Vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VGP

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ diễn ra gay gắt, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá công cuộc đổi mới đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xây dựng được hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển đất nước nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn còn tồn tại một số vấn đề phức tạp cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ; nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.

Nhằm góp phần làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiên về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay” đăng trên Báo Nhân dân vào ngày 16/5/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn, tác động rất lớn đến tư tưởng, tình cảm, hành động của mỗi tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và nhân dân. Trong đó, khẳng định: “Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”. Đây là luận điểm hoàn toàn đúng đắn, được xây dựng trên cơ sở khoa học vững chắc, đã khái quát cơ bản nhất về bản chất của nền dân chủ chủ nghĩa xã hội và xây dựng nền dân chủ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.

Cơ sở lý luận về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Dân chủ gắn bó chặt chẽ với quyền sống của con người, đồng thời còn là nhu cầu không thể thiếu của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng người trong xã hội, nhất là trong xã hội văn minh. Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, các chế độ khác nhau. Mặc dù, còn có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm dân chủ nhưng khái quát nhất có thể hiểu: “Dân chủ là một giá trị xã hội phản ánh chủ thể quyền lực là nhân dân, khẳng định những quyền cơ bản của con người”1.

Sự ra đời của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là một bước phát triển tất yếu của dân chủ, là sự thay thế tất yếu hợp quy luật với dân chủ tư sản. Trong học thuyết Mác - Lênin, vấn đề dân chủ luôn được đề cập và phân tích sâu sắc và là mục tiêu quan trọng hướng đến việc xây dựng một nền dân chủ phù hợp nhất - dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, chế độ dân chủ được xác lập ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Dân chủ nghĩa là “dân là chủ”, “dân làm chủ”, “dân chủ là quý báu nhất của nhân dân”2. Đây là một trong những luận điểm nổi bật trong tư tưởng dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân chủ tức là dân làm chủ vận mệnh của đất nước, quyền lực thuộc về nhân dân “bao nhiêu quyền bính thuộc về nhân dân” và “địa vị cao nhất là dân, vì dân làm chủ”3, mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, mọi lợi ích đều vì nhân dân, mọi công việc đều do nhân dân. Nói cách khác, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và quần chúng chính là động lực của cách mạng. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực.

Kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Đại hội IV của Đảng năm 1976 khẳng định: “Để đưa cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, một trong những điều kiện tiên quyết là thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động”. Đại hội VI năm 1986 tiếp tục khẳng định: “... trong mọi hoạt động của mình Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”4. Đại hội VII của Đảng năm 1991 đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991) đã rút ra bài học lớn “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”5 và “toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”6. Đến Đại hội VIII của Đảng năm 1996 tiếp tục nhấn mạnh việc phát huy vai trò làm chủ của nhân dân và chỉ rõ cần phải thực hiện tốt các cơ chế làm chủ của nhân dân. Đặc biệt, Đại hội IX đã bổ sung nội dung “dân chủ” vào mục tiêu chung của cách mạng Việt Nam. Đây là một bước tiến trong nhận thức về “dân chủ”. Đại hội X đã chỉ rõ: “Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân”7. Để đạt được mục tiêu xây dựng xã hội thực sự dân chủ, Đại hội XII xác định rõ: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân”. Đại hội XIII đã hoàn thiện phương châm thực hiện dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” với nhiệm vụ trọng tâm “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”8.

Như vậy, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã hình thành và phát triển qua các thời kỳ cách mạng. Qua mỗi kỳ Đại hội của Đảng, vấn đề dân chủ ngày càng được nhận thức, phát triển và hoàn thiện hơn, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước. Đây là những cơ sở lý luận quan trọng để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng hình thức dân chủ trực tiếp hoăc dân chủ đại diện thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cơ sở thực tiễn xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân

Thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, thể hiện rất rõ nét và sinh động những thành tựu to lớn đã đạt được trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Quan niệm về dân chủ ngày càng được mở rộng và được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau như: là chế độ chính trị; là giá trị; là phương thức và nguyên tắc tổ chức xã hội; dân chủ chung đối với xã hội và dân chủ riêng đối với mỗi cá nhân; dân chủ được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ được thể hiện trong tất cả các cấp độ: Từ cơ quan lãnh đạo cao nhất đến từng cơ sở; đặc biệt quan trọng là dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cùng với nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa..., vấn đề trọng tâm, then chốt nhất là phải xây dựng thành công nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, vì “dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”9, không có dân chủ thì không có chủ nghĩa xã hội. Thực hiện Cương lĩnh và Hiến pháp năm 2013, Đảng và Nhà nước ta đã “ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân”10. Điều này thể hiện việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay không chỉ được khẳng định trong các chủ trương, đường lối của Đảng, mà đã được thể chế hóa, bảo đảm thực hiện thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua, vẫn còn tình trạng “quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, chưa gắn liền dân chủ với kỷ cương, pháp luật”11. Mặc dù, Đảng ta xác định dân chủ vừa thể hiện bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, động lực phát triển đất nước, nhưng trên thực tế việc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản nói chung, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa nói riêng là vấn đề chưa có tiền lệ. Vì vậy, phải xác định: “Xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam”.

Để xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì vấn đề then chốt nhất chính là phải xây dựng được “... một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có”12. Đồng thời, phải phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và đông đảo quần chúng nhân dân nhằm huy động mọi nguồn lực để hiện thực hóa các chủ trương, đường lối, chính sách; hành động vì quyền lợi của nhân dân, điều gì có lợi cho dân phải cố gắng làm, điều gì có hại cho dân phải hết sức tránh, chăm lo phát triển, bồi dưỡng và tiết kiệm sức dân. Do vậy, “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”13. Điều đó có nghĩa là nhân dân - người chủ xã hội, không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành và giám sát việc thi hành, đồng thời còn là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là một trong những mối quan hệ cơ bản cần được tăng cường nắm vững và thực hiện hiệu quả nhằm thực hiện mục tiêu: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích”.

Trên cơ sở xác định dân chủ vừa thể hiện bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, động lực phát triển đất nước, quan điểm “xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu, lâu dài của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hoàn toàn đúng đắn, dựa trên cơ sở khoa học vững chắc và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở nước ta hiện nay.

LÊ TRỌNG HANH*, NGUYỄN MẠNH HÙNG**

* PGS, TS, Học viện Chính trị, Bộ Công an

** ThS, Học viện Chính trị, Bộ Công an

Chú thích:

1. Giáo trình Cao cấp Lý luận chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb. Lý luận chính trị, năm 2014, tr.143.

2,3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 1996, t.8, tr.279, 515.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, t.47, tr.362.

5,6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2005, tr.311, 327.

7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2006, tr.72.

8,10,11. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tr.50, 70, 89.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, tr.70.

12,13. Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, năm 2021.