Thuốc chữa bệnh đái dầm ở người lớn

Câu hỏi: Chào bác sĩ. Tôi năm nay 27 tuổi, là nữ, chưa lập gia đình. Tôi mắc chứng bệnh đái dầm trong nhiều năm nay, mức độ của bệnh một tuần xảy ra 2 đến 3 lần nhưng cũng có khi một tháng chỉ vài lần. Mặc dù trước khi đi ngủ tôi không uống nước và có đi vệ sinh nhưng bệnh vẫn diễn ra, chỉ khi nào vào khoảng 2, 3h sáng tôi báo thức dậy đi vệ sinh thì hôm đó không sao. Tôi không tự chủ được bản thân nên rất ngại khi đi du lịch hay đến nhà bạn bè chơi qua ngày. Tôi lại sắp lập gia đình, tôi có tâm sự với bạn trai và được thông cảm, bạn trai cũng dẫn tôi đi ra tiệm mua thuốc. Tôi đang dùng thuốc trị đái dầm Đức Thịnh được hơn 2 tuần rồi, nhưng vẫn chưa hết hẳn, vẫn còn xảy ra một vài lần. Cũng nói qua là sức khỏe của tôi rất bình thường, không ốm hay đau gì cả. Vì công việc của tôi là nhân viên văn phòng nên rất nhẹ nhàng, ngày làm 8 tiếng nên không thể ảnh hưởng gì về sức khỏe. Thưa bác sĩ, hãy cho tôi biết tôi đang mắc bệnh đái dầm như vậy liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của tôi không ạ? Các chu kỳ kinh nguyệt của tôi cũng rất đều đặn, 28 đến 30 ngày chứ không có vấn đề gì bất thường. Tôi ăn - uống - ngủ - nghỉ rất đều đặn ạ. Mong bác sĩ tư vấn và cho tôi lời khuyên ạ. Tôi cảm ơn bác sĩ!

Trả lời: BSCK II Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E

Đái dầm là một tình trạng tiểu không tự chủ trong lúc ngủ. Đái dầm thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân do cơ thể chưa phát triển toàn diện, hệ thần kinh chưa điều khiển được khi bàng quang chứa nước tiểu.

Tuy nhiên khi trẻ lớn theo thời gian thì đái dầm sẽ tự hết. Nếu đến tuổi trưởng thành mà đái dầm vẫn còn thì đó là biểu hiện bệnh lý.

Nguyên nhân gây đái dầm ở người lớn:

- Do di truyền: Nếu cả bố và mẹ đều bị bệnh đái dầm thì khả năng con bị mắc bệnh đái dầm rất là cao (nguy cơ mắc là 77%).

- Do rối loạn hormone: Bệnh nhân đái tháo đường

- Do bàng quang nhỏ hơn bình thường nên khả năng lưu giữ nước tiểu trong bàng quang kém.

- Do nhiễm trùng đường tiểu nên bệnh nhân lúc nào cũng khó chịu muốn đi tiểu.

- Các triệu chứng rối loạn thần kinh, ngủ quá mệt không tỉnh giấc.

- Táo bón nhiều gây kích thích bàng quang

- Yếu tố tâm lý (stress): hay lo lắng, buồn phiền, mất ngủ cũng có thể gây đái dầm

- Lạm dụng tình dục

Trường hợp của bạn, bạn cần đi khám để tìm nguyên nhân và chữa dứt điểm. Thường đây là một bệnh không nguy hại đến sức khỏe nhưng gây bất tiện trong sinh hoạt. Bạn có sức khỏe tốt, kinh nguyệt đều, ăn uống ngủ nghỉ bình thường thì không lo bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.


(SKDS) - Em 25 tuổi, đã có chồng. Cách đây 5 năm, đã có một số lần em bị đái dầm. Cho đến nay, thỉnh thoảng khi ngủ say em mơ thấy mình đi tiểu là em lại “tè” dầm ra giường. Em xấu hổ không dám nói với chồng, cũng không dám nằm đệm, nếu phải đi công tác thì em mất ngủ vì sợ ngủ say lại bị đái dầm!  Mong báo SK&ĐS tư vấn cho biết em bị bệnh gì, có thuốc chữa không?

