Cách có yết hầu đẹp

Yết hầu thường được biết đến là bộ phận đặc trưng ở nam giới. Tuy nhiên, một số chị em sau tuổi dậy thì lại có yết hầu giống con trai. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng yết hầu ở nữ? Liệu đây có phải là vấn đề đáng lo ngại hay không? Hãy cùng các bác sĩ YouMed tìm hiểu điều này qua bài viết dưới đây.

Nội dung bài viết

  • Yết hầu là gì?
  • Phụ nữ có thể có yết hầu không?
  • Cắt bỏ yết hầu ở phụ nữ liệu có an toàn?
  • Kết luận

Yết hầu là gì?

Cấu tạo

Yết hầu là phần xương sụn bọc quanh dây thanh quản và lồi ra trước cổ. Người có yết hầu càng to, hộp thanh quản càng lớn thì giọng nói sẽ càng trầm ấm. Do vậy, yết hầu thường là bộ phận đại diện cho sự nam tính ở phái mạnh.

Yết hầu còn được biết đến với một tên gọi khác là trái táo cổ. Tên gọi này được xuất phát từ truyền thuyết Adam và Eva. Do dại dột ăn trái cấm trong vườn địa đàng, Adam đã mắc nghẹn miếng táo ở cổ họng. Hình dạng miếng táo lồi ra khá giống với yết hầu. Từ đó, người ta thường dùng cụm từ trái táo cổ để chỉ bộ phận này một cách hoa mỹ.

Yết hầu là phần xương sụn bọc quanh dây thanh quản và lồi ra trước cổ

Chức năng

Cùng với sụn giáp, yết hầu giúp bảo vệ phần phía trước của thanh quản, bao gồm các dây thanh đới. Nhờ dây thanh đới, chúng ta có thể:

  • Nói
  • La hét
  • Cười
  • Thì thầm
  • Ca hát

Ngoài ra, dây còn giúp ngăn chặn thức ăn rơi vào phổi, hạn chế tình trạng viêm phổi. Chính công dụng này đã khiến trái táo cổ là một trong những bộ phận nhạy cảm của nam giới. Đây cũng là lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao không được sờ vào yết hầu của con trai? mà phần lớn chị em phụ nữ thắc mắc.

Khoảng thời gian hình thành

Trái táo cổ thường được hình thành trong quá trình dậy thì. Ở giai đoạn này, cơ thể thường trải qua nhiều thay đổi, đặc biệt là sự phát triển của dây thanh quản.

Kích thước thanh quản lúc này sẽ tăng và hình thành nhiều sụn hơn để bảo vệ dây thanh đới. Cả nam và nữ đều trải qua quá trình vỡ giọng khiến giọng nói trở nên trầm hơn.

Phụ nữ có thể có yết hầu không?

Thông thường khi nhắc đến yết hầu, người ta sẽ nghĩ đến cánh mày râu. Nhưng trên thực tế, yết hầu ở nữ không phải trường hợp quá hiếm gặp.

Yết hầu có thể có ở cả nam và nữ. Khi đến tuổi trưởng thành, dây thanh quản sẽ phát triển ở cả 2 giới. Tuy nhiên, do tác động của các hormone nữ, sự phát triển này không thể diễn ra mạnh mẽ như đàn ông. Do vậy, yết hầu ở nữ giới thường không xuất hiện rõ. Phụ nữ vẫn giữ được giọng nói cao và mỏng dù đã qua tuổi dậy thì.

Một vài bé gái khi trưởng thành lại có yết hầu như con trai. Nhiều phụ huynh rất lo lắng và thắc mắc rằng Liệu yết hầu ở nữ có để lại hậu quả gì không? Để giải đáp cho câu hỏi trên, hãy cùng YouMed tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề.

Nguyên nhân

Do sự rối loạn nội tiết tố, hàm lượng testosterone của nhiều bé gái có thể cao hơn so với số đông còn lại. Điều này dẫn đến hiện tượng phát triển mạnh mẽ của thanh quản và tạo ra yết hầu ở nữ.

Phụ nữ có yết hầu có sao không?

Trái táo cổ có sự liên quan mật thiết với các đặc điểm về giới tính. Chị em có yết hầu to thường có giọng nói trầm và thấp hơn bình thường. Ngoài ra, do lượng testosterone cao, họ cũng có một số biểu hiện như mọc nhiều lông và tóc hơn.

Yết hầu ở nữ thường không để lại quá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Ngoài khiến giọng nói trầm hơn, bộ phận này hoàn toàn không gây nên các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe phụ nữ. Nếu bé vẫn có các đặc điểm sinh dục phù hợp với giới tính, người nhà không cần lo lắng khi thấy con em mình có trái táo cổ.

Do lượng testosterone cao, phụ nữ có yết hầu cũng có một số biểu hiện như mọc nhiều lông và tóc hơn

Cắt bỏ yết hầu ở phụ nữ liệu có an toàn?

Yết hầu có thể là nỗi bận tâm của nhiều chị em do làm mất đi vẻ nữ tính. Nhiều người thường tìm đến các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm kích thước hoặc cắt bỏ yết hầu. Hiện nay, phẫu thuật loại bỏ thường được lựa chọn do tính hiệu quả cao. Phương pháp này giúp gọt bớt phần sụn thừa tạo nên độ lồi của trái táo cổ.

Các chuyên gia y tế đưa ra một số lưu ý khi bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cắt bỏ yết hầu:

Trước phẫu thuật

Để hạn chế nguy cơ xuất huyết, các bác sĩ sẽ khuyên người bệnh ngưng dùng aspirin và hút thuốc.

Sau phẫu thuật

Bệnh nhân nên hạn chế hoạt động mạnh, hát hoặc nói lớn sau khi cắt bỏ yết hầu. Ở vài trường hợp, bạn có thể cảm thấy khó chịu trong vài ngày đầu, nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng biến mất. Bạn nên dùng thức ăn mềm hoặc lỏng cho đến khi cổ họng thoải mái khi nuốt. Việc tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế về vệ sinh vị trí này cũng rất cần thiết.

Nhiều chị em lựa chọn phương pháp phẫu thuật loại bỏ yết hầu

Các biến chứng thường gặp

Nhiều người thường băn khoăn liệu phẫu thuật cắt bỏ yết hầu có an toàn không? Để giải đáp thắc mắc trên, các bác sĩ đưa ra những lưu ý mà phái đẹp cần cân nhắc trước khi đưa ra lựa chọn.

Một số biến chứng bệnh nhân có thể gặp sau phẫu thuật:

  • Cảm giác đau nhẹ
  • Sưng
  • Bầm tím
  • Đau họng
  • Khó nuốt

Các dấu hiệu trên thường không quá nghiêm trọng và sẽ mất đi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu cơ thể xuất hiện những biểu hiện dưới đây, bạn cần liên lạc với bác sĩ để được hỗ trợ.

  • Sốt
  • Đau dữ dội ở vết mổ
  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Nhịp tim bất thường

Ngoài ra, một số vấn đề bệnh nhân có thể gặp phải trong quá trình phẫu thuật như:

  • Mê sảng sau phẫu thuật và các vấn đề về hô hấp.
  • Loại bỏ quá nhiều sụn tuyến giáp làm ảnh hưởng giọng nói.
  • Để lại sẹo rỗ.

Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ để hiểu rõ các lợi ích cũng như yếu tố nguy cơ trước khi đưa ra quyết định.

Song, quá trình hồi phục thường diễn ra khá nhanh và rõ ràng. Phái đẹp sẽ thấy phần cổ nhẵn hơn và không còn dấu vết trái táo cổ. Vết sẹo sau mổ thường không thể nhìn thấy và sẽ dần giảm độ sưng đỏ theo thời gian.

Kết luận

Yết hầu ở nữ là tình trạng khá phổ biến và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, do tính thẩm mỹ, nhiều chị em vẫn lựa chọn phẫu thuật loại bỏ. Phương pháp này được đánh giá cao do có thể loại bỏ được yết hầu có kích thước lớn. Đồng thời, nguy cơ xảy ra biến chứng sau tiểu phẫu là khá thấp. Do đó, nếu cảm thấy không hài lòng với trái táo cổ của mình, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn về cách điều trị phù hợp.

Chủ Đề