Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời

Vừa qua, học sinh toàn quốc đã làm bài thi học sinh giỏi văn quốc gia 2022. Đề bài với hai câu, nghị luận xã hội (8 điểm) và nghị luận văn học (12 điểm).

Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời
Thí sinh thi học sinh giỏi quốc gia các năm trước

thành tâm

Nghị luận xã hội dẫn ra một đoạn văn bản trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 10, về câu chuyện một hòn đá, để thí sinh trình bày ý kiến về câu chuyện trên. Phần nghị luận văn học nêu: “Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững”. Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về quan điểm trên.

"Ra đề kiểu danh ngôn làng nhàng, mình thà bỏ trắng"!

Tôi vốn không phải là người đồng nhất hiệu quả của giáo dục thông qua giải thưởng các kỳ thi. Sự học về con người và cuộc sống thông qua những con chữ càng cần một công cuộc lặn sâu hơn nhiều lớp vỏ danh hiệu.Tuy nhiên, tôi vẫn dành sự quan tâm nhất định đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hàng năm, đặc biệt, chờ đợi để biết đề thi văn năm nay như thế nào.

Đề thi học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2022 quả thực không gợn tí sóng động nào trong não tôi khi tiếp nhận. Nó khá an toàn: không lắt léo, khó hiểu. Nó khá giản dị: không câu từ hoa mỹ, không đao to búa lớn. Nó khá cầm chừng: ngữ liệu quen thuộc trích từ sách giáo khoa, ngôn từ bình dân.

Bằng sự quan tâm và tính tò mò sẵn có, tôi đi tìm đọc những ý kiến của giáo viên, phụ huynh và cả thí sinh về đề bài này. Gần như 70% thông tin tôi có thể tiếp cận đều tỏ ra hững hờ và có cả thất vọng vì đề thi không có gì để… huyên náo. Có lẽ vậy, mà cuối cùng tôi cũng đã tìm được một thứ khiến mình ngạc nhiên: Cảm giác của mình khi tiếp nhận sự an toàn - giản dị đã khác đi nhiều so với những ngày còn niên thiếu.

Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời
Đề thi học sinh giỏi văn quốc gia 2022

chụp màn hình

Tôi là cựu học sinh chuyên toán cho tới hết lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, TP.Vũng Tàu, song vì đam mê với văn, tôi nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi văn quốc gia.

Ngày là học sinh, tôi thường ghét những kiểu đề văn an toàn. Tôi luôn mong muốn có ngữ liệu văn bản tầm cỡ, phát ngôn tầm cỡ cho xứng tầm với cuộc đọ chữ của những nhân tài một đất nước. Đến mức, tôi còn huênh hoang tuyên bố với bạn bè chung đội tuyển rằng: “Nếu năm nay mà ra đề kiểu danh ngôn làng nhàng, mình thà bỏ trắng”.

Sự khao khát ngôn liệu mới trong một đề văn biến tôi nhìn tính mới và sự sáng tạo theo một lăng kính nghèo nàn. Tôi mặc nhiên cho rằng trải nghiệm cuộc sống và văn học chỉ bung tỏa khi được giao cho một đề bài phải hay, phải bùng nổ.

May mắn, cô giáo của tôi đã cho tôi sự tự nhìn nhận về chức năng của một đề bài, rằng nếu tôi nghĩ rằng phải đợi đề mới, bùng nổ mới xứng đáng để làm thì có thể dừng lại quá trình này. Luôn có một con đường khác sau một đề thi. Con đường đó, bảy năm qua tôi vẫn chưa đi hết.

Con đường sau một đề thi

Con đường đó bắt đầu từ cách tôi nhìn nhận đúng nghĩa về chức năng của một đề thi và nhiệm vụ của mình với con chữ. Tôi nhớ không nhầm, từ đầu từ năm 2015, yêu cầu của đề bài nghị luận văn học thường được đề cập “bằng tri thức và trải nghiệm văn học”. Trong năm 2022, đề bài ghi “bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học”.

“Trải nghiệm” đối với tôi là một từ hay. Hiểu biết và trải nghiệm văn học còn là một miền đất hứa. Ở đó, thí sinh được phép sử dụng dẫn chứng rộng rãi hơn kiến thức sách giáo khoa hay những tác phẩm đã được học để đối thoại với giám khảo về câu nói, chủ đề được đưa ra.

Năm 2015, khi là thí sinh thi học sinh giỏi văn quốc gia, ở phần nghị luận văn học, tôi đã lấy 75% tác phẩm ngoài chương trình để dẫn chứng. Tôi thỏa sức bàn luận quá trình trải nghiệm văn học với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) hay Rừng Na Uy (Haruki Murakami) mà không chỉ chăm chăm vào Chí Phèo hay Vợ chồng A Phủ. Tôi cũng nhớ, để bắt đầu cho bài viết nghị luận xã hội với trích dẫn “nếu bạn không sống bằng cái đầu của chính mình, bạn sẽ sống bằng cái đầu của người khác”, tôi đã kể về một đám tang.

