Thống kê tai nạn giao thông Hà Nội

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm

Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội để đảm bảo trật tự ATGT, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý 154.232 trường hợp, phạt tiền 105.796.448.000 đồng, tạm giữ 6.335 phương tiện, tước GPLX 8.149 trường hợp; tước tem kiểm định ATKT & BVMT 40 xe ô tô tải; phát hiện xử lý 11 vụ, 24 phương tiện, bắt giữ 54 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 408 vụ tai nạn, làm 223 người chết, 242 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2021 đã giảm 11 vụ (-2,63%), giảm 30 người bị thương (-11,03%) tuy nhiên, tăng 52 người chết (30,41%). Tai nạn giao thông đường bộ xảy ra 403 vụ, làm 218 người chết, 239 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021: giảm 12 vụ, tăng 50 người chết, giảm 32 người bị thương.

Thống kê tai nạn giao thông Hà Nội
Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội - Đại tá Dương Đức Hải báo cáo tại Hội nghị 

Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 4 vụ, làm 3 người chết, 1 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2021: bằng số vụ, bằng số người chết, tăng 1 người bị thương.

Đối với tai nạn giao thông đường thủy xảy ra 1 vụ làm 2 người chết. So với cùng kỳ năm 2021, tăng 1 vụ, tăng 2 người chết.

Theo đánh giá, tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2022 giảm 2 tiêu chí  về số vụ và số người bị thương, tuy nhiên số người chết tăng cao so với cùng kỳ năm 2021. Theo Đại tá Dương Đức Hải nguyên nhân là do vào thời điểm đầu năm 2021, nhất là giai đoạn cuối tháng 4 và đầu tháng 5, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. UBND thành phố bắt đầu siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, kéo theo đó lượng người, phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh, dẫn tới tai nạn giao thông giảm sâu.

Khắc phục các điểm ùn tắc, điểm đen về tai nạn giao thông

Đầu năm 2022, trong điều kiện thành phố Hà Nội thực hiện phương án phòng, chống dịch “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, các hoạt động đời sống, xã hội, giao thương, buôn bán dần trở lại bình thường; mật độ phương tiện tham gia giao thông tăng cao trên các tuyến quốc lộ, trục chính, vành đai trọng điểm, khu vực các bến xe, nhà ga, nhất là trong dịp nghỉ Lễ, Tết dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông tăng theo.

Để đảm bảo trật tự ATGT trong 6 tháng cuối năm, Đại tá Dương Đức Hải cho biết, thành phố Hà Nội sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.2022 và khai giảng năm học 2022 - 2023. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác duy tu, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, không để xảy ra tai nạn giao thông có nguyên nhân do hạ tầng bất cập. Tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tai nạn giao thông.

Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, vi phạm nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe; vi phạm tải trọng; vi phạm tốc độ;…

Cũng tại Hội nghị, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đại tá Dương Đức Hải  đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam sớm hoàn thiện phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô để làm cơ sở xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.

(TN&MT) - Hàng năm, Hà Nội phấn đấu giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Đồng thời, xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 235/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô an toàn, hiệu quả, thân thiện môi trường

Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

Phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và Nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ; các chỉ đạo của Thành ủy, HĐND Thành phố về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.

Thống kê tai nạn giao thông Hà Nội
Hằng năm, Hà Nội phấn đấu xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông. Ảnh: Thanh Tùng

Về các mục tiêu cụ thể, Hà Nội phấn đấu hàng năm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.

Vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả; phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Hằng năm xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn, tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.

Để đạt được mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội sẽ chú trọng việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia…

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn; lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tại nạn giao thông; xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trái phép gây cản trở giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông.

Phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông

Một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện.

Xây dựng cơ chế chính sách và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải. Chủ động tích cực rà soát để kịp thời đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành xây dựng, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn Thành phố.

Thống kê tai nạn giao thông Hà Nội
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng đang dần hoàn thiện. Ảnh: Lê Khánh

Rà soát xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch và kế hoạch tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của thủ đô Hà Nội gắn với quy hoạch giao thông vận tải của cả nước và vùng Thủ đô.

Huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông. Đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai (trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4); các trục hướng tâm, các trục chính đô thị chủ yếu, các tuyến có tính liên vùng; hệ thống các cầu qua sông; các nút giao thông trọng điểm, nút giao khác mức; các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông và đảm bảo an toàn giao thông... để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông. -

Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy hiệu quả tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Đồng thời, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường; phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30% -35% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Thực hiện Kế hoạch này, UBND thành phố giao Sở Giao thông vận tải (Cơ quan thường trực Ban ATGT Thành phố) tham mưu giúp UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi và tổng hợp đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh; công tác quản lý nhà nước về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; phát triển và nâng cao chất lượng, dịch vụ vận tải hành khách công cộng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.

Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát, xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phối hợp xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ, các điểm ùn tắc giao thông; chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Phối hợp với Sở Giao thông vận tải trong công tác tổ chức giao thông trên địa bàn Thành phố, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các công trình thi công trên đường bộ đang khai thác nhất là các công trình trọng điểm.

Kế hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.