Đ.L.T. (TP.Vinh, Nghệ An)

Tiểu dầm là điều phiền toái, nhưng rất hay gặp ở trẻ em. Theo các nhà nghiên cứu, tỉ lệ tiểu dầm ở trẻ em 5 tuổi là 3-7%; đến 10 tuổi thì tỉ lệ này giảm xuống còn 2-3%, đến tuổi 18 vẫn có khoảng 1% người bị tiểu dầm.

Đại đa số trường hợp tiểu dầm là không rõ căn nguyên (vô căn). Chỉ có khoảng 2% có thể tìm thấy nguyên nhân thực thể như nhiễm khuẩn tiết niệu, dị dạng đường tiết niệu, bệnh lý hệ thần kinh hoặc đái tháo đường. Những trường hợp này cần khám bác sĩ chuyên về niệu khoa.

Với trường hợp của bạn nên đi khám ở chuyên khoa tiết niệu, loại trừ các nguyên nhân thực thể (rất ít gặp, nếu có thì điều trị theo nguyên nhân), người ta có thể cho bạn dùng một trong các thuốc sau :

Thuốc chữa bệnh đái dầm ở người lớn

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng

Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng như amitriptylin, imipramin hoặc nortriptylin đều có thể dùng và đã chứng tỏ khả năng điều trị có kết quả tốt nhiều trường hợp tiểu dầm, nhưng thường phải điều trị kéo dài 2 - 3 tháng. Trong số đó, imipramin (các biệt dược: censtim, deprinol, imidol, toframil…) được dùng rộng rãi nhất để điều trị tiểu dầm. Cơ chế tác dụng của thuốc này trong điều trị tiểu dầm được cho là do kháng tiết cholin chống bài niệu và các tác động khác trên hệ thần kinh trung ương. Khi dùng sẽ giảm tiểu dầm khoảng 50-75% và có 20% hết hẳn tiểu dầm. Tuy nhiên, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng đều có tác dụng phụ làm thay đổi khí sắc, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, không nên tự ý dùng thuốc.

Desmopressin (biệt dược: desmospray, desurin, minirin, stimate …)

 Là một dẫn chất tổng hợp của hormon chống bài niệu, có tác dụng giảm lượng nước tiểu về đêm. Thuốc được bào chế dưới dạng nhỏ mũi hoặc phun mù để xịt vào mũi trước khi đi ngủ rất có hiệu quả. Tác dụng phụ có thể gặp là gây kích ứng và chảy máu mũi. Người suy tim, phụ nữ có thai không dùng thuốc này.

Ngoài các thuốc trên còn có thể dùng các thuốc trị tiểu dầm khác như: oxybutynin có tác dụng kháng cholinergic, chống co thắt bàng quang, tăng dung tích chức năng bàng quang, điều chỉnh rối loạn tiểu tiện. Hoặc flavoxat có tác dụng trên cơ trơn vùng cổ bàng quang.

Bạn nên đi khám ở chuyên khoa niệu, nếu cần dùng thuốc, thầy thuốc chuyên khoa sẽ chỉ định và bạn nên tin tưởng sẽ trị khỏi chứng tiểu dầm. Trước mắt, những khi phải xa nhà (đi thăm quan, công tác, thăm họ hàng…) bạn nên dùng băng vệ sinh có khả năng thấm hút nước tốt để đêm ngủ không lo lắng. 

BS. Vũ Hướng Văn


Thuốc chữa bệnh đái dầm ở người lớn

Ảnh minh họa. Nguồn: thealbanian.co.uk

Nhắc đến đái dầm mọi người đều liên tưởng đến trẻ em. Và thật vậy, đa số đái dầm ban đêm đều xảy ra ở trẻ nhỏ. Hầu hết hiện tượng này sẽ tự khỏi khi trẻ lớn lên với bàng quang phát triển đầy đủ.

Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 1-2% người lớn đái dầm, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Một số người sẽ cảm thấy xấu hổ và không muốn chia sẻ về vấn đề này.

Nếu thỉnh thoảng trải qua một lần hoặc đái dầm duy nhất một lần, bạn có thể không có gì phải lo lắng bởi đó chỉ đơn giản là chuyện không may xảy ra. Tuy nhiên, nếu đái dầm liên tục và thường xuyên thì đó thực sự là mối quan tâm và cần được trao đổi với bác sĩ.

