Trần văn giàu là ai

Thứ Tư, ngày 4 tháng 5 năm 2022

Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng lỗi lạc, nhà giáo tận tâm, nhà khoa học uyên bác, một nhân cách lớn ở Nam Bộ

Trần văn giàu là ai
Trần văn giàu là ai

Cập nhật: 19:18 25-09-2016

(Thanhuytphcm.vn)- Chẵn trăm tuổi, trọn vẹn một thế kỷ sinh ra và cống hiến cho dân tộc và nhân loại, giáo sư Trần Văn Giàu từng “bao phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỉ vẫn còn dư sức lực. Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm phiến loạn, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử, luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm (!)... Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao”(1). Nhưng trên hết, cuộc đời ông đích thực là tấm gương sáng trong của một nhà cách mạng lỗi lạc, nhà giáo nhân dân tận tụy, nhà khoa học uyên thâm, một nhân cách tiêu biểu rất Nam Bộ.

Trần Văn Giàu sinh năm 1911 tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An, (nay là Long An), thuộc miền Đông Nam Bộ. Ông lấy bí danh Hồ Nam; bút danh: Tầm Vu, Gió Nồm, M. N. Ông là một chứng nhân lịch sử, vừa là nhà sử học hàng đầu của Việt Nam. Trong ông là tổng hòa của sự hòa quyện một cách nhuần nhuyễn giữa nhân cách của một nhà cách mạng chuyên nghiệp lỗi lạc với nhà khoa học uyên bác, nhà giáo nhân dân tận tâm và một nhân cách lớn ở Nam Bộ. Ông còn là đồng Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Trần Văn Giàu xuất thân trong gia tộc họ “Trần Đức”, với viễn tổ là ông Trần Đức Tăng (đời thứ nhất), có tổ quán (quê gốc) tại thôn Hòa Ninh, tổng Trung, huyện Phù Mỹ, (nay là thôn Hòa Ninh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Cao tổ của ông là ông Trần Đức Loan (đời thứ tư), sinh năm Canh Tý (năm 1720), vào Nam lập nghiệp khoảng năm 1760, nên con cháu tôn ông làm cao tổ họ Trần ở phương Nam, định cư lập nghiệp nông gia tại thôn An Tập, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông tổ Trần Đức Loan sinh hạ được năm trai, năm gái; nhưng chỉ có ông tổ Trần Đức Chấn (chi trực hệ, đời thứ năm) sinh hạ được năm trai, bốn gái và có con cháu nối dòng đến nay là đời thứ mười bốn. Lại nói trong số năm người con trai, của ông tổ có người con trưởng là Trần Đức Bốn (đời thứ sáu) sinh hạ được ba trai, hai gái. Trong đó, trưởng nam Trần Đức Thủ (đời thứ bảy) sinh hạ ông Trần Đức Dụng (đời thứ tám). Ông Trần Đức Dụng sinh hạ được năm trai, năm gái. Trong đó, người con trai thứ hai là ông Trần Văn Chơi (đời thứ chín) chính là phụ thân của giáo sư Trần Văn Giàu (đời thứ mười).

Như vậy, theo phả hệ gia tộc họ Trần ở Châu Thành (Long An) thì giáo sư Trần Văn Giàu là con trai út của ông Trần Văn Chơi, là cháu nội của ông Trần Đức Dụng, là cháu cố ông Trần Đức Thủ và cháu sơ của ông Trần Đức Bốn. Trong gia phả của gia tộc họ Trần (Long An) có ghi lại một biến cố lớn khiến họ “Trần Đức” phải đổi sang “Trần Văn” (từ đời thứ chín trở đi). Biến cố này có nguyên do là ông nội của giáo sư Trần Văn Giàu vốn là nghĩa quân chống thực dân Pháp xâm lược (lần thứ nhất), dưới cờ nghĩa của Thủ Khoa Huân. Khi ông qua đời, nhằm tránh việc bị chính quyền thực dân san mồ mả để trả thù, thay vì an táng ông tại đất nhà ở ấp Hồi Xuân (nay là Dương Xuân Hội), bên cạnh mộ người vợ quá cố là bà Dương Thị Điển thì con cháu phải đưa thi hài ông về an táng tại ấp Long Thành, xã Long Trì (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Ngay cả khi phụ thân của giáo sư Trần Văn Giàu là ông Trần Văn Chơi qua đời (năm 1936, khi Trần Văn Giàu bị kết án năm năm tù, đày ra Côn Đảo), con cháu ông cũng phải khai khác đi trong bản khai tử: lẽ ra phải khai tên cha mẹ là ông Trần Đức Dụng và bà Trương Thị Điển, người nhà lại khai tránh đi như:

“- cha: Trần Văn An (là tên người anh thứ sáu của Trần Văn Giàu), cũng là người đã cùng anh trai Trần Văn Nuôi tham gia phá Khám Lớn Sài Gòn thất bại, trở về quê và qua đời khi chưa lập gia đình.

- Mẹ: Nguyễn Thị Khá (tên người kế mẫu của ông Trần Văn Chơi)”.

