Vua hùng thứ 18 có đế hiệu là gì?

(VH&ĐS) Tháng ba ngày mùng mười lại đến! Những ngày này biết bao người dân Việt - con Lạc - cháu Hồng lại cùng nhau náo nức hướng về đất Tổ dâng lên “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” lòng biết ơn tiên tổ như Bác Hồ đã dặn.

Các bộ chính sử của nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên đều cho rằng thời kỳ Hùng Vương là thời kỳ dựng nước, thời kỳ bình minh của đất nước. Đó là thời kỳ Văn hóa Đông Sơn rực rỡ. Thời kỳ đó tuy đã cách xa ngày nay đến bốn ngàn năm có lẻ song vẫn còn hiển hiện một đền Hùng trên núi Hy Cương (Phú Thọ) với một bức đại tự “...Cổ hùng thị thập bát thế thánh vương thánh vị”. Thời kỳ Hùng Vương được ghi lại bằng những hình ảnh như một ký tự trên thạp đồng, trống đồng thuộc Văn hóa Đông Sơn mà con cháu các Vua Hùng còn phải tiếp tục nghiên cứu, giải mã. Ký ức khắc sâu vào tâm khảm con dân Việt và tín ngưỡng giỗ tổ thờ kính các Vua Hùng. Ngày nay đã trở thành tài sản văn hóa của nhân loại. Hơn thế nữa thời kỳ Hùng Vương quốc hiệu Văn Lang đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ) với thiết chế xã hội với sinh hoạt, phong tục tập quán vẫn còn dư quang ở xã hội Mường trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Đó là chế độ lang đạo với cha truyền con nối.

Đến nay trong các bộ sử nước ta đều cho rằng thời kỳ Hùng Vương bắt đầu từ năm 2879 trước công nguyên đến năm 258 trước công nguyên thì chuyển sang nhà Thục với đế hiệu là An Dương Vương, quốc hiệu là Âu Lạc đóng đô ở Cổ Loa. Nhưng nước Âu Lạc chỉ tồn tại 50 năm thì nhà Thục đã để “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Nước Âu Lạc rơi vào tay nhà Triệu (Triệu Đà) rồi nhà Hán nhà Đường... Nước ta lâm vào ách đô hộ của Tàu với 1.000 năm Bắc thuộc. Thời gian này có nhiều cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ như Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Đến năm 939 đức vua Ngô Quyền - con rể của dũng tướng Dương Đình Nghệ kéo quân từ Thanh Hóa ra đánh tan quân xâm lược Nam Hán, đất nước ta mới khôi phục được chủ quyền.

Như vậy nước Văn Lang của các Vua Hùng tồn tại đến 2622 năm? Lâu nay ta vẫn thường nói 18 đời Vua Hùng. Nếu như vậy tính bình quân mỗi Vua Hùng có thời gian ở ngôi 150 năm? Dù ngày xưa con người có thể tuổi thọ cao hơn bây giờ thì vẫn còn là một nghi vấn. Ngày nay con cháu các Vua Hùng phải có cách tiếp cận khoa học như thế nào để lý giải điều này? Trước hết thời kỳ Hùng Vương vẫn còn là một thời kỳ có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn. Đòi hỏi các nhà khoa học phải vận dụng nhiều phương diện khoa học với một tinh thần khách quan và cầu thị để lý giải. Phải kết hợp nhiều bộ môn khoa học như khảo cổ, sử học, văn hóa học, folklore... Ngoài những điều còn ít ỏi ghi chép ở các sách sử, ký của nước ngoài, nước ta như Việt điện U Linh, Lĩnh Nam chích quái, cần phải quan tâm đến các truyền thuyết, thần tích, ngọc phả ở các đền có liên quan đến thờ cúng Vua Hùng. Tháng 4/1971, khi còn công tác ở Khoa Văn của một trường đại học, chúng tôi đã có dịp đi sưu tầm, khảo sát truyền thuyết, về thời kỳ Hùng Vương. Cuộc đi đó đã ghi chép được một số truyền thuyết, thần tích, ngọc phả. Ngọc phả đáng chú ý nhất hiện đang lưu ở xã Hy Cương (Lâm Thao, Phú Thọ). Bản ngọc phả này đã được nhà nghiên cứu văn hóa Trần Huy Bá dịch và công bố trên Tạp chí Nguồn sáng dân gian - 1998. Bản ngọc phả này cũng được bà Nguyễn Thị Lâm Hảo ghi lại trong cuốn sách nước Văn Lang và người Bách Việt - Nxb Văn học 2012.

Theo đó thì họ Hồng Bàng tức là thời kỳ Hùng Vương bắt đầu từ năm 2879 TCN đến năm 258 TCN là tính từ thủy tổ người Việt là Lộc Tục làm Vua với đế hiệu là Kim Dương Vương. Vua sinh năm 2819 TCN lên ngôi năm 2879 TCN. Lộc Tục lấy con gái Thần Long nữ sinh được Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm lên làm vua là Lạc Long quân, quốc hiệu là Văn lang đóng đô ở Phong Châu (Phú Thọ). Vua Lạc Long quân lấy bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở trăm con. 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên rừng. Người con đầu của Lạc Long quân kế nghiệp vua cha làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Như vậy trước Hùng Vương đã có hai đế hiệu là Kinh Dương Vương và Lạc Long quân. Vua Kinh Dương Vương ngày nay còn có đền thờ ở làng An Lữ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Có một hình tượng rất đáng chú ý: trên trống đồng Đông Sơn cùng với đàn chim Việt sải cánh bay... còn có một đàn hươu với cặp lộc vạm vỡ đi về phía mặt trời, có những mặt trống đồng, hoặc trên các cặp vuôn phụ nữ Mường có hình con cá chép, con rồng. Đó là truyền thuyết của mối tình Thần hưu lộc (hươu sao) với nữ thần cá chép (hóa rồng). Truyền thuyết này rất xa xưa kể về Kinh Dương Vương được lưu truyền trong một số vùng của Phú Thọ và rất nhiều vùng Mường khác.

Bản ngọc phả nói trên không nói 18 đời Hùng Vương mà gọi là 18 chi. Mỗi chi Hùng Vương có người đứng đầu làm vua lấy đế hiệu nào đó, nhưng ở từ đầu đều có từ Hùng. Người làm vua tiếp theo vẫn dùng đế hiệu đó... Thí dụ Chi Cấn - Hùng Vương thứ III là Hùng Lân sinh năm Canh Ngọ (2570 TCN) lên ngôi khi 18 tuổi, đế hiệu là Hùng Quốc Vương. Chi Hùng Vương thứ III này, ngọc phả không nói truyền được mấy đời nhưng cho biết chi này trị vì được 272 năm. Chi Giáp Hùng Vương thứ IX đế hiệu là Hùng Định Vương, húy là Chân Nhân lang sinh năm Bính Dần (1375 TCN). Hùng Định Vương truyền được 3 đời vua đều gọi là Hùng Định Vương với số năm là 80 năm, bình quân các chi của Vua Hùng là 3 đời. Ngọc phả cho thấy có 2 chi nối được 5 đời Vua như Hùng Vương thứ VII là Hùng Chiêu Vương gồm 200 năm (1631 - 1432 TCN); Hùng Vương thứ VIII là Hùng Vĩ Vương truyền được 5 đời gồm 100 năm (từ năm 1431 - 1332 TCN. Đặc biệt chi Hùng Vương thứ IV là Hùng Hoa Vương lên ngôi năm 2252 TCN không rõ truyền được mấy đời nhưng đã trị vì 342 năm (2252 - 1912 TCN).

Về thời gian tuyệt đối của thời kỳ Hùng Vương còn vẫn cần tiếp tục nghiên cứu. Điều có thể nói thời kỳ Hùng Vương tính từ Kinh Dương Vương, Lạc Long quân và các chi Vua Hùng tiếp theo, mỗi chi có nhiều đời, nhưng đều là Vua Hùng. Như vậy con số 2622 năm của thời kỳ Hùng Vương với cách ghi của ngọc phả trên là điều hiện nay khả dĩ có thể chấp nhận vì nó gần với thực tế mà những gì chúng ta biết.

Cao Sơn Hải