Nguyên nhân tiềm ẩn

Các vấn đề về nội tiết tố

Hormone chống lợi tiểu (AntiDiuretic Hormone ADH) là dấu hiệu để cảnh báo thận của bạn cần làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu. Cơ thể bạn sản sinh ra nhiều hormone hơn vào ban đêm để chuẩn bị cho giấc ngủ. Điều này giúp hạn chế nhu cầu đi tiểu trong khi ngủ. Tuy nhiên, ở một số người hormone này không được sản xuất hoặc cơ thể không đáp ứng với hormone. Bất thường của hormone này dường như có vai trò trong việc gây tiểu đêm. Mặc dù một số lý thuyết đã cho thấy nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố kết hợp gây ra.

Lý giải cho vấn đề này là do sự kết hợp của hormone ADH, các vấn đề về giấc ngủ và chức năng hoạt động của bàng quang.

Thực hiện một xét nghiệm đơn giản để đo mức độ ADH trong máu của bạn. Nếu mức độ thấp, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc để hỗ trợ cơ thể phòng chống đái dầm. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn tìm hiểu các nguyên nhân cơ bản có thể ảnh hưởng đến mức ADH.

Bàng quang nhỏ

Bàng quang nhỏ không thực sự nhỏ hơn kích thước so với các loại bàng quang khác. Thay vào đó, nó thường cảm thấy đầy hơn chỉ với khối lượng nước tiểu ít. Điều này có nghĩa là nó hoạt động như thể nó nhỏ hơn. Bởi vậy bạn có thể cần đi tiểu thường xuyên hơn, khó kiểm soát việc đi vệ sinh trong khi ngủ hơn.

Tập luyện bàng quang rất hữu ích cho những người bị bàng quang nhỏ về mặt chức năng. Biện pháp này giúp cơ thể bạn giữ nước tiểu trong thời gian dài hơn để tránh đái dầm. Một biện pháp hữu hiệu khác đó là đặt báo thức và dậy đi tiểu vào ban đêm.

Hoạt động cơ quá mức

Cơ bàng quang có chức năng kiểm soát hoạt động của thận. Chúng thư giãn khi bàng quang của bạn đầy và co bóp lúc trống. Nếu những cơ này co lại sai thời điểm, bạn có thể không kiểm soát được việc tiểu tiện. Tình trạng này được gọi là bàng quang hoạt động quá mức (OverActive Bladder - OAB).

Hoạt động co thắt cơ bàng quang của bạn có thể được gây ra bởi các tín hiệu thần kinh bất thường giữa não và bàng quang hoặc chịu tác động của một chất kích ứng vào bàng quang chẳng hạn như rượu, caffeine, hoặc thuốc. Những sản phẩm này có thể làm cho cơ bắp kém ổn định hơn. Điều đó có thể khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn.

Ung thư

Các khối u bàng quang và tuyến tiền liệt có thể chặn hoặc gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Điều này có thể dẫn đến việc thận không giữ nước được, đặc biệt là vào ban đêm.

Khi khám sức khỏe bạn nên yêu cầu kiểm tra cả về ung thư cũng như một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác. Sinh thiết thường cần thiết để xác định ung thư. Điều trị sớm có thể sẽ giúp bạn thu nhỏ hoặc loại bỏ khối u, ngăn ngừa các cơn đái dầm có thể xảy ra trong tương lai.

Tiểu đường

Tiểu đường với lượng đường huyết không kiểm soát được có thể làm thay đổi các vấn đề vệ sinh trong cơ thể. Khi lượng đường trong máu cao, lượng nước tiểu tăng lên sẽ làm thận phải cố gắng hoạt động để kiểm soát. Điều này là nguyên nhân dẫn đến đái dầm, đi tiểu thường xuyên hơn.

Điều trị tiểu đường sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng đường tiết niệu. Việc điều trị này thường đòi hỏi sự kết hợp việc thay đổi lối sống, uống thuốc hoặc cần đến tiêm insulin. Kế hoạch điều trị này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể của bạn.

