Tại sao con người luôn sợ chết

Nỗi sợ thường trực và sâu kín nhất của con người chính là sợ chết. Cái chết cho đến bây giờ vẫn luôn là bí ẩn của nhân loại. Mà con người ta thường sợ hãi trước những điều không thể lí giải. 

Các nhà làm phim đã tận dụng tối đa nỗi sợ thuộc về tiềm thức này của con người để sản xuất ra những bộ phim kinh dị, trinh thám,... Sợ ma, sợ những cảnh tượng giết chóc, sợ những kẻ sát nhân cuối cùng tựu chung lại vẫn là sợ hãi trước cái chết. Con người ta luôn tò mò nhưng lại không dám khám phá những điều bí ẩn mà một trong số đó chính là cái chết. Bởi thế, những bom tấn kinh dị luôn thu về hàng triệu đô la vì cho phép người xem được thỏa mãn trí tò mò mà không phải trải nghiệm thật sự những nỗi đau và sự chết chóc.

Truyền thông luôn có nhiệm vụ đưa tin về số lượng ca tử vong do tai nạn giao thông hay bệnh dịch không phải chỉ là một hình thức thông cáo mà còn là cách tuyên truyền, giáo dục, cảnh tỉnh ngầm. Cách thức này “đánh” thẳng vào nỗi sợ hãi lớn nhất của con người - sợ chết. Vì sợ chết, chúng ta bắt buộc phải tham gia giao thông nghiêm túc, cẩn thận hơn, phải có những biện pháp phòng bệnh hiệu quả hơn. 

Mức án cao nhất đối với phạm nhân là tử hình. Các nhà lập pháp phải chăng cũng đang lấy nỗi sợ hãi lớn nhất của con người ra để răn đe, cảnh cáo. Cơ quan công quyền đã ra mức giá đắt nhất cho những hành vi phi pháp, bất lương. Để cái chết treo lơ lửng trên đầu tội phạm cũng chính là hình thức kêu gọi những kẻ lầm lỡ quay đầu trước khi quá muộn. Tuy nhiên, tại một số các nước như …., lệnh tử hình đã hoàn toàn được gỡ bỏ. Quyết định này cũng kéo theo việc chỉ số hạnh phúc của các quốc gia này tăng lên đáng kể. Điều này đã một lần nữa chứng tỏ được nỗi sợ hãi lớn đến thế nào trước cái chết của con người.

Các tôn giáo, đức tin cũng đã xây dựng rất nhiều những giả thiết về cái chết. Phật giáo có những ý niệm riêng về cõi Âm Ti - nơi con người sẽ bị trừng phạt bởi những sai lầm bản thân mắc phải nơi phàm trần. Đạo Kitô lại quan niệm cái chết giống như sự rạn vỡ, sự bất toàn, là hậu quả của tội lỗi. Thánh Phaolô trong thư Rôma đã minh chứng cái chết như là sự trừng phạt: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội”. Chung quy lại, những giả thiết này hoặc là cơ sở hoặc là đã và đang gia cố thêm cho nỗi sợ hãi lớn nhất của nhân loại. Để giáo dục, khuyên răn con người, các đức tin đã mượn đến cái chết như một hình phạt nặng nề nhất đối với những sai lầm, tội lỗi.

Vậy phải lí giải như thế nào về hiện tượng tự sát hàng loạt tại Nhật Bản? Nếu đã từng có trải nghiệm ghé thăm xứ sở hoa anh đào, chắc hẳn bạn sẽ biết thỉnh thoảng các chuyến tàu điện ngầm tại Nhật sẽ bị thông báo chậm lại mấy chục phút. Lí do cho sự chậm trễ này không phải sự cố kĩ thuật mà là bởi có người nhảy xuống đường tàu tự sát. Tỉ lệ tự tử ở Nhật có thời gian đạt đến ngưỡng kỉ lục, đáng báo động. Chẳng lẽ người Nhật không sợ chết? Tôi cho rằng không phải họ không sợ hãi trước cái chết mà vì họ có một ý niệm khác về sự chết chóc. Trong tác phẩm kinh điển “Rừng Na Uy”, tác giả Haruki Murakami đã viết: “Cái chết có thực, nó không đối nghịch mà là một phần của cuộc sống”. Đối với những người Nhật Bản đã chọn cách tự sát để kết thúc tất cả những đau thương, áp lực, có lẽ trước khoảnh khắc cuối cùng ấy họ đã coi cuộc sống này là địa ngục. Họ chết vì khao khát được sống, sống một cuộc đời mới đẹp đẽ hơn và đáng sống hơn.

