Các đổi Hiệu trưởng trường Quốc học Huế

Đại diện của Trường đại học Northern Kentucky University, Thầy hiệu trưởng Ashish Vaidya và tiến sĩ Francois Le Roy dưới sự chỉ dẫn và giới thiệu của Eduline đã có mặt tại trường Chuyên Quốc Học Huế.


Quang cảnh buổi gặp mặt

Ba bên đã chính thức kí kết hợp tác, thực hiện những chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, đào tạo liên kết 2-2. Đây là cơ hội tốt với học sinh Việt Nam nói chung và học sinh các tỉnh miền Trung nói riêng, đặc biệt là học sinh của trường Quốc học Huế, giúp các em có khả năng cao hơn trong việc tiếp cận và tham gia vào các chương trình học bổng giá trị tại NKU

Thầy hiệu trưởng NKU – Ashish Vaidya và Hiệu trưởng trường Chuyên Quốc Học Huế – Nguyễn Phú Thọ ký kết hợp tác


Eduline là đơn vị trực tiếp tại Việt Nam hỗ trợ và hướng dẫn học sinh, phối hợp với trường để xúc tiến các học bổng nội địa từ bán phần đến toàn phần.

Ba bên cùng chụp ảnh lưu niệm

Với phương châm “Làm vì trách nhiệm xã hội”, Eduline luôn mong muốn mang đến những cơ hội tiếp cận tri thức hàng đầu cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Eduline, buổi ký kết giữa hai bên là tiền đề cho sự phát triển hợp tác giữa Trường Quốc học Huế và Trường đại học Northern Kentucky University, từ đó tạo cơ hội tốt hơn trong việc đào tạo và phát triển.

LIÊN HỆ ĐỂ ĐĂNG KÝ VÀ NỘP HỒ SƠ HỌC BỔNG THÔNG QUA EDULINE

Tầng 11, tòa nhà Sở công nghệ thông tin và truyền thông, số 1 Hoàng Đạo Thúy, Thanh Xuân, Hà Nội/ Hotline: 094 862 2345

128A Lý Tự Trọng, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng/ Hotline: 0901 770 969/ 0903 265 486

7-9 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến Nghé, Quận 1, HCM/ Hotline: 0904 982 985

Bạn cũng có thể thích

Hoàng Huy Hoàng Phước Quyến

TRƯỜNG QUỐC HỌC

Các đồng môn Quốc Học Huế 1959 - 1962 sẽ tổ chức “Quốc Học 50 Năm Gặp Lại” vào hạ tuần tháng 4 năm 2012 tại San Jose, đã là một học sinh Quốc Học Huế nên góp bài vào Đặc San phát hành dành cho dịp vui này.

          vào tuổi “thất thập”, hoàng hôn đời người, có thì giờ rãnh rỗi viết lách cũng là một thú tiêu khiển hữu ích cho tuổi già, song viết gì đây? Trường Quốc Học Huế có một bề dày lịch sử 116 năm [1896-2012] trong khoảng thời gian dài đó đã có biết bao thế hệ học sinh ra vào cổng trường này, đã có người làm nên lịch sử, có người dùng văn tài trí tuệ đóng góp tô điểm văn hóa xã hội nước nhà cận và hiện dại. Trong khi đang băn khoăn chợt nhớ đến hai câu thơ của Vua Tự Đức:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng.
Xếp tàn y lại để dành hương” giúp định hướng bài viết.

Kỷ niệm lúc nào cũng đáng trân quí, bới lại đống tro tàn nhắc lại điều xưa cũ có thể có người thốt lên “biết rồi khổ lắm, nói mãi”, nhưng cũng có người vì nhiều lý do khác nhau chưa được dịp nghe biết đến, và nhân dịp này cùng nhau ôn lại những “ngày xưa thân ái” đó, biết đâu có người bạn cũ nào đọc được, lòng sẽ cảm thấy vui vui vì đã có người vẫn còn nhớ tới, nói hộ cho… mình.

Qua lịch sử cho thấy nước ta có một nền văn hóa lâu đời rập khuôn theo Trung Hoa, Tam giáo đồng tồn Nho Thích Lão hòa quyện vào nhau làm nên bản sắc riêng của văn hóa Việt, trong đó Tam Cương của Nho Giáo nắm vai chủ đạo làm giềng mối cho xã hội: Quân-Thần Phụ-Tử Phu-Phụ”, chính tinh thần nho giáo này sản sinh ra các sĩ phu yêu nước lãnh đạo các phong trào Văn Thân Cần Vương chống Pháp gây nhiều khó khăn trong tiến trình xâm lăng và bình định. Hòa ước Patenôtre 1884 đặt Việt Nam hòan tòan dưới sự thống trị của thực dân Pháp, chính sách cai trị được thể hiện rõ qua lời Thống Sứ Paul Bert [*]: “Khi một dân tộc vì một lẽ nào đó đã đặt chân lên lãnh thổ của một dân tộc khác thì có ba việc : Tiêu diệt kẻ bại, nô lệ họ một cách nhục nhã, hoặc đồng hóa họ theo mình” [Việt Sử Toàn Thư của Phạm văn Sơn]. Giai đọan xâm lăng vũ lực đã hoàn tất, bước tiếp theo là xâm lăng văn hóa ổn định xã hội bảo đảm nền thống trị củng cố chính quyền thực dân. Muốn đạt được như vậy phải phá bỏ văn hóa chữ nho cũ, phổ biến văn hóa mới nhằm đồng hóa dân Việt với loại văn tự có mẫu tự la tinh, dùng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ [**], đào tạo lớp người mới đọan tuyệt văn hóa ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nhào nặn các thế hệ sau đi theo văn hóa phương tây để phục vụ mẫu quốc. Trần Tế Xương đã để lại dấu ấn xã hội lúc đó qua các bài thơ của ông.


