Xây đảo nhân tạo như thế nào

Chính phủ Đan Mạch và chính quyền thành phố Copenhagen hợp tác với Công ty quy hoạch và kiến ​​trúc Urban Power trong dự án “Holmene”, xây dựng chín hòn đảo nhân tạo ngoài khơi. Theo thông tin từ trang công nghệ New Atlas, các đảo nhân tạo sẽ được xây dựng từ 26 triệu m3 đất dư thừa trong các dự án xây dựng chung quanh khu vực.

Các hòn đảo sẽ cung cấp khoảng 3 triệu m2 diện tích phục vụ các hoạt động thương mại và công nghiệp, cải tạo cảnh quan thiên nhiên cho các hoạt động thể thao và ngoài trời. Song song việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người, chính phủ nước này cũng rất chú trọng bảo vệ thiên nhiên khi xây dựng tại đây các rạn san hô để hỗ trợ môi trường sống cho động vật biển. Các kiến trúc sư của Urban Power đã lên ý tưởng thiết kế một vành đai xanh bao quanh mỗi hòn đảo, là nơi chuyển tiếp hài hòa giữa con người trên đất liền với môi trường nước tự nhiên. Ngoài ra, chính phủ còn sử dụng turbine gió làm nguồn năng lượng chính, đồng thời lắp đặt nhà máy xử lý rác thải, chuyển hóa thành năng lượng lớn nhất ở Bắc Âu.

Nhà chức trách Đan Mạch hy vọng chín hòn đảo của dự án Holmene sẽ trở thành trung tâm về các lĩnh vực kinh doanh, thương mại và công nghệ bền vững trong tương lai. Trả lời phỏng vấn của tờ The Guardian, ông Brian Mikkelsen, người đứng đầu Phòng Thương mại Đan Mạch, phát biểu: “Tôi nghĩ rằng khu vực này có thể trở thành một “Thung lũng Silicon” của châu Âu”. Dự kiến các đảo Holmene khi hoàn thành sẽ thu hút khoảng 380 công ty trong và ngoài nước đến đầu tư, đóng góp thêm 8 tỷ USD vào GDP của Đan Mạch.

Ông Lund Poulsen, Bộ trưởng Lao động Đan Mạch khẳng định đây là dự án có tầm nhìn xa và nhận được toàn bộ sự hỗ trợ của chính phủ nước này. Công trình dự kiến ​​sẽ khởi công vào năm 2022 và chỉ sau sáu năm, hòn đảo đầu tiên sẽ hoàn thành, chính thức đi vào sử dụng. Theo lịch trình hiện tại, toàn bộ hệ thống đảo nhân tạo sẽ được hoàn thiện vào khoảng năm 2040 với tổng kinh phí khoảng 490 triệu USD.

Nhà tư vấn kiến ​​trúc Arne Cermak Nielsen của Urban Power phân tích về xu hướng phát triển đảo nhân tạo trong tương lai: “Chiến lược này có một số lợi thế. Nó có thể phát triển từng bước mà không bị rơi vào hoàn cảnh bỏ dở giữa chừng trong trường hợp nền kinh tế phải đối mặt những cuộc suy thoái. Ngoài ra, các đảo có thể được phát triển theo chủ đề, đem lại những điều kiện tốt nhất cho ngành công nghiệp tiến bộ và hoạt động nghiên cứu về công nghệ xanh, công nghệ sinh học, khoa học đời sống”.

Giải tỏa sức ép dân số và phát triển kinh tế

Đã có rất nhiều hệ thống đảo nhân tạo được xây dựng trên thế giới, dù thiết kế và quy mô khác nhau nhưng tất cả các dự án này đều hướng tới việc giải quyết những nhu cầu ngày càng cao của con người. Đó là yêu cầu cấp thiết về nhà ở trước sự bùng nổ dân số, tạo môi trường phát triển du lịch và phát triển công nghệ mới.

Áp lực dân số là một trong những nguyên nhân đầu tiên và quyết định việc xây dựng đảo nhân tạo. Hồng Công (Trung Quốc) là một trong những thành phố có mật độ dân cư đông nhất trên thế giới. Với dân số lên tới 7,3 triệu người, các đô thị đang trở nên quá tải. Ngoài ra, thị trường bất động sản ở Hồng Công cũng thuộc hàng đắt đỏ thứ hai thế giới, khi một căn hộ 70 m2 có giá lên tới 1 triệu USD. Hiện tại có tới hơn 200.000 cư dân sống trong các căn hộ được chia nhỏ, thường chỉ đủ diện tích kê một chiếc giường với một nhà vệ sinh.

Giới chức Hồng Công cho rằng, việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể tạo thêm nơi ở cho 1,1 triệu người. Bởi vậy, dự án đảo nhân tạo “East Lantau Metropolis” đã ra đời với tổng diện tích 2.200 ha. Trong đó, toàn bộ quỹ đất sẽ dành chủ yếu cho nhu cầu nhà ở giá rẻ, kết hợp mục đích thương mại, giải trí. Các nhà quy hoạch Hồng Công cho biết, dự án này có thể được hoàn thiện trong vòng 14 năm. “Rõ ràng không có biện pháp ngắn hạn nào có thể giải quyết một cách toàn diện vấn đề đất đai tại Hồng Công ngoài việc xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn. Đây cũng là nền tảng cho sự phát triển trong tương lai của Hồng Công”, một thành viên tổ chức phi lợi nhuận Our Hong Kong Foundation cho biết.

Khác vai trò giải tỏa áp lực nhà ở như đảo nhân tạo của Hồng Công, hệ thống quần đảo “Cây cọ” của UAE (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) còn tiến một bước xa hơn. Đây là thí dụ điển hình của dự án đảo nhân tạo xây dựng để phát triển du lịch, trở thành nguồn thu lâu dài, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ của nền kinh tế. Thủ tướng UAE, ông Sheikh Mohammed đã quyết định tận dụng bờ biển dài để xây dựng Dubai trở thành điểm thu hút khách du lịch đẳng cấp thế giới. Tập đoàn bất động sản Nakheel (UAE) đã nạo vét khoảng 120 triệu m3 khối cát từ đáy biển và sử dụng công nghệ định vị vệ tinh (GPS) để định hình quần đảo “Cây cọ”. Dự án trị giá 14 tỷ USD, bắt đầu vào năm 2001 và hiện đã hoàn thiện với 1.500 biệt thự bên bờ biển cùng hơn 6.000 căn hộ. Nơi đây trở thành trung tâm của dịch vụ khách sạn, nghỉ dưỡng với 32 khách sạn năm sao thuộc các thương hiệu nổi tiếng như Mövenpick, Fairmont, Radisson SAS, Hilton... Chính quyền Dubai ước tính mỗi năm có khoảng 15 triệu khách du lịch đến với thành phố này và góp phần khiến Dubai dẫn đầu thế giới về lượng chi tiêu của du khách. Trong năm 2017, du khách quốc tế nghỉ qua đêm tại Dubai đã chi tiêu tổng cộng 28,5 tỷ USD và trong năm 2018 vừa qua đã tăng hơn 10%.

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng nhiều ý kiến cho rằng các đảo nhân tạo là tác nhân ảnh hưởng xấu môi trường sinh vật biển, góp phần gây ra thảm họa tự nhiên như lũ lụt, sóng thần… Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại về tình trạng hiện tại của vùng biển Dubai sau khi quần đảo “Cây cọ” được xây dựng mà không có các biện pháp bảo tồn hợp lý. Do quá trình nạo vét, các hoạt động giải trí như câu cá, du thuyền,... mà các rạn san hô và môi trường sống ngập mặn của nhiều loài sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng số lượng các rạn san hô đã ở trong tình trạng suy giảm liên tục trong 50 năm qua, và Vịnh Arab là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tập đoàn Nakheel cũng thừa nhận các quần đảo nhân tạo đã tác động tiêu cực tới các rạn san hô và thay đổi môi trường. Tuy nhiên, Tập đoàn này sẽ cố gắng giảm bớt, thậm chí xóa bỏ nguy cơ gây hại môi trường bằng cách xây dựng các rạn san hô nhân tạo sau khi hoàn thành các đảo. Ngoài ra, Nakheel còn thuê một số nhà nghiên cứu sinh vật biển để theo dõi và phục hồi các rạn san hô bị hư hại. Ông Imad Haffar, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nakheel dự đoán hệ sinh thái tại đây sẽ phát triển mạnh trong môi trường mới được xây dựng.

Từ đó có thể thấy, các đảo nhân tạo cần phải có sự kết hợp hài hòa giữa nhu cầu con người với môi trường tự nhiên. Trường hợp của dự án Holmene chính là một bước tiến mới khi đưa năng lượng xanh và bảo vệ môi trường trở thành một trong những trọng tâm chính.