Nhờ sự cẩn trọng của con cháu mà mồ mả từ ông tổ cho tới phụ thân của giáo sư Trần Văn Giàu được bảo vệ nguyên vẹn cho tới ngày nay. Lần theo phả hệ gia tộc họ Trần ở Châu Thành (Long An) cho thấy giáo sư Trần Văn Giàu được sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống đấu tranh yêu nước. Năm 15 tuổi ông được gửi lên Sài Gòn học tại Trường Chasseloup Laubat và ông đã nhanh chóng bắt kịp nhịp sống của một đô thị trung tâm, từng được ví như “hòn ngọc viễn Đông”. Cùng năm đó (1926), ông hăm hở tham gia vào phong trào đưa tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 17 tuổi (1928), ông tốt nghiệp bậc trung học tại Trường Chasseloup Laubat (do Tây mở từ năm 1921), được gia đình cho sang Pháp du học.

Trước khi lên đường du học, Trần Văn Giàu từng hứa với hai bên nội ngoại sẽ thực hiện nguyện vọng của hai gia đình (vì ông đã hứa hôn với bà Đỗ Thị Đạo) rằng sẽ “lấy bằng được hai tấm bằng Tiến sĩ Luật và Tiến sĩ văn chương, rồi về nước mở văn phòng luật sư và viết báo đấu tranh cho công lý”(2).

Thế nhưng, khi đặt chân lên đất Pháp, Trần Văn Giàu tận mắt chứng kiến thực tế xã hội Pháp không giống như những gì chính phủ Pháp tuyên truyền trong bản “Tuyên ngôn dân quyền”, với bao mỹ từ như "tự do, bình đẳng, bác ái”. Đặc biệt, sau khi ông tìm đọc được cuốn sách cấm "Bản án chế độ thực dân Pháp" của Nguyễn Ái Quốc, thì những dự định riêng để mưu sinh trong ông đã thay đổi hoàn toàn. Năm 1929, Trần Văn Giàu gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và chàng sinh viên 18 tuổi tràn đầy nhiệt huyết ấy quyết định giã từ ước muốn trở thành luật sư để rẽ sang một con đường mới – con đường đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

Được sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nam bộ, với tư chất thông minh vốn có, lại được học hành đến nơi đến chốn, thậm chí được du học tận nước Pháp thì mong muốn có cuộc sống vinh thân phì gia nào có khó gì, chí ít cũng an nhàn yên ổn. Nhưng Trần Văn Giàu đã lựa chọn con đường đầy nguy hiểm, chông gai, lấp đầy những thăng trầm. Nỗi day dứt lớn nhất trong ông giành cho người bạn đời mà ông thường âu yếm gọi là “Kiều Nguyệt Nga ở thế kỷ 20”. Cả hai con người yêu thương sâu sắc ấy từ nhỏ vốn rất đam mê truyện Lục Vân Tiên, nên trước lúc lên đường du học, Trần Văn Giàu trao cho người vợ chưa cưới cuốn Lục Vân Tiên và ông cũng đem theo một cuốn làm hành trang khi xa xứ, như lời ước hẹn thủy chung. Ở chốn quê nhà, bà Đỗ Thị Đạo được xem như nàng “Nguyệt Nga” giữa thời đương đại với thân phận của một cô gái có học, xinh đẹp, giàu có, nhưng khổ nỗi chồng đi biền biệt, khiến bao chàng trai ngấp nghé. Hết tránh rồi lại né mãi chẳng xong, bà vào chùa học dệt vải, ủ tương, làm công quả chờ chồng. Bà phải trải qua bao dông bão của cuộc đời và mãi cho đến khi ông được điều trở lại chiến khu Việt Bắc, bà mới được tổ chức bí mật đưa ra đất Bắc để sum họp cùng chồng.

Sau này trong cuộc đời học thuật của mình, giáo sư Trần Văn Giàu đã viết không ít tác phẩm văn học, sử học đề tặng người bạn đời thủy chung của mình như: “Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh”, được ông nghiền ngẫm viết từ năm 1974, với tên gọi lúc đầu là “Đạo làm người của Nguyễn Đình Chiểu” và 32 năm sau mới xuất bản vào năm 2006, hay cuốn hồi ký của ông viết xong năm 1984, với tựa đề “Hồi ký Trần Văn Giàu – Những năm tháng tôi sống có chất lượng nhất (1940 – 1945)”. Về sau được đổi tên thành phần “Tự bạch”, được in trong tác phẩm “Tổng tập Trần Văn Giàu”, tập 3, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2008. Ngay cả khi giáo sư bán căn nhà vốn được Nhà nước cấp tại đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), ông quyết định chia tiền ra làm ba phần: một để mua căn nhà nhỏ hơn ở đường Lý Thường Kiệt (Quận 11), một để lập “Giải thưởng Trần Văn Giàu”, một giải thưởng mà ông ấp ủ suốt quãng thời gian rất dài, được tính bằng thập kỷ “Tôi có một tâm nguyện từ vài chục năm nay là lập một giải thưởng khoa học ở thành phố Hồ Chí Minh về hai lĩnh vực mà tôi gắn bó nửa thế kỷ nay: Sử học và lịch sử tư tưởng nói ở đây là bản sắc của Việt Nam, với giải thưởng còn cụ thể hóa hơn: khu vực Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh”(3); một phần nữa ông giành xây dựng ngôi trường mẫu giáo mang tên người vợ yêu thương của mình là bà Đỗ Thị Đạo – nàng “Kiều Nguyệt Nga ở thế kỷ 20” ngay tại quê hương Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) như một lời tri ân cùng người tri kỷ. Quả là trái tim ông được chia rạch ròi thành ba phần tươi rói: Phần cho mái ấm gia đình, phần giành cho khoa học và phần để em yêu.

