Tại sao nói yếu tố thực vật và sông nước in đậm trong văn hóa Việt Nam

1. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Tây Nam Bộ) bao gồm 13 tỉnh, thành phố: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. “Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên gần 4 triệu ha, dân số trên 17 triệu người (chiếm 21% dân số) và đóng góp khoảng 18% GDP của cả nước.” [1, tr. 17]. Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, an ninh và quốc phòng của cả nước.

     Nói đến miền Tây Nam Bộ là nói tới sông nước. Sông nước là đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nơi cuộc sống của người dân gắn liền với kênh rạch chằng chịt. Sông Mêkông khi đổ vào vùng đất này đã chia thành 2 nhánh sông lớn: Tiền Giang, Hậu Giang và hệ thống sông lớn, sông bé khác làm nên một vùng châu thổ trù phú với nhiều nét văn hoá sông nước hấp dẫn, quyến rũ, đầy những điều thú vị. Ngoài vô số những con sông, con rạch có sẵn còn có những con kênh đào ngang, xẻ dọc chằng chịt. Sông Cái – Tiền Giang, Hậu Giang tức sông Mẹ sinh ra hàng trăm sông con, mỗi nhánh sông con lại sinh ra các con rạch nhỏ, mỗi con rạch nhỏ lại rẽ ra các con xẻo, khóm, mương, ngòi,… Cùng với những nét đẹp trù phú, kì diệu mà sông nước mang đến cho con người Tây Nam Bộ, thì hàng năm cứ vào khoảng tháng 7 Âm lịch, con nước bắt đầu dâng cao và ở đỉnh điểm vào tháng 8, tháng 9 gây ra những đợt ngập lụt. Chủ động sống chung với lũ, tái tạo cái cũ, nâng cấp cái mới, gắn con người với thiên nhiên, biết tận dụng thế mạnh, tiềm năng để từng bước cải tạo thiên nhiên, từ sự thích nghi với môi trường sông nước đã hình thành nên tính sông nước của người Việt vùng Tây Nam Bộ.

     Khi bàn về sông nước và tính sông nước ở vùng Tây Nam Bộ cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “sông nước là cảnh vật thiên nhiên, hoặc điều kiện sinh sống của con người” [11, tr. 1339]. Đây là một quan niệm đầy đủ về sông nước bao gồm cả môi trường tự nhiên và con người, thể hiện sự hoà hợp giữa con người với môi trường sông nước.

     Cùng với quan niệm trên, tác giả Trần Ngọc Thêm thì cho rằng “tính sông nước hay nói đầy đủ hơn là tính hoà hợp cao với thiên nhiên sông nước” [9, tr. 647]. Sự hoà hợp ở đây chính là sự hoà hợp giữa con người với thiên nhiên, sự thích nghi của con người với môi trường tự nhiên.

     Từ các quan niệm trên, giúp chúng ta có thể biết rõ hơn khái niệm tính sông nước. Đối với tác giả, cách dễ hiểu và gần gũi hơn, thì tính sông nước là tính thích nghi của con người với môi trường sông nước. Nói như thế, thì Việt Nam không chỉ có vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có tính sông nước mà vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng có đặc tính ấy. Song, sự khác biệt lớn nằm ở chỗ lĩnh vực chủ yếu mà người dân đồng bằng Bắc Bộ phải đối phó (khí hậu, thời tiết) thuộc về môi trường tự nhiên bất khả li, gần như vĩnh viễn không thể thay đổi được; trong khi đó, lĩnh vực chủ yếu mà người dân Tây Nam Bộ phải đối phó (động, thực vật) thuộc về môi trường tự nhiên khả li.

2. Có thể nói, tính sông nước là một đặc trưng trong tính cách văn hoá của người Việt vùng Tây Nam Bộ. Quá trình đối phó với tự nhiên của người dân vùng Tây Nam Bộ là một quá trình chung sống hài hoà với thiên nhiên. Trong cái sự hoà hợp với tự nhiên thì sự hoà hợp với thiên nhiên sông nước là ở mức độ cao nhất và điển hình nhất. Từ khi “chấp nhận đến xứ này khai hoang, lập làng, người dân ở đây đã chấp nhận sống chung với sông nước” [1, tr. 93]. Chẳng những sống chung mà còn khai thác từ sông nước những loài thuỷ sản, tạo nên những dụng cụ làng nghề để có cái ăn, có cái để tạo thêm thu nhập.

     Nhờ khả năng thích ứng với hoàn cảnh và biết tổng kết kinh nghiệm về trồng tỉa ngay ở những vùng hẻo lánh bất lợi, nên nếp sống con người Tây Nam Bộ trở nên thuần thục trong cuộc sống với sông nước. Nhìn trên bản đồ của vùng, ta thấy rõ ngay rằng, mạng lưới và mật độ sông ngòi, kênh rạch ở Tây Nam Bộ đan xen nhau chằng chịt, là vùng sông nước kênh rạch điển hình nhất. Các “dòng sông có khi hiền hoà, có khi dữ tợn theo sự biến đổi của thời tiết, nhất là vào những mùa nước nổi” [4, tr. 280]. Địa hình sông nước và đồng bằng cộng với khí hậu nắng nóng và gió mùa tạo nên một Tây Nam Bộ là nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận lợi.

     Từ những khái quát trên, có thể hiểu tính sông nước trong đặc trưng tính cách văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ được thể hiện ở các mặt sau:

     Thứ nhất, nơi sinh sống gắn với sông nước: Trong cư trú, hình thức tổ chức nhà cửa của người Việt vùng Tây Nam Bộ là phân bố theo dạng toả tia, nhà cửa quay ra mặt sông, lấy sông làm mặt tiền. Với điều kiện phát triển hiện nay, đa phần những ngôi nhà ở Tây Nam Bộ được xây dựng kiên cố, chắc chắn hơn với vật liệu xây dựng hiện đại. Nhưng ở một vài nơi, thì những con người rất đỗi bình dị, mộc mạc của vùng sông nước do được thiên nhiên ưu đãi, đã tận dụng những vật dụng có sẵn trong tự nhiên để dựng nhà cửa, chẳng hạn họ dùng lá cây dừa nước, lá dừa xiêm dùng để lợp mái nhà, làm vách nhà; còn cây tràm làm cột, làm cừ,…

     Đồng thời, do cuộc sống gắn liền với sông nước nên nhà cửa của người Việt vùng Tây Nam Bộ thường dựng ven sông; việc họp chợ cũng ở trên sông nước, mà người dân địa phương thường gọi là chợ nổi. Chợ nổi là nét văn hoá rất đặc trưng của miền sông nước, nó như một bảo tàng văn hoá sống động của người dân miền này. Những cái chợ có tuổi đời gắn với thời khẩn hoang khai phá vùng đất sông nước kì bí phương Nam. Những khu chợ nổi nổi tiếng luôn được mọi người nhắc tới như: chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ Phụng Hiệp, Ngã Bảy (Hậu Giang), Cái Răng (Cần Thơ), chợ Năm Căn (Cà Mau),… Bởi vậy việc đi lại, vận chuyển của con người Tây Nam Bộ gắn bó hết sức chặt chẽ với ghe thuyền, sông rạch.

     Thứ hai, hệ thống giao thông đường thuỷ phát triển mạnh: Tây Nam Bộ được mệnh danh là xứ sở của giao thông đường thuỷ vì kênh rạch ở Tây Nam Bộ được coi như là lộ, là đường. Muốn di chuyển trên sông chỉ còn cách duy nhất là đi bằng ghe, xuồng, phà. Từ nơi này qua nơi khác phải bơi xuồng qua nhiều con rạch quanh co. Ở Tây Nam Bộ có rất nhiều loại ghe xuồng; nghề đóng và sửa ghe xuồng là nghề rất quan trọng và được chuyên môn hoá cao.

     Người dân Tây Nam Bộ hầu như nhà nào cũng có xuồng, ghe riêng, không chỉ có một chiếc mà có khi là vài chiếc, xuồng ghe ở miền sông nước được ví như xe máy trên bộ với sự phong phú, đa dạng cả về kiểu dáng lẫn chức năng, mỗi loại đặc trưng cho một vùng. Từ Long An tới An Giang là những chiếc ghe, xuồng lườn tròn để dễ lướt trên những đám lục bình dày đặc ở các khúc sông vùng này. Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau người dân chuộng ghe, xuồng lườn phẳng gọi là xuồng 3 lá (do có 3 tấm ván đóng ghép lại), vì sông nước vùng này rộng, thoáng. Chiếc xuồng 3 lá còn có nhiều biến tấu: Loại nhỏ nhất gọi là be bảy, lớn hơn nữa gọi be tám, be chín, be mười. Nếu đóng thêm một tấm ván nữa cho lớn hơn gọi be mười kèm. Các loại ghe nhỏ có ghe tam bản, ghe bầu, ghe cui, ghe cà vom, ghe rỗi (dùng chở cá, chia nhiều khoang, có đục lỗ tròn để rộng cá sống trong nước sông tự nhiên), ghe cửa dùng để nhảy sóng ở cửa sông,… Đặc biệt “mắt” ghe là lí lịch của nơi xuất xứ, thuộc lò đóng ghe nào, của ai. Khi diễn tả về giao thông đường thuỷ ở Tây Nam Bộ, cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết: “Đêm, sương muối dày đặc, mù mù, xuồng ghe xuôi ngược không thấy nhau, thì thỉnh thoảng lại phải kêu lên… mà họ tránh nhau” [1, tr. 73]. Nhưng hiện nay, do các địa phương đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các cầu, đường nên giao thông đường thuỷ ở Tây Nam Bộ không còn đóng vai trò quan trọng như trước, trừ những vùng sâu, vùng xa.

