Tôn giáo ảnh hưởng sâu sắc đến văn học thời Lý

1. Dẫn nhập

Nói đến thời Lý - Trần, cả chính sử và ngoại sử đều thống nhất rằng: đó là một trong những thời kỳ cực thịnh của dân tộc ta.

Sự cực thịnh đó được thể hiện trên nhiều lĩnh vực của đời sống: đạo đức hiền thiện trong sáng; lãnh đạo sáng suốt và bản lĩnh; chính trị ổn định, nền độc lập được giữ vững; văn hóa luôn được bồi đắp phát triển, văn học có những thành tựu rực rỡ trên cả hai phương diện chữ viết Hán và Nôm; toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng trong thời loạn cũng như hậu chiến, tất cả vì lợi ích của Tổ quốc thân yêu.

Ở thời đại đó, chúng ta có những nhà tư tưởng lớn: Trần Thái Tông (1218-1277), Trần Nhân Tông-Điều ngự Giác hoàng (1258-1308), Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291)…, những nhân cách như những ngôi sao sáng ngời trên bầu trời lịch sử gần 1.000 năm qua.

Chúng ta có những nhà lãnh đạo như vua Trần Thái Tông, trong bối cảnh chế độ quân chủ phong kiến ở thế kỷ thứ XIII, thế mà đã chủ động nhường ngôi lúc đang ở tuổi 40 đầy sung sức, trong khi đó chúng ta thấy hầu hết các vị vua trên thế giới nói chung đều rất ham thích ở ngôi vị cho đến lúc thực sự già yếu, răng long tóc bạc, thậm chí có cả những vị chết cả trên long sàng cũng chưa chịu rời bỏ. Thử xem lại ngày nay, tuổi hưu cần có sự an dưỡng cuối đời được quy định ở tuổi từ 55 đến 60. Và khi một nhà lãnh đạo như thủ tướng, tổng thống của một nước nhậm chức ở tuổi 40 – 45 thì được xem là những nhà lãnh đạo trẻ, đầy đủ năng lực và thời gian để có thể bắt đầu một thời kỳ mới cho đất nước, xứ sở mà vị đó được bầu chọn. Nhìn lại 700 năm trước, đất nước ta đã có những nhà lãnh đạo như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông…, thử hỏi điều gì đã làm nên tư tưởng và hành xử của những con người vĩ đại đó? Điều gì đã làm nên sức mạnh cho dân tộc để có thể chiến thắng quân xâm lược Nguyên, Mông mạnh rất nhiều lần về cả quân số lẫn sự thiện chiến?

Đây là một câu hỏi lớn, và tất nhiên cũng đã có rất nhiều câu trả lời. Nhiều câu trả lời với các phương pháp tiếp cận khác nhau, nhưng có lúc do những giới hạn trong phương pháp nghiên cứu đồng thời với giới hạn do bối cảnh lịch sử, nên dù đã có nhiều công trình nghiên cứu nhưng dường như vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.

Trong tham luận này, chúng tôi cũng không làm việc gì mới mẻ, mà cũng qua các tác phẩm của các tác giả văn học thời kỳ này và cập nhật những thông tin khoa học, một lần nữa phân tích, tìm hiểu để góp phần soi sáng thêm suối nguồn tư tưởng, hành động trong những con người có sự ảnh hưởng mang tính quyết định đối với bối cảnh xã hội đương thời, làm nên sự huy hoàng của thời đại được lịch sử sau này đánh giá rất cao, mang tính mẫu mực mà chúng ta hằng tự hào, đồng thời để hiểu hơn những giá trị thẩm mỹ trong giai đoạn văn học đặc thù này.

2. Tư tưởng Phật giáo đánh thức sự tự tín, góp thêm sức mạnh vào niềm tin đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc

2.1. Phật giáo hiện diện ở nước ta rất sớm, từ đầu kỷ nguyên Tây lịch khi đất nước ta là Giao Chỉ, theo hai con đường: trực tiếp từ Ấn Độ qua giao thương và từ Trung Hoa, lúc đất nước ta chịu sự lệ thuộc rất nặng nề vào phương Bắc.

Về văn hóa, chúng ta bị áp đặt nặng nề bởi hệ tư tưởng Nho giáo, xem đất nhà Hán là trung tâm của vũ trụ và tất cả phải quy về dưới quyền định đoạt Thiên tử của nhà Hán.

Phật giáo du nhập, như một cơn mưa xuống mảnh đất bị hạn hán khô cằn, tư tưởng Phật giáo đem đến một luồng sinh khí mới cho xứ sở chúng ta, đánh thức khả năng tự tín và đặc biệt là giải phóng tư tưởng khỏi hệ tư tưởng Nho giáo đang bao trùm lên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Lần đầu tiên, người Việt đã biết thêm ngoài Khổng Tử, thiên hạ còn có những bậc Thánh như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni năng biến năng hóa, ngoài những chuẩn mực giá trị được thiết định bởi Nho giáo, còn có con đường Trung đạo mà Đức Phật chỉ dạy, ngoài Tứ thư ngũ kinh còn có Tam Tạng kinh điển đồ sộ và thậm thâm. Sự bừng tỉnh này của tiền nhân được lưu lại trong "Lý hoặc luận" của Mâu Tử, một gương mặt trí thức ở Giao Chỉ cuối thế kỷ thứ II - đầu thế kỷ thứ III.

Trong gần 1.000 năm đầu Tây lịch dưới thời Bắc thuộc, nhà chùa là trường học, các thiền sư là thầy dạy học, đào tạo nhiều thế hệ học trò, từ môi trường đó đã sản sinh một số nhà lãnh đạo tài ba. Song song với điều đó, tư tưởng Phật giáo đi vào nền văn hóa bản địa, tiếp tục làm giàu thêm cho nội dung của nền văn hóa này, đồng thời củng cố niềm tin trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.

Về thành tựu chính trị - xã hội, chúng ta không thể không nhắc đến sự ra đời của đất nước Vạn Xuân (544) với những nhà lãnh đạo Phật tử như Lý Nam Đế (503-548), Lý Phật Tử (571-603), sau này là vua Lý Thái Tổ (974-1028) mở đầu nhà Lý - một triều đại quân chủ Phật giáo được đánh giá là "thuần từ nhất trong lịch sử" - gắn liền với sự kiện quan trọng là dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của dân tộc ta trên mọi phương diện. Sự ứng dụng tư tưởng Phật giáo được thăng hoa ở thời Trần với những mẫu hình triết vương, là nhà vua đồng thời là thiền sư như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, tạo nên một nền Phật giáo đặc thù Việt Nam: rộng về nền móng và sâu thẳm về tư tưởng, đạo đời hòa quyện như sự hòa quyện của nước với sữa không thể tách rời, làm căn bản cho các phát triển về sau.

2. 2. Khả năng dung thông và dung hóa các hệ ý thức khác

Phật giáo đến nước ta, như một cơn mưa trên mảnh đất khô cằn, làm hồi sinh vạn vật và ngày mỗi tươi tốt hơn, đâm chồi nảy lộc rồi ra hoa kết trái, cống hiến những tư tưởng hoa thơm trái ngọt cho đời. Tư tưởng Phật giáo lấy con đường Trung đạo làm căn bản trong hành xử, nên tránh được các cực đoan, rất phù hợp với tình thế của nước ta trong mối quan hệ với phương Bắc, đặc biệt là thế đứng văn hóa trước chủ trương hủy diệt văn hóa để biến nước ta thành nô dịch lâu dài.

