gia điều chỉnh quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Theo thuyết nhị nguyên luận, Điều 26 và 27 của Công ước Viên chỉ đặt ra nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế, nhưng không áp đặt cách thức thực hiện. Luật pháp quốc tế nói chung chỉ quan tâm đến kết quả thực hiện các cam kết và xem các biện pháp cụ thể được áp dụng là vấn đề nội bộ của từng quốc gia. Các quốc gia có thể tự do lựa chọn việc cho phép điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia và được áp dụng trực tiếp hoặc không công nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế và thực hiện điều ước quốc tế thông qua nội luật hoá các quy định này vào trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Ở các nước áp dụng thuyết nhị nguyên luận, các cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ phải tuân thủ quy định của pháp luật quốc gia được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hay công nhận, kể cả khi quy định đó trái với các điều ước quốc tế mà nước này là thành viên. Hệ quả là một quốc gia có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm điều ước quốc tế trong khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi lại không chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào do hành vi đó vẫn phù hợp với quy định của pháp luật quốc gia. Một thủ tục rất quan trọng để có thể bảo đảm các điều ước quốc tế được thực thi là thủ tục nội luật hóa, được đa số các quốc gia áp dụng thuyết nhị nguyên luận thực hiện. Thủ tục nội luật hóa sẽ chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia, với cách thức phổ biến nhất là bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để thực hiện điều ước quốc tế. Hay nói cách khác là việc đưa chính xác nội dung các quy phạm điều ước quốc tế vào nội dung của quy phạm pháp luật trong nước thông qua việc xây dựng, ban hành (sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới) VBQPPL trong nước.

Anh, Canada, Ấn Độ và Israel là một số nước áp dụng thuyết nhị nguyên luận. Đối với những nước này, điều ước quốc tế không tự động có hiệu lực pháp lý trong hệ thống pháp luật quốc gia mà cần được nội luật hoá thông qua việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan lập pháp.

Trên đây là một số điểm cốt lõi trong hai học thuyết pháp lý và đôi khi không thực sự phản ánh thực tế hay đưa ra một giải pháp thực tế và hiệu quả. Các quốc gia có thể lựa chọn áp dụng thuyết nhất nguyên luận hoặc thuyết nhị nguyên luận hoặc kết hợp áp dụng cả hai học thuyết trên trong chừng mực quốc gia đó thấy hợp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà mình là thành viên. Tuỳ theo sự lựa chọn của quốc gia mà hiệu lực pháp lý và vị trí của điều ước quốc tế trong quan hệ với pháp luật quốc gia sẽ khác nhau, theo đó hệ quả pháp lý cũng sẽ khác nhau.

2. Mối quan hệ giữa điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam

Các quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 và nhu cầu thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tếnăm 2005. Luật Điều ước quốc tế đã được thông quan và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 thay thế Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005. Theo đó, vấn đề hiệu lực pháp lý và vị trí của điều ước quốc tế trong quan hệ với hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản vẫn giữ nguyên về ý nghĩa, chỉ có sự thay đổi về câu chữ và sắp xếp điều khoản.

Điều 6 của Luật điều ước quốc tế năm 2016 là quy định chính yếu xác định mối quan hệ giữa điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật Việt Nam. Điều này quy định như sau:

"Điều 6. Điều ước quốc tế và quy định của pháp luật trong nước

1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

2. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó."

Như vậy, về hiệu lực pháp lý, Điều 6 trên không có quy định công nhận trực tiếp và rõ ràng hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có thể có hai quan điểm giải thích Điều 6 này.

Thứ nhất, có thể lập luận rằng với việc ưu tiên áp dụng (ở Khoản 1) và cho phép áp dụng trực tiếp (khoản 2) cho thấy điều ước quốc tế phải có hiệu lực pháp lý và hiệu lực này phải cao hơn VBQPPL Việt Nam. Nếu có sự khác biệt trong quy định của điều ước quốc tế và VBQPPL Việt Nam thì quy định của điều ước quốc tế sẽ được ưu tiên áp dụng. Các luật chuyên ngành khác của Việt Nam cũng có quy định tương tự. Hơn nữa, các VBQPPL mới ban hành không được làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế. Luật ban hành VBQPPL năm 2008 cũng đặt ra nhiều quy định để bảo đảm tính tương thích giữa VBQPPL Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ví dụ như quy định cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo VBQPPL phải nghiên cứu ĐƯQT có liên quan đến dự án, dự thảo, lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao về tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan, hay quy định về trách nhiệm thẩm định tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan của Bộ Tư pháp đối với dự thảo VBQPPL. Như vậy, có thể thấy, về nguyên tắc, hệ thống VBQPPL Việt Nam cần phải được xây dựng và vận hành tương thích (hoặc ít nhất không trái) với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định như thế cũng phù hợp với nguyên tắc pacta sunt servanda trong luật quốc tế, theo đó các quốc gia có nghĩa vụ thực hiện điều ước quốc tế mà mình là thành viên một cách tự nguyện và thiện chí.

Tuy nhiên, Điều 6 này có một ngoại lệ được quy định tại Khoản 1, Điều 3 đó là: quy định "việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế phải không trái với các quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Như vậy, về hiệu lực pháp lý và vị trí, điều ước quốc tế có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp nhưng cao hơn các VBQPPL khác. Điều 156 của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016) đã hợp nhất quy định ở Điều 6 và Điều 3 nêu trên.

Quan điểm thứ hai có thể cho rằng quy định ưu tiên áp dụng và cho phép áp dụng trực tiếp không đồng nghĩa với hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế cao hơn quy định của pháp luật Việt Nam. Về mặt câu chữ, Điều 6 không có bất kỳ nội dung nào ghi nhận hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó chỉ có thể kết luật rằng điều ước quốc tế được “ưu tiên áp dụng”, không thể suy diễn xa hơn đến mức cho rằng điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý cao hơn pháp luật trong nước như quan điểm nêu trên. Hơn nữa, việc ưu tiên áp dụng này chỉ giới hạn trong một số trường hợp hẹp – khi có sự khác nhau giữa quy định của điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Quan điểm thứ hai bám sát với với câu chữ quy định của Điều 6, mang tính thực tiễn và mang tính cẩn trọng hơn so với quan điểm nêu trên. Tuy nhiên quan điểm thứ nhất cũng có điểm hợp lý và logic – đây có thể còn cần nhiều thảo luận và trao đổi để có thể đi đến thống nhất.

Về việc áp dụng điều ước quốc tế, Điều 6 quy định điều ước quốc tế có thể được áp dụng theo hai cách thức, gián tiếp và trực tiếp. Theo đó, cách thức áp dụng phổ biến nhất là nội luật hoá quy định của điều ước quốc tế vào hệ thống pháp luật Việt Nam, thông qua việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới VBQPPL thực hiện điều ước quốc tế. Việc áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế chỉ giới hạn trong hai trường hợp. Trường hợp đầu tiên là khi có sự khác nhau của quy định ĐƯQT và VBQPPL về cùng một vấn đề thì sẽ áp dụng điều ước quốc tế (Khoản 1, Điều 6). Nói cách khác trong trường hợp không có sự khác nhau thì điều ước quốc tếkhông được áp dụng trực tiếp. Trường hợp thứ hai, được quy định ở Khoản 2, là khi có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Để điều ước quốc tế có thể được áp dụng trực tiếp trong trường hợp này, ba điều kiện sau phải được thoả mãn:

(1) thời điểm ra quyết định áp dụng trực tiếp là khi thể hiện sự đồng ý chịu ràng buộc,

(2) quy định của ĐƯQT phải đủ rõ và chi tiết để thực hiện,

(3) có quyết định cho áp dụng trực tiếp của Quốc hội, Chủ tịch nước hay Chính phủ.

Điểm khác biệt lớn nhất của hai trường hợp kể trên là yêu cầu phải có quyết định cho phép áp dụng trực tiếp ở Khoản 2, trong khi ở Khoản 1 không cần thiết phải có quyết định như thế, điều ước quốc tếđược tự động áp dụng trực tiếp khi có xung đột với pháp luật quốc gia. Nói cách khác, trường hợp thứ hai còn cần một thủ tục là quyết định cho phép áp dụng trực tiếp. Quy định này tương tự như trong nội luật của Pháp, Nhật Bản, Chilê, Thái Lan và Nam Phi. Pháp quy định điều ước quốc tế chỉ có thể áp dụng trực tiếp như luật quốc gia nếu được công bố bằng một Sắc lệnh Tổng thống (vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là người đứng đầu nhánh hành pháp). Thái Lan và Nam Phi quy định một thủ tục phụ tương tự như thế nhưng do cơ quan lập pháp tiến hành.

3. Điều ước quốc tế có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam?

Những phân tích ở trên dẫn đến một câu hỏi lớn hơn là liệu điều ước quốc tế có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam hay không? Ở đây nguồn của pháp luật được hiểu là nơi chứa đựng các quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý. Có thể có ý kiến cho rằng với việc ngầm công nhận hiệu lực pháp lý của điều ước quốc tế và khả năng cho phép áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế thì có vẻ như điều ước quốc tế là một nguồn của pháp luật Việt Nam, mặc dù là một nguồn hạn chế. Ít nhất trong một số trường hợp, quy định điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên bắt buộc phải được áp dụng hay viện dẫn trước các toà án của Việt Nam (trường hợp được trù định ở Khoản 1 và 2 của Điều 6 nói trên). Khó có thể nhận định ngược lại rằng điều ước quốc tế không phải là nguồn của pháp luật Việt Nam, bởi lẽ như vậy thì quy định điều ước quốc tế sẽ không có giá trị pháp lý bắt buộc các cơ quan, tổ chức phải áp dụng trong mọi trường hợp và sẽ không thể được viện dẫn ra trước các tòa án Việt Nam.

Cũng có thể có ý kiến khác cho rằng điều ước quốc tế không phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam bởi lẽ hiệu lực pháp lý cũng như việc áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế được xác lập trên cơ sở Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005 và các quy định tương tự trong các luật chuyên ngành. Theo đó, điều ước quốc tế sẽ không thể nào có vị trí như thế nếu các luật này không trao cho nó. Như vậy hiệu lực pháp lý và vị trí của điều ước quốc tế cũng tương tự như tập quán. Hiện nay các quy định tập quán chỉ có thể có hiệu lực và được áp dụng khi có quy định cho phép trong các VBQPPL hay nói cách khác việc công nhận và áp dụng tập quán pháp ở Việt Nam chỉ thông qua con đường ban hành VBQPPL. Nói tóm lại, xét ở một góc độ nhất định, hiệu lực và vị trí của điều ước quốc tế và tập quán pháp trong hệ thống pháp luật Việt Nam có điểm tương tự nhau và do đó nên được đối xử giống nhau. Hy vọng lần sửa đổi này các nhà làm luật và ban soạn thảo có thể có câu trả lời rõ ràng hơn, giống như đã làm với án lệ.

Câu hỏi điều ước quốc tế có phải là một nguồn của pháp luật Việt Nam hay không còn để ngỏ. Có luật gia từng cho rằng xem xét vấn đề này là không cần thiết, từ góc độ thực tiễn Việt Nam chỉ cần chú trọng bảo đảm thực hiện đúng các điều ước quốc tế. Trên thực tế, về quy định, điều ước quốc tế có hiệu lực pháp lý và được phép áp dụng bất kể câu trả lời cho câu hỏi lý thuyết trên.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật Minh Khuê - Sưu tầm & biên tập