Hội chứng ngưng thở tắc nghẽn

Ngưng thở tắc nghẽn là một hội chứng rối loạn giấc ngủ khiến bạn tắc nghẽn đường hô hấp toàn phần hoặc một phần khi ngủ, lặp đi lặp lại. Một nghiên cứu cho thấy, 7% những người có rối loạn này có triệu chứng đái dầm khi ngủ. Và khi cơn ngưng thở thường xuyên hơn, đái dầm cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Điều trị chứng ngưng thở bằng phương pháp thở áp lực liên tục sẽ khiến bạn dễ thở và ngủ ngon hơn, đồng thời giúp cải thiện việc đái dầm.

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể gây co thắt bàng quang nhiều hơn và làm cho bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Điều này có thể dẫn đến đái dầm. Các loại thuốc này bao gồm thuốc hỗ trợ giấc ngủ, thuốc an thần và một số loại thuốc khác.

Thay đổi loại thuốc sử dụng có thể làm ngừng đái dầm ban đêm. Tuy nhiên nếu cần sử dụng thuốc để điều trị tình trạng khác quan trọng hơn, việc thay đổi lối sống có thể giúp bạn ngăn ngừa được đái dầm. Đừng tự ý thay đổi nếu không được sự đồng ý của bác sĩ.

Di truyền

Đái dầm thường được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được gen nào trong cơ thể chịu trách nhiệm cho tình trạng này, chỉ kết luận rằng nếu bố mẹ của bạn đái dầm thì nguy cơ đái dầm của bạn cũng sẽ tăng lên.

Trước khi chẩn đoán tình trạng đái dầm, bác sĩ sẽ cần tiến hành một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác có thể xảy ra. Điều trị đái dầm không rõ nguyên nhân đều dựa trên các triệu chứng và những giai đoạn dự phòng trong tương lai. Điều này có thể bao gồm thay đổi lối sống và sử dụng thuốc.

Rối loạn thần kinh

Các rối loạn thần kinh sau đây có thể làm giảm bớt sự kiểm soát bàng quang trong cơ thể:

- Đa xơ cứng.

- Động kinh.

- Bệnh Parkinson.

Những bệnh/triệu chứng này có thể khiến bạn đi tiểu nhiều vào ban đêm hoặc tiểu không kiểm soát.

Điều trị các rối loạn có thể giúp giảm bớt triệu chứng kèm theo các biến chứng thứ cấp như đái dầm. Nếu việc đái dầm không dừng lại, bác sĩ có thể kê đơn để điều trị cụ thể. Điều này có thể bao gồm thay đổi lối sống, thuốc men và nhiều hơn thế nữa.

Tắc nghẽn đường tiết niệu

Sự tắc nghẽn có thể làm giảm dòng chảy của nước tiểu, gây ra bởi một số bệnh như:

- Sỏi thận.

- Sỏi bàng quang.

- Khối u.

Những triệu chứng từ các bệnh này thật sự khá khó khăn để phòng tránh. Vào ban đêm, chúng có thể gây ra rò rỉ nước tiểu và đái dầm.

Tương tự, áp lực từ sỏi hoặc khối u có thể làm cho các cơ trong bàng quang hoạt động không cần thiết. Điều này có thể dẫn đến đi tiểu thường xuyên và không kiểm soát được.

Đôi khi người bệnh phải cần đến một thủ thuật can thiệp để loại bỏ hoặc phá vỡ những viên sỏi lớn.

Điều trị ung thư có thể làm giảm một số khối u. Tuy nhiên với một số người, phẫu thuật vẫn thật sự cần thiết. Một khi các tắc nghẽn được loại bỏ, bạn nên cần một sự kiểm soát đường tiết niệu tốt hơn để ngăn chặn đái dầm.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (Urinary Tract Infection - UTI) có thể gây tiểu tiện thường xuyên và bất ngờ. UTI thường gây viêm và kích thích bàng quang. Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đi tiểu không kiểm soát và đái dầm vào ban đêm.

Điều trị UTI có thể dừng được việc đái dầm. Nếu bạn có nhiễm trùng đường tiết niệu, bạn có thể gặp phải tình trạng đái dầm thường xuyên hơn. Hãy làm việc với bác sĩ để tìm nguyên nhân cơ bản của UTI từ đó bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng trong tương lai và kèm theo cả đái dầm.

Giải phẫu học

Nước tiểu chảy từ thận qua niệu quản đến bàng quang. Khi đến giờ đi tiểu, bàng quang của bạn sẽ co lại và nước tiểu sẽ đi qua niệu đạo ra khỏi cơ thể. Nếu bất kỳ yếu tố nào của hệ thống đó bị thu hẹp, xoắn, hoặc thiếu hụt, bạn có thể gặp các triệu chứng khó khăn khi tiểu, bao gồm cả đái dầm.

