Viêm mô tế bào là gì

Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau ở các lớp sâu của da. Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Các trường hợp nhẹ liên quan đến nhiễm trùng cục bộ có kèm theo mẩn đỏ ở một vùng. Các trường hợp nghiêm trọng hơn liên quan đến nhiễm trùng lây lan nhanh chóng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết. Ở một mức độ nào đó, sự lây lan sẽ phụ thuộc vào mức độ phản ứng của hệ thống miễn dịch của người đó.

Phân loại

Có nhiều loại viêm mô tế bào khác nhau, tùy thuộc vào vị trí nhiễm trùng xảy ra. Một số loại bao gồm:

  • Viêm mô tế bào quanh mắt;
  • Viêm mô tế bào mặt, phát triển quanh mắt, mũi và hai bên má;
  • Viêm mô tế bào vú;
  • Viêm mô tế bào quanh hậu môn.

Viêm mô tế bào có thể xảy ra ở mọi nơi trên cơ thể, bao gồm cả bàn tay và bàn chân. Nhiều trường hợp người lớn phát triển bệnh viêm mô tế bào ở cẳng chân, trong khi trẻ em có xu hướng phát triển bệnh ở mặt hoặc cổ.

Các triệu chứng của viêm mô tế bào

Các triệu chứng sau có thể xảy ra ở vùng bị ảnh hưởng:

Một số trường hợp có sự xuất hiện của mụn nước, da bị lõm hoặc đốm. Một số người cũng có thể gặp các triệu chứng khác của nhiễm trùng như:

  • Mệt mỏi;
  • Ớn lạnh và đổ mồ hôi;
  • Run rẩy;
  • Sốt;
  • Buồn nôn.

Ngoài ra, các tuyến bạch huyết có thể trở nên mềm hơn và sưng to. Ví dụ, viêm mô tế bào ở chân có thể ảnh hưởng đến các tuyến bạch huyết ở vùng bẹn.

Viêm mô tế bào là gì

Nguyên nhân

Vi khuẩn thuộc nhóm Streptococcus và Staphylococcus thường xuất hiện trên bề mặt da - nơi chúng không gây hại. Tuy nhiên, nếu chúng xâm nhập vào các lớp bên dưới da, thường qua vết cắt hoặc vết xước có thể gây nhiễm trùng.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào bao gồm:

  • Tuổi tác: Viêm mô tế bào dễ xảy ra trong hoặc sau tuổi trung niên.
  • Béo phì: Viêm mô tế bào phổ biến hơn ở những người thừa cân hoặc béo phì.
  • Các vấn đề về chân: Sưng (phù nề) và loét có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Viêm mô tế bào trước đây: Bất kỳ ai đã từng bị viêm mô tế bào trước đây đều có 8–20% khả năng tái phát, nghiên cứu chỉ ra và nhiễm trùng có thể tái phát nhiều lần trong vòng một năm.
  • Tiếp xúc với các yếu tố môi trường: Bao gồm nước ô nhiễm và một số động vật.
  • Các vấn đề về da khác: Thủy đậu, chàm, nấm da chân, áp-xe và các tình trạng da khác có thể làm tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.
  • Phù bạch huyết: Tình trạng này có thể dẫn đến da bị sưng, gây nứt da và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Các tình trạng khác: Những người bị bệnh gan hoặc thận có nguy cơ cao bị viêm mô tế bào.
  • Bệnh tiểu đường: Nếu một người không thể kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả, các vấn đề với hệ thống miễn dịch, tuần hoàn hoặc cả hai có thể dẫn đến loét da.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Mọi người có thể mắc chứng này nếu họ lớn tuổi, nhiễm HIV hoặc AIDS hay đang hóa trị hoặc xạ trị.
  • Các vấn đề về tuần hoàn: Những người có tuần hoàn máu kém có nguy cơ cao bị nhiễm trùng lây lan đến các lớp sâu hơn của da.
  • Phẫu thuật hoặc chấn thương gần đây: Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Sử dụng thuốc qua đường tĩnh mạch: Tiêm thuốc, đặc biệt là với kim tiêm đã qua sử dụng, có thể dẫn đến áp xe và nhiễm trùng dưới da, làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ kiểm tra cá nhân và đánh giá các triệu chứng đồng thời có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Các xét nghiệm này có thể giúp xác định loại vi khuẩn hoặc loại trừ nguyên nhân có thể khác gây ra các triệu chứng tương tự như viêm mô tế bào.

Việc xác định nguyên nhân và loại vi khuẩn giúp bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tuy nhiên, điều này có thể là một thách thức, vì sự hiện diện của nhiều loại vi khuẩn trên da có thể dẫn đến kết quả không chính xác.

Các biến chứng

Trong một số trường hợp hiếm hoi, các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh bao gồm:

  • Sưng vĩnh viễn: Nếu không điều trị, người bệnh có thể bị sưng vĩnh viễn ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Nhiễm trùng máu: Tình trạng đe dọa tính mạng này là do vi khuẩn xâm nhập vào máu và cần phải điều trị nhanh chóng. Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết bao gồm sốt, tim đập nhanh, thở nhanh, huyết áp thấp, chóng mặt khi đứng lên, giảm lượng nước tiểu và da đổ mồ hôi, xanh xao và lạnh.
  • Nhiễm trùng ở các vùng khác: Trong một số trường hợp rất hiếm, vi khuẩn đã gây ra viêm mô tế bào lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả cơ, xương hoặc van tim.

Trong hầu hết các trường hợp, điều trị hiệu quả có thể ngăn ngừa các biến chứng.

Điều trị

Điều trị sớm bằng kháng sinh thường mang lại hiệu quả. Hầu hết các trường hợp có thể điều trị tại nhà, một số có biểu hiện nặng và diễn tiến phức tạp cần được điều trị tại bệnh viện.

Bác sĩ có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp điều trị sau:

Thuốc

Trường hợp viêm mô tế bào nhẹ thường đáp ứng với điều trị kháng sinh đường uống trong 7–14 ngày. Các triệu chứng ban đầu có thể xấu đi, nhưng thường bắt đầu cải thiện trong vòng 2 ngày.

Các loại kháng sinh khác nhau có thể điều trị viêm mô tế bào. Bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn tốt nhất sau khi xác định loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng và các yếu tố cụ thể đối với từng người.

Hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng 2 tuần, tuy nhiên có thể mất nhiều thời gian hơn nếu các triệu chứng nghiêm trọng.

Ngoài ra, có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống liều thấp để sử dụng lâu dài nhằm ngăn ngừa bệnh tái phát.

Nhập viện

Một số trường hợp viêm mô tế bào nặng cần được điều trị tại bệnh viện, đặc biệt nếu có các trường hợp như:

  • Sốt cao;
  • Nôn mửa;
  • Tái phát viêm mô tế bào;
  • Điều trị hiện tại không hiệu quả;
  • Các triệu chứng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Tại bệnh viện, hầu hết những trường hợp này được điều trị kháng sinh qua đường tĩnh mạch.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Viêm mô tế bào cần được điều trị y tế ngay lập tức. Một số biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạng khó chịu bao gồm:

  • Uống nhiều nước;
  • Kê cao vùng bị ảnh hưởng để giúp giảm sưng và đau;
  • Vận động phần bị ảnh hưởng của cơ thể thường xuyên;
  • Sử dụng thêm thuốc giảm đau;
  • Không mang vớ bó cho đến khi vết thương đã lành.

Một số người sử dụng các biện pháp tự nhiên có đặc tính kháng khuẩn, chẳng hạn như cỏ xạ hương và dầu cây bách. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng khoa học để chỉ ra rằng bất kỳ chiết xuất nào từ thực vật có thể điều trị viêm mô tế bào.

Nếu bất kỳ ai có các triệu chứng nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Viêm mô tế bào không được điều trị có thể đe dọa tính mạng.

Phòng ngừa

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa viêm mô tế bào nhưng có một số cách để giảm nguy cơ.

  • Xử lý vết thương: Giữ cho bất kỳ vết cắn, cắt hay trầy xướt sạch sẽ để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tránh gãi: Tránh cào gãi khi bị ngứa do côn trùng đốt có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Chăm sóc da: Kem dưỡng ẩm có thể ngăn da khô nứt nẻ, tuy nhiên sẽ không giúp ích gì nếu đã bị nhiễm trùng.
  • Bảo vệ da: Mang găng tay và áo dài tay có thể hạn chế được trầy xướt da khi làm việc. Điều này cũng có thể giúp ngăn côn trùng cắn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm mô tế bào.
  • Tránh hút thuốc và hạn chế sử dụng rượu: Những điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ.
  • Kiểm soát tốt một số tình trạng sức khỏe: Ví dụ, những người mắc bệnh tiểu đường nên cố gắng hết sức để kiểm soát tình trạng của mình.

Viêm mô tế bào là gì

Tìm hiểu thêm: áp xe da

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

Viêm mô tế bào là gì
  facebook.com/BVNTP

Viêm mô tế bào là gì
  youtube.com/bvntp