Biết bao chiến binh dũng cảm trong vô vàn những cuộc chiến tranh từ thuở La Mã Hy Lạp, họ không sợ chết ư? Tôi nghĩ rằng họ có. Bởi bên cạnh gươm, giáo, cung tên, họ vẫn cần khiên, mũ, áo giáp. Chiến binh quả cảm, kiên cường, dũng mãnh, vĩ đại nhất trong cuộc chiến thành Troy - Achilles cũng vẫn luôn mang nỗi ám ảnh về cái chết suốt thời gian chiến đấu ngoan cường. Gót chân Achilles - phần duy nhất không được nhúng xuống dòng sông Styx để trở nên bất tử đã trở thành điểm yếu lớn nhất của chàng. Hình ảnh “gót chân” huyền thoại ấy chính là một biểu tượng cho nỗi sợ sâu kín nhất của con người. Người chiến sĩ ra trận dù có được đắm mình xuống dòng sông nhuệ khí thì vẫn luôn còn đó hai “gót chân” Achilles.

Sợ chết cũng chính là cách nói khác của lòng ham sống. Con người sinh ra trên đời luôn bị ràng buộc với nhiều sự sở hữu khác nhau, có thể là sở hữu vật chất cũng có thể là sở hữu tinh thần. Sợ chết chính là sợ phải từ bỏ những đặc quyền sở hữu đó. Ngay cả những kẻ vô gia cư, không gia đình, tưởng chẳng có gì trong tay cũng vẫn đang sở hữu khả năng nhìn ngắm thế giới tươi đẹp. Những người phải sinh ra với khiếm khuyết về nhãn lực thì lại sở hữu năng lực biểu diễn trên sân khấu, chơi nhạc như giọng ca hàng đầu thập niên 80 - Stevie Wonder. Hay đến những người không có khả năng đi lại, phải dành cả cuộc đời trên xe lăn như nhà vật lí học Stephen Hawking vẫn sở hữu phát minh khoa học để đời. Tựu chung lại, sự sở hữu luôn là bức tường kiên cố nằm giữa biên giới của sự sống và cái chết.

Sợ hãi trước cái chết không phải yếu điểm mà là bản năng tự nhiên nhất của con người - bản năng sinh tồn. Khát vọng sống mãnh liệt của con người đã có từ thuở xa xưa. Đó là khi có những truyền thuyết về viên linh đan bất tử, cải tử hoàn sinh. Đó là khi Hindu giáo đưa ra thuyết luân hồi: con người không chết mà chỉ từ bỏ kiếp tạm để tiếp tục đầu thai tạo nên một sự sống khác. Và đó là khi đến ngày nay, các nhà khoa học vẫn miệt mài nỗ lực tìm ra thuốc chữa trị ung thư để kéo dài tuổi thọ cho nhân loại. 

Tại sao con người luôn sợ chết

Con người vốn dĩ tham lam, muốn chiêm ngưỡng, muốn thụ hưởng tất thảy những gì tinh túy nhất của cuộc đời. Thi sĩ Xuân Diệu từng viết:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Thiên Chúa tạo ra con người và Ngài không muốn con người phải chết. Vì thế, hãy cứ run sợ trước lưỡi hái tử thần, hãy vượt qua cửa tử để đến với cửa sinh, hãy cứ thèm sống, ham sống và sống cho tròn, cho trọn.