     Thứ ba, phần lớn nghề nghiệp gắn với sông nước: Trong nghề nghiệp, phần lớn các nghề nghiệp của cư dân ở Tây Nam Bộ đều gắn với môi trường sông nước, phụ thuộc vào sông nước, nhờ sông nước mà tồn tại như: nghề trồng lúa nước, nghề đánh bắt cá, nghề chăn nuôi, nghề khai thác rừng, chuyên chở thuê hàng hoá, khai thác thuỷ sản,… Chính môi trường sông nước nơi đây đã tạo nên sự đa dạng trong ngành nghề, tạo nên tính đa dạng trong mưu sinh của người dân. Chỉ riêng việc đánh bắt cá đã có đủ loại: cất vó, đặt lọp, đóng đáy cọc, đáy bè, thả chà đăng cá, chài lưới,… Còn câu thì cũng đủ kiểu: câu cắm, câu giăng, câu thả, câu thượt, câu nhấp, câu rê,…

     Bên cạnh đó, là một hệ văn hoá làng nghề độc đáo phục vụ cho nhu cầu sông nước như nghề sản xuất dụng cụ đánh bắt cá (lưới, lộp, lờ,…), nghề đóng ghe và sửa chữa ghe xuồng, nghề thủ công sử dụng các loại cây cỏ của vùng sông nước như: làng nghề đươm đệm, làng nghề làm chiếu, làm đay,… từng là ngành nghề đem lại thu thập khá cho người dân. Nhưng hiện nay, do sự phát triển của các ngành công nghiệp nên các mặt hàng thủ công phục vụ cho nhu cầu sông nước đang dần mai một, có nguy cơ biến mất nếu không được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

     Thứ tư, sinh hoạt và ứng xử theo quy luật sông nước: Trong sinh hoạt và ứng xử, người Tây Nam Bộ nắm rất vững và kĩ càng quy luật con nước. Toàn vùng có chế độ nước lớn và ròng theo triều; theo đó mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của con người đều gắn với biến động của con nước. Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp, bằng những kinh nghiệm bản thân và dự báo của các nhà khí tượng thì người dân nơi đây sẽ tiến hành gieo trồng thời vụ nào là phù hợp sao cho tránh được mùa nước lên, hoặc sự khô hạn khi thời tiết khắc nghiệt. Hoặc dựa vào con nước để đánh bắt cá. Hoặc dựa vào thời điểm triều cường lên xuống, con nước lớn hay ròng để tránh thời điểm phải đi ngược nước trong việc đi lại. Nước lớn thì đi, nước ròng thì về; cả hai lượt đi và về đều xuôi nước tạo nên sự thuận lợi, không phải tốn công sức và mất thời gian.

     Thứ năm, nghệ thuật mang đậm dấu ấn sông nước: Trong nghệ thuật ngôn từ, sông nước Tây Nam Bộ đã để lại dấu ấn rất nhiều. Sống trên sông nước thì sông nước là đối tượng mà người dân Tây Nam Bộ phải quan tâm tìm hiểu trước tiên. Là miền đất nhiều sông lắm rạch, số từ ngữ chỉ những sự vật, hiện tượng liên quan đến sông nước vô cùng phong phú như: rạch, xẻo, con lươn, bùng binh, tắt, rỏng vàm, lung, láng, bưng, bàu, cù lao, cồn, giồng,…; nước lớn, nước ròng, nước rong, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng,…; ghe, tam bản, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng,… Những từ ngữ này không chỉ đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày, tạo nên tên địa danh, phương tiện đi lại của người dân, mà còn phản ánh bối cảnh sáng tác của những câu hò, điệu lí dân gian. Với hệ thống “sông nước dọc ngang chằng chịt này là những mạch giao thông chủ yếu không những của đời sống kinh tế, xã hội mà cả đời sống văn hoá, tinh thần của người dân miền đất này” [5, tr.89]. Trong điều kiện thiên nhiên như thế, cuộc sống tinh thần của người dân địa phương cũng rất phong phú.

