Văn hóa xã hội việt nam hiện nay

trong những nội dung quan trọng mà TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết là vai trò của văn hóa và con người trong sự phát triển của xã hội hiện nay: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Văn hóa xã hội việt nam hiện nay

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của GS.TS Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là một bài viết rất hoàn chỉnh, toàn diện và sâu sắc đối với các vấn đề quan trọng trong việc xây dựng CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng mà TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết là vai trò của văn hóa và con người trong sự phát triển của xã hội hiện nay: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. (1)

Quan điểm trên của Bác cho thấy, văn hóa đã ra đời cùng với sự phát triển của lịch sử xã hội loài người; văn hóa là tổng hợp các giá trị vật chất và tinh thần do cá nhân và cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, phục vụ sự tồn tại và phát triển của con người.

Bản sắc văn hóa Việt Nam giàu tính nhân văn, tính cộng đồng, luôn lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình, luôn lấy sự bao dung, hòa đồng làm cơ sở để xem xét những hiện tượng tự nhiên, xã hội và con người. Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh bởi những giá trị của lòng yêu nước; tinh thần đoàn kết gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - đất nước; giàu lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh tế trong ứng xử; giản dị trong lối sống. Chính những giá trị truyền thống văn hóa đó đã kết lại thành nền tảng tinh thần cho sự tồn tại của dân tộc.

Nền móng văn hoá Việt Nam có kết cấu bền chặt và vững chắc để kết nối con người trong cộng đồng xã hội. Đó là những giá trị tiêu biểu, phản ánh những đặc tính phẩm chất, cốt cách con người và khát vọng của dân tộc đó. Tất cả những giá trị đó đã tạo nên sức mạnh của một dân tộc, mà sức mạnh này lớn hơn bất kỳ một sức mạnh nào, giúp dân tộc Việt Nam đứng vững và vượt qua mọi khó khăn gian khổ.

Trong lịch sử của dân tộc với hơn 4000 dựng nước và giữ nước, hơn 1000 năm Bắc thuộc và hơn 100 năm chống đế quốc thực dân, nhờ có tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, khát vọng tự do, Việt Nam đã cùng nhau đứng lên, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Hơn 1000 năm Bắc thuộc nhưng đất nước ta vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc, có tiếng nói và chữ viết riêng, tạo nên những giá trị truyền thống văn hóa mà thế giới phải nể phục, đó chính là ý chí không bao giờ khuất phục trước kẻ thù.

Truyền thống văn hóa ấy, đã và đang được duy trì, gìn giữ và phát huy cho đến tận ngày hôm nay. Chính những giá trị văn hóa đích thực đã tạo dựng nên nền tảng tinh thần của xã hội; từ đó tạo nên sức mạnh để Việt nam làm động lực phát triển kinh tế, chính trị và tất cả các lĩnh vực khác. Chính ý chí tự lực, tự cường, không ngại khó khăn, gian khổ, đoàn kết, thống nhất một lòng, từ ý Đảng đến lòng dân đã từng bước đưa Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, làm chủ vận mệnh của mình; đưa đất nước ta từ một nướcnghèo nàn lạc hậu trở thành một nước đang phát triển, được các nước trên thế giới quan tâm và biết đến nhiều hơn; như Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng đã phát biểu tại Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Do đó, văn hoá đóng vai trò nền tảng tinh thần của xã hội nghĩa là nền văn hóa yêu nước, gắn liền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; nền văn hóa tiến bộ, thúc đẩy lịch sử phát triển với hệ tư tưởng cách mạng và khoa học, với chế độ xã hội tiến bộ; nền văn hóa đặt người lao động ở vị trí chủ thể của sự phát triển; bảo tồn và phát triển những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc anh em được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử; nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn lực của một dân tộc được cấu thành từ nguồn lực nội sinh và nguồn lực ngoại sinh; trong đó, nguồn lực nội sinh là sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia, được cấu thành từ hai nguồn: sức mạnh cứng (gồm trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, tiềm lực về kinh tế, quốc phòng, an ninh,…) và sức mạnh mềm (thể chế chính trị, truyền thống lịch sử - văn hóa, sức sáng tạo của con người, hệ giá trị và chính sách của quốc gia).

Văn hóa với vai trò là sức mạnh nội sinh quan trọng trong sự phát triển bền vững đất nước. Nội sinh có mạnh và bền vững thì trong hội nhập mới tiếp nhận được ngoại sinh một cách có chọn lọc, để ngoại sinh thâm nhập vào nội sinh theo chiều hướng tích cực, phát triển chứ không phải lấn át, làm suy yếu nội sinh, hoà nhập chứ không hoà tan.

Văn hóa giữ vị trí đặc biệt và có vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người. Văn hóa phải cùng với chính trị, kinh tế, xã hội... tạo nên sức mạnh tổng hợp của sự phát triển dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Theo đó, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội; từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Thứ hai, phải coi trong xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức, trong từng đảng viên, hội viên, học viên.

Thứ ba, xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi bệnh quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng.

Thứ tư, là bạn của tất cả các nước, hữu nghị, hợp tác, thêm bạn, bớt thù, tạo môi trường hòa bình, ổn định và phát triển bền vững cho Việt Nam. Đó cũng là nội dung và phương pháp làm tăng sức mạnh nội lực dân tộc bằng các sức mạnh nội sinh của văn hóa.

Để phát huy các giá trị văn hóa của ngôi trường Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa tạo dựng nên môi trường đào tạo những “hạt giống đỏ” vừa đủ đức, vừa đủ tài nhằm phục vụ Đảng, Nhà nước và quần chúng, nhân dân. Với 5 chuẩn mực về đạo đức “Kiên định - Kỷ cương - Đoàn kết - Nêu gương - Sáng tạo”, Nhà trường đã và đang từng bướcxây dựng một môi trường đáng sống, sự nghiệp đáng yêu, quan hệ đáng thân, tương lai đáng tin, cuộc đời đáng công hiến, lấy hiệu quả phục vụ, thành công và hạnh phúc của học viên, tín nhiệm của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh làm mục tiêu phấn đấu.

Phát huy truyền thống văn hóa của Nhà trường, cần tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện để Nhà trường trở thành nơi rèn luyện lý tưởng về đạo đức, phẩm chất cách mạng, đáp ứng tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra; chú trọng xây dựng tác phong, hình ảnh của cán bộ, giảng viên và học viên trong dạy - học lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, mỗi học viên cần ra sức nghiên cứu, học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là một nhiệm vụ quan trọng của mình để xác định ngôi trường Đảng là nơi trau dồi đạo đức và tư cách cách mạng; từ đó rèn luyện lối sống lành mạnh, tác phong chuẩn mực; thích ứng linh hoạt, nhạy bén với cái mới, cái có ích và từ bỏ những cái cũ kỹ, lạc hậu; cùng với Nhà trường tạo ra các giá trị văn hóa mới để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Có thể khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa cho thấy bài học quan trọng trong việc tập trung phát triển văn hóa đất nước. Để góp phần “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Nhà trường cần tiếp tục phát huy tốt vai trò học viên là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giảng viên là động lực, kiến tạo môi trường tốt cho cán bộ, giảng viên và học viên trong học tập và rèn luyện