Sinh thời, Giáo sư Trần Văn Giàu rất thương vợ. Ông từng chia sẻ: cả một thời trai trẻ, ông đã phải rời xa bà rất lâu để đi làm cách mạng, nên sau này ông quyết bù đắp lại cho bà. Chẳng vậy mà khi bà về với tổ tiên trước ông 5 năm, ông đã theo di nguyện của bà đưa linh cữu bà hỏa táng rồi mang bình tro cốt về thờ ngay tại nhà riêng, để “Nguyệt Nga” luôn hiện diện trong nhà và luôn bên ông.

Hôm nay, kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của ông, “Kiều Nguyệt Nga ở thế kỷ 20” đã, đang và sẽ sum họp bên ông mãi mãi.

Trong cuốn hồi ký của mình, giáo Trần Văn Giàu có ghi lại những ký ức mà ông coi là “đoạn trường tân thanh” - khúc ca đứt từng khúc ruột. Và ông ghi chú như một lời tự động viên, an ủi mình: “Can đảm mấy cũng đứt ruột. Đứt ruột mà vẫn phải can đảm”. Ấy là những thời khắc vò xé tâm can khi người sinh viên Trường Đại học luật Toulouse (Pháp) được thanh niên, sinh viên, thợ thuyền Việt kiều ở Toulouse cử lên Paris để tham gia cuộc biểu tình phản đối chính quyền thực dân Pháp đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Chàng sinh viên Trần Văn Giàu trước hết đã nghĩ đến công cha, áo mẹ phải chắt chiu dành dụm để có thể cho con sang Pháp du học và ngóng đợi đến ngày con thành tài; sau nghĩ đến cô vợ mới đính hôn đang mong chờ từng ngày được trở thành “bà phu nhân luật gia” danh giá, cùng với lời hứa của ông về hai tấm bằng tiến sĩ. Nhưng trong mắt ông, hình ảnh cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, với 13 nhà lãnh đạo khởi nghĩa bị kết án tử hình có sức lay động, thôi thúc ông lựa chọn giữa hai con đường và Trần Văn Giàu đã chọn con đường thứ hai. Tháng 5 năm 1930, từ Toulouse, nơi ông đang du học, hăm hở lên tận Paris biểu tình ngay trước dinh Tổng thống Pháp, đòi chính phủ xóa 13 bản án tử hình giáng xuống sinh mạng những nhà ái quốc Việt Nam. Kết quả, chàng sinh viên mới 18 xuân xanh ấy bị bắt giam tại nhà tù Loa Roquillis, với tội danh là "phần tử nguy hiểm đối với chế độ (!)".

Tháng 6 năm 1930, Trần Văn Giàu bị trục xuất về nước. Song ông không hề ân hận về việc làm của mình, chỉ áy náy về sự thất hứa với gia đình trước lúc lên đường. Thế nhưng "tứ thân phụ mẫu" chẳng một lời trách mắng, ngược lại đồng hành cùng ông luôn có ba, có má và cô vợ trẻ tuyệt vời. Cha mẹ không hề la rầy ông vì chuyện bị đuổi học, gia đình vợ không thất vọng vì chàng rể không còn cơ hội trở thành luật sư, vì tất cả đều thấm thía nỗi đau mất nước và thấu hiểu con đường mà Trần Văn Giàu đã chọn. Đó chính là hành trang vô giá mà ông mang theo bên mình để thanh thản dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng. Thậm chí bố vợ ông – người từng gắn bó với cụ Nguyễn Sinh Huy (phụ thân Chủ tịch Hồ Chí Minh) còn trầm ngâm nói với con rể: "Thế là tốt! Trung cũng là hiếu, có sao!". Trở lại Sài Gòn, Trần Văn Giàu dạy học tại Trường tư thục Huỳnh Công Phát, đồng thời tham gia hoạt động cách mạng ở khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn(4), được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tổ chức phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Và tám thập kỷ sau, vào năm 2009, khi các phương tiện truyền thông đưa tin: “Giáo sư Trần Văn Giàu, người đảng viên đầu tiên được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng “Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng”, ông đã xúc động biết nhường nào khi chia sẻ: “đây là sự ghi nhận vô giá của Đảng và nhân dân giành cho ông”. Nhắc đến giáo sư không ai có thể quên được những năm dài hoạt động cách mạng sôi động ở nơi đất khách: 18 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, 19 tuổi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, 20 tuổi theo học Trường đại học Phương Đông (ở Matxcơva), được đào tạo rất bài bản về triết học và lý luận vận động cách mạng. Ông đã miệt mài học tập, nghiên cứu và năm 1934, bảo vệ xuất sắc đề tài: "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương", được bạn bè quốc tế nể phục. Sau này nhiều người trong số họ đã trở thành các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia Châu Âu.

Tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, Trần Văn Giàu rời đất nước của Lênin trở về Tổ quốc và được tổ chức phân công phụ trách công tác đào tạo cán bộ cho Đảng. Trở về Sài Gòn, ông tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, xuất bản tờ báo “Cờ đỏ” và bộ sách “Cộng sản Tùng thư”. Vừa có tài diễn thuyết, cộng với vốn kiến thức sâu rộng cũng như kinh nghiệm hoạt động phong phú tiếp thu được ở Pháp, Liên Xô, Trần Văn Giàu nhiệt thành tham gia vào những buổi diễn thuyết trước hàng ngàn người dân Sài Gòn, nhằm đánh thức lòng yêu nước trong dân. Qua đó, uy tín của ông ngày càng tăng trong quần chúng và cả trong giới nhân sĩ trí thức Nam Bộ. Có thể nói Trường Đại học Phương Đông là nơi đào luyện Trần Văn Giàu trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Với nguồn tri thức tiếp thu được từ ngôi trường danh tiến Phương Đông làm hành trang, Trần Văn Giàu đã tích lũy được nhiều bài học quý giá sau những tháng ngày đi “vô sản hóa” với công nhân hãng Ba Son; từng làm thợ hồ ở Đà Lạt, sau những ngày vượt ngục Tà Lài; từng cấy lúa, trồng thơm ở rừng U Minh nhằm tránh sự tầm nã của mật thám, vừa tạo nguồn tài chính để móc nối cơ sở, khôi phục lại phong trào cách mạng sau những đợt khủng bố trắng của đế quốc đối với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, với bốn lần vào tù ra khám, cộng lại thành 12 năm bị giam cầm, đầy đọa trong các xà lim cấm cố tại các nhà tù khét tiếng của thực dân Pháp như Khám Lớn Sài Gòn, nhà tù Côn Đảo, căng Tà Lài… Song với tinh thần hy sinh tất cả vì lý tưởng cách mạng, Trần Văn Giàu đã ung dung vào tù ra khám và tên tuổi ông nổi như cồn do chính những cai ngục của chính quyền thực dân nể phục, phong ông là “giáo sư đỏ”. Ấy thế vẫn không tránh khỏi những đêm mất ngủ, nhất là những ngày cuối cùng của bản án 5 năm tù cấm cố. Sau này giáo sư Trần Văn Giàu hồi tưởng lại: “Càng gần mãn án, ngày bỗng dài ra như vô tận. Tôi đột nhiên nổi lên cái ý thức về nợ gia đình không làm sao trả nổi. Tôi nhớ mẹ, nhớ vợ, nhớ phần mộ cha tôi trên đám ruộng trước nhà, nhớ ngôi nhà cũ kỹ nơi tôi sinh ra và lớn lên. Cha tôi chết khi tôi còn ở đảo Côn Lôn. Trước khi tắt thở, ông vịn cột đứng dậy, lần theo vách, vừa đi vừa kêu: “Ký ơi! Con đi đâu không về với tía?”, (Ký là tên cúng cơm của giáo sư Trần Văn Giàu khi còn nhỏ). Để có thể vượt qua Trần Văn Giàu đành tự trấn an mình bằng lý trí “lấy trung làm hiếu chứ làm sao khác được!”.

Với những hoạt động chống chính quyền thực dân công khai của mình, Trần Văn Giàu trở thành “mục tiêu” theo dõi và truy tìm của chính quyền thực dân ngay cả khi ông đang còn du học ở Pháp. Vì vậy, ngày 25 tháng 6 năm 1935, ông bị tòa đệ hình Nam Kỳ của Pháp tại Sài Gòn bắt và kết án 5 năm tù, 10 năm quản thúc vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền”. Ông bị giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn, mang số tù 6.826 mpp. Sẵn có uy tín cũng như học thức cao, thông thạo tiếng Pháp, Trần Văn Giàu được các tù nhân cử làm Tổng đại diện, nhiều lần đấu tranh trực diện với các chúa ngục, đòi cải thiện chế độ sinh hoạt của tù nhân. Trước ảnh hưởng của ông, thực dân Pháp buộc phải cách ly ông với các tù nhân khác. Ngày 26 tháng 6 năm 1937, Trần Văn Giàu cùng một số tù chính trị khác bị đưa vào biệt giam tại hầm xà lim cấm cố của Khám Lớn Sài Gòn cho đến khi mãn hạn tù(4).

Ngày 23 tháng 4 năm 1940, ông hết hạn tù, nhưng bị “bắt nguội” lại chỉ sau mấy ngày và đưa đi an trí tại căng Tà Lài. Cùng chung chuyến áp giải tù nhân lên căng Tà Lài còn có hai người đồng chí của ông là Tào Tỵ và nhà báo Nguyễn Công Trung, do người lính trùng tên, có cảm tình với ông là Trương Văn Giàu áp tải. Tại căng Tà Lài, một lần nữa ông được cử làm Tổng đại diện tù nhân, tiếp tục đấu tranh với các chúa ngục, vừa mở lại các lớp học lý luận chính trị, cũng như các khóa huấn luyện cán bộ cơ sở cách mạng ngay trong nhà tù đế quốc. Chính quyền thực dân Pháp thường cho rằng hệ thống nhà tù man rợ của họ có thể giam cầm, chí ít cũng có thể làm lung lay tinh thần những chiến sĩ cách mạng. Song họ đã nhầm khi những người cộng sản quyết biến nhà tù đế quốc, thực dân thành trường học cách mạng, với những người thầy tận tụy, kiên trung như “Giáo sư Đỏ” Trần Văn Giàu. Trong tù, dù ở đất liền hay ngoài biển khơi mịt mùng song gió, Trần Văn Giàu thường xoay trần trên nền xi măng của xà lim, cặm cụi, bí mật soạn ra hàng chục tài liệu tuyên truyền, huấn luyện. Vượt qua sự rình rập, đòn roi khủng bố của mật thám, vị "giáo sư Đỏ" hăm hở tham gia giảng dạy cho các lớp huấn luyện của Đảng ở trong tù, góp phần trang bị cho nhiều lớp cán bộ, đảng viên những tri thức lý luận và kỹ năng tuyên truyền, tổ chức cốt yếu nhất. Nhiều "học viên" của "Trường Đại học Cách mạng" ấy sau này đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, như Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phan Đình Khải (Lê Đức Thọ)...

