Vai trò của người điều dưỡng trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay

Các chiến dịch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được tỉnh tổ chức rộng khắp không chỉ nâng cao nhận thức của người dân mà còn phòng, chống dịch chủ động thông qua cải thiện môi trường sống.

Vai trò của người điều dưỡng trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay

Kiểm tra lăng quăng trong dụng cụ chứa nước nhà hộ dân ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A.

Đưa kiến thức đếntận nhà dân

Chiến dịch hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống bệnh sốt xuất huyết lần thứ 12, Ngày vệ sinh yêu nước, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh do vi-rút zika và bệnh tay - chân - miệng năm 2022 vừa kết thúc đã tạo ra một phong trào truyền thông rộng khắp và có chiều sâu.

Truyền thông là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến dịch. Không chỉ truyền thông chiều rộng trên hệ thống báo, đài, các loa phát thanh, băng rôn, tờ rơi, ở 100% ấp, khu vực của tỉnh đã lập các nhóm đi vãng gia tuyên truyền đến từng nhà dân. Ông Nguyễn Minh Luân, Trưởng ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Ở ấp chia 3 nhóm tuyên truyền ở 3 cụm dân cư, tập trung truyền thông về tình hình dịch bệnh, kêu gọi người dân thực hiện diệt lăng  quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi đốt, rửa tay bằng xà phòng đúng cách và thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà...”.

Tương tự, tại ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, hoạt động vãng gia tuyên truyền được quan tâm thực hiện. Ông Trương Văn Toàn, ở ấp Nhơn Thuận 1A, cho biết: “Cán bộ y tế và chính quyền ở ấp đã đến nhà hướng dẫn tôi cách phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay - chân - miệng. Nhà có người già, trẻ nhỏ nên cũng lo về sức khỏe. Kiệu nước có lăng quăng mọi người yêu cầu đổ để diệt lăng quăng, tôi cũng đồng tình”.

Bên cạnh cung cấp kiến thức, các nhóm vãng gia còn kiểm tra lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, những vật dụng xung quanh nhà có nguy cơ tồn đọng nước mưa là môi trường để lăng quăng sinh sôi, phát triển thành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, nhờ vậy nguy cơ dịch bệnh tạm thời được kéo giảm. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, cho biết: “Qua thực hiện chiến dịch chỉ số Breteau - chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng giảm từ 27 đầu chiến dịch xuống còn 7 cuối chiến dịch, kéo giảm nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã”. Chỉ số Breteau giảm ở hầu hết các xã, phường thị trấn sau khi thực hiện chiến dịch không chỉ riêng xã Phú Hữu. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu được đề ra cần đạt được khi thực hiện chiến dịch.

Tuy nhiên, có những khó khăn bộc lộ qua triển khai chiến dịch. Ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, cho biết thêm: “Cái khó ở địa bàn là đa số người trong độ tuổi lao động đều đi làm công ty, xí nghiệp nên các nhóm vãng gia chỉ gặp được người già, trẻ nhỏ ảnh hưởng ít nhiều đến hiệu quả truyền thông”. Ngoài ra, kinh phí cấp cho các nhóm đi vãng gia tuyên truyền rất ít, nên đôi khi việc truyền thông chưa đảm bảo đạt 100% hộ dân như kế hoạch đề ra.

Mỗi gia đình cần phải duy trì phòng dịch bệnh

Trở lại ấp Nhơn Thuận 1A sau 3 ngày kết thúc chiến dịch, một số dụng cụ chứa nước của người dân đã có lăng quăng trở lại. Ông Trương Văn Toàn, bày tỏ: “Kiệu này hôm các cán bộ đi kiểm tra đã đổ sạch nước có lăng quăng, tôi mới hứng nước mưa ngày hôm qua, hôm nay đã có lăng quăng trở lại”. Theo ông Toàn, kiệu nước này để sử dụng hàng ngày, có nắp đậy nhưng chưa thật sự kín, ông sẽ đổ bỏ nước để diệt lăng quăng.

Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Nhơn Thuận 1A, mong muốn: “Mỗi gia đình cần duy trì thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng dịch để duy trì kết quả chiến dịch và bảo vệ sức khỏe gia đình mình, cùng chung tay kéo giảm số mắc bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng ở ấp”.