Trên ghế bà Đầm ngoi đít vịt
Dưới sân ông Cử ngẩng đầu rồng ......

Nào có ra gì cái chữ nho Ông Nghè ông Cống cũng nằm co Sao bằng đi học làm ông Phán

Tối rựơu sâm banh, sáng sữa bò

.......

Nghe nói khoa này sắp đổi thi Các thầy đồ cố đỗ mau đi Dẫu không bia đá còn bia miệng

Vứt bút lông đi giắt viết chì

Trong thời kỳ phôi thai, Pháp thiết lập vài trường làm nòng cốt của hệ thống giáo dục phổ thông mới đảm trách chiến lược trồng người mới cho các thế hệ kế tiếp. Năm 1867 Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp sau khi Cụ Phan Thanh Giản giao nốt ba tỉnh miền tây. Bảy năm sau [1874] Pháp lập trường Chasseloup-Laubat nay là Lê Quí Đôn ở Saìgòn. Năm 1879 lập trường Collège de Mytho,  thường gọi trung học Le Myre de Vilers nay là Nguyễn đình Chiểu. Mười hai năm sau khi đặt xong nền bảo hộ ở Trung và Bắc kỳ, năm 1896 lập trường Quốc Học Huế. Năm 1905 lập trường trung học Collège du Protectorat tức trường Bưởi Hà Nội. Các trường này khi mới mở chỉ có bậc tiểu học, sau mới giảng dạy đến các bậc cao hơn. Ở Trung Kỳ có ba trường đều mang tên Quốc Học đưọc mở vào những thời điểm khác nhau: Quốc Học Huế, Quốc Học Vinh và Quốc Học Qui Nhơn.

Trường Quốc Học Huế là trường đầu tiên có một lịch sử lâu dài nhất ở xứ bảo hộ so với các trường khác. Năm 1896 vua Thành Thái ra chỉ Dụ “Trẫm đã xét kỹ lời trình tấu. Vậy nay giáng dụ chỉ thành lập một trường lấy tên là "QUỐC HỌC" [xem chỉ Dụ đính kèm] chỉ có bậc Tiểu Học do ông Ngô Đình Khả làm Chưởng Giáo, Ông Nguyễn Văn Mại làm Phụ Tá Chưởng Giáo, Trường có tên École Primaire Supérieur [Cao Đẳng Tiểu Học] chủ yếu dạy tiếng Pháp, thứ yếu là chữ Quốc Ngữ và chữ nho. Từ năm 1902 chức Chưởng Giáo phải giao lại cho ngươì Pháp nắm giữ mãi tơí 1945 mới chấm dứt do Nhật thay Pháp thống trị.

Cổng trường Quốc Học ngày thành lập tầng trên có gác chuông

Khởi thuỷ  trường được đặt tại trại thủy quân cũ của Nhà Nguyễn gồm hai dãy nhà tranh cột gỗ, năm 1911 bị hỏa hoạn cháy rụi. Năm 1915 trường được xây dựng lại bằng gạch lợp ngói cơ bản giống như hiện thấy, được nâng lên thành Collège de Quốc Học dạy cấp hai gồm Thất Lục Ngũ Tứ. Tới năm 1936 trường mở rộng cơ sở tuyển thêm cấp ba gồm các lớp Đệ Tam, Đê Nhị, Đệ Nhất, trường chính thức mang tên Lycée de Khải Định cho đến năm 1946. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, trường được Nhật cho mở cửa trở lại, bỏ tiếng Pháp, ông Phạm Đình Ái là Hiệu Trưởng người Việt đầu tiên của trường, các lớp học phải chuyển vào Đại Nội. Năm 1946 Pháp tái chiếm Huế, toàn quốc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, dân chúng tản cư, trường tách ra làm hai, một phần ở lại Huế một phần di chuyển ra Bắc, các lớp Thất Lục Ngũ Tứ đóng tại Hương Khê Hà Tĩnh có tên trường Bình Trị Thiên, các lớp Đệ Tam Nhị Nhất đóng tại Đức-Thọ Hà-Tĩnh mang tên trường Huỳnh Thúc Kháng [hậu thân Quốc Học Vinh sau này]. Sau hồi cư các giáo sư còn lại hợp với một số ít người trong nhóm ra Hà Tĩnh quay về Huế phục hoạt trường Khải Định, thầy Phạm Đình Ái tiếp tục ra Bắc đến năm 1952 mới trở lại Huế, các Hiệu Trưởng kế tiếp:

Phạm văn Nhu [1947-1948], Nguyễn Hữu Thứ [1948-1950] Hùynh Hòa [1950-1954] Nguyễn văn Hai [1954-1956]

Nguyễn Đình Hàm [1956-1958]


Trong buổi đầu tái họat động quí vị Hiệu Trưởng hẳn chắc phải vất vả rất nhiều, dồn mọi tâm huyết đối phó với việc thiếu trường ốc vì cơ sở Khải Định đang bị quân đội Pháp chiếm làm nơi đóng quân, phải mượn trường Thượng Tứ, Lê Lợi, Việt Anh [Nguyễn Tri Phương]. " Giữa năm 1948, được tá túc chia một nửa cơ ngơi của trường Đồng Khánh. Khải Định được phân nửa nằm ở phía tây con đường đi từ cổng chính đến sân chơi [préau]. Học trò của Khải Định đi học, đi vào cổng chính, nhưng chỉ được đi theo con đường đó một đoạn ngắn mà thôi. Qua khỏi văn phòng hiệu trưởng là phải rẽ vào con đường nhỏ đi thẳng đến dãy lầu lớp học. Học trò của Đồng Khánh đi học, đi vào cổng bên, phía dinh Phủ Doãn, qua khỏi cổng là đến ngay dãy lầu lớp học đối diện. Như vậy, con đường biên giới giữa hai ngôi truờng, trừ phần ngoài cổng chính đi vào, không một học sinh nào được phép đi lại. Sáng sáng, vào giờ tựu trường, chỉ thấy thầy hiệu trưởng Nguyễn Hữu Thứ thong dong đạp chiếc xe đu-ra bóng lộn từ cổng chính tiến vào, theo con đường biên giới đến cột cờ, từ từ rẽ sang phải, đi về phòng giáo sư, và trăm lần như một, xe thầy còn xa mới tới bậc thềm đã thấy bác Tôn tùy phái văn phòng chạy ra đỡ lấy xe mang vào bên trong. Đây là màn show rửa mắt buổi sáng quen thuộc của bọn học trò con trai chúng tôi.”[BS Hồ văn Châm kể]

Ngày 29 tháng 4 năm 1955 quân Pháp rút đi trả lại cơ sở trường Khải Định cho chính quyền Việt Nam, trường được mang tên Ngô Đình Diệm dưới thời Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Dương Đôn, thầy Nguyễn Đình Hàm làm Hiệu Trưởng [trong sân cờ của trường lúc tôi học có thấy dựng một bia nhỏ đánh dấu sự kiện này, không rõ ngày nay còn không]. Tên Trường Ngô Đình Diệm chỉ hiện hữu trên giấy tờ chưa dựng bảng lên cổng trường, [đang trong quá trình cân nhắc chăng?]. Có lẽ Tổng Thống Ngô Đình Diệm cảm thấy không ổn vì trường đã do thân phụ ông, cụ Ngô Đình Khả, làm Chưởng Giáo đầu tiên nên ông ra Quyết Định lấy lại tên Quốc Học. Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Hàm là người lo toan sắp xếp tổ chức lại từ một nơi đóng quân trở thành trường học qui cũ khang trang không phải là việc đơn giản, công lao của những người góp tay trong quá trình phục hoạt lại trường phải được các thế hệ hậu sinh ghi nhớ. Trường mang tên TRƯỜNG QUỐC HỌC từ 1957 cho tới ngày nay.


Nóí về Trường Quốc Học mà không nói đến Trường Đồng Khánh là một thiếu sót lớn. Lễ dặt đá xây dựng trường ngày 15 tháng 7 năm1917 dưới sự chủ tọa của vua Khải Định. Từ 1919 đến 1955 trường mang tên Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh, sau năm 1955 mới trở thành Trung Học Đồng Khánh chỉ có Đệ Nhất Cấp, lên Đệ Nhị Cấp phải qua Quốc Học mãi cho đến sau 1963 trường mớí có đủ các lớp Đệ Nhị Cấp, từ đó không còn thấy bóng hồng thấp thoáng trong sân Quốc Học nữa.

Cụm từ Quốc-Học Đồng-Khánh luôn đi liền bên nhau, phải chăng định mệnh đã khiến hai trường gắn bó với nhau? Này nhé: hai trường đều nằm trong khu đất trại thuỷ quân Nhà Nguyễn, cùng nhìn ra sông Hương chỉ cách nhau một con đường nhỏ, đường Nguyễn Trường Tộ, hai trường đều quét vôi màu hồng đậm, học sinh hai trường cùng đi trên một con đường râm mát bóng cây, cùng xuôi Đập Đá về Vĩ Dạ, chợ Cống, qua cầu Trường Tiền hay ngược Dã Viên lên Cầu Lòn qua Kim Long, hoặc cùng đợi ở bến đò Thừa Phủ để vào Thành Nội về Gia Hội... đó là cơ hội tốt cho tình yêu thuở đầu đời chớm nở sẽ đâm hoa kết trái về sau. Như đã thấy có thời gian Quốc Học phải nương nhờ Đồng Khánh, ngược lại lên Đệ Nhị Cấp thì Đồng Khánh phải núp bóng Quốc Học vì vậy hai trường có nhiều liên hệ tình cảm, đã để lại mãi mãi về sau nhiều chuyện tình đẵm nước mắt, cũng như tràn đầy hạnh phúc….Hồi tưởng lại lòng đầy thương cảm vợ chồng Thầy Văn Đình Hy, Giám Học Quốc Học và Cô Đặng Tống Tịnh Nhơn, Hiệu Trưởng Đồng Khánh. Bất cứ người Huế nào lúc đó cũng thèm thuồng hạnh phúc đẹp đôi của họ.

Cùng năm 1917, tại Hà Nội được lập một trường Đồng Khánh bên cạnh Hồ Gươm, năm 1948 đổi thành trường Trưng Vương. Tại Sàigòn năm 1915 lập trường nữ Tiểu Học mặc áo tím nên thường được gọi là Trường Áo Tím, năm 1922 nâng lên Trung Học gọi Collège de Jeunnes Filles tức Gia Long sau này. Trường Quốc Học Vinh [ Collège de Vinh] được lập năm 1920 tại thành phố Vinh tỉnh Nghệ An. Hiệu Trưởng đầu tiên là ông Pihet. Người Việt Nam đầu tiên làm Hiệu Trưởng là ông Vũ Đức Thân, người cuối cùng là ông Nguyễn Ngọc Cầu từ 9/1949-9/1950. Năm 1943-1944 trường được đổi tên thành Trường Nguyễn Công Trứ. Quân Trung Hoa lấy trường Nguyễn Công Trứ làm nơi đóng quân nên đầu năm học 1945 - 1946 học sinh phải học ở dinh Đốc học trong thành Vinh. Sau tạm ước 6-3-1946 quân Trung Hoa rút về nước học sinh lại trở về trường cũ học cho đến hết năm học 1945 – 1946, niên khóa 1946 - 1947 chỉ học được vài tháng thì toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chính sách “tiêu thổ kháng chiến” đã phá hủy trường hoàn toàn. Cơ sở Trường Quốc Học Vinh không còn tồn tại, hiện nay Trường Huỳnh Thúc Kháng là hậu thân của Quốc Học Vinh. [Theo Phan Trọng Báu-văn hóa Nghệ An]. Trường Quốc Học Qui Nhơn được nâng lên từ một trường Tiểu Học. Niên khóa 1921-1922 trường Pháp-Việt Qui Nhơn [nay là trường Tiểu Học Lê Lợi], mở thêm lớp Đệ nhất niên, được đổi thành Trường Quốc Học Qui Nhơn [Collège de Qui Nhon]. Sau lớp này học sinh phải ra Quốc Học Huế học tiếp lên trên. Niên khóa 1924-1925 trường di chuyển đến vị trí khác [nay là khu vực Tiểu Học Lê Hồng Phong]. Niên khóa 1926-1927 trường hoàn chỉnh cấp Cao Đẳng Tiểu Học và có đủ 10 lớp từ lớp năm lên Đệ Tứ [lớp 1 đến lớp 9]. Trường có khoảng 400 học sinh người các địa phương từ Đànẳng đến Phan Thiết và các tỉnh Tây Nguyên. Xuân Diệu, Chế Lan Viên đã học ở đây trước khi ra Quốc Học Huế. Trong thời chiến tranh Việt-Pháp trường bị phá hủy. Năm 1955 chính quyên mới xây dựng lại trường trên nền cũ bị thu hẹp vì dân chiếm dụng trong thời chiến, ngôi trường mới được xây dựng mang tên Trung Học Cường Để. Sau 1975 trường đổi tên Trường cấp III Quang Trung. Niên học 1991-1992 trường mang lại tên Quốc Học Qui Nhơn. [ quochocquynhon.edu.vn] Trên đây là đại lược quá trình hình thành các trường học vào buổi bình minh nền giáo dục mới trong đó có Quốc Học Huế nơi mà tôi chỉ có duyên vào ra trong ba năm cuối của bậc Trung Học. Nhân viết về Quốc Học nên có đôi giòng về đời học sinh với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đó có thời gian ở Quốc Học, kể lại nơi đây biết đâu “ai đó” đọc được, giúp gợi nhớ quá khứ thời học trò nhiều vụng dại:

“Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi”  TTKh Sau khi hòa bình lập lại tôi vào học Trường Tiểu Học Tương Lai Bồ Điền thuộc nhà Thờ Bồ Điền do Cha Lập cai quản, giáo viên là các Soeurs [thường gọi là Chị]: chị Chiên làm Hiệu Trưởng, Chị Thái dạy lớp Nhất, Chị Ban dạy lớp Nhì. Mùa hè 1956 lên Huế thi Tiểu Học tại trường Thanh Long. Tiệm tạp hóa La Ngu trên đường Hàng Bè ở gần cầu Đông Ba là nơi tôi mua bút mực chuẩn bị cho ngày thi Tiểu Học. Các bạn cùng lớp còn nhớ tên là Trần Nhạn, Thái Bình Minh, Vỏ Cừ, Vỏ Y, Ngô Hiệu. Hết hè năm đó lên Huế trọ học ở đường Ô Hồ, sau mang tên đường Mạc Đỉnh Chi. Nơi đây có Mã Ông Trạng sau lưng chùa Diệu Đế, có lẽ vì vậy nên khu vực này nhiều đường mang tên các danh sĩ nước nhà như đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tức đường Đò Cồn đi thẳng đến bến Đò Cồn [bến đò nối liền Huế với Cồn Hến], đường Trung Bộ mang tên Tô Hiến Thành, đường Ngự Viên đổi lại đường Nguyễn Du [không phải đường Ngự Viên hiện nay song song với đường Diệu Đế]. Niên khóa 1956-1957 là năm học đầu tại Trường Nguyễn Du ở đường Ngự Viên, âm hưởng Ngự Viên nghe khá nên thơ vì nơi đây có vườn Ngự Uyển. Khi tôi đến đây Ngự Viên chỉ là một khoảng đất có tường rào xiêu vẹo, đổ nát, cổng đi vào có mấy trụ biểu đã loang lổ vì thời gian, bên trong được trồng hoa màu có mấy gian nhà tôn lụp xụp, cảnh huyên náo xôn xao ngựa xe áo quần lượt là, mùi thơm sực nức ướp hương của các cung tần mỹ nữ, màu sắc cờ quạt áo mão cân đai của các đình thần quan lại, các tân khoa trạng nguyên bảng nhản thám hoa…đã theo gió bay xa, chỉ còn mây trắng bay bay trong bầu trời xanh mông mênh….. “Bạch vân thiên tải không du du”, và tiếng gió rì rào qua xóm nghèo xơ xác, lòng xao xuyến nhớ lại bài thơ XÓM NGỰ VIÊN Nguyễn Bính đã tả về Ngự Viên [đính kèm toàn bài]: ……………………………….

Giậu đổ dây leo suồng sã quá Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá Xóm vắng rêu xanh những lối hè ………………………………….. Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên ………………………………… Hôm nay có một người du khách

Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên

Trường Nguyễn Du lúc đó chỉ có Đệ Nhất Cấp, nam nữ học chung. Lớp tôi có khoảng chừng bốn mươi, nữ sinh chiếm ba, bốn bàn đầu bên phải nhìn lên bảng đen. Những tên Tôn Nữ Thu Hương, Nguyễn Thị Liên Hương, Trần thị Thanh Xuân, Nguyễn thị Chanh, Hồ Xuân Tịnh, Nguyễn Khoa Bông, Lê Vầm, Lê Vệ, Bùi Hữu Vịnh, Nguyễn văn Chánh, Nguyễn chánh Sáu, Lê văn Ngăn, Nguyễn văn Châu, Nguyễn thanh Châu, Nguyễn Ngân, Nguyễn Khắc Lý... ở Đệ Thất Lục . Lên Đệ Ngũ Tứ có thêm Phan thị Hằng, Phan thị Xuân, Nguyễn Thúy Liệu, Nguyễn Thị Kim Quyên, Trần Nhơn, Vĩnh Cao, Lê cảnh Tuấn, Lê quang Dật, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn hữu Dật, Nguyễn văn Thọ …..Tốt nghiệp Trung Học Đệ Nhất Cấp xong có người vào trường chuyên nghiệp như Nông Lâm Súc Bảo Lộc, Cán Sự Y Tế Huế, Nữ Hộ Sinh Quốc Gia [Sâge Femme Huế], Cán Sự Bưu Điện Sàigòn…Người nào học lên phải thi vào Quốc Học [đỗ hạng Bình khỏi qua thi tuyển], không đỗ thì vào Trường Trung Học Bán Công Huế, trường Mê Linh, trường Bồ Đề Hữu Ngạn..

Lên Đệ Tam Quốc Học chỉ còn gặp vài bạn như Trần Nhơn Ban A, Vĩnh Cao, Hồ Xuân Tịnh ban B, Lê văn Ngăn Ban C, các bạn khác thời Nguyễn Du không còn gặp nữa không rõ đi đâu. Lớp Đệ Tam B3 nằm trong dãy nhà trệt mới xây dựng dọc bờ tường giữa Quốc Học Đồng Khánh. Các bạn mới có Lê Đức Viêm, Lê Lợi, Trần đình Văn, Bùi Thiệp có nước da ngăm ngăm đen, một cầu thủ chủ yếu của đội bóng tròn Quốc Học [bóng tròn ngày nay gọi là bóng đá xem ra hợp lý hơn, chứ bóng tròn thì bóng nào chả tròn]. Kỷ niệm khó quên là chuyện đá thạch anh mà Trần đình Văn nhờ cô Trần Thị Như Lưu, giáo sư vạn vật, lấy trong túi quần, và bạn Trương đình Thư đi học bằng xe gắn máy. Những giờ nghỉ giữa buổi hoặc cuối tuần Thư thường hay chở đi chơi nhiều nơi [thời này học sinh hiếm có xe gắn máy], cuối năm Đệ Tam bạn Thư đi đâu không rõ. Giờ ra chơi bọn Đệ Tam chúng tôi thường tụ tập dọc hành lang đối diện với dãy nhà hai tầng có các lớp Đệ Nhất với một số ít nữ sinh Đồng Khánh học trong đó, chỉ chỏ luận bàn lung tung hò reo chọc phá các đàn chị Đệ Nhất, có chị Tương Giang con Thầy Hiệu Trưởng, đúng là nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò.

Về thầy giáo, năm Đệ Tam có Thầy Nguyễn như Truyền dạy Quốc Văn, thầy Tôn Thất Dinh dạy Anh văn, chúng tôi đặt biệt danh “keep silence” vì thầy luôn luôn nói keep silence mỗi khi thầy tới lớp. Thầy Nguyễn Hữu Kiêm dạy tóan, thầy hắc ám nhất, thầy ra tóan quá khó, phần đông 2/3 dưới điểm 6/20. Thầy lấy bài ca dao ra biểu áp dụng đại số lập phương trình để tìm số người nói tới trong đó [lâu ngày quên bài ca dao đó], thầy luôn luôn mang tất [vớ]. Thầy Trần Đình Bình dạy Lý Hóa kiêm Giáo Sư hướng dẫn, thầy có dạy ở trường Bán Công Huế và kết hôn với Phan thị Xuân một hoa khôi của Nguyễn Du. Thầy Đòan Nê dạy Pháp Văn, thầy say sưa giảng về thời Phục Hưng [Renaissance] của văn học Pháp với giọng khàn khàn trầm trầm nhừa nhựa, thầy hay kể nhiều chuyện vui trong văn học Pháp, chúng tôi hay xin thầy kể tiếp, rất thích nghe [để thầy không còn giờ truy bài chúng tôi], kể về thời gian vào tiếp thu ở Nam Ngãi sau hiệp định Genève, dân tới gõ vào xe tăng rồi la lên: “ồ bằng sét [sắt] thiệt bà con ơi” vì trong thời gian dưới quyền cai trị của Việt Minh dân được tuyên truyền xe tăng làm bằng giấy cạc tông [giấy bồi] đừng sợ, chuyện nhìn qua lỗ khóa.

Năm Đệ Nhị có các thầy Trần như Uyên dạy Quốc Văn, thầy Phan Khắc Tuân dạy Lý Hóa. Thầy Tuân có mang đôi mắt kiếng khá dày, có lẽ thầy bị cận thị nặng như thầy Đinh Qui Hiệu Trưởng. Thầy Nguyễn Đức Mai dạy Anh Văn, bên cạnh thầy luôn có một người bạn Mỹ đi kèm, sau này có thời gian thầy được cử giữ chức Trưởng Ty Thông Tin Thừa Thiên Huế. Thầy Bùi đình Nhuận dạy Toán, thầy đẹp trai, ít cười khi nào nét mặt cũng nghiêm, thầy đi dạy không cần sách vở cặp da gì cả, đi tới lớp với hai tay không.

Các thầy năm Đệ Nhất có Bà Nguyễn Châu dạy Triết thường gọi bằng khuê danh là Cô Lan, thầy Lê vĩnh Kiến dạy Lý Hóa, sau này thầy chuyển qua hoạt động chính trị, liên danh của thầy đắc cử Thượng Viện, thầy Tóan vẫn thầy Nhuận, thầy Vĩnh Quyền dạy Anh văn, thầy Lâm Tài dạy Sử Địa. Thầy Tài đi một chiếc xe hơi màu hoa lý rất đẹp làm nhiều người mơ ước. Thầy Ngô Bút dạy Công Dân, thầy Cao Hữu Hoành dạy Pháp Văn. Năm Đệ Nhất có các bạn Bùi hữu Vừa, Phan tử Duy, Hà thúc Thụy, Lê văn Tiu, gia sư con gái nhà Mỹ Thắng [hoa khôi Đồng Khánh] sau du học Tây Đức, Lê Tự Rô, Ngô văn Tường… Thời gian này bù đầu lo học cho đậu Tú Tài I rồi Tú Tài II nếu không đậu đời sẽ bi đát lắm, “rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ” [Tú tài trong câu nói này là Tú Tài I], cho nên ít giao du rong chơi mà chỉ lo “dùi mài kinh sử”. Lên Đệ Nhị Cấp chỉ rảnh năm Đệ Tam, bận nhất hai năm liên tiếp Đệ Nhị phải đậu Tú Tài I mới lên Đệ Nhất. Thời đó Tiểu học phải thi, Trung Học Đệ Nhất Cấp cũng thi. Lúc đi thi tất cả các môn [trừ Tóan] đều trong đầu viết lên trên giấy nên phải thuộc lòng, cái nóng mùa hè ở Huế mà phải học bài quá vất vả. Học sinh Quốc Học mang bảng tên màu trắng thêu chữ màu xanh nước biển, hai đầu tên là các gạch, ví dụ: một gạch [─ tên ─] là Đệ Tam, hai gạch chồng lên [═ tên ═] là Đệ Nhị, anh nào mang ba gạch [≡ tên ≡] là Đệ Nhất tức là chàng ta đã có trong tay mảnh bằng Tú Tài I rồi khỏi lo, có thể ra đời kiếm sống, nếu đi lính thì Chuẩn Úy trong tay. Nữ sinh Đồng Khánh tinh mắt lắm hay liếc nhìn bảng tên trước tiên khi đối diện chuyện trò cho thích hợp. Mang ba gạch là oai lắm vì là Niên Trưởng trong trường, ngoài xã hội là ông Tú-nửa, phải học hết năm Đệ Nhất đậu được Tú Tài II mới đưọc gọi là ông Tú, cửa vào đời rộng mở để tiếp đón, kể cả con tim của mấy nàng cũng rộng mở. Nếu vào Đại Học Huế thì còn oai hơn, con tim mấy nàng càng mở rộng hơn nhiều. Lúc đó nhìn xuống thấy một đòan đàn em đông đảo, nhìn lên thấy các sinh viên Đại Học Huế oai quá, gặp đối tượng nữ sinh xinh xắn hay nghêu ngao chọc ghẹo:

“Sông Hương lắm chuyến đò ngang
Chờ anh em nhé đừng sang một mình”


Năm tiếp theo vào giảng đường Đại Học Khoa Học Huế ở Morin, thử MatGén [Mathématique générale] quá khó, xoay qua MPC [Mathématique Physics Chimie] cũng không xong vì chiến sự ngày càng ác liệt, thanh niên phải nhập ngũ cầm súng, thế là đành “xếp bút nghiên” theo nghiệp Hải Quân, giang hồ vùng vẫy, “giã từ Cố Đô” nổi trôi theo vận nước lưu lạc xứ người.


Thế hệ chúng tôi hầu hết đã bị đốt cháy trong lửa đạn chiến chinh, người phía này kẻ phía kia trở thành kẻ thù tàn sát lẫn nhau, còn được sống đến hôm nay quả rất may mắn, là những hạt gạo còn sót lại trên sàng. Ngày nay chỉ còn gặp lại một số ít người bạn học cũ đếm không hết các ngón của bàn tay. Lần trở lại thăm Huế năm 2008, bạn bè đồng trang lứa cũ không còn mấy, hoặc đã chết hoặc đi nước ngoài. Ghé qua Quốc Học, vào Đại Nội, dạo chơi bờ sông Hương, nơi nào cũng thấy tẻ lạnh, chỉ thấy dòng nước buồn thiu không muốn chảy, phải chăng giòng nước đang ngậm ngùi cho cuộc bể dâu, hay cảm thông cho số phận những mái đầu xanh thời trai trẻ đã từng soi bóng nước Hương Giang nay đã bạc màu vì bụi thời gian và truân chuyên trong cuộc sống? Thẩn thờ nghĩ đến quá khứ thời hoa niên, những kỷ niệm cũ tràn về: những ngày cùng nhau đi trại ở Vạn Niên, hái dâu, ăn thanh trà ở Nguyệt Biều, tắm sông Hương ở Lương Quán, tắm biển Thuận An, du ngọan đồi Thiên An, Vọng Cảnh, dự lễ giỗ Cụ Ngô đình Khả đầu năm âm lịch trong tư dinh ông Cẩn ở Phủ Cam với đầy đủ các thành viên của một gia đình đang nắm quyền lực, đi xem Cầu Ngói Thanh Tòan, Hổ Quyền, những ngày biểu tình bãi khóa, tiếng hò reo xem chừng cơ hồ như còn hòa lẫn trong gió chiều vi vu trên bờ sông. Tất cả đã lùi về quá khứ như một giấc mơ. Chuông chùa Thiên Mụ boong… boong… boong… vang lên từng tiếng một, uể oải, thong thả ngân dài, buông lơi tan dần trong không gian u tịch lúc chiều xuống khiến viễn khách chạnh lòng nhớ lại những người có duyên lành đã tình cờ từng được gặp gỡ trên đất Thần Kinh thưở nào nay chỉ còn là kỷ niệm của một kiếp người, lòng bâng khuâng tự hỏi:


“Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?” Vũ đình Liên.

Sacramento,California
Cuối Thu Tân Mão, tháng 11 năm 2011


Hoàng-Huy Hoàng Phước Quyến

____


Ghi chú:

[*] Paul Bert sinh năm 1833, xuất thân trường École polytechnique ở Paris, giáo sư Đại học Bordeaux [1866], Sorbonne [1869], Bộ trưởng Giáo Dục [1881-1882], tháng 1 năm 1886 được cử giữ chức Thống Sứ [resident-général] Bắc và Trung Kỳ, nhậm chức tháng 4 đến khi qua đời tháng 11 năm 1886 tại Hànội. Pháp coi ông là kiến trúc sư tổ chức lại thuộc địa và qui hoạch Hà Nội trước khi vua Đồng Khánh giao Hà Nội làm nhượng địa cho Pháp.


[**] Thoạt kỳ thủy các giáo sĩ ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự latinh tạo ra chữ Việt vì nhu cầu truyền giáo. Với truyền thống thông minh và quật cường của dân tộc, các trí thức yêu nước đã biết vận dụng văn tự này góp sức chỉnh sửa phổ biến thành chữ Quốc Ngữ chúng ta dùng ngày nay, thông qua chữ Quốc Ngữ truyền bá văn hóa mới mở mang dân trí đưa dân tộc thoát khỏi lối học từ chương nho giáo cũ dành độc lập cho nước nhà lại là chuyện khác ngoài dự tính của các giáo sĩ và của thực dân Pháp. HPQ


Đính Kèm: Chỉ Dụ của Vua Thành Thái, Nghị Định của Toàn Quyền Đông Dương và Xóm Ngự Viên của Nguyễn Bính Tồn Nghi: Trong tài liệu này ghi “Năm Thành Thái thứ hai [ngày 17 tháng chín], Cơ Mật Viện triều Thành Thái…”, tôi e có nhầm lẫn chăng? Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, năm 1888 là năm Thành Thái nguyên niên, lên ngôi ngày 28 tháng 1 năm 1888, như vậy năm 1896 phải là năm Thành Thái thứ Tám, có nhiều người viết “năm Thành Thái thứ 8 lập trường Quốc Học”. Mong BS Hồ Đắc Duy có đọc được Tồn Nghi này nên xem lại bản gốc do thầy Châu Tăng cung cấp để chỉnh sửa vì đây là sử liệu cần tính chính xác. HPQ

I- DỤ NGÀY 23-10-1896 :

//h.1asphost.com/quochochue/tsQH.htm Năm Thành Thái thứ hai [ngày 17 tháng chín], Cơ Mật Viện triều Thành Thái cung lục "dụ chỉ" như sau :

"Muốn cho việc giáo dục đuợc hoàn bị, không nên hạn chế học vấn trong khuôn khổ hẹp hòi. Trái lại, để bảo đảm cho việc giáo huấn được điều hòa cần mở ra các lớp học thường xuyên.


Nay ngoài những thánh kinh, hiền truyện của Trung Hoa lại còn nhiều sách trước tác ở các nước khác và trách nhiệm của người đại diện phát ngôn trong lúc giao thiệp trên trường quốc tế rất là quan trọng. Vả lại, phát triển giáo dục là phương tiện duy nhất để mở mang trí thức, đào tạo nhân tài.

Trong tình hình hiện tại không thể xem thường những nhận xét trên đây được, bởi vì ở nước ta việc giáo huấn theo sách vở Khổng học, trừ trường Quốc tử giám đến các trường công ở tỉnh tuy rất phổ thông và hoàn toàn, nhưng việc giảng cứu các môn học tây phương đến nay vẫn còn nhiều thiếu sót cần phải được bổ cứu".

Trẫm đã xét kỹ lời trình tấu, vậy nay giáng dụ chỉ thành lập một trường lấy tên là "QUỐC HỌC", môn dạy chính là Pháp văn. Tuy nhiên, chương trình học còn có môn Hán tự nữa. Các công tử, tôn sanh, sinh viên trường Quốc tử giám cùng các học sinh trường công các tỉnh lỵ đều có thể xin học vào trường này và được học bổng theo lệ định với điều kiện tuổi từ 15 đến 20. Những người quá hạn tuổi, những học sinh con nhà thường dân đều có thể được đặc cách nhận vào nếu học lực xuất sắc.


Dụ này sẽ chuyển đạt cho qúy Toàn quyền đại thần để bổ nhiệm vị Chưởng giáo [ có ấn kiếm] và chuẩn y những nguyên tắc đại cương của nhà trường.


Ấn kiếm làm bằng đồng đen, theo kiểu mẫu ấn kiếm của trường Quốc Tử Giám. Ấn lớn khắc chữ lớn "QUỐC HỌC TRƯỜNG QUAN PHÒNG", tiểu kiếm khắc chữ Hán "QUỐC HỌC".

Khâm thử.


II- NGHỊ ÐỊNH NGÀY 18-11-1896 CỦA PHỦ TOÀN QUYỀN ÐÔNG DƯƠNG.

Khoản 1. Nay thiết lập tại Huế. một học đường lấy tên là QUỐC HỌC [Quốc Gia Học Ðường]. Pháp văn sẽ chiếm phần lớn trong chương trình dạy, tuy Hán văn vẫn được chú ý để cho sinh viên sẽ vào ngành quan lại có thể đồng thời học hai thứ chữ.


Khoản 2. Trường Hành Nhân nay bãi bỏ và trường Quốc Học thay thế.


Khoản 3. Ngoài sinh viên trường Quốc Tử Giám và trường Hành Nhân cũ, không một sinh viên nào được nhận vào trường Quốc Học nếu không có đủ 15 tuổi.


Khoản 4. Ðược nhận vào trường. các công tử con hoàng thân, các tôn sanh chi nhánh trong hoàng gia, các ấm tử hoặc những con quan được hưởng đặc quyền, sinh viên trường Hành Nhân và sinh viên trường Quốc tử Giám.


Khoản 5. Có thể được nhận để theo học các khoa ở trường Quốc Học những thanh niên bản xứ muốn theo đuổi học vấn và được nhìn nhận sau một thời kỳ khảo thí là đủ trình độ Hán học để theo dõi các khóa học.


Khoản 6. Những học sinh dưới 15 và trên 8 tuổi có thể được nhận học ngoại trú vào một lớp riêng mở tại nhà phụ thuộc của trường.


Khoản 7. Ban Giám đốc trường gồm 01 chưởng giáo, 01 giáo sư hạng nhất, 01 giáo sư hạng nhì, 01 giáo sư hạng ba, 01 giáo sư hạng tư , 01 giáo sư phụ trách các lớp nhỏ, 02 kiểm khán viên.


Khoản 8. Chưởng giáo do Toàn quyền bổ dụng được cấp phẩm hàm đối chiếu trong ngạch quan lại và có thể trực tiếp giao thiệp với Khâm sứ Trung kỳ, Viện Cơ Mật và các vị Thượng Thư.


Khoản 9. Các giáo sư chỉ được phép dạy sau khi được Hội đồng do Khâm sứ Trung kỳ cử khảo thí năng lực.


Khỏan 10. Ngoài lương bổng tính theo phẩm trật ngạch quan lại ông Chưởng giáo và các giáo sư sẽ được hưởng phụ cấp chức vụ.


Khoản 11. Chưởng giaó, giaó sư đuợc cư trú trong trường.


Khoản 12. [chế độ nhà trường, thời biểu học, sĩ số.]


Khoản 13. Học viên. được hưởng những quyền lợi thích đáng


Khoản 14. Các khoản chi phí về nhân viên, khí mảnh, công tác xây dựng và tu bổ trường ốc sẽ do chính phủ Nam triều đài thọ.


Khoản 15. Ông Khâm sứ Trung kỳ và Hội đồng Cơ mật chiếu nhiệm vụ thi hành nghị định này.

Ký tên :

A. Rousseau

[Tài liệu này do thầy Châu Tăng cung cấp và Nguyễn văn Sa - Hồ Ðắc Duy lược ghi theo yêu cầu của nhóm cựu học sinh QH/61-64 ]

~~oOo~~


Xóm Ngự Viên

Lâu nay có một người du khách Gió bụi mang về xóm Ngự Viên Giậu đổ dây leo suồng sã quá Hoa tàn con bướm cánh nghiêng nghiêng Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá Xóm vắng rêu xanh những lối hè Khách du lần giở trang hoài cổ Mơ lại thời xưa xóm Ngự Viên. Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên? Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên Cung tần mỹ nữ ngời son phấn Theo gót nhà vua nở gót sen Hương đưa bát ngát ngoài trăm dặm Cung nữ đa tình vua thiếu niên Một đôi công chúa đều hay chữ

Hoàng hậu nhu mì không biết ghen.

Đất rộng can chi mà đổi chác Thời bình đâu dụng chước hòa Phiên Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ

Câu chuyện: "Hô lai bất thượng thuyền."

Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên? Gót sen bước nhẹ lầu tôn nữ Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên Mười năm vay mượn vào kinh sử Đã giả xong rồi nợ bút nghiên Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến Đi xem hoa nở mấy hôm liền Đường hoa, má phấn tranh nhau ngó Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên Thắp hương tôn nữ xin trời phật "Phù hộ cho con được phỉ nguyền." Lòng Trạng lâng lâng màu phú quí Quả cầu nho nhỏ bói lương duyên Tay ai ấy nhỉ gieo cầu đấy? Nghiêng cả mùa xuân Trạng ngước nhìn. Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo Có người đêm ấy khóc giăng lên Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc

Chẳng Tống Trân ư cũng Nguyễn Hiền?

Khách du buồn mối buồn sông núi Núi lở sông bồi cảnh biến thiên Ngự viên ngày trước không còn nữa

Giờ chỉ còn tên xóm Ngự Viên

Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng! Giời đem hoa cỏ trả vườn tiên Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo Dân thường qua lại lối đi quen. Nhà cửa xúm nhau thành một xóm Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men Mụ vợ bắc nam người tứ xứ Anh chồng tay trắng lẫn tay đen Đổi thay tình nghĩa như cơm bữa Khúc "Hậu đình hoa" hát tự nhiên. Nhọc nhằn tiếng cú trong thanh vắng Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn... Hôm nay có một người du khách

Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên

Nguyễn Bính

art2all. net

Video liên quan

Chủ Đề