Bảy năm sau ngày thi, tôi vẫn thấy điều này đúng: Ta có quyền cảm thấy chán ngán hoặc hụt hẫng khi một vấn đề cần bàn luận, một văn bản được đề cập, một cách thức tiếp cận được gửi đến không có gì bùng nổ. Nhưng đó là một phép thử tài tình. Đứng trước các yêu cầu ngỡ như không có gì hứng khởi, tâm hồn có khả năng tạo ra các cuộc hội thoại sâu sắc và mới mẻ trên trang giấy lại được phân tầng rõ nét.

Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời
Đổi mới giáo dục, không phải là ra một đề văn nhiều ngữ liệu, lắt léo hình tượng hóa

nguyễn loan

Do đó, với tôi, cách thức đổi mới giáo dục không phải là ra đề văn sẽ sáng tạo hơn, nhiều ngữ liệu lắt léo và hình tượng hóa hơn. Cách đồng hành và đối thoại của giáo viên với học sinh, khi tiếp cận đề bài sao cho khơi mở tối đa những dữ kiện sống và học của các em đôi khi là điều cần thiết hơn.

Tôi mong thí sinh trước nhất có sự rung động và trò chuyện với cảm xúc của mình khi nhận được đề thi.

“Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững”. Không có gì xác định được tính bền vững khi ta chưa đi tiếp.

Đến bây giờ tôi vẫn không sao quên được một sáng mùa xuân cách đây bảy năm về trước. Hôm đó, tôi thi hoàn thành bài thi học sinh giỏi quốc gia môn văn. Đó là ngày “hái trái” cho một quá trình khảo cứu văn học những năm đầu đời. Ngay sau đó, một lộ trình dài hơn đã mở ra với cuộc đời tôi: con đường sau một đề thi.

Con đường sau một đề thi văn học sinh giỏi quốc gia (và đề văn nói chung), dài hơn những chữ được mở ra và rộng hơn những cảm xúc đến ngay lúc tiếp nhận nó rất nhiều.

Tin liên quan

Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 môn Văn có 2 câu về Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học trong thời gian 180 phút làm bài. 

Ngay sau khi thí sinh làm bài xong, đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Văn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người trong đó có những giáo viên cho rằng đề thi không mới thậm chí chỉ ở mức học sinh giỏi tỉnh. Một số khác thì cũng cho rằng với đề năm nay, thật không dễ để có những bài văn độc đáo, mới mẻ.

Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời

Đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm nay

Nhận định về về đề thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội cho hay: 'Mấy năm gần đây, hai câu hỏi trong đề thi trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT thường yêu cầu luận bàn về cùng một vấn đề, đương nhiên ở hai góc độ khác nhau của sự tiếp cận, hoặc từ góc nhìn của cuộc sống xã hội, hoặc soi chiếu trong những bình diện của văn chương – đề thi năm học 2021 – 2022 cũng không ngoại lệ khi vấn đề xuyên suốt hai câu hỏi là 'giá trị' – giá trị của một đối tượng, dù nhất thời hay muôn đời.

Đó là vấn đề không mới, nhưng chưa bao giờ cũ với cả văn chương và cuộc sống – bởi hành trình vận động của loài người hàm chứa mọi lĩnh vực trong nó (ví dụ văn chương) là hành trình tìm kiếm, tạo lập, hoàn thiện, rồi lại đổi thay, phát triển và xác lập những giá trị mới'.

Theo Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết phân tích thì câu Nghị luận xã hội trong đề thi không đưa tới những phát hiện mới, học sinh có thể nghĩ tới và luận bàn tất cả những khía cạnh liên quan tới giá trị và nhận thức, sử dụng giá trị - tới sự tinh tế của những con mắt xanh hoặc niềm tự tin về giá trị của những kẻ đợi thời, những hòn đá không lăn mọc rêu, rồi than như một nhân vật của Axit Nexin: 'Giá như không có tuổi', hoặc: 'Giá có ai nhận ra ta'!

Vấn đề có thể gợi đôi chút thú vị khi bàn luận thật ra không phải ở sự tinh tế, sắc sảo của người phát hiện mà chủ yếu ở cách chúng ta suy nghĩ thế nào về thân phận khá bẽ bàng của sự chờ đợi: đời người được bao lăm cho sự chờ đợi?

Hòn đá rơi từ vũ trụ đã đợi con mắt xanh của nhà thiên văn cả mấy trăm năm, nếu mấy chục năm trước bố mẹ nhà thiên văn không gặp nhau, hoặc nếu nhà thiên văn không ngẫu nhiên đi qua làng ấy, không dừng chân và xem xét, hoặc giả chuyến đi đó, ông ta không mang đủ thiết bị hay máy móc đo đạc, kiểm tra…, hòn đá phi thường của vũ trụ chắc chắn sẽ mọc rêu như mọi sự vô dụng trên mặt đất này!