     Trong nghệ thuật thanh sắc đã xuất hiện vô số những điệu hò đặc trưng của vùng sông nước như hò chèo ghe, hò mái dài, mái cụt, hò sông Hậu, hò Đồng Tháp,… Vô số điệu lí liên quan đến đời sống sông nước như: Lí cây bông, lí bông súng, lí con cua,… hay các bản đờn ca tài tử. Tất cả những câu hò, điệu lí, những bản đờn ca tài tử trên sông nước có khi trữ tình, khi hào hùng, có lúc cũng rất bi ai phản ánh những hình tượng thiên nhiên, tâm tư, tình cảm con người,… qua những từ ngữ sông nước làm cho những ai gắn bó với vùng đất này sẽ nhớ mãi không quên.

     Thứ sáu, thức ăn chủ yếu là các loài thuỷ sản: Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới một nét văn hoá rất đặc trưng của miền sông nước Tây Nam Bộ: văn hoá ẩm thực đậm khẩn hoang. Biểu hiện của tính hoà hợp cao với thiên nhiên sông nước như một đặc trưng của tính cách văn hoá Tây Nam Bộ trước hết thể hiện trong lĩnh vực ẩm thực, sau cơm thì thuỷ sản là thức ăn chủ yếu của người dân Tây Nam Bộ.

     Trong ẩm thực, người dân Tây Nam Bộ có nhiều cách chế biến món ăn, do có nguồn lợi thuỷ sản phong phú nên thức ăn của họ cũng đa dạng, từ con cá, ếch, rắn, rùa, lươn, người ta chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau theo hàng chục cách (luộc, kho, chiên, nướng, hấp, nấu chua, nấu ngọt, làm gỏi, làm chả, làm khô, làm mắm,…). Và những loại rau ăn kèm là cả một kho tàng về “thực vật” sông nước miền Tây, những tên lá, tên hoa vừa lạ vừa quen: đọt lục bình, đọt bông súng, bông điên điển, bông so đũa, rau kèo nèo, lá vị,… hàng chục thứ bông, lá, rau mà chỉ có người dân địa phương mới biết tên. Khi diễn tả món ăn ở vùng đất Tây Nam Bộ, cố nhà văn Sơn Nam viết: “Vùng ruộng sạ, nhưng gạo lúa sạ vừa mới gặt nấu cháo trắng ăn với khô cá lóc thì hương vị khó mà quên được. Nắng hạn, rủ vài người bạn ra giữa đồng đem theo cái quẹt, một gói muối hột vài trái ớt rồi đến vũng nước khô cạn nào đó mà bắt cá lóc thứ to con, đốt gốc rạ và rơm nướng trui, chấm muối ớt, nhai thêm vài ngọn lá nghể bên ao” [6, tr. 11]. Để thấm cái mênh mang sông nước, thêm thi vị, không thể quên các loại rượu trứ danh của vùng đất này như: rượu Phú Lễ (Bến Tre), Xuân Thạnh (Trà Vinh). Loại rượu này uống li đầu vị đậm đà, mềm môi; cạn tiếp cảm thấy cái phóng khoáng, lâng lâng; uống vài li nữa thấy như bay bổng trong một giấc thần tiên, cởi mở tâm tình với tri âm.

3. Như vậy, tính sông nước hay nói đầy đủ hơn là tính hoà hợp cao với thiên nhiên sông nước là đặc trưng điển hình của văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ. Ba chữ “tính sông nước” là kết tinh của toàn bộ nền văn minh sông nước, văn minh kênh rạch Tây Nam Bộ. Nó chứa đựng trong mình toàn bộ hệ thống giá trị chỉ ra trình độ phát triển của một vùng đất trong việc khai thác thế mạnh của sông nước, tận dụng sông nước và đối phó với sông nước trong suốt lịch sử tồn tại của mình. Đừng vì bất cứ lí do gì mà “thành thị hoá”, “đô thị hoá” miền đất này, để mất đi báu vật di sản văn hoá miền sông nước Tây Nam Bộ.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Trung tâm thông tin Sài Gòn, Tây Nam Bộ tiến vào thế kỉ XXI, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

2. Nguyễn Chí Bền, Văn hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998.

4. Nguyễn Đắc Hưng, Văn hoá Việt Nam giàu bản sắc, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

5. Trần Thị Ngọc Lang, Phương ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995.

6. Sơn Nam, Cá tính miền Nam, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1997.

7. Phan Ngọc, Bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2013.

8. Phan Ngọc, Văn hoá đương đại ở Nam Bộ, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2013.

9. Trần Ngọc Thêm, Văn hoá người Việt vùng Tây Nam Bộ, NXB Văn hoá – Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2013.

10. Phạm Ngọc Trung, Văn hoá thời đại toàn cầu, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

11. Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2007.

PHẠM NGỌC HOÀ 1

___________
1. Học viện Chính trị Khu vực IV.