Bác sĩ có thể sử dụng các chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc siêu âm để tìm kiếm cấu trúc bất thường. Một số có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể đề nghị sự thay đổi lối sống và thuốc để giúp bạn ngừng đi tiểu trong giấc ngủ.

Điều trị các triệu chứng đái dầm

Các phương pháp điều trị đái dầm ở người lớn có thể được chia thành ba loại chính:

Điều trị bằng thay đổi lối sống

- Theo dõi lượng nước uống: Cố gắng cắt giảm lượng nước uống vào buổi chiều và buổi tối để uống nhiều hơn vào sáng sớm bởi lúc đó bạn có thể thoải mái đi vệ sinh. Hãy đặt cho mình một giới hạn lượng nước uống vào buổi tối.

- Thức dậy vào ban đêm: Đặt báo thức vào giữa đêm để có thể thức dậy đi vệ sinh tránh đái dầm. Hãy đặt báo thức khoảng 1-2 lần một đêm để hạn chế việc bàng quang nhiều nước tiểu khiến bạn phải đi tiểu không mong muốn.

- Điều chỉnh việc đi tiểu thành thói quen của bạn: Hãy đặt lịch cho các thời điểm đi tiểu của bạn và tuân thủ nó. Hãy chắc chắn rằng bạn đi tiểu trước khi đi ngủ.

- Cắt giảm các chất kích ứng bàng quang: Caffeine, rượu, chất tạo ngọt nhân tạo và đồ uống có đường có thể gây kích thích bàng quang và dẫn đến tiểu tiện thường xuyên hơn.

Sử dụng thuốc

Có bốn loại thuốc chính thường được dùng để kê đơn điều trị chứng đái dầm ở người lớn. Các loại thuốc này tùy thuộc vào nguyên nhân gây đái dầm ở bạn:

- Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

- Thuốc kháng cholinergic có thể làm dịu các cơ bàng quang bị kích thích hoặc hoạt động quá mức.

- Desmopressin acetate để tăng nồng độ ADH, giúp thận của bạn ngừng sản xuất nhiều nước tiểu vào ban đêm.

- Thuốc ức chế men chuyển 5-alpha, chẳng hạn như finasteride (Proscar), thu nhỏ phì đại tuyến tiền liệt.

- Kích thích dây thần kinh vùng chậu. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ cấy một thiết bị nhỏ gửi tín hiệu đến các cơ trong bàng quang của bạn để ngăn chặn các cơn co thắt không cần thiết.

Phẫu thuật

- Tạo hình bàng quang: Bác sĩ sẽ cắt mở bàng quang của bạn và chèn một miếng vá của cơ ruột. Miếng vá phụ này giúp giảm sự bất ổn bàng quang và tăng khả năng kiểm soát giúp ngăn ngừa việc đái dầm ở người lớn.

- Cắt cơ trơn bàng quang: Các cơ trơn kiểm soát các cơn co thắt trong bàng quang của bạn. Cắt cơ trơn bàng quang có thể giúp giảm co thắt.

- Phẫu thuật sửa các cơ quan vùng chậu: Điều này có thể cần thiết nếu bạn có các cơ quan sinh sản nữ nằm không đúng vị trí gây ảnh hưởng đến bàng quang.

Tiên lượng

Nếu bạn là người trưởng thành thường xuyên gặp phải vấn đề đái dầm thì đây có thể là dấu hiệu của một số nguy cơ về sức khỏe của cơ thể. Điều quan trọng là phải tìm cách điều trị ngừng đái dầm và các nguyên nhân gây ra đái dầm.

Hãy tìm gặp bác sĩ để thảo luận về những vấn đề đang xảy ra. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, tiền sử sức khỏe, tiền sử gia đình, thuốc men và các ca phẫu thuật trước đó. Bác sĩ có thể yêu cầu một loạt các xét nghiệm để tìm nguyên nhân cơ bản. Việc tìm kiếm cách điều trị sẽ giúp giảm nhẹ hoặc ngừng đái dầm và bất kỳ triệu chứng nào khác mà bạn đang gặp phải.

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam