Vì sao ngày nay chúng ta Đảng sống trong hòa bình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc

Bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình-chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta

Ngày phát hành: 06/04/2020 Lượt xem 11256

Vì sao ngày nay chúng ta Đảng sống trong hòa bình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc


Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Để thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ quốc có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau: phương pháp bạo lực (gồm bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang), phương pháp hoà bình và sự kết hợp của hai phương pháp này.

Phương châm bảo vệ Tổ quốc được Đảng xác định là: đối với nội bộ, lấy việc giáo dục, thuyết phục, phòng ngừa là chính đi đôi với giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật. Đối với các bất đồng, tranh chấp với các nước liên quan thì kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đảng ta cũng chỉ rõ phương thức đấu tranh là kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, nhưng lấy đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu nhằm chủ động ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; khắc phục tình trạng sơ hở, mất cảnh giác. Phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ xung đột, chiến tranh biên giới, biển, đảo, chiến tranh mạng; không để xảy ra bạo loạn, khủng bố, hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.

Đảng ta khẳng định: “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội là lợi ích cao nhất của đất nước”[1]. Theo đó, bảo vệ Tổ quốc không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh hoặc hoạt động liên quan đến chiến tranh, mà bảo vệ Tổ quốc tối ưu là làm cho đất nước không phải tiến hành chiến tranh. Phát triển quan điểm trên, Đảng ta đã nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm là luôn nắm chắc, dự báo được tình hình, đưa ra các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đối phó với nguy cơ chiến tranh chủ động, tích cực và hiệu quả. Bảo vệ Tổ quốc từ xa không chỉ xét về mặt không gian - địa lý , mà chủ yếu là chủ động chuẩn bị bảo vệ Tổ quốc ngay khi Tổ quốc đang hòa bình và phát triển, “giữ nước từ khi nước chưa nguy"; thực hiện ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh.

Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng là sự kế thừa, phát triển tư tưởng truyền thống giữ nước của ông cha ta: “giữ nước từ khi nước chưa nguy". Đồng thời cũng thể hiện tư duy mới của Đảng về phương thức, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.Đó chính là việc chủ động phòng ngừa, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi đất nước còn chưa nguy.Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Có kế sách ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu những nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây đột biến”[2].

Như vậy, cả lý luận và thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đều chứng tỏ bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp hòa bình là xuyên xuốt và nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Điều này được thể hiện trên những nội dung cơ bản sau:

Hòa bình luôn là phương pháp được ưu tiên hàng đầu trong các phương pháp được lựa chọn. Kế thừa truyền thống của dân tộc: "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", trong lãnh đạo bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn chủ trương ưu tiên cho phương pháp hoà bình. Bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp bạo lực cách mạng là một tất yếu khách quan và vô cùng cần thiết, nhưng chỉ được lựa chọn khi phương pháp hoà bình không đạt được kết quả như mong muốn, bị thất bại, hoặc trong những trường hợp không có sự lựa chọn nào khác. Thực tiễn chứng minh, sau Cánh mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp được sự tiếp tay của các nước đế quốc đồng minh trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình của nhân dân ta. Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…”[3]. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Người, toàn thể dân tộc Việt Nam nhất tề đứng dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giành thắng lợi đem lại cuộc sống hoà bình cho miền Bắc và tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam từ sau năm 1954 đến 1975.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam: "không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", "không tham gia liên minh quân sự" vì chủ trương nhất quán của Việt Nam là thêm bạn, bớt thù.Như vậy, chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta mang tính chất hoà bình, tự vệ nhằm giữ vững môi trường hoà bình để phát triển bền vững đất nước.