Đây là một trong những quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nếu người dân không quan tâm thường xuyên khâu phòng dịch.  Lý giải về sự xuất hiện nhanh chóng trở lại của lăng quăng, ông Trần Văn Chiến, Trưởng trạm Y tế xã Phú Hữu, thông tin: “Sau khi đổ hết nước có lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước, người dân không vệ sinh kỹ dụng cụ chứa nước mà hứng nước mưa trở lại. Trong dụng cụ chứa nước vẫn còn trứng sẽ nở thành lăng quăng. Vì vậy, các gia đình cần vệ sinh sạch sẽ, dùng bàn chải chà xung quanh dụng cụ chứa nước, úp xuống cho khô ráo mới đựng nước trở lại. Đối với các dụng cụ chứa nước thường xuyên sử dụng thì thường xuyên kiểm tra lăng quăng để diệt nếu có. Đối với những dụng cụ có chứa nước chưa sử dụng đến nên đậy kín. Như vậy, dù trong dụng cụ chứa nước có trứng nở thành lăng quăng, phát triển thành muỗi vẫn không ra ngoài được và sẽ chết một thời gian sau đó”.

Sau khi thực hiện chiến dịch đã tạo được phong trào rầm rộ và đồng loạt trên phạm vi cả tỉnh quyết tâm phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Kết thúc chiến dịch, ngành y tế vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát khống chế nguy cơ bùng phát dịch ở các ca nhiễm mới, các ổ dịch mới. Ông Huỳnh Bá Lực, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện kịp thời công tác giám sát, phòng dịch lây lan khi xuất hiện ca bệnh mới nhằm khống chế không để dịch bùng phát trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng để kéo giảm thấp nhất số trường hợp mắc bệnh, giảm tử vong do hai dịch bệnh này trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Mục tiêu:

– Nêu được 7 vai trò của người điều dưỡng.

– Phân tích được 3 chức năng của người điều dưỡng.

– Trình bày được nhiệm vụ của người điều dưỡng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV.

1. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG

1.1. Người chăm sóc

Chăm sóc là mối quan hệ giữa người với người. Mục tiêu cơ bản của người điều dưỡng là thúc đẩy sự giao tiếp, hỗ trợ người bệnh bằng hành động và bằng thái độ biểu thị sự quan tâm tới lợi ích của người bệnh và chấp nhận người bệnh là một con người.

Theo Benner và Wrubel thì “chăm sóc là yếu tố cơ bản để thực hành điều dưỡng hiệu quả”. Mọi máy móc và kỹ thuật hiện đại không thay thế được sự chăm sóc của người điều dưỡng vì các thiết bị này sẽ không tác động được tới cảm xúc và điều chỉnh hành động cho thích ứng với những nhu cầu đa dạng của mỗi cá thể. Chăm sóc là nền tảng của mọi can thiệp điều dưỡng và là một thuộc tính cơ bản của người điều dưỡng.

Theo học thuyết về chăm sóc của Leiningerm thì chăm sóc là yếu tố thiết yếu của điều dưỡng, là một nét đặc biệt và là đặc tính duy nhất của điều dưỡng. Bà cho rằng: “Không có sự chữa bệnh nào mà không có sự chăm sóc nhưng sự chăm sóc có thể diễn ra mà không có điều trị”. Bà còn cho rằng, chăm sóc là một hiện tượng phổ biến và rất khác nhau trong các nền văn hóa. Những khác biệt về giá trị và hành vi chăm sóc dẫn đến những khác biệt về sự mong đợi trong số những người tìm kiếm sự chăm sóc. Ví dụ: Những nền văn hóa quan niệm bệnh phát sinh từ bên trong cơ thể sẽ có xu hướng dùng thuốc để điều trị hơn là các nền văn hóa quan niệm bệnh là do tác nhân gây ra ở bên ngoài con người.

Jen Watson cho rằng “thực hành chăm sóc là hạt nhân của nghề điều dưỡng” và đưa ra hai giả định về những giá trị của sự chăm sóc con người là: (1) chăm sóc và tình cảm tạo ra những năng lượng cơ bản về thể chất và tinh thần; (2) chăm sóc và tình cảm thiết yếu cho sự tồn tại và nuôi dưỡng con người”. Jen Watson đã đưa ra các giả thuyết về sự chăm sóc như sau:

– Chăm sóc con người không chỉ có sự cảm thông mà còn là sự quan tâm và lòng vị tha.