Năm 1941, ông cùng các đồng chí của mình vạch kế hoạch tổ chức vượt ngục. Bản thân ông là một trong tám thành viên tham gia cuộc vượt ngục (đợt 2) vào đầu tháng 3 năm 1942, gồm các nhân vật: Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt, Dương Văn Phúc, Trương Quang Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức và Tô Ký. Cuộc vượt ngục thành công, các thành viên phân tán đi về nhiều hướng. Riêng Trần Văn Giàu ngược đường 20 lên Đà Lạt làm phu thợ hồ để che mắt địch và nghe ngóng tình hình. Sau đó ông di chuyển từ miền Đông xuống miền Tây Nam Bộ, tìm cách bắt lại liên lạc, móc nối cơ sở và trở lại hoạt động trên địa bàn Sài Gòn(5).

Từ ngày 13 đến 15 tháng 10 năm 1943, Xứ ủy Nam Kỳ được tái lập, Trần Văn Giàu được bầu làm Bí thư. Với chủ trương: "Ta phải mạnh hơn tất cả các chánh đảng và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân được”(6) , Trên Xứ ủy Nam Kỳ khẩn trương khôi phục tổ chức Đảng các cấp. Đặc biệt các cơ sở tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Đích thân Bí thư Xứ ủy phụ trách Ban cán sự thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Đồng thời phục hồi tổ chức công đoàn, thành lập Tổng công đoàn Nam Kỳ (tháng 4 năm 1944). Nhờ đó, trong vòng nửa năm,Xứ ủy đã phát triển được 40 công đoàn cơ sở với 5.000 đoàn viên. Mặt khác, tập hợp nhiều trí thức sinh viên, nhà công thương vào một số tổ chức như Tân dân chủ đoàn, Hội truyền bá quốc ngữ, nhóm báo Thanh niên. Xuất bản tờ báo “Tiền Phong” và các loại sách bỏ túi như "Việt Nam trên đường độc lập", "Rạng đông của dân tộc"..., mở các lớp huấn luyện chính trị do chính ông trực tiếp làm giảng viên(7). Nhà sử học David Man đã nhận xét: “Trần Văn Giàu chỉ thị cho đảng viên cộng sản gia nhập Thanh niên Tiền phong ở mọi cấp, dùng Thanh niên Tiền phong làm vỏ bọc hợp pháp để khôi phục những mối liên lạc bí mật và làm phương tiện móc nối với các nhóm chống thực dân khác…Những đảng viên cộng sản tham gia TNTP đã lợi dụng địa vị hợp pháp của họ để tiến hành những công việc bí mật của Đảng như lập lại các mối quan hệ với chi bộ địa phương, kết nạp những đoàn viên TNTP đáng tin cậy nhất vào những "đội xung phong" hay thành lập các đơn vị Cứu quốc của Việt Minh”………

“Kiểm soát tổ chức thanh niên được thành lập dưới sự bảo trợ của Nhật gọi là Thanh niên Tiền phong… Thanh niên Tiền phong đóng vai trò vỏ bọc cho những nỗ lực của Đảng vận động thanh niên yêu nước phục vụ sự nghiệp cách mạng trong tương lai… Phong trào này lan rộng trong giai đoạn mùa xuân và mùa hè 1945 tại các trường học, nhà máy và làng xã. Đến tháng 8, Thanh niên Tiền phong đã có số hội viên trên một triệu, ở hầu hết các tỉnh Nam Bộ”.

Sau khi nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, ngay sáng ngày 20 tháng 8, hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai tiếp tục bàn việc khởi nghĩa, dự định sẽ khởi nghĩa ngay chiều hôm đó. Tuy nhiên, vẫn có đại biểu vẫn có ý e ngại việc quân Nhật vẫn còn một lực lượng có thể trấn áp tại Sài Gòn. Trần Văn Giàu đề nghị chọn Tân An (quê hương ông) khởi nghĩa thí điểm và cử đại biểu trở về tỉnh phát động nổi dậy. Khởi nghĩa ở Tân An thành công tối ngày 22 tháng 8. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba tối ngày 23 tháng 8 đã lập tức chỉ định lập Ủy ban Hành chính lâm thời cho toàn Nam Bộ, gọi tắt là Lâm ủy Nam Bộ, với Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Chiều 24 tháng 8, lực lượng Thanh niên Tiền phong vũ trang dưới quyền lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ ở Tân An, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh khởi nghĩa giành chính quyền và sau đó dồn về Sài Gòn. Ngày 25 tháng 8, đến lượt Sài Gòn nổ ra cuộc biểu tình lớn và hầu hết các cơ sở quản trị lọt vào quyền kiểm soát của Lâm ủy Nam Bộ.

Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh dõng dạc tuyên bố trước thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hàng triệu đồng bào Nam Bộ tập trung tại một cuộc mít tinh lớn ở Sài Gòn để nghe tiếp âm bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc tại cuộc mít tinh lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Song vì thời tiết xấu, kỹ thuật truyền thanh trục trặc, lời Tuyên ngôn của Hồ Chủ tịch không đến được với đồng bào Sài Gòn – Nam Bộ. Trước tình thế trên, Ban Tổ chức phân công Chủ tịch Trần Văn Giàu thay mặt chính quyền cách mạng phát biểu. Vừa bất ngờ, vừa xúc động, Trần Văn Giàu ứng khẩu bài diễn văn thật xuất sắc, mà theo nhà báo Trần Bạch Đằng thì: "Bí thư xứủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu bí quá, ứng khẩu nói những điều mà chính cái hồn cách mạng đã cho phép ông mang được tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn độc lập đến với phần đất xa xôi nhất của Việt Nam này".

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn trở lại ở Sài Gòn, nhân dân lục tỉnh dao kiếm, súng kíp, gậy tầm vông vạt nhọn trong tay, nhất tề đứng lên chặn bước tiến quân thù, Trần Văn Giàu lại đứng đầu sóng ngọn gió với trọng trách Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Ông có mặt trên khắp các chiến lũy, phòng tuyến Sài Gòn như Cầu Chữ Y, Cầu Kiệu, Bình Triệu, Cầu Bông…để động viên đồng bào, chiến sĩ ngăn chặn bước chân xâm lược của kẻ thù…

Cách mạng Việt Nam mới thành công, tình hình chính trị trong nước rất khó khăn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lột tả tình cảnh đất nước lúc đó như “ngàn cân treo sợi tóc” giữa vòng vây của một “biển thù”: phía Bắc, tướng Trương Phát Khuê dẫn theo đội quân “Hoa quân nhập Việt”, với mật lệnh của Tưởng Giới Thạch: “Cầm Hồ, diệt cộng!”. Trong lúc đám tay sai phản động Việt Quốc, Việt Cách theo chân quân Tàu Tưởng ra sức phá phách, tổ chức những vụ khủng bố, bắt cóc, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng bằng vũ lực.

Tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ nhận lệnh ra Bắc công tác cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Đây cũng là lần đầu tiên ông ra thủ đô Hà Nội. Để tiện đi lại, ông ở trọ nhà ông Đỗ Đình Thiện là người bạn học của ông hồi ở Pháp. Khi biết sẽ được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông rất băn khoăn vì từ Nam Bộ ra thủ đô mà ông không có bộ đồ Tây nào đàng hoàng, chỉ có quần áo sơ mi trông rất tềnh toàng, nên đã thổ lộ tâm tư với bạn. Ông Thiện mau mắn dẫn bạn ra phố Hàng Trống may một bộ đồ nỉ hết sức đẹp, với bộ cúc áo trông rất sang trọng. Ông Thiện vui vẻ nói với bạn: “Ông Giàu ở Sài Gòn ra phải mặc như vậy để vào gặp Cụ Hồ chứ…”.

Hôm vào gặp Cụ Hồ, ông Giàu đóng ngay bộ quần áo mới. Nào ngờ khi gặp ông, Cụ Hồ cầm ngay tay áo giơ lên xem bộ cúc và khen “Bộ quần áo nỉ đẹp quá, bộ cúc áo cũng thật đẹp!”. Lúc đó ông Thiện bèn nói nhỏ với bạn: “Ông Cụ đang phê bình ông đấy!”. Về tới nhà ông Giàu cất vội bộ đồ mới và lần sau đến gặp Cụ Hồ, ông mặc bộ đồ kaki bình thường. Hồ Chủ tịch bắt tay ông niềm nở, không khen chê gì hết. Ông Giàu hiểu, đó là cách Cụ “chỉnh” cán bộ. Là cán bộ không được se sua, phải ăn mặc chỉnh tề, tươm tất, đàng hoàng, đơn giản như mọi người. Trong khoảng thời gian lưu lại ở miền Bắc khoảng một tháng, hàng ngày ông đều đến ăn cơm trưa với Cụ Hồ tại Phủ Chủ tịch. Nhưng có nhiều bữa chiếc ghế Cụ Hồ sắp đặt cho ông trống. Thấy vậy, Cụ hỏi những người ngồi ăn chung: “Chú Giàu dạo này ăn ở đâu, sao ít thấy đến ăn trưa ở đây vậy?”. Anh em thưa lại với Cụ: “Chắc anh ấy đi ăn cơm ở nhà ông Đỗ Đình Thiện!” (Ông Đỗ Đình Thiện là một trong những nhà tư sản giàu bậc nhất Hà Nội, cũng là người đã đóng góp nhiều tiền ngân khố vào kho bạc đang trống rỗng của chính quyền cách mạng). Sau đó Trần Văn Giàu nghe anh em nói lại, khi nghe nói ông ăn cơm ở nhà ông Đỗ Đình Thiện, Cụ Hồ bảo: “Chắc ăn cơm với Bác khổ quá nên chú Giàu đến ăn cơm nhà ông Đỗ Đình Thiện ngon hơn”. Bản thân Trần Văn Giàu cũng nghe Cụ Hồ nói trực tiếp: “Ăn cơm với Bác cực quá nên chú lại ăn cơm với ông Thiện phải không?”.

Rất nhẹ nhàng nhưng với Trần Văn Giàu thì đó là lời nhắc nhở thật thấm thía, vì trong lúc người dân đang khốn khổ bởi nạn đói năm Ất Dậu (1945), người dân chết đói xác phơi đầy đường, phàm đã là cán bộ phải biết khổ cùng với cái khổ của dân, phải sướng sau dân, vậy mà ông là cán bộ cách mạng lại tìm đến chỗ cơm ngon để ăn thì quả là không chấp nhận được.

Để chuộc lỗi, Trần Văn Giàu với tài hùng biện đã hăng hái tham gia các buổi diễn thuyết ở Hà Nội, nhằm kêu gọi quần chúng ủng hộ cách mạng, vừa tham dự các buổi tranh luận với nhiều nhân vật "tai to mặt lớn" của đảng Việt Quốc, Việt Cách. Ông lần lượt “hạ gục” họ trước công chúng bằng lý luận sắc bén, cộng với thực tế vận động cách mạng vô cùng phong phú, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân thủ đô qua những câu chuyện gần như huyền thoại. Đương nhiên, đám tay sai Việt Quốc, Việt Cách ấy rất căm tức. Giáo sư Hoàng Như Mai, lúc đó là phóng viên một tờ báo ở Hà Nội đã kể lại: Vào đúng ngày “Giáo sư Đỏ” Trần Văn Giàu dự kiến sẽ diễn thuyết tại Nhà hát lớn Hà Nội, đám Việt Quốc, Việt Cách bắn tin trên báo: “Nếu tối nay Trần Văn Giàu còn diễn thuyết nữa, họ sẽ lấy mạng ông!”.Tin bắn trên báo đã khiến cho buổi diễn thuyết tối đó thu hút rất đông thính giả vì ai cũng muốn biết diễn giả Trần Văn Giàu có gan đến diễn thuyết hay không(?). Vì lẽ trên, Nhà hát Lớn Hà Nội chật ních người ngồi, kẻ đứng và càng lúc, không khí càng căng thẳng. Đã đến giờ mà chưa thấy diễn giả xuất hiện. Hội trường im phăng phắc. Đám Quốc dân đảng đắc chí ra mặt; trong khán phòng bắt đầu có tiếng xì xào: "Sao diễn giả chưa xuất hiện ? Hay là...". Đúng lúc ấy tiếng vỗ tay nổi lên. Trần Văn Giàu đàng hoàng bước ra sân khấu, trên tay cầm tờ báo có đăng lời đe doạ của đám tay sai phản động. Ông vừa đi, vừa dõng dạc đọc đoạn tin bắn đó, rồi gấp tờ báo, vứt xuống sàn, rồi tiến đến trước micro bắt đầu nói rất hùng hồn hơn những buổi diễn thuyết trước đó. Đám Quốc dân đảng tức tối ra mặt: một quả lựu đạn cháy chậm nổ ở trước chiếc xe ô tô đang đợi ở ngoài đường để đưa diễn giả Trần Văn Giàu về nhà. Nhưng thời điểm đó, đám đông thính giả vẫn đang vây quanh Trần Văn Giàu tung hô. Đám tay sai phản động không thể hại được nhà hùng biện Trần Văn Giàu vì thính giả - những người dân thủ đô đã bảo vệ ông. Khí phách Trần Văn Giàu là vậy! Nhưng ông nhớ Sài Gòn, nhớ Nam Bộ và tha thiết xin Cụ Hồ cho trở về Nam chiến đấu bên đồng bào, đồng chí của mình. Song Hồ Chủ tịch dự định sẽ giới thiệu Trần Văn Giàu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, tại đơn vị ứng cử Hà Đông. Ông tha thiết xin ra mặt trận chiến đấu không được bèn đến gặp Võ Nguyên Giáp và được chấp thuận cho ông đến ba nước Đông Dương (Lào – Thái Lan – Campuchia) để vận động phong trào yêu nước của bà con Việt kiều, làm chỗ dựa cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Cũng nhờ sáng kiến trên, trong suốt những năm 1945 – 1948, lần đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc đã sản sinh ra lực lượng vũ trang Hải ngoại, được tổ chức, huấn luyện, trang bị và trưởng thành từ phong trào yêu nước của bà con Việt kiều, với các tiểu đoàn Trần Phú, Cửu Long, Hải Ngoại có mặt kịp thời bên cạnh lực lượng “Bộ đội Nam Tiến” tại chiến trường miền Đông, miền Trung và miền Tây, Nam Bộ, góp phần quan trọng cùng quân dân Nam Bộ giam chân thực dân Pháp ở miền Nam để cả nước có được khoảng thời gian quý giá một năm chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến. Giáo sư Hoàng Như Mai quả rất tinh tường, sắc sảo khi viết tặng người thầy rất mực đáng kính của mình những dòng đúc kết súc tích đến lạ kỳ, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của giáo sư Trần Văn Giàu (11/9/1911 – 11/9/1996), người từng “bao phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỉ vẫn còn dư sức lực. Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm phiến loạn, đã từng điều binh khiển tướng.. Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao”(8).

Năm 1949, Trần Văn Giàu về nước, đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc Nha Thông tin. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (năm 1951) đường đời của ông có bước ngoặt quan trọng, do đường lối kháng chiến được xác định: “Vừ kháng chiến, vừa kiến quốc”. Muốn vậy phải có nhân lực. Trần Văn Giàu được đích thân Hồ Chủ tịch giao cho nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học cho công cuộc “Kiến quốc” trong điều kiện cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Theo đó, trường Đại học dự bị cách mạng và hệ Sư phạm cao cấp đã ra đời tại vùng tự do xứ Thanh. Năm 1954, ông đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Những năm 1962 – 1975, giáo sư Trần Văn Giàu công tác tại Viện Sử học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam). Từ sau 1975 đến nay, ông tiếp tục nghiên cứu nhiều đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Những công trình nghiên cứu của ông thể hiện kiến thức uyên thâm trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hoá như : "Biện chứng pháp", "Vũ trụ quan", "Duy vật lịch sử", "Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ 19 đến Cách mạng tháng Tám", "Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam", "Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858", "Lịch sử chống xâm lăng", "Giai cấp công nhân Việt Nam", "Lịch sử cận đại Việt Nam", "Miền Nam giữ vững thành đồng", "Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh", “Bản lĩnh Việt Nam”, “Tổng tập Trần Văn Giàu”, “Đạo làm người từ Lý Thường Kiệt đến Hồ Chí Minh”, “Hồ Chí Minh vĩ đại một con người”, “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam”...Tổng cộng, giáo sư đã viết trên 150 tác phẩm. Đồng thời đào tạo cho đất nước một đội ngũ trí thức, các nhà khoa học hàng đầu.

Ghi nhận những cống hiến to lớn của giáo sư, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác. Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996). Nhà giáo Nhân dân (1992). Anh hùng Lao động thời kì đổi mới (2003). Vị “Giáo sư Đỏ” có một không hai ấy chính là tổng hòa nhiều nhân cách, với sự hòa quyện vô cùng nhuần nhuyễn giữa nhân cách của một nhà cách mạng chuyên nghiệp lỗi lạc, với nhân cách của một nhà giáo nhân dân suốt đời tận tâm, một nhà khoa học vô cùng uyên bác và một nhân cách Nam Bộ điển hình.

Dẫu rằng giáo sư đã đi xa - về với tổ tiên và thế giới những người hiền suốt sáu năm qua, nhưng công đức vời vợi cũng như hình bóng ông vẫn luôn hiện diện trên từng góc phố, con đường thành phố. Trên diễn đàn cuộc Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 105 ngày sinh của giáo sư hôm nay, đồng bào và chiến sĩ cả nước cũng như thành phố mang tên Bác Hồ có thể tự hào khẳng định: “Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh anh hùng thật may mắn có vị giáo sư anh hùng Trần Văn Giàu - người thầy của những người thầy!”.

_____________________________________

(1) Lời giáo sư Hoàng Như Mai đề tặng người thầy của mình - giáo sư Trần Văn Giàu, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của ông (11/9/1911 – 11/9/1996).

(2) Trần Văn Giàu: Những năm tháng tôi sống có chất lượng nhất (1940 – 1945), (bản đánh máy), lưu tại Thư phòng nhà riêng của cố GS.NGND Trần Văn Giàu, số 245/3 Lý Thường Kiệt, Q.11, TP.Hồ Chí Minh.

(3) Trần Văn Giàu: Thư gửi các đồng chí Tô Bửu Giám, Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Văn Lịch, ngày 04 tháng 9 năm 2001.

(4) Trí thức Nam Bộ (1945-1954), Nxb. Đại học quốc gia TP. HCM.

(5) Trí thức Nam Bộ (1945-1954), Nxb. Đại học quốc gia TP. HCM

(6) Trần Văn Giàu: “Những năm tháng tôi sống có chất lượng nhất (1940-1945)” , (bản đánh máy, lưu tại Thư phòng nhà riêng cố GS. Trần Văn Giàu), tr.123.

(7) Trần Văn Giàu: “Những năm tháng…..”, tài liệu đã dẫn

(8) Giáo sư Hoàng Như Mai đã dẫn

TS. Đinh Thu Xuân(Viện Lịch sử Dòng họ TP. Hồ Chí Minh)

Tin liên quan


Ý kiến bạn đọc

Trần văn giàu là ai
Trần văn giàu là ai

Tổng lượt bình luận

Tin khác

  • Khai mạc triển lãm tranh, tượng gốm chủ đề “Nắng nghiêng lưng trời”
  • Hơn 50 người tử vong vì tai nạn giao thông trong kỳ nghỉ lễ
  • SEA Games 31 đang “nóng” dần
  • Tiêu điểm trong ngày 3 tháng 5 năm 2022
  • 80-90% người bệnh từng bị xơ gan tại thời điểm chẩn đoán ung thư gan
  • Thêm 2.709 ca ghi nhận trong nước, giảm 413 ca so với ngày trước đó
  • Bộ Y tế trình 2 phương án ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2022-2023
  • [Video] Đường Đặng Thúc Vịnh - công trình mang dấu ấn của cả tập thể
  • Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em
  • Điểm tin ngày 3 tháng 5 năm 2022
  • [Video] Người dân TPHCM lựa chọn trải nghiệm nghỉ lễ tại các siêu thị, trung tâm thương mại
  • [Video] Các thế hệ học sinh miền Nam tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn
  • Thành lập 6 Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022
  • Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5/2022: Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022
  • [Infographics] Đại tướng Văn Tiến Dũng: Nhà quân sự xuất sắc
  • Tiêu điểm trong ngày 2 tháng 5 năm 2022
  • Ngày 2/5, ghi nhận 3.123 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 1 ca nhập cảnh
  • Thành tựu và bài học từ mô hình Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc gợi mở quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo gắn với hội nhập quốc tế
  • Điểm tin ngày 2 tháng 5 năm 2022
  • Đảm bảo quyền lợi người dân được xác nhận “Hộ chiếu vaccine”

Chia sẻ bài viết qua Email

Bài viết:

Trần văn giàu là ai
Trần văn giàu là ai

Sai mã bảo mật!

Ý kiến bạn đọc

Trần văn giàu là ai
Trần văn giàu là ai

Thông báo