Giữ vững nguyên tắc giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Nhận thức rõ lợi ích của phương pháp hoà bình, Việt Nam chủ trương: “giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”[4]. Phương pháp hoà bình có nhiều biện pháp thực hiện khác nhau. Do đó, cần sáng suốt lựa chọn các giải pháp phù hợp nhất, sao cho mọi bất đồng, tranh chấp đều được giải quyết trên cơ sở luật quốc tế và nguyên tắc công bằng. Hoà bình nhưng phải bảo đảm lợi ích tối thượng của dân tộc, phải giữ vững được độc lập, tự chủ của Tổ quốc. Trên thế giới, đàm phán là giải pháp thường xuyên được các quốc gia sử dụng để giải quyết các bất đồng hoặc tranh chấp với nhau, với mục tiêu thu hẹp bất đồng, ngăn chặn xung đột, gia tăng hợp tác. Việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình có vai trò rất quan trọng góp phần ổn định quan hệ quốc tế và bảo vệ nền hoà bình, an ninh thế giới, tạo điều kiện cho quan hệ quốc tế phát triển. Ở Việt Nam, Đảng ta đã nhiều lần sử dụng rất thành công các cuộc đàm phán trong giải quyết bất đồng, tranh chấp với các nước có liên quan để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, như: đàm phán với Pháp tại Hội nghị Giơnevơ (1954), đàm phán ký Hiện định Hoà bình Paris (1973) với Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Thực tiễn giải quyết những bất đồng, tranh chấp với các nước mà Việt Nam là một bên liên quan, từ trước đến nay, chúng ta luôn xác định đàm phán là một giải pháp ưu tiên đối với mọi bất đồng, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ. Từ khi chưa gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ các tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, ngày 18-3-1995 Việt Nam khẳng định: "mọi tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo ngoài Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua thương lượng hòa bình; kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực". Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam luôn thể hiện lập trường thông qua thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước ngày 19-10-1993 tại Hà Nội, với những nguyên tắc cơ bản sau: (1) Thông qua thương lượng giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước trên cơ sở năm nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình. (2) Hai bên căn cứ vào tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận và tham khảo thực tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ.

Hòa bình là phương pháp tối ưu, hiệu quả nhất để bảo vệ Tổ quốc. Đàm phán quốc tế trong giải quyết bất đồng, tranh chấp quốc tế là một giải pháp lâu đời, được áp dụng phổ biến và hiệu quả nhất. Bởi, đó là cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để các bên bất đồng, tranh chấp trực tiếp bày tỏ quan điểm, lập trường, yêu sách của mình về vấn đề bất đồng, tranh chấp cùng nhau thương lượng, nhượng bộ để giải quyết. Mặt khác, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng đàm phán sẽ hạn chế được sự can thiệp từ bên ngoài, có khả năng làm phức tạp thêm vụ việc bất đồng, tranh chấp. Bởi vậy, đàm phám, giải quyết bất đồng, tranh chấp là biện pháp tối ưu, hiệu quả, tránh đổ máu của người lính trên chiến trường, giữ vững môi trường hoà bình thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trước nguy cơ chiến tranh.

Hòa bình phải dựa trên nền tảng tiềm lực và được bảo đảm bởi sức mạnh tổng hợp về vật chất và tinh thần của quốc gia. Là dân tộc phải trải qua rất nhiều các cuộc chiến tranh chống xâm lược, dân tộc ta đã thấu hiểu giá trị cao cả của hoà bình. Nhưng hoà bình thật sự không tự đến, không tự có, mà nó là kết quả của sự đấu tranh kiên quyết, kiên trì của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhất quán lựa chọn phương pháp hoà bình trong bảo vệ Tổ quốc, nhưng Đảng, Nhà nước ta không bao giờ ảo tưởng, mất cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn chống phá của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Để giải pháp hòa bình được thực hiện hiệu quả, Đảng ta khẳng định: cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Xây dựng "thế trận lòng dân", tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tuyệt đói trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, an ninh. Tạo cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xây dựng, củng cố đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo. Tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống, v.v..

Không dựa trên nền tảng sức mạnh tổng hợp, và không có sự kết hợp của những phương pháp khác trong bảo vệ Tổ quốc thì phương pháp hoà bình sẽ trở nên phi thực tế, không mang lại hiệu quả, thậm chí phản tác dụng. Bởi: “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”[5]. Cho nên, trong khi bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp hoà bình thì các cấp, ngành, lực lượng phải tranh thủ môi trường hoà bình để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện tốt vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi để bảo vệ Tổ quốc bằng phương pháp hoà bình như chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta./.

PGS, TS Phan Trọng Hào



[1] Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H. 2003, tr. 46.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 149.

[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 480, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 149.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 7, tr. 244

Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy và ủy thác của nhân dân

Vì nền độc lập tự do của đất nước, vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xứng đáng với sự tin cậy và ủy thác của nhân dân

Lời Bộ Biên tập: Nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 - 19-8-2014) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2014); Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu bài viết quan trọng dành riêng cho Tạp chí của Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Sáu mươi chín năm trước, vào mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trong lịch sử nước nhà: đập tan xiềng xích của chế độ thực dân, phong kiến; giành lại nền độc lập dân tộc; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của nhân dân và vì nhân dân; nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, tự do và khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ nền tự do, độc lập ấy. Gần 70 năm qua, nhân dân ta đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, như lời Bác Hồ dạy: nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập cũng không có ý nghĩa gì. Đồng thời, nhân dân ta cũng đã phải hy sinh biết bao xương máu, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược để bảo vệ nền độc lập tự do, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Ngày nay, trong một thế giới đang diễn ra mạnh mẽ quá trình toàn cầu hóa, đan xen nhiều mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh gay gắt giữa các nước, giữa các nền chính trị, kinh tế và văn hóa khác nhau, sự hưng thịnh hay tồn vong của mỗi quốc gia, dân tộc không còn chỉ là chuyện riêng của từng quốc gia hay dân tộc. Điều đó đã tạo ra cả thời cơ và thách thức với mọi quốc gia, nhất là với các nước nhỏ trong việc bảo vệ lợi ích, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong bối cảnh đó, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và trên thế giới trong những năm gần đây, hơn bao giờ hết, đòi hỏi đất nước ta phải phát triển nhanh, bền vững, nâng cao sức mạnh tổng hợp, nội lực của đất nước về mọi mặt; đồng thời phải luôn nêu cao cảnh giác, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của chúng ta hôm nay trước tổ tiên và các thế hệ cha anh đi trước, như lời Bác Hồ dạy: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và trước các thế hệ con cháu muôn đời sau.

Nước Việt Nam ta độc lập! Non sông gấm vóc Việt Nam ta thống nhất, toàn vẹn từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau, từ dãy núi rừng Trường Sơn hùng vĩ đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa hiên ngang trong sóng gió Biển Đông! Đất nước Việt Nam, do ông cha để lại, dọc ba miền Bắc-Trung-Nam liền một dải, đẹp đẽ vô cùng và thiêng liêng vô giá. Đồng bào Việt Nam ta dù ở miền xuôi hay miền ngược, đang ở trong nước hay ở nước ngoài đều là đồng bào con Lạc, cháu Hồng, cùng chung tay xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và giữ gìn vững chắc non sông gấm vóc của Tổ quốc.

Thời nào cũng thế, nhân dân ta không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào làm xâm hại lợi ích của đất nước, của dân tộc. Đó chính là đạo lý thiêng liêng nhất và là pháp lý công minh nhất! Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người con đất Việt. Điều nhân dân ta cần và tôn vinh là những người yêu nước chân chính, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng của mình vì lợi ích chung của đất nước, thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực, cụ thể có lợi cho dân, cho nước như lời Bác Hồ dạy: Cái gì có lợi cho dân, cho nước thì cố hết sức làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì cố hết sức tránh. Vì vậy, để góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, mỗi người chúng ta, dù làm gì, ở bất kỳ vị trí làm việc, công tác nào, cũng phải làm hết sức mình để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, chức trách của mình, tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các thói hư, tật xấu, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm. Chúng ta không thể chấp nhận những người miệng nói yêu nước nhưng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm” mà tham nhũng, lãng phí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước, làm nghèo, suy yếu đất nước. Đây là “giặc nội xâm”, là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần phải cắt bỏ.

Để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đất nước đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, bản lĩnh vững vàng, kiên định về nguyên tắc nhưng tỉnh táo, linh hoạt, khôn khéo trong sách lược, “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm; hay những lời nói của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: phải biết chủ động “rút củi đáy nồi”, “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” trong xử lý quan hệ với kẻ thù; “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”, xây dựng “quân đội một lòng như cha con thì mới dùng được”, “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”... vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay.

Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường của dân tộc, những bài học giữ nước của cha ông, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của đất nước, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, nhân dân ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc do cha ông để lại để trao truyền cho muôn đời con cháu mai sau.

*

* *

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Nhưng, chúng ta vẫn luôn đau đáu vì nền kinh tế nước ta còn tụt hậu, cuộc sống của đồng bào ta ở nhiều vùng, nhiều đối tượng còn rất khó khăn; vẫn còn tệ tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thói quan liêu hống hách cửa quyền với nhân dân, tình trạng trù dập, ức hiếp người dân lương thiện, gây ra bao nỗi oán thán, bất bình trong nhân dân. Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt” (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Người xưa nói: không biết xấu hổ thì không thành người được! Ấy là liêm sỉ ở đời! Không trừ một ai, dù là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị hay một công dân bình thường luôn phải tự vấn về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, luôn phải biết tự hổ thẹn với lương tâm về đạo lý làm người! Không trừ một ai, ở bất kỳ cấp nào, có việc làm hại cho dân cho nước, làm nhân dân bất bình, nếu đạo lý, lương tâm không đủ thức tỉnh, răn đe thì pháp lý phải được triệt để áp dụng. Ai vi phạm thì khuyên răn, nếu vẫn chưa thức tỉnh thì cần thiết phải nghiêm trị, “xây” phải đi đôi với “chống”, để giữ gìn, củng cố lòng tin của nhân dân, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi vì “dân là gốc”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Gốc có vững, cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”, cũng như người Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã từng viết: “làm lật thuyền mới biết sức dân mạnh như nước”. Vì vậy, để có đủ sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, chông gai trên con đường bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân lại đòi hỏi phải được chăm lo ở một tầm cao mới, với chất lượng mới. Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Khối đoàn kết, thống nhất, đồng tâm hiệp lực của hơn 90 triệu đồng bào ta ở trong nước cũng như ở nước ngoài sẽ là sức mạnh vô địch để giữ gìn, bảo vệ non sông đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn.

*

* *

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ không được phép sao nhãng, lơ là, nhưng cũng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, bền bỉ với những khó khăn, thử thách to lớn. Đây là sự nghiệp của toàn dân, của mọi người Việt Nam, nhưng Đảng và Nhà nước ta, những người lãnh đạo và quản lý đất nước, có vai trò và trách nhiệm to lớn. Tháng 9 năm nay tròn 45 năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta phải tiếp tục học tập và làm theo những lời dạy trong Di chúc của Bác: “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”, “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ của nhân dân”, “mỗi đảng viên, cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; phải giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh, Điều lệ, quan điểm, đường lối, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, trên cơ sở bảo vệ lợi ích của dân tộc, của đất nước, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Trên tinh thần đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần phải tiếp tục thực hiện thật tốt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, để giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, để đánh giá cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước ta thật sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được toàn dân tin cậy, ủng hộ. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng thành một khối vững chắc, nỗ lực phấn đấu, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để dân tộc ta, đất nước ta phồn vinh, mãi mãi trường tồn. Đó cũng là thước đo lòng yêu nước của mỗi chúng ta lúc này./.

Trương Tấn Sang

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn/