Trình bày kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng trong cách mạng Tháng 8

Nhân kỷ niệm76 nămCách mạng Tháng Tám(19/8/1945 19/8/2021)và Quốc khánh 2/9

VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG TỔNG KHỞI NGHĨA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 VÀ BÀI HỌC TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY

Ths. Trần Văn Dư Phó Hiệu trưởng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có đội tiên phong, trực tiếp nắm chắc ngọn cờ lãnh đạo để dẫn dắt nhân dân ta tiến tới giành những thắng lợi lớn, trong đó thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào mùa thu năm 1945 đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản vận mệnh của đất nước và dân tộc ta. Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định vai trò quan trọng của Đảng trong việc đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết lực lượng của toàn dân tộc và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng thời động viên nhân dân cả nước giành thắng lợi.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và có ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu từ mạch ngầm sục sôi của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chảy suốt hàng nghìn năm và bùng nổ thành cao trào cách mạng không gì cản nổi. Cuộc cách mạng vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng ta là một biểu tượng của tinh thần quật cườngđem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Đó là sự kết tinh và tỏa sáng của sức mạnh nội lực Việt Nam.

Ngay từ đầu năm 1930, tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, Chánh cương vắn tắt của Đảng xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam "Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập". Đường lối chiến lược và sách lược của Đảng đúng đắn ngay từ đầu và không ngừng được bổ sung, phát triển cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì đã đề ra chủ trươngthay đổi chiến lược cách mạng. Hội nghị quyết định tiếp tục chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất để tranh thủ mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Hội nghị nhấn mạnh: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của các bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được. Để động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất và lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận Việt Minh để tập hợp rộng rãi, đoàn kết các lực lượng đẩy mạnh cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.

Bước vào năm 1945, những thế lực phát - xít Đức, Ý, Nhật bị thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường Âu - Á; quân đội Xô - viết và các lực lượng chống phát - xít chiến thắng vẻ vang, tạo nhân tố quốc tế thuận lợi cho các dân tộc bị áp bức, nô dịch có thể đứng lên giành lấy độc lập, tự do. Đối với cách mạng Việt Nam, sau ngày phát - xít Nhật đảo chính lật đổ Pháp (ngày 9-3-1945), Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thịNhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đảng đã có chủ trương rất sáng suốt, kịp thời và cụ thể, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, từ khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và công tác binh vận...Nét đặc sắc, tiêu biểu và độc đáo trong chủ trương của Đảng ta phát động cuộc tổng khởi nghĩa là việc chọn thời điểm và địa điểm tiến hành khởi nghĩa.

Để chuẩn bị tích cực và khẩn trương hơn nữa cho việc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Ban Thường vụ Trung ương triệu tập hội nghị quân sự Bắc Kỳ ở Hiệp Hoà, Bắc Giang (16-4-1945). Hội nghị quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân; phát triển hơn nữa lực lượng vũ trang và nửa vũ trang; xây dựng căn cứ kháng Nhật để chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Được tin quân Nhật hoàn toàn tan rã và xin đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh, ngày 13-8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định thời cơ cho ta giành độc lập đã tới, Đảng phải kịp thời phát động, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh vào Việt Nam. Ngay đêm 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư phụ trách. Uỷ ban đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đến đây, trong một thời gian dài chuẩn bị lực lượng từ năm 1930, Đảng sẵn sàng lãnh đạo quần chúng nhân dân chớp thời cơ nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đây là nhân tố vô cùng quan trọng để cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi.

Thực hiện Nghị quyết của Ðảng và Quốc dân Ðại hội, chỉ trong vòng hai tuần từ 14 đến 28-8-1945, nhân dân cả nước ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sự lãnh đạo kiên quyết, sáng suốt và kịp thời của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Khi nghiên cứu về vai trò lãnh đạo của Ðảng, cần phải thấy rõ tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động, chủ động, sáng tạo của các đảng bộ địa phương, tức các xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy và tổ chức đảng ở cơ sở. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu ở Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8) và cả những tỉnh xa xôi, điều kiện liên lạc khó khăn đã thể hiện điều đó. Vai trò của hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, của các đảng viên kiên trung của Ðảng, từ người lãnh đạo cao nhất đến người đảng viên ở cơ sở, đã bảo đảm cho Ðảng sự lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất ở giờ phút quyết định của lịch sử. Có thể nói, trước những khó khăn, thử thách, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng, không thỏa hiệp, không khoan nhượng, mắc mưu kẻ địch, kiên quyết lãnh đạo toàn dân đánh đổ hoàn toàn bộ máy cai trị hà khắc của chế độ cũ. Bạo lực cách mạng của đông đảo quần chúng được tuyên truyền, giác ngộ đã làm tê liệt, tan rã nhanh chóng nhà nước của chế độ thực dân, phong kiến phản động. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi diễn ra trong thời gian rất ngắn và ít hao tổn xương máu. Thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thể hiện sâu sắc sự nhạy bén, mẫn cảm cách mạng của Đảng; biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong quá trình chuẩn bị và tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Có thể khẳng định, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kết hợp chặt chẽ đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng với trí sáng tạo, tinh thần dũng cảm và sức mạnh đấu tranh của nhân dân ta. Kết hợp với các lực lượng dân chủ nói chung trên toàn thế giới chống chủ nghĩa đế quốc. Vì thời cơ cách mạng xuất hiện như một tất yếu, lịch sử đưa quần chúng đến ngưỡng cửa của khởi nghĩa giành chính quyền rồi trôi đi một cách nhanh chóng. Nếu Đảng tiên phong không chuẩn bị đầy đủ, không kịp thời chớp lấy thời cơ thì dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu cách mạng cũng không nổ ra được.

