Cách ghi sổ thu, chi tài chính công đoàn

I- NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

1- Khái niệm Tài chính công đoàn.

- Tài chính công đoàn là một bộ phận của một khâu trong các khâu của tài chính chung.

- Tài chính công đoàn là điều kiện đảm bảo cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn theo Luật Công đoàn.

2- Cơ sở pháp lý của Tài chính công đoàn.

Tài chính công đoàn bao gồm các nguồn thu: Tiền đoàn phí công đoàn do đoàn viên đóng, kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trích nộp, ngân sách nhà nước hỗ trợ và thu khác theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012 [Điều 26].

Tài chính công đoàn gồm các nguồn thu sau đây:

    - Đoàn phí công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng góp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

   - Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ [quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH];

   - Ngân sách Nhà nước cấp hỗ trợ;

   - Nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của công đoàn; từ đề án, dự án do Nhà nước giao; từ viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.

3- Tổ chức quản lý Tài chính công đoàn.

Hệ thống tổ chức quản lý Tài chính công đoàn gồm:

- Cấp Tổng dự toán Trung ương [Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam].

- Cấp Tổng dự toán LĐLĐ tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương; công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Cấp Tổng dự toán công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

- Đơn vị dự toán: Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công đoàn.

II- CHẾ ĐỘ THU, CHI, QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

1- Nguyên tắc chung

- Công đoàn cơ sở là đơn vị có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, do Chủ tịch Công đoàn cơ sở làm chủ tài khoản. Quản lý tài chính CĐCS là trách nhiệm của Ban chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu theo phân cấp của Tổng Liên đoàn, chi đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả, công khai minh bạch, thực hiện chế độ quản lý theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

- BCH Công đoàn cơ sở căn cứ chế độ tài chính của Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; nguồn kinh phí được sử dụng và thực tế hoạt động của công đoàn cơ sở ban hành quy chế chi tiêu nội bộ cho đơn vị mình theo nội dung, phạm vi thu, chi cho phù hợp để thực hiện.

2- Hệ thống các văn bản tài chính đối với CĐCS

- Luật Công đoàn năm 2012;

- Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết về Tài chính công đoàn có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2014 [riêng quy định về mức đóng kinh phí công đoàn tại Điều 5 của Nghị định được thực hiện từ ngày Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành];

- Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016  của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành Quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu nộp tài chính công đoàn;

 - Quyết định số 1910/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quy định về thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở;

- Quyết định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc ban hành Quy định chế độ phụ cấp cán bộ Công đoàn.

- Hướng dẫn số 270/HD-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày 11/3/2014 về việc hướng dẫn dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính công đoàn và Chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở;

- Hướng dẫn số 460/HD-TLĐ ngày 17/4/2014 hướng dẫn công khai tài chính trong tổ chức công đoàn.

3- Quy định cụ thể

3.1 Nguồn thu tài chính công đoàn

a] Thu kinh phí công đoàn

Thu KPCĐ thực hiện theo khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn và Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định cụ thể như sau:

* Đối tượng đóng kinh phí công đoàn [Điều 4 – NĐ 191]

Đối tượng đóng kinh phí công đoàn theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn cơ sở, bao gồm:

1- Cơ quan nhà nước [kể cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn], đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

2- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

3- Đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập;

4- Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thành lập, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư;

5- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật HTX;

6- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn, văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam;

7- Tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

* Mức đóng kinh phí công đoàn [Điều 5- NĐ 191]

Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quỹ tiền lương này là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Riêng đối với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang quy định tại Nghị định này, quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, DN, đơn vị cơ sở trong Quân đội nhân dân; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

* Về phương thức đóng kinh phí công đoàn [Điều 6 – NĐ 191]

1- Cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan, đơn vị mở tài khoản giao dịch căn cứ giấy rút kinh phí công đoàn, thực hiện việc kiểm soát chi và chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi của tổ chức công đoàn tại ngân hàng.

2- Tổ chức, DN đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

3- Tổ chức, DN nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả tiền lương theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh đóng kinh phí công đoàn theo tháng hoặc quý một lần cùng với thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trên cơ sở đăng ký với tổ chức công đoàn.

* Nguồn đóng kinh phí công đoàn [Điều 7- NĐ 191]

1- Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ nguồn đóng kinh phí công đoàn và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

2- Đối với cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn đóng kinh phí công đoàn tính theo quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước. Phần kinh phí công đoàn phải đóng còn lại, đơn vị tự bảo đảm theo quy định tại Khoản 3 và 4 Điều này.

3- Đối với doanh nghiệp và đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, khoản đóng kinh phí công đoàn được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong kỳ.

4- Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại, khoản đóng kinh phí công đoàn được sử dụng từ nguồn kinh phí hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

* Phân cấp thu kinh phí công đoàn:

Thực hiện theo Quyết định số 200/QĐ-LĐLĐ ngày 31/10/2014 của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính công đoàn.

- Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên: LĐLĐ tỉnh trực tiếp thu hoặc phân cấp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu khi có đủ điều kiện về phân cấp thu.

- Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp do ngân sách Nhà nước Trung ương đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên: LĐLĐ tỉnh phân cấp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu.

- Đối với tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp không thụ hưởng kinh phí hoạt động từ NSNN:

+ Nơi có CĐCS: LĐLĐ tỉnh trực tiếp thu hoặc phân cấp cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thu [hoặc có thể phân cấp cho CĐCS thuộc DN nhà nước thu đối với những đơn vị đủ điều kiện theo quy định của Tổng Liên đoàn].

 + Nơi chưa thành lập CĐCS: LĐLĐ tỉnh phân cấp cho công đoàn cấp trên cơ sở [nơi DN, đơn vị đóng trụ sở] thu.

b] Thu đoàn phí công đoàn:

1- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở cơ quan nhà nước; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; đơn vị sự nghiệp hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề. Khi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thay đổi thì tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí công đoàn thay đổi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội.

2- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp nhà nước [bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần nhà nước giữ cổ phần chi phối]: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh [tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên], nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

3- Đoàn viên ở các công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước [bao gồm cả công đoàn Công ty cổ phần mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối]; Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập hưởng tiền lương không theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định; Liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Văn phòng điều hành của phía nước ngoài trong hợp đồng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam; Đoàn viên công đoàn công tác ở nước ngoài: mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội, nhưng mức đóng đoàn phí hàng tháng tối đa chỉ bằng 10% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

4- Các công đoàn cơ sở tại Khoