Bài tập trích lập dự phòng rủi ro tín dụng năm 2024

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg ngày 22/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 246/2006/QĐ-TTg. Theo đó, Quỹ HTX, liên hiệp HTX phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các HTX và liên hiệp HTX.

Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2021/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTX. Theo đó, hệ thống các Quỹ HTX bao gồm: [i] Quỹ HTX Trung ương hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân sách trung ương cấp vốn; [ii] Các Quỹ HTX tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương [Quỹ HTX địa phương] hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân sách địa phương cấp vốn, Quỹ thành lập và hoạt động theo Luật HTX.

1.2. Hoạt động cho vay của Quỹ HTX Trung ương

Theo quy định hiện hành, Quỹ HTX Trung ương cho vay trực tiếp đối với các HTX, liên hiệp HTX; thành viên của tổ hợp tác và HTX [trừ đối tượng thành viên HTX là doanh nghiệp] trên phạm vi cả nước với nguyên tắc: [i] Thỏa thuận giữa Quỹ và khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật; [ii] Khách hàng vay vốn phải bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn theo thỏa thuận. Ngoài cho vay trực tiếp, Quỹ HTX Trung ương còn được phép ủy thác vay vốn cho các Quỹ HTX địa phương và các tổ chức tín dụng [TCTD].

.JPG]

Để được Quỹ HTX Trung ương xem xét cho vay, khách hàng phải đáp ứng được các điều kiện: [i] Thuộc đối tượng Quỹ được phép cho vay theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP; [ii] Là pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, cá nhân phải đủ 18 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; [iii] Có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được Quỹ thẩm định, đánh giá là khả thi và có khả năng hoàn trả nợ vay; [iv] Thực hiện quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định; [v] Có vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu là 20% tổng vốn đầu tư dự án, phương án sản xuất kinh doanh; [vi] Tại thời điểm giải ngân lần đầu tiên của Quỹ, sau khi ký kết hợp đồng tín dụng, khách hàng không có nợ xấu tại các TCTD.

1.3. Phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro cho vay

Trước khi Nghị định số 45/2021/NĐ-CP có hiệu lực, không có văn bản nào quy định chi tiết việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với Quỹ HTX Trung ương. Dư nợ cho vay của Quỹ chia thành 2 nhóm là nợ trong hạn và nợ quá hạn. Nợ quá hạn là những khoản nợ đã quá thời hạn trả nợ nhưng khách hàng vẫn chưa trả được nợ cho Quỹ.

Việc trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ HTX Trung ương thực hiện theo Thông tư số 81/TT-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với HTX [Thông tư số 81/TT-BTC]. Theo đó, Quỹ HTX Trung ương được trích lập quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp tổn thất [xóa nợ gốc] do nguyên nhân khách quan bất khả kháng [thiên tai, hỏa hoạn, động đất, dịch bệnh...] phát sinh trong quá trình thực hiện cho vay các dự án, hỗ trợ có hoàn lại vốn gốc và được hạch toán vào chi phí nghiệp vụ của Quỹ; mức trích lập tối thiểu bằng 0,2% tính trên dư nợ cho vay hàng năm của Quỹ. Theo quy định tại Thông tư số 81/TT-BTC, Quỹ được trích lập chứ không phải trích lập và dự phòng trích lập chỉ để xóa nợ gốc không thu hồi được do nguyên nhân bất khả kháng. Rủi ro do những nguyên nhân khác không quy định cơ chế xử lý.

Nghị định số 45/2021/NĐ-CP quy định Quỹ HTX thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản cho vay chịu rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay theo quy định của NHNN đối với tổ chức TCVM; bắt buộc Quỹ HTX Trung ương phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro trong cho vay, nhưng lại không quy định chi tiết những vấn đề liên quan đến việc phân loại nợ như các quy định của Chính phủ về phân loại nợ, trích lập, sử dụng dự phòng đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách khác.

2. Thực trạng phân loại nợ của Quỹ HTX Trung ương

2.1. Thực trạng phân loại nợ

Theo quy định hiện hành của Chính phủ, Quỹ HTX Trung ương phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro do NHNN ban hành đối với tổ chức TCVM. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì hiện nay, Quỹ vẫn đang thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư số 81/TT-BTC. Như vậy, với đặc thù loại hình tổ chức tài chính như Quỹ HTX, liên hiệp HTX, thì việc áp dụng cơ chế phân loại và trích lập dự phòng do NHNN quy định đối với tổ chức TCVM để phân loại và trích lập dự phòng đối với Quỹ HTX sẽ phát sinh nhiều bất cập. Nội dung sau đây sẽ trình bày cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng của Quỹ HTX áp dụng theo Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16/6/2010 của NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Thứ nhất, về phương pháp phân loại nợ: Quỹ HTX căn cứ vào thực trạng tài chính của khách hàng và/hoặc thời gian thanh toán nợ gốc và lãi vay để thực hiện phân loại nợ theo năm [05] nhóm như sau:

- Nhóm 1 [Nợ đủ tiêu chuẩn] bao gồm: [i] Các khoản nợ trong hạn; [ii] Các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.

- Nhóm 2 [Nợ cần chú ý] bao gồm: [i] Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày; [ii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.

- Nhóm 3 [Nợ dưới tiêu chuẩn] bao gồm: [i] Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày; [ii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; [iii] Các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

- Nhóm 4 [Nợ nghi ngờ mất vốn] bao gồm: [i] Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày; [ii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; [iii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

- Nhóm 5 [Nợ có khả năng mất vốn] bao gồm: [i] Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên; [ii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; [iii] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; [iv] Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.

Thứ hai, về trích lập dự phòng: Quỹ phải trích lập hai khoản dự phòng là dự phòng cụ thể và dự phòng chung.

- Dự phòng cụ thể: Là khoản tiền được trích lập trên cơ sở phân loại nợ để dự phòng cho những tổn thất có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể. Số tiền dự phòng cụ thể [R] đối với từng khoản nợ được tính theo công thức sau:

R = [A - C] × r

Trong đó:

R: Số tiền dự phòng cụ thể phải trích;

A: Số dư nợ gốc của khoản nợ;

C: Giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo;

r: Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể.

Trường hợp giá trị khấu trừ của tài sản bảo đảm [C] > [A], không phải trích lập dự phòng cụ thể.

Giá trị của các loại tài sản bảo đảm khoản vay được khấu trừ vào dư nợ gốc của khoản cho vay trước khi tính dự phòng cụ thể gồm: 100% số dư tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ; 100% mệnh giá của trái phiếu Chính phủ [tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình trung ương, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng Tổ quốc], trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

- Dự phòng chung: Quỹ thực hiện trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,5% dư nợ gốc của toàn bộ các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong phân loại nợ

Thứ nhất, những vấn đề liên quan đến yếu tố pháp lý

Qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay, một số nội dung quy định tại Thông tư số 15/2010/TT-NHNN đã bất cập, không còn phù hợp với thực tế. Hiện nay, hoạt động của TCVM đã có bước tiến dài. Nhiều tổ chức TCVM có quy mô hoạt động đã vượt ra khỏi vị thế siêu nhỏ; nguồn vốn, dư nợ cho vay mỗi ngày một tăng. Một số tổ chức TCVM đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thay vì hoạt động dưới dạng các quỹ từ thiện, quỹ hỗ trợ, chương trình, dự án TCVM như trước đây; hoạt động của các tổ chức TCVM không chỉ đơn thuần là hỗ trợ người nghèo với lãi suất thấp, mà còn mang cả tính chất “thương mại”; một số tổ chức TCVM hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng lãi suất cho vay của các tổ chức này tương đương, thậm chí cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại.

Bảo đảm tiền vay cũng là vấn đề. Theo quy định về phân loại, trích lập dự phòng đối với tổ chức TCVM, thì chỉ có hai loại tài sản được chấp nhận khấu trừ 100% khỏi dư nợ để tính dự phòng là tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và trái phiếu Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là có tài sản nào khác mà tổ chức TCVM có thể nhận làm tài sản bảo đảm và nếu có thì tỷ lệ khấu trừ là bao nhiêu? Thực tiễn cho thấy, nhiều khách hàng là người nghèo vay vốn của tổ chức TCVM đã thoát nghèo, tài sản của họ đa dạng, phong phú, giá trị và họ có thể mang cầm cố, thế chấp để vay vốn. Ngoài ra, tổ chức TCVM còn cho vay khách hàng không phải là khách hàng tài chính quy mô nhỏ như tổ chức, doanh nghiệp cá nhân [mục b, khoản 1, Điều 6, Thông tư số 15/2010/TT-NHNN]. Nếu trong trích lập dự phòng rủi ro chỉ tính khấu trừ hai loại tài sản là tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và trái phiếu Chính phủ, rõ ràng sẽ là không đủ.

Vì vậy, Thông tư số 15/2010/TT-NHNN đã đến lúc cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với những thay đổi trong hoạt động của tổ chức TCVM. Sẽ là bất cập nếu áp dụng cơ chế hiện tại đối với tổ chức TCVM vào việc phân loại nợ đối với Quỹ HTX Trung ương - một tổ chức tài chính của Nhà nước, hoạt động cho vay với đối tượng khách hàng là HTX, liên hiệp HTX, các cá nhân là thành viên tổ hợp tác, HTX.

Thứ hai, những vấn đề có tính chất kỹ thuật

Về nguyên tắc phân loại nợ:

Thông tư số 15/2010/TT-NHNN không quy định cụ thể về nguyên tắc xếp loại nợ và nhóm có rủi ro cao đối với trường hợp khách hàng có nhiều khoản vay tại một tổ chức TCVM hoặc có khoản vay tại tổ chức TCVM và các TCTD khác. Thực tiễn cho thấy, HTX, liên hiệp HTX có quan hệ tín dụng với nhiều TCTD khác đồng thời có quan hệ vay vốn của Quỹ. Nếu khách hàng nào đó bị các TCTD xếp loại vào nhóm có rủi ro, rủi ro cao, thì nợ khách hàng đó vay tại Quỹ có phải điều chỉnh hạng rủi ro không? Hoặc, một khách hàng có vay nhiều món tại Quỹ, nếu một khoản nợ chưa đến hạn, trong khi đó món nợ khác đã xếp vào nhóm có rủi ro thì toàn bộ nợ có phải điều chỉnh thứ hạng rủi ro không? Cần nhấn mạnh rằng, việc phân loại nợ nhằm đánh giá chất lượng dư nợ, về bản chất là đánh giá khả năng trả nợ của chính khách hàng, khi khách hàng không thể trả nợ đúng hạn đối với chỉ một khoản vay, là rủi ro có thể phát sinh đối với các khoản vay khác là hoàn toàn có thể xảy ra.

Về nợ thuộc đối tượng phân loại:

Theo quy định hiện hành, ngoài nghiệp vụ cho vay trực tiếp khách hàng, Quỹ HTX Trung ương còn có thể cho vay gián tiếp thông qua ủy thác cho vay. Nghị định số 45/2021/NĐ-CP chỉ quy định Quỹ thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với những khoản cho vay chịu rủi ro theo quy định của NHNN đối với tổ chức TCVM. Đối với những khoản cho vay ủy thác và nhận ủy thác mà Quỹ không chịu rủi ro thì không trích lập dự phòng rủi ro.

Như vậy, những khoản quỹ không chịu rủi ro sẽ do Bên ủy thác cho Quỹ hoặc Bên nhận ủy thác từ Quỹ để cho vay thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng. Về mặt lý thuyết và cả thực tiễn thì vấn đề bên nào chịu rủi ro trong ủy thác và nhận ủy thác có thể do các bên thỏa thuận và xác định trong hợp đồng ủy thác/nhận ủy thác. Thế nhưng, theo quy định về ủy thác vốn của NHNN mà tổ chức tài chính là đối tượng điều chỉnh, thì bên ủy thác sẽ chịu mọi rủi ro, bên nhận ủy thác sẽ được hưởng phí và không chịu rủi ro. Như vậy, trong ủy thác không có chuyện bên nhận ủy thác chịu rủi ro. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa - cũng là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, thì phân loại nợ cho vay trực tiếp theo Quy định của NHNN về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro đối với TCTD; nợ cho vay gián tiếp do bên nhận ủy thác phân loại và trích lập dự phòng theo quy định của NHNN. Quỹ bảo vệ môi trường cũng phân loại nợ tương tự.

Về tài sản bảo đảm và giá trị của loại tài sản bảo đảm được khấu trừ:

Đối với tổ chức TCVM thì tài sản bảo đảm được khấu trừ 100% là số dư tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tự nguyện tại tổ chức tài chính quy mô nhỏ; trái phiếu Chính phủ [tín phiếu Kho bạc, trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình Trung ương, trái phiếu đầu tư, công trái xây dựng Tổ quốc], trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Vì vậy, Quỹ HTX Trung ương phân loại nợ và trích lập dự phòng theo quy định đối với tổ chức TCVM là sẽ khó. Lý do:

Tài sản của khách hàng làm bảo đảm để vay vốn của Quỹ HTX Trung ương là đa dạng, phong phú, bao gồm: Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; phương tiện vận tải bộ, phương tiện vận tải đường sông; đất thuê trồng cây lâu năm, đất thuê trả tiền hàng năm; đất nông nghiệp, đất ở, nhà ở, đất và nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất, tài sản khác gắn liền với đất; tài sản hình thành từ vốn vay như nhà kính, điện mặt trời; giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, kỳ phiếu, sổ tiết kiệm của ngân hàng phát hành… Quỹ không nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiết kiệm tự nguyện, vì vậy, không có khách hàng nào sở hữu loại tài sản này để làm bảo đảm vay vốn.

Về giá trị tài sản bảo đảm được khấu trừ, với tài sản nêu trên, nếu Quỹ trích lập dự phòng theo Thông tư số 15/2010/TT-NHNN thì giá trị khấu trừ sẽ tính như thế nào? Nếu không có quy định về tỷ lệ khấu trừ mà để việc khấu trừ do Quỹ tự quyết định thì sẽ xảy ra những vướng mắc sau:

- Nếu Quỹ áp dụng tỷ lệ khấu trừ thấp thì Quỹ phải trích lập dự phòng là rất lớn, sẽ đẩy chi phí của Quỹ lên cao, vượt quá ngưỡng Quỹ có thể chịu đựng. Điều này, chắc là Quỹ cũng không muốn làm.

- Nếu áp dụng tỷ lệ khấu trừ cao thì dự phòng trích là thấp, có thể bằng không. Như vậy, Quỹ sẽ không có dự phòng đủ để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, Quỹ có thể sẽ thích phương án này. [Ở đây chúng tôi chưa bàn đến việc Quỹ nên có chính sách bảo đảm tiền vay và việc định giá tài sản làm bảo đảm như thế nào? Câu chuyện này chúng tôi sẽ có nghiên cứu khác].

3. Giải pháp xử lý những bất cập trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với Quỹ HTX

Với những bất cập như trên, nếu không có hướng xử lý thì Quỹ HTX sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng và thực hiện chính sách phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư số 45/2021/NĐ-CP. Sau đây là một số đề xuất nhằm khắc phục những vướng mắc trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với Quỹ HTX.

Thứ nhất, Chính phủ cần có quy định thống nhất hoặc giao cho NHNN ban hành các nguyên tắc chung đối với việc phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, đảm bảo các quỹ có chức năng tương đồng cần có cơ chế thống nhất về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động cho vay.

Qua nghiên cứu cho thấy, quy định về phân loại nợ đối với các quỹ là không giống nhau. Đơn cử như Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo vệ môi trường. Hai quỹ này thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng theo Nghị định của Chính phủ, việc phân loại và trích lập dự phòng thực hiện theo quy định của NHNN về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các TCTD. Trong khi đó, Quỹ Quốc gia về việc làm cũng cho vay ưu đãi đối với đối tượng là HTX, tổ hợp tác để tạo việc làm và mở rộng việc làm [theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm] thì không có quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…

Thứ hai, trong trường hợp không cần thiết phải có quy định chung về phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách có chức năng và hoạt động tương đồng, thì nên có quy định cụ thể về việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với Quỹ HTX. Chính phủ cần xem xét, giao cho cơ quan hữu trách, chẳng hạn NHNN, ban hành Thông tư chuyên biệt về phân loại, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với các Quỹ HTX; Bộ Tài chính cần lồng ghép việc trích lập dự phòng rủi ro vào Thông tư về cơ chế tài chính của Quỹ HTX; chi tiết hóa tỷ lệ khấu trừ giá trị tài sản bảo đảm để tính, trích lập dự phòng.

Ngoài ra, đối với hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, việc bên nào chịu rủi ro nên để cho các bên thỏa thuận và thiết lập trách nhiệm của các bên trong hợp đồng ủy thác và nhận ủy thác. Điều này rất quan trọng đối với Quỹ trong việc phát triển cho vay nhằm hỗ trợ HTX và kinh tế tập thể theo chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trước khi chưa có quy định nói trên, các quỹ được phép tiếp tục trích lập dự phòng theo quy định trước đây là 0,2% trên tổng dư nợ, kỳ trích lập không nên 1 năm mà nên theo quý.

Thứ ba, Quỹ HTX cần ban hành chính sách nội bộ về bảo đảm tiền vay hoặc lồng ghép chính sách này trong quy chế tín dụng của Quỹ. Theo đó, cần có nguyên tắc về bảo đảm; một danh mục tài sản cần rõ ràng mà Quỹ có thể nhận làm đảm bảo tiền vay; phương pháp đánh giá tài sản; xử lý tài sản; chế tài đối với các vi phạm…

Việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong cho vay là hết sức cần thiết và quan trọng đối với hoạt động của Quỹ HTX Trung ương cũng như các Quỹ HTX địa phương và cần thực hiện càng sớm càng tốt. Muốn như vậy, quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng cần sớm được hoàn thiện đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quỹ HTX. Có như vậy, việc quản lý rủi ro thông qua phân loại nợ mới thực chất và có ý nghĩa, bảo đảm trích lập dự phòng không sai lệch với chất lượng dư nợ, đủ nguồn để xử lý rủi ro.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.

2. Thông tư số 15/2010/TT-NHNN ngày 16/6/2010 của NHNN quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

3. Thông tư số 81/TT-BTC ngày 11/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

4. Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

6. Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm.

7. Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Chủ Đề