Nghiên cứu Thiền học các nước như Trung Hoa, Nhật Bản…, chúng ta dễ dàng thấy rằng: các dòng thiền ở Việt Nam không hề có những phương pháp truyền đạt, biểu hiện khắc nghiệt, mạnh mẽ và có phần cực đoan. Chúng ta không có những thiền sư sử dụng "thiền hát" (tiếng hét sấm sét), "thiền bổng" (gậy thiền)… để khai thị cho đệ tử như kiểu của các thiền sư Lâm Tế, Đức Sơn… ở Trung Hoa. Chúng ta cũng không có kiểu "ngồi, ngồi và chỉ ngồi" như chủ trương "toạ thiền thuần túy" của Thiền sư Đạo Nguyên (Dogen) ở Nhật Bản. Ngược lại, chúng ta có những thiền sư tích cực nhập thế, lập trường dạy học, phò nguy diệt khốn, gặp thời đất nước trong cơn nguy biến thì cầm quân xông pha nơi trận mạc đánh đuổi giặc ngoại xâm, thời bình lại lui về ẩn dật "hát khúc nghêu ngao"(1), tham cứu kinh điển, siêng năng tọa thiền… Chúng ta có những vị vua đồng thời là thiền sư liễu ngộ giáo lý vô thường, duyên sinh, vô ngã, tinh tấn hành trì "lục thời lễ sám" như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… Chúng ta có một Phật giáo ở triều đình nhưng không vì thế mà hình thành nên một Phật giáo quý tộc hay võ sĩ đạo với những nguyên tắc khắt khe như ở Nhật Bản thế kỷ thứ XI, mà cởi mở nhập thế, làm chủ thể trong quá trình tiếp biến các trào lưu tư tưởng, các hệ ý thức khác để làm phong phú thêm cho nền văn hóa Đại Việt.

Tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa không làm cho con người trở nên như ốc đảo mà ngược lại, nhận thức tính vô thường, duyên sinh và vô ngã của thế giới hiện tượng sự vật, nhận thức quy luật sinh - già - bệnh - chết của con người (Phổ khuyến Tứ sơn - Trần Thái Tông), được trang bị lý tưởng Bồ tát, nên những con người thời bấy giờ rất tích cực trong việc xây dựng một "Cực lạc hiện tiền", làm những công việc lợi đời ích đạo trong tinh thần giải thoát, vô chấp (Cư trần lạc đạo phú - Trần Nhân Tông).

Chúng ta có những vị vua lúc nào cũng ung dung thư thái, tự tại, không sống gấp thụ hưởng, không tham quyền cố vị, cũng không sợ hãi giữa trận tiền nguy khốn, bởi trong tư tưởng của họ tất cả có gì đâu, thế giới ngoại cảnh là trò ảo hóa, chỉ có việc hàng phục tâm, điều phục tâm mới là điều quan trọng:

"Giữa dòng sanh tử có không Đến đi nhàn tịnh lòng trong thư nhàn".

(Trần Thái Tông, Phổ khuyến phát Bồ đề tâm, bản dịch của người viết)

Và "bí quyết" ấy không là của riêng nhà vua - thiền sư, không của riêng ai, mà tất cả đều có thể đạt được, đều có thể có được nếu biết thực hành:

"Nào hay trí tánh căn lành Người người Bát nhã tự hành liễu thông".

(Trần Thái Tông, đã dẫn)

Một đạo Phật không là đặc quyền cho riêng ai cho tầng lớp nào, nó được khuyến khích mọi người, cả xã hội thực hành: bậc thượng, trung, kẻ hạ trí đều có phương pháp phù hợp, không bỏ sót một ai, không nề hà chuyện tăng hay tục, xuất gia hay tại gia mà điều quan trọng là quyết chí tu tâm, luôn tinh tấn làm trong sáng cái tâm mình (biện tâm).

Chúng ta có nhiều dòng thiền, nhưng không hề có sự mâu thuẫn, chỉ trích lẫn nhau giữa các dòng thiền như Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông hay Trúc Lâm Yên Tử ngay cả thời cực thịnh ở thế kỷ thứ XIII. Phương pháp hành trì hầu như không có những biểu hiện cực đoan như ở Trung Hoa hay Nhật Bản mà có sự dung thông giữa 3 yếu tố: Thiền, Tịnh và Mật. Tất cả đều được tôn trọng, những vị thiền sư biệt tài và có sở ngộ, không phân biệt mà đều có vị trí trong "tinh tú vườn thiền" (Thiền uyển tập anh), trong lịch sử Thiền - Phật giáo ở nước ta.

Đối với các hệ ý thức khác như Nho giáo hay Đạo giáo cũng vậy, tất cả đều được vận dụng và tôn trọng một cách tự nhiên, để rồi mỗi hệ ý thức đều có chỗ dụng, phát huy sức mạnh của mình trong công cuộc xây dựng xã hội, đất nước và đặc biệt là góp phần hình thành nhân cách con người, hành xử hợp thời. Điều này được đề cập rất nhiều trong các tác phẩm của Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, hoàn toàn không có sự kích bác cực đoan như Đạo Nguyên đã từng chủ trương ở Nhật Bản.

Có nghiên cứu cho rằng: đó là sự khác biệt quan trọng giữa Phật giáo Việt Nam với Phật giáo các nước. Hay nói cách khác, đó chính là đặc điểm của Phật giáo Việt Nam, của tư tưởng Việt Nam, nhân cách Việt Nam nhờ vào việc ứng dụng thực hành Phật pháp, thực hành thiền định một cách sâu sắc gắn với bối cảnh đặc biệt của đất nước. Cũng nhờ sự uyển chuyển, dung hợp và dung hóa như vậy chúng ta mới có đủ sự tỉnh thức, đủ khôn khéo có những sách lược ngoại giao linh động, tránh những va chạm không cần thiết với phương Bắc, đặc biệt là sau khi đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược. Điều quan trọng hơn cả nhờ vào những chính sách dung hóa, không phân biệt đó mà chúng ta đã huy động được sức mạnh toàn dân, kết nối trên dưới một lòng vì công cuộc bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước vững mạnh.

Điều đặc biệt của nhân cách con người thời đại này là sau các chiến thắng, cha ông ta không hề ngủ quên trên chiến công oanh liệt, thậm chí không có chủ trương xây dựng những tượng đài kỷ niệm, hay như tướng Tokimune cho xây dựng chùa ở Kamakura để kỷ niệm chiến thắng trước đội quân Mông Cổ xâm lược Nhật Bản cuối thế kỷ thứ XIII.

Chúng ta có những vị thiền sư đồng thời là thầy dạy học, là quân sư, quốc sư cố vấn chính sự cho vua, thậm chí lúc quốc gia cần thiết thì sẵn lòng đại diện triều đình tiếp đón sứ thần phương Bắc, giả dạng cả người chèo đò ở bến sông để tiếp sứ phương Bắc để ngầm thuyết phục về đất phương Nam giàu văn hiến lắm nhân tài…; chúng ta có những vị vua Thiền - Tịnh song tu nghiêm mật; mãn duyên, thiền sư quảy gót về rừng thẳm thực, lên núi cao ẩn cư; vua thì nhường ngôi cho con ở tuổi 40 để làm Thái thượng hoàng, chống gậy đi khắp các làng mạc khuyên bảo dân chúng thực hành năm giới, mười thiện nghiệp, v.v… mà không tham đắm vào quyền lực, thụ hưởng vật chất.

3. Tư tưởng Phật giáo làm nên một giai đoạn văn học trầm hùng, thanh thoát và sâu lắng

Đối với các thiền sư đời Lý, Trần nói riêng cũng như phương Đông nói chung có lẽ không có ý niệm "sáng tác văn chương", mà thi kệ, văn, phú chỉ là sự thăng hoa trong cảm xúc giải thoát khỏi các phiền trược, những sát na hoát nhiên đại ngộ, hoặc để chuyển tải những điều mà họ muốn khai thị cho đệ tử. Người ta thường nói "Văn là người", điều này càng đúng hơn với các tác giả là các thiền sư thời đó.

Nói như thế không có nghĩa là tác phẩm văn học cảm hứng tư tưởng Phật giáo, tác giả chủ yếu là các thiền sư ít giá trị nghệ thuật, mà ngược lại, rất đặc sắc về mọi phương diện. Nghiên cứu đặc điểm văn học giai đoạn đặc biệt này, Giáo sư Đặng Thai Mai đã từng nhận định rằng ngôn ngữ nghệ thuật có một điểm chung là "… không tô đậm đến cường điệu mà hết sức giản dị, nhẹ nhàng và ý nhị, không hề bị trói buộc bởi sự mê tín trước vấn đề quy luật, không tìm cách múa bút hoa hòe…"(2). Phạm Đình Hổ thì nói văn chương thời Lý-Trần "cổ áo xương minh"(3), v.v…

Về những cống hiến của Phật giáo cho nền văn học nước nhà thời Lý, Trần đã được nhiều công trình nghiên cứu khoa học của nhiều học giả trong và ngoài nước đề cập, chúng tôi cũng đã có dịp phân tích trong đề tài luận văn cao học của mình và đã được Nhà xuất bản TP.HCM ấn hành chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội(4), nên ở đây chúng tôi xin không lặp lại mà chỉ lấy ra những ý chính về giá trị tư tưởng - chìa khóa để mở cánh cửa bước vào kho tàng văn học trung đại.

Có thể nói rằng, Phật giáo đã đem đến cho nền văn học chữ viết nước ta một chương mở đầu trầm hùng và sâu lắng, nói như Giáo sư Trần Thị Băng Thanh, đã đem đến cho người đọc, cho hậu thế những "niềm vui trí tuệ và cảm xúc thẩm mỹ" đặc thù, góp phần quan trọng làm nên diện mạo - bản sắc của nền văn học nước nhà(5).

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, trong hội thảo này, với chủ đề ảnh hưởng của Phật giáo đối với thời đại Lý - Trần, văn học Thăng Long, điều quan trọng không phải chúng ta chỉ khảo sát mà bằng thế nào để làm sống dậy tinh thần của thời đại đó qua các tác phẩm văn học nhằm tạo cảm hứng sống tích cực bằng những rung cảm trước cái đẹp, trước các hình tượng văn học đầy tính tích cực cho thế hệ hôm nay.

Một điều quan trọng nữa, văn học giai đoạn này được viết bằng chữ Hán, một ít tác phẩm thi phú của nhà vua - thiền sư Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm đã cách xa chúng ta ít nhất cũng đã gần 700 năm, nên những khoảng cách về ngôn ngữ là có và có thể nói là khá lớn. Chúng tôi mong ước rằng, chúng ta phải làm sao làm một nhịp cầu nối thế hệ hôm nay với di sản văn học của tiền nhân, để họ có thể dễ dàng lĩnh hội được nội dung tư tưởng và có những rung động thẩm mỹ trước các hình tượng trong thi ca của tổ tiên, để thế hệ trẻ được có dịp "tìm lại chính mình" trong thế giới phẳng luôn có xu hướng xóa đi mọi bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Một vài tác phẩm của thời đại Lý - Trần đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở hệ phổ thông trung học và đại học, điều đó thật đáng mừng. Tuy nhiên, những dẫn giải về các tác phẩm đó, cũng như lý giải những câu hỏi thời đại, có thể nói còn quá chung chung. Chúng tôi mong muốn với chủ trương tìm về cội nguồn bản sắc dân tộc, chúng ta cần có những cuộc hội thảo được phối hợp như thế này, nhằm có sự bổ sung giữa Phật giáo và các ngành khoa học khác, để có được cách tiếp cận chính xác, gần gũi hơn với di sản của tiền nhân, với quá khứ dân tộc để nhằm phát huy các giá trị tư tưởng thẩm mỹ qua văn học, đặc biệt là văn học Phật giáo hoặc ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo vào đời sống thực tiễn hôm nay, để có thể thừa kế và phát huy các giá trị tư tưởng truyền thống nhằm xây dựng cuộc sống hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn. Bởi cuối cùng, tất cả mọi lĩnh vực khoa học, trong đó có văn học đều hướng đến mục tiêu cứu cánh là xây dựng nhân cách của con người, để con người có một tư tưởng sống và hành động sống hiền, đẹp.

4. Kết luận

Nghiên cứu về mối quan hệ giữa Phật giáo và dân tộc, Giáo sư Trần Văn Giàu đã nhận định: "Bình minh của dân tộc ta đã gắn liền với Phật giáo. Phật giáo là ngọn đuốc văn minh ở xứ ta".(6)

Tư tưởng, đạo đức Phật giáo đã được vận dụng, được thực hành ngay trong đời sống thường nhật của mọi người, từ vua quan cho đến thứ dân, điển hình như ở thời Trần qua các vị vua - thiền sư Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông như đã đề cập ở trên. Chính sự thực hành thiền định, thực hành Phật pháp như thế nên nhận chân được sự duyên khởi, vô thường, vô ngã của sự vật, hiện tượng và thân phận con người. Tinh thần đó cũng đã đi vào văn học, để văn học giai đoạn này có những bài thơ với cảm hứng rất khác lạ: thanh thoát, hùng tráng, dịu hiền và trong sáng.

Một điều đặc biệt, nếu Phật giáo đi vào Trung Hoa, Nhật Bản đều được tiếp nhận và phát triển thành những tông phái, khai tông tập thuyết, hình thành những khuynh hướng có sự cực đoan, đôi khi có sự chỉ trích lẫn nhau một cách mãnh liệt. Phật giáo Việt Nam lại không hề thấy điều đó. Trong lịch sử Phật giáo nước ta chưa có hiện tượng chỉ trích giữa các thiền phái, thậm chí cũng rất hiếm có sự đả kích đối với các hệ ý thức khác như Nho giáo hay Đạo giáo, mà có sự dung thông và dung hóa vô cùng uyển chuyển. Chính sự dung hóa, dung thông này đã tạo nên sự kết nối vô phân biệt giữa mọi tầng lớp xã hội, làm cho trên dưới một lòng, tạo thành sức mạnh lớn lao vượt qua những chướng ngại không thể ngờ được. Vì có sức mạnh nào lớn hơn khi nhà lãnh đạo "lấy cái tâm của thiên hạ làm cái tâm của mình", sức mạnh của một người là sức mạnh toàn dân, là sức mạnh của cả một dân tộc!

Hình ảnh của Trần Thái Tông ung dung tự tại giữa trận chiến, không hề nao núng trong hoàn cảnh nguy khốn giữa bốn bề là quân giặc bao vây, vẫn thong dong lấy kiếm khắc thơ lên mạn thuyền như thể đang ở tận rừng thiêng Yên Tử… Chính điều đó mới cho chúng ta một câu trả lời về câu hỏi: tại sao chúng ta có thể tồn tại, đất nước chúng ta có thể phát triển trong bối cảnh nằm cạnh một đất nước Trung Hoa không nguôi ý xâm lăng, có một nền văn hóa tiếp biến, cởi mở nhưng vẫn giữ được bản sắc trước âm mưu hủy diệt văn hóa của phương Bắc?

Phong thái ấy, nhân cách ấy, sự vô ngại ấy được nhà thơ Huy Cận khắc họa nên hình tượng rất đẹp mà nếu không thấy được phần ngầm của một tảng băng trôi thì sẽ khó có thể lý giải nổi:

"Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững. Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa. Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng, Rất hiên ngang mà nhân ái chan hòa".

Tư tưởng là cội nguồn của hành động. Tư tưởng Phật giáo được đúc kết từ giáo lý duyên sinh, vô thường, vô ngã cùng với lý tưởng Bồ tát "lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tâm của thiên hạ làm tâm của mình" đã làm nên những hành động hiền, đẹp của một thời đại như nhà vua - thiền sư Trần Nhân Tông đã viết trong "Cư trần lạc đạo phú".

Chính tư tưởng đó, hành động hiền, đẹp đó là nguồn cảm hứng chính cho những tác phẩm văn học một nét trầm hùng, thanh thoát và sâu lắng đến tột đỉnh, là phân chất cuộc sống tưới tẩm để có những đóa hoa tinh khôi huyền diệu, một vườn hoa thi ca của thời đại với nhiều "kỳ hoa dị thảo" để cung hiến trở lại một dòng tư tưởng sống hiền đẹp, phụng sự trang nghiêm cõi đạo, cõi đời.