Tại sao ăn nhiều chất béo lại tăng huyết áp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Người bị cao huyết áp có chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường, là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh lý tim mạch. Trong điều trị và phòng ngừa biến chứng của cao huyết áp, việc điều tiết chế độ ăn đóng vai trò rất quan trọng. Người bệnh cần xây dựng một chế độ ăn khoa học, chú ý giảm muối, hạn chế thực phẩm giàu cholesterol và chất béo bão hòa (acid béo no).

1. Xây dựng chế độ ăn cho người cao huyết áp như thế nào?

Nguyên tắc chung để xây dựng chế độ ăn cho người bị cao huyết áp như sau:

Hạn chế lượng muối ăn vào < 5g/ngày.

Giảm cân, giảm năng lượng nếu có béo phì, thực đơn có năng lượng <35 kcal/kg/ngày.

Người thừa cân, béo phì có thể tính năng lượng theo mức chỉ số khối cơ thể (BMI):

  • BMI từ 25 - 29,9 năng lượng ăn vào là 1.500 kcal/ngày
  • BMI từ 30-34,9 năng lượng đưa vào là 1.200 kcal/ngày
  • BMI từ 35 - 39,9 năng lượng ăn vào là 1.000 kcal/ngày
  • BMI  40 thì năng lượng đưa vào là 800 kcal/ngày.

Những người bị cao huyết áp kèm theo béo phì hoặc rối loạn dung nạp đường (tiền đái tháo đường) đều cần giảm lượng calo nạp vào cơ thể bằng cách không nên ăn các loại thực phẩm chứa quá nhiều năng lượng.

Thực phẩm dễ gây béo phì, thừa mỡ trong cơ thể sẽ khiến lượng cholesterol máu tăng cao, tích tụ trong thành mạch gây nên xơ vữa động mạch. Thể trọng tăng lên cũng khiến huyết áp tăng, thể trọng càng tăng nhiều thì huyết áp càng cao. Vì vậy cần tiết chế ăn uống, duy trì thể trọng không nên để thừa cân.

2. Người cao huyết áp cần chú ý giảm muối

Với các món ăn mặn chứa nhiều muối, đây là vấn đề cần mà người cao huyết áp đặc biệt chú ý quan tâm, làm sao hạn chế tối thiểu lượng muối tiêu thụ.

Muối ăn đã được nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của nó trong cao huyết áp. Các nghiên cứu cho thấy rằng, ở những quốc gia với chế độ ăn nhiều muối có tỷ lệ dân số bị cao huyết áp nhiều hơn ở những quốc gia với chế độ ăn ít muối hơn. Các nhà khoa học cho rằng, khi thừa muối thì lượng dịch trong máu tăng lên gây cao huyết áp; và lượng muối ứ đọng nhiều trong thành mạch làm thành mạch cứng hơn, là một yếu tố thuận lợi cho cao huyết áp.

Tại sao ăn nhiều chất béo lại tăng huyết áp
Người cao huyết áp cần giảm lượng muối hấp thụ

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra khuyến cáo, hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể giúp kiểm soát huyết áp ở người cao huyết áp như sau:

Ở người trưởng thành, mỗi ngày chỉ dùng dưới 2,3 gam muối (một muỗng cà phê muối ăn) sẽ giúp giảm huyết áp 2-8 mmHg.

Hạn chế muối ăn đặc biệt cần thiết đối với người bị cao huyết áp có suy tim hoặc người già.

Để tránh việc sử dụng đồ ăn có nhiều muối, người cao huyết áp cần chú ý kiểm tra lượng muối ghi trên bao bì thực phẩm đối với thực phẩm mua sẵn, hạn chế ăn các món có dùng nhiều muối như dưa hành, món kho, nấu ăn ít muối dùng gia vị thay thế vị mặn của muối.

Người bị cao huyết áp khi áp dụng được chế độ ăn ít muối thì sẽ có khoảng 20-60% số người giảm được huyết áp rõ rệt.

3. Thực phẩm nên và không nên với người cao huyết áp

Người bệnh cao huyết áp cần hạn chế thực phẩm có nhiều cholesterol và axit béo no, hạn chế đồ ăn nhanh, chứa nhiều muối như: mì tôm, bánh mặn, gà rán và khoai tây chiên...

Thực phẩm chế biến sẵn như thịt muối, cá muối, giò, chả, pate, dưa muối, cà muối, phủ tạng động vật, mỡ động vật, bơ, trứng cũng không tốt cho bệnh nhân cao huyết áp.

Tại sao ăn nhiều chất béo lại tăng huyết áp
Chất béo từ da và thịt gia cầm không tốt với người cao huyết áp

Chất béo từ thịt và da các loại gia cầm là yếu tố góp phần quan trọng vào việc gây xơ vữa động mạch dẫn đến cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ. Thay vì đó, người bệnh nên dùng các món ăn chế biến từ cá, hải sản để có thêm các acid béo không no, omega, khoáng chất có lợi.

Thực nghiệm đã cho thấy đường cũng là nguyên nhân gây cao huyết áp. Do vậy, không chỉ người bị đái tháo đường mà người bị cao huyết áp cũng cần hạn chế tối thiểu lượng đường nạp vào cơ thể, hạn chế các chế phẩm từ đường như bánh, mứt, kẹo....

Ngoài ra, bệnh nhân cao huyết áp cũng cần hạn chế các thức uống kích thích: rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc... sử dụng các thức ăn, nước uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như: hạt sen, ngó sen...

Người cao huyết áp nên tăng lượng muối kali trong thức ăn song song với việc uống thuốc hạ huyết áp nhưng không nên uống trực tiếp thuốc bổ sung kali. Rau củ quả tươi chứa nhiều kali như quýt, chuối, khoai tây, rau bí, quả bơ, nước ép cà chua, nước ép cam, dưa gang, quả chà là, quả mơ khô, sữa chua... rất tốt cho thành mạch. Nếu người bệnh cao huyết áp kèm theo suy thận, phù thũng, ít nước tiểu thì không nên ăn quá nhiều đồ ăn chứa kali để tránh thừa kali.

Ngoài ra, thiếu canxi cũng có ảnh hưởng đến cao huyết áp. Mỗi ngày uống khoảng 250ml sữa bò hoặc sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt. Các loại rau như rau cải, cần tây, nấm, mộc nhĩ, tảo... cũng chứa lượng canxi lớn. Người cao huyết áp nên ăn đồ biển chứa nhiều iod như rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển... để tránh bị xơ cứng động mạch.

Các món rau xanh, rau củ và quả chín cung cấp nhiều chất xơ, kali, magie, vitamin C, A, E, đây là những chất dinh dưỡng tốt tới huyết áp. Một bữa ăn nhiều chất xơ đã cho thấy có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nhiều dạng bệnh tim mạch trong đó có cao huyết áp.

Các chất xơ ngoài lợi ích chống cao huyết áp, chúng còn giúp giảm cân, giúp thải độc chất có hại trong cơ thể ra ngoài. Nên sử dụng đủ rau, quả với lượng trung bình là 400 g/người/ngày, với người cao huyết áp nên ăn 500g mỗi ngày cùng với 100-300g quả chín mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng, nhất là lượng muối, lượng đường và chất béo có hại nạp vào cơ thể có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tình trạng cao huyết áp. Do đó, bệnh nhân và gia đình nên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát tốt huyết áp để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.

Ngoài chế độ ăn, người bị Tăng huyết áp cũng cần:

  • Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh, thư giãn nghỉ ngơi hợp lí
  • Tập thể dục thường xuyên: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
  • Ngừng hút thuốc lá và tránh nhiễm độc khói thuốc.

Thạc sĩ - Bác sĩ Cao Thanh Tâm đã có nhiều năm kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch; Thực hiện siêu âm tim qua thành ngực trong lĩnh vực nội khoa và can thiệp Tim mạch; Thực hiện các Thăm dò chức năng không xâm lấn khác trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch. Hiện tại đang là bác sĩ Nội tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park từ tháng 11/2015.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!