Thời gian không ngừng trôi, thắng lợi Cách mạng Tháng Tám mãi mãi là mốc son chói lọi của lịch sử cách mạng, lịch sử dân tộc Việt Nam. Những bài học đúc rút từ thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy trong điều kiện mới.

Trong xu thế hiện nay, không một quốc gia nào phát triển lại tách ra khỏi trào lưu chung của thế giới.Xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng mạnh. Đồng thời, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Đó là những thời cơ mới tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Ở nước ta, đường lối, chính sách ba mươi năm đổi mới của Đảng và Nhà nước đã mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước tiến lên theo xu thế phát triển chung của thời đại. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay tất yếu nảy sinh không ít khó khăn, thách thức cả trực tiếp và gián tiếp, tác động tiêu cực đến việc bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình phát triển, những khó khăn, thách thức càng tăng lên do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19. đời sống của nhân dân cả về vật chất, tinh thần, việc làm đều gặp muôn vàn khó khăn. Thế giới đang bị khủng hoảng lớn về kinh tế và nhiều mặt khác, tình hình an ninh khu vực và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường . Vì vậy, đòi hỏi cao nhất đối với Đảng, Nhà nước ta, đối với mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên là tích cực nghiên cứu, vận dụng tốt những bài học lịch sử trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững chắc hiện nay, trước hết chúng ta phải biết nắm bắt thời cơ, đổi mới tư duy để phù hợp thực tiễn của cách mạng Việt Nam và thế giới. Nhân tố tiên quyết, điều kiện quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay, đó là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải trong sạch, vững mạnh hơn bao giờ hết để lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Thành quả của hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đã chứng tỏ đường lối sáng tạo và đúng đắn của Đảng và nhân dân Việt Nam. Như chúng ta đã biết từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, trước sự khủng hoảng của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, cũng như sự khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và kiên quyết tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Chúng ta không chỉ đổi mới theo hướng chung chung, sự nghiệp đổi mới của Việt Nam là đi đúng hướng và đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng, đảm bảo được sự ổn định của xã hội để phát triển.

Thứ hai, phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng phải giữ gìn độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, không một quốc gia nào phát triển lại tách ra khỏi trào lưu chung của thế giới. Vì vậy, vấn đề kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nội lực tranh thủ ngoại lực là chính sách Đảng ta phải luôn quan tâm. Điều quan trọng nhất khi hội nhập phải giữ vững độc lập, tự chủ.

Thứ ba, ra sức xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trong sạch vững mạnh để phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề then chốt và cấp bách nhất. Đây là vấn đề quan trọng và cốt lõi để đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Nói tóm lại, sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đặt ra cho toàn Đảng và dân tộc ta nhiều vận hội mới, thời cơ mới, nhưng cũng đan xen nhiều thử thách, khó khăn; là cuộc vận động có tính cách mạng. Hơn lúc nào hết, Đảng phải phát huy được sức mạnh vô tận của khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi tầng lớp xã hội tham gia vào cuộc chiến đấu xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, đẩy lùi dịch bệnh Covid -19, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thành công của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào chính nhân dân - người chủ - vào khối đại đoàn kết vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn, bao gồm cả trong nước và ngoài nước, bạn bè khắp nơi trên thế giới. Những bài học đổi mới do các đại hội của Đảng nêu lên đến nay vẫn còn có giá trị, trong đó có bài học Đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, ... do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

76 năm trôi qua nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với giá trị bất diệt vẫn đang và tiếp tục soi đường cho sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhớ về mùa thu Tổng khởi nghĩa càng khiến chúng ta vững tin về Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, để tiếp tục tiến bước trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được mở ra từ Cách mạng Tháng Tám vĩ đại./.