Đó là những sự chờ đợi nhẫn nại tới trì trệ, kiên cường tới ngu ngốc, bị động, thụ động, bất động theo đúng cách của những vật vô tri? Phải chăng ý nghĩa lớn nhất của sự chờ đợi vô tri này chính là niềm tin khá mạo hiểm và rất ít trí tuệ vào giá trị của sự chờ thời, chờ sự phát hiện, đánh thức, sử dụng từ bên ngoài thay vì những nỗ lực hữu dụng tự thân?

Và nữa, hòn đá phi thường mọc rêu vô dụng bởi sự chờ đợi bị động và hòn đá tầm thường vô dụng ảo tưởng mình rơi từ vũ trụ ngàn năm, hòn đá nào đáng buồn, đáng thương hơn?

Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết

Câu Nghị luận văn học yêu cầu bàn luận về giá trị văn học từ một quan niệm khá kinh điển và an toàn trong Sách Ngữ văn 12 nâng cao, tập hai: 'Văn học soi sáng các giá trị, dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững' theo cô Tuyết thì hai khái niệm 'giá trị nhất thời' và 'giá trị bền vững' thật ra không cùng một tiêu chí phân loại, chỉ là lâu nay nhiều người mặc định coi sự 'nhất thời' về hiện hữu đồng nhất với 'nhất thời' về giá trị!

Các giá trị của văn học là những vấn đề xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện của văn học trong lịch sử nhân loại – tuy nhiên nếu sự vận động thay đổi của cuộc sống là bất biến thì quan niệm về giá trị và sự thay đổi các giá trị (dù của văn học hay bất kì đối tượng nào trong cuộc sống) cũng luôn vận động, thay đổi.

Chân – Thiện – Mĩ thường được coi là những giá trị cao quí mà nhân loại vất vả tìm kiếm, tạo lập, khát khao chinh phục, sở hữu, đương nhiên đó được coi là những 'giá trị bền vững' muôn đời, nhưng mỗi thời đại (của cái 'nhất thời') lại có quan niệm khác nhau về Chân – Thiện – Mĩ, cái tử tế, chân thành, cái đẹp của thời trước có khi lại tàn nhẫn, lệch lạc, duy ý chí ở thời sau.

Minh họa cho phân tích của mình, TS Trịnh Thu Tuyết nhắc tới câu nói của nhân vật Lượng trong truyện ngắn Thư nhà của Hồ Phương khi nghe tin người yêu bị giặc làm nhục: 'Việc ấy cũng không hề gì. Miễn là Chi vẫn trung thành với dân với nước' có thể coi là biểu hiện của Chân – Thiện – Mĩ một thời, khi con người đặt quyền lợi và số phận cộng đồng lên trên mọi nỗi niềm hay thân phận cá nhân – còn bây giờ, câu nói ấy khiến tôi thấy sợ hãi vì khả năng tự đè nén phần nhân tính tự nhiên trong một con người.

Nhân tính có vị trí như thế nào trong câu chuyện người mẹ bóp chết đứa con sơ sinh trong hầm bí mật vì sợ tiếng khóc của con khiến giặc phát hiện ra du kích và dân làng đang ở dưới hầm (Những kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội); hoặc nhân vật bà Cà Xợi trong tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức làm món gà kho nước dừa ngon nhất trong cuộc đời làm mẹ, cho tên ác ôn, cũng là thằng Xăm, con trai bà, ăn bữa cuối cùng trước khi hẹn du kích tới chặt đầu hắn?

Vậy là học trò có thể thấy không hẳn sự vận động các giá trị văn học luôn đi theo hướng 'dẫn dắt con người vượt lên trên các giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững' mà chính các 'giá trị nhất thời' trong mỗi hoàn cảnh lịch sử, xã hội của các thời đại mới có giá trị điều chỉnh để hướng tới hoàn thiện và làm mới những 'giá trị bền vững' muôn đời.

'Nghĩ thì thấy, đề có thể cũ, trò mới vẫn có thể tìm ra cái mới, miễn là đáp án không phải 'những hành lang vừa hẹp vừa thấp' ngày xưa.

Hi vọng các trò hứng thú với sự muôn đời nhưng luôn hiện hữu trong từng khoảnh khắc của hiện tại. 

Tất nhiên, với đề năm nay, thật không dễ để có những bài văn độc đáo, mới mẻ - những vụn đá rơi từ vũ trụ rất khó dụng võ với việc xây tường, làm bậc hè, làm cối…', Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết khẳng định.

>> Xem thêm: Tuyển sinh đại học 2022: Lưu ý với thí sinh 'đỗ đại học sớm'