– Chăm sóc là quá trình tác động qua lại giữa người với người và chỉ thông qua mối quan hệ qua lại giữa người với người thì việc chăm sóc mới có hiệu quả.

– Chăm sóc hiệu quả thúc đẩy sức khỏe và sự tăng trưởng của mỗi cá nhân và cả gia đình.

– Chăm sóc thúc đẩy sự nâng cao sức khỏe hơn là chữa bệnh.

– Môi trường chăm sóc tạo ra sự phát triển những tiềm năng và cho phép con người lựa chọn những hành động tốt nhất cho họ tại mỗi thời điểm trong cuộc sống.

– Chăm sóc liên quan tới sự phối hợp hành động và lựa chọn giữa người điều dưỡng và người bệnh.

– Đặc tính cơ bản của người làm công việc chăm sóc là sự đáp ứng của họ tới người khác mang tính cá thể duy nhất, hiểu được những cảm xúc của người khác.

– Chăm sóc con người liên quan tới các giá trị, thiện chí và sự ủy thác trách nhiệm đối với những hành động chăm sóc.

1.2. Người truyền tin

Thông tin có hiệu quả là yếu tố thiết yếu của mọi nghề phục vụ, trong đó có nghề điều dưỡng. Giao tiếp thiết lập mối quan hệ giữa người bệnh và người điều dưỡng, giữa người điều dưỡng và đồng nghiệp cũng như các nhân viên y tế khác, nó có vai trò trong mọi hoạt động của người điều dưỡng.

Giao tiếp hỗ trợ cho mọi can thiệp điều dưỡng. Người điều dưỡng thông tin với đồng nghiệp và các thành viên khác trong nhóm chăm sóc về kế hoạch và việc thực hiện kế hoạch chăm sóc cho người bệnh. Mỗi khi thực hiện một can thiệp về chăm sóc, người điều dưỡng ghi chép vào hồ sơ những nhận xét và những thủ thuật đã thực hiện cũng như mọi đáp ứng của người bệnh. Người điều dưỡng thường xuyên giao tiếp cả bằng lời và bằng ngôn ngữ viết mỗi khi bàn giao ca, mỗi khi chuyển người bệnh tới một khoa khác hoặc khi người bệnh xuất viện hoặc chuyển tới một cơ sở y tế khác. Khi truyền đạt thông tin bằng lời nói hoặc chữ viết đòi hỏi phải chính xác, rõ ràng và phù hợp.

1.3. Người hướng dẫn

Nhu cầu giáo dục sức khỏe của người điều dưỡng đối với người bệnh ngày càng tăng. Ngày nay, người ta chú trọng nhiều tới việc nâng cao và duy trì sức khỏe hơn là chỉ chữa bệnh thuần túy. Vì vậy, người bệnh cần có thêm kiến thức để tự theo dõi và chăm sóc nhằm rút ngắn số ngày nằm viện. Sự gia tăng của các bệnh mạn tính và tật nguyền đòi hỏi người bệnh và gia đình phải trang bị thêm kiến thức và kỹ năng để tự chăm sóc tại nhà. Hơn ai hết người điều dưỡng là đối tượng phù hợp nhất thực hiện giáo dục sức khỏe cho người bệnh. Để giáo dục sức khỏe cho người bệnh một cách hiệu quả nhất, tức là người điều dưỡng truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho người bệnh để họ thay đổi thái độ và hành vi thì người điều dưỡng cần áp dụng quy trình giảng dạy gồm 4 thành phần cơ bản: nhận định, lập kế hoạch, thực hiện và lượng giá, tức là điều dưỡng nhận định những nhu cầu học tập của người bệnh, xác định mục tiêu và phương pháp giảng dạy, sau đó áp dụng các hình thức giảng dạy phù hợp và cuối cùng là đo lường kết quả học tập của người bệnh.

1.4. Người tư vấn

Tư vấn là quá trình giúp đỡ người bệnh nhận biết và đương đầu với những stress về tâm lý hoặc những vấn đề xã hội, để cải thiện các mối quan hệ giữa người với người và thúc đẩy sự phát triển của mỗi người. Tư vấn liên quan tới sự hỗ trợ về tình cảm, tri thức và tâm lý. Người điều dưỡng tập trung vào giúp cho người bệnh phát triển những thái độ, tình cảm và các hành vi mới hơn là thúc đẩy sự phát triển về trí tuệ. Người điều dưỡng khuyến khích người bệnh tìm kiếm những hành vi thay thế, nhận ra sự lựa chọn và xây dựng ý thức tự kiểm soát.

Tư vấn có thể thực hiện với một cá thể hoặc một nhóm người. Ví dụ: ở mức cá thể có người cần giảm bớt hút thuốc lá, giảm cân nặng, có người phải chấp nhận sự thay đổi như mất một phần cơ thể hoặc đương đầu với cái chết đang đến gần. Ở mức nhóm, người điều dưỡng có thể đóng vai trò là người lãnh đạo, thành viên hoặc người trợ giúp trong việc tạo ra một môi trường để nhóm làm việc có hiệu quả.

Tư vấn đòi hỏi kỹ năng giao tiếp, thêm vào đó người điều dưỡng phải có kỹ năng phân tích tình hình, tổng hợp thông tin và đánh giá quá trình tiến triển của người bệnh sau khi đã được tư vấn. Người điều dưỡng phải là một hình mẫu để hướng dẫn những hành vi mong muốn, phải thể hiện sự quan tâm tới lợi ích của người khác, phải có suy nghĩ sáng tạo và một thái độ linh hoạt khi tiếp xúc với các đối tượng khác nhau.

1.5. Người biện hộ cho người bệnh

Biện hộ nghĩa là hành động thay mặt hoặc bảo vệ quyền lợi cho người khác. Vì vậy, biện hộ nghĩa là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người bệnh, thúc đẩy những hành động mang lại kết quả tốt nhất cho sự phục hồi sức khỏe của người bệnh, bảo đảm cho những nhu cầu của người bệnh được đáp ứng một cách thích hợp nhất. Người bệnh cao tuổi, người bệnh không tự chăm sóc được, bệnh nhi rất cần người điều dưỡng và nhân viên y tế, bởi lúc đó họ không tự bảo vệ hoặc dự phòng những tai biến có thể xảy ra.

1.6. Người quản lý

Người điều dưỡng phải biết tự quản lý thời gian, tự quản lý công việc của mình. Ví dụ: Người điều dưỡng chuyên nghiệp phải biết làm thế nào để sắp xếp thời gian tới làm việc, dự giao ban, dự họp đúng thời gian. Người điều dưỡng có rất nhiều công việc trong một ngày làm việc nhưng phải biết việc làm trước, làm sau sao cho người bệnh được chăm sóc đầy đủ, thực hiện đủ y lệnh của bác sĩ.

1.7. Những vai trò khác

Ngoài những vai trò cơ bản đã nêu trên, người điều dưỡng còn là chất xúc tác cho mọi quá trình thay đổi với chính bản thân hoặc cho hệ thống hoạt động của mình. Hỗ trợ cho sự thay đổi đòi hỏi phải xác định vấn đề, đánh giá những yếu tố thúc đẩy và có khả năng tạo ra những thay đổi kỳ vọng. Thúc đẩy sự thay đổi là một phần trong công tác chăm sóc điều dưỡng. Ngoài ra, người điều dưỡng còn có vai trò là người lãnh đạo, người làm công tác nghiên cứu điều dưỡng, người xây dựng chính sách.

2. CHỨC NĂNG CỦA NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG

2.1. Chức năng chủ động

Chức năng chủ động bao gồm những nhiệm vụ chăm sóc cơ bản thuộc phạm vi kiến thức mà người điều dưỡng đã được đào tạo và có khả năng thực hiện một cách chủ động. Người điều dưỡng thực hiện chức năng này với tư cách là cộng tác (coordinator) của bác sĩ, khác với quan niệm cho rằng điều dưỡng là trợ tá của bác sĩ (Doctor’s helper).

Chức năng đặc trưng này được thể hiện một cách rõ rệt thông qua việc chủ động đáp ứng những nhu cầu của người bệnh bao gồm:

– Hít thở bình thường.

– Ăn uống tiêu hoá tốt.

– Bài tiết thuận lợi.

– Tư thế vận động thuận tiện như mong muốn.

– Ngủ và nghỉ ngơi thoải mái.

– Trang phục thích hợp, được thay đổi.

– Nhiệt độ thích hợp, duy trì thân nhiệt.

– Vệ sinh cá nhân, cơ thể sạch sẽ.

– Không bị đe dọa bởi hiểm họa, rủi ro.

– Giao tiếp thuận lợi.

– Tự do cầu nguyện theo tín ngưỡng.

– Thực hiện những hoạt động hữu ích.

– Tham gia các hoạt động giải trí, vui chơi.

– Học và khám phá.

2.2. Chức năng phối hợp

Trong khi thực hành chăm sóc, người điều dưỡng còn phải phối hợp với các đồng nghiệp: các bác sĩ, điều dưỡng viên khác, các nữ hộ sinh, các kỹ thuật viên… để công tác phục vụ người bệnh đạt hiệu quả cao và cũng qua đó chia sẻ kinh nghiệm, cộng đồng trách nhiệm, làm tăng thêm sức mạnh, chất lượng của đội ngũ điều dưỡng chăm sóc.

Chức năng phối hợp còn được thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động khác: chăm sóc khách hàng tại nhà, tại cộng đồng; hoạt động tuyên truyền phòng bệnh, giáo dục sức khoẻ; hoạt động nghiên cứu khoa học về điều dưỡng; tham gia vào việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ điều dưỡng khi có nhu cầu… Trong trường hợp này, phạm vi, đối tượng phối hợp của điều dưỡng càng mở rộng hơn.

Người điều dưỡng luôn phải đề cao tính chủ động ngay cả trong chức năng phụ thuộc và chức năng phối hợp của mình.

2.3. Chức năng phụ thuộc

Chức năng này đòi hỏi người điều dưỡng có ý thức kỷ luật cao và nhận thức đúng đắn vì nó liên quan đến sức khoẻ hiện tại, trong tương lai và thậm chí là sinh mệnh người bệnh. Hai từ phụ thuộc được hiểu đơn giản là việc thực hiện y lệnh điều trị như là thực hiện mệnh lệnh chiến đấu, nghĩa là đảm bảo việc dùng thuốc và các can thiệp khác trên người bệnh được tiến hành một cách nghiêm túc, chính xác, kịp thời và an toàn.

Điều dưỡng có trình độ càng cao thì chức năng phụ thuộc càng giảm và chức năng chủ động càng được phát huy.

3. NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV.

3.1. Điều dưỡng hạng II – Mã số: V.08.05.11

3.1.1. Nhiệm vụ

– Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế:

+ Thăm khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh.

+ Nhận định tình trạng sức khỏe người bệnh và ra chỉ định chăm sóc, theo dõi phù hợp với người bệnh.

+ Tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá diễn biến hàng ngày của người bệnh; phát hiện, phối hợp với bác sĩ điều trị kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh.

+ Tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh.

+ Phối hợp với bác sĩ đưa ra chỉ định về phục hồi chức năng và dinh dưỡng cho người bệnh một cách phù hợp.

+ Tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.

+ Tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá việc ghi chép hồ sơ theo quy định.

+ Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh.

– Sơ cứu, cấp cứu:

+  Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu.

+ Đưa ra chỉ định về chăm sóc, thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu và một số kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu chuyên khoa.

+ Tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá và tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

– Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe:

+ Tham gia đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe.

+ Tham gia lập kế hoạch và phối hợp thực hiện truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe.

– Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

+ Tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia.

+ Tổ chức thực hiện truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở y tế và cộng đồng.

+ Nhận định và chẩn đoán chăm sóc, can thiệp điều dưỡng tại nhà: tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng.

– Bảo vệ và thực hiện quyền của người bệnh:

+ Thực hiện các quyền của người bệnh, biện hộ quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật.

+ Tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả biện pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh.

– Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị:

+ Thực hiện phân cấp chăm sóc người bệnh.

+ Phối hợp với bác sĩ điều trị tổ chức thực hiện công tác chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện.

+ Hỗ trợ, giám sát và chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với việc thực hiện nhiệm vụ của điều dưỡng cấp thấp hơn.

+ Tổ chức, thực hiện quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.

– Đào tạo nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp:

+ Tổ chức đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng.

+ Tổ chức, thực hiện nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh; áp dụng cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh.

+ Cập nhật, đánh giá và áp dụng bằng chứng trong thực hành chăm sóc.

+ Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo liên tục và đào tạo chuyên khoa đối với viên chức điều dưỡng.

3.1.2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

– Tốt nghiệp chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ chuyên ngành điều dưỡng.

– Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

–  Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin  cơ bản.

– Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng II.

3.1.3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Hiểu biết về quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

– Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, đưa ra chẩn đoán chăm sóc, phân cấp chăm sóc, chỉ định chăm sóc và thực hiện can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng.

– Thực hiện thành thạo kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu, đáp ứng hiệu quả khi có tình huống cấp cứu, dịch bệnh và thảm họa.

– Có khả năng tư vấn, giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng.

– Có kỹ năng tổ chức đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề điều dưỡng.

– Chủ nhiệm hoặc thư ký hoặc tham gia chính (50% thời gian trở lên)  đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên hoặc sáng kiến/phát minh khoa học/sáng kiến cải tiến kỹ thuật chuyên ngành đã được nghiệm thu đạt.

– Viên chức thăng hạng từ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III lên chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng II phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 09 năm, trong đó có thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III tối thiểu là 02 năm.

3.2. Điều dưỡng hạng III – Mã số: V.08.05.12

3.2.1. Nhiệm vụ

– Chăm sóc người bệnh tại cơ sở y tế:

+ Khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh.

+ Theo dõi, phát hiện, ra quyết định, xử trí về chăm sóc và báo cáo kịp thời những bất thường của người bệnh cho bác sĩ điều trị.

+ Thực hiện và kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh.

+ Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, kỹ thuật điều dưỡng chuyên sâu, phức tạp, kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh.

+ Nhận định nhu cầu dinh dưỡng, thực hiện và kiểm tra đánh giá việc thực hiện chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.

+ Thực hiện và tham gia việc ghi chép hồ sơ theo quy định.

+ Tham gia xây dựng và thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh.

– Sơ cứu, cấp cứu:

+ Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu.

+ Thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu, xử trí trong những tình huống khẩn cấp như sốc phản vệ, cấp cứu người bệnh ngừng tim, ngừng thở và một số kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu chuyên khoa.

+ Tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

– Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe:

+ Đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe đối với người bệnh.

+ Tham gia xây dựng nội dung, chương trình, tài liệu và thực hiện truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe.

+ Hướng dẫn người bệnh về chăm sóc và phòng bệnh.

+ Đánh giá công tác truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe.

– Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

+ Truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh trong các cơ sở y tế và cộng đồng.

+ Thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình mục tiêu quốc gia.

+ Thực hiện kỹ thuật chăm sóc điều dưỡng tại nhà: tiêm, truyền, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng.

– Bảo vệ và thực hiện quyền của người bệnh:

+ Thực hiện quyền của người bệnh, biện hộ các quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh.

– Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị:

+ Phối hợp với bác sĩ điều trị phân cấp chăm sóc và tổ chức thực hiện chăm sóc người bệnh.

+ Phối hợp với bác sĩ điều trị chuẩn bị và hỗ trợ cho người bệnh chuyển khoa, chuyển viện, ra viện.

+ Hỗ trợ giám sát và chịu trách nhiệm về chuyên môn đối với việc thực hiện nhiệm vụ của điều dưỡng cấp thấp hơn.

Thực hiện quản lý hồ sơ bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao.

– Đào tạo, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp:

+ Đào tạo và hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng.

+ Thực hiện nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong chăm sóc người bệnh và áp dụng cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh.

+ Tham gia xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo liên tục đối với viên chức điều dưỡng.

3.2.2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

– Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng trở lên.

– Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

3.2.3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Hiểu biết về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

– Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, sử dụng quy trình điều dưỡng làm cơ sở để lập kế hoạch chăm sóc và thực hiện can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng.

– Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu và đáp ứng hiệu quả khi có tình huống cấp cứu, dịch bệnh và thảm họa.

– Có kỹ năng tư vấn, giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng.

– Có kỹ năng đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học, hợp tác với đồng nghiệp và phát triển nghề nghiệp.

– Viên chức tăng hạng từ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV lên chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng III phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV tối thiểu là 02 năm đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp điều dưỡng cao đẳng hoặc 03 năm đối với trường hợp khi tuyển dụng lần đầu có trình độ tốt nghiệp điều dưỡng trung cấp.

3.3. Điều dưỡng hạng IV – Mã số: V.08.05.13

3.3.1. Nhiệm vụ

– Chăm sóc người bệnh  tại các cơ sở y tế:

+ Khám, nhận định, xác định vấn đề, lập kế hoạch, tổ chức, thực hiện và đánh giá kết quả chăm sóc người bệnh.

+ Theo dõi, đánh giá diễn biến hàng ngày của người bệnh; phát hiện, báo cáo kịp thời những diễn biến bất thường của người bệnh.

+ Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản cho người bệnh theo chỉ định và sự phân công.

+ Tham gia chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh giai đoạn cuối và hỗ trợ tâm lý cho người nhà người bệnh.

+ Nhận định nhu cầu dinh dưỡng tiết chế và thực hiện chỉ định chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.

+ Ghi chép hồ sơ điều dưỡng theo quy định.

– Sơ cứu, cấp cứu:

+ Chuẩn bị sẵn sàng thuốc và phương tiện cấp cứu.

+ Thực hiện, tham gia thực hiện kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu.

+ Tham gia cấp cứu dịch bệnh và thảm họa.

– Truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe:

+ Đánh giá nhu cầu tư vấn, giáo dục sức khỏe đối với người bệnh.

+ Hướng dẫn người bệnh về chăm sóc và phòng bệnh.

+ Thực hiện, tham gia thực hiện truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe.

– Chăm sóc sức khỏe cộng đồng:

+ Tham gia truyền thông, giáo dục vệ sinh phòng bệnh trong các cơ sở   y tế và cộng đồng.

+ Tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu và các chương trình mục tiêu quốc gia.

+ Thực hiện dịch vụ chăm sóc tại nhà: tiêm, chăm sóc vết thương, chăm sóc người bệnh có dẫn lưu và chăm sóc phục hồi chức năng, tắm gội, thay băng theo chỉ định.

– Bảo vệ và thực hiện quyền người bệnh:

+ Thực hiện quyền của người bệnh, tham gia biện hộ quyền hợp pháp của người bệnh theo quy định của pháp luật.

+ Thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh.

– Phối hợp, hỗ trợ công tác điều trị:

+ Tham gia phân cấp chăm sóc người bệnh.

+ Chuẩn bị và hỗ trợ người bệnh chuyển khoa, chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ra viện.

+ Quản lý hồ sơ, bệnh án, buồng bệnh, người bệnh, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao.

– Đào tạo nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp:

+ Hướng dẫn thực hành cho học sinh, sinh viên và viên chức điều dưỡng trong phạm vi được phân công.

+ Tham gia thực hiện và áp dụng sáng kiến, cải tiến chất lượng trong chăm sóc người bệnh.

3.3.2. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

– Tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành điều dưỡng. Trường hợp tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hộ sinh hoặc y sĩ thì phải có chứng chỉ đào tạo chuyên ngành điều dưỡng theo quy định của Bộ Y tế.

– Có trình độ ngoại ngữ bậc 1 trở lên theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc có chứng chỉ tiếng dân tộc đối với vị trí việc làm có yêu cầu sử dụng tiếng dân tộc.

– Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.

3.3.3. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

– Hiểu biết về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

– Hiểu biết về sức khỏe, bệnh tật của cá nhân, gia đình và cộng đồng, sử dụng quy trình điều dưỡng làm cơ sở để lập kế hoạch chăm sóc và thực hiện can thiệp điều dưỡng bảo đảm an toàn cho người bệnh và cộng đồng.

– Thực hiện kỹ thuật điều dưỡng cơ bản, sơ cứu, cấp cứu.

– Có kỹ năng giáo dục sức khỏe và giao tiếp hiệu quả với người bệnh và cộng đồng.

Câu hỏi ôn tập

  1. Trình bày 7 vai trò của người điều dưỡng?
  2. Phân tích 3 chức năng của người điều dưỡng?
  3. Nêu các nhiệm vụ của người điều dưỡng hạng IV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV?

PGS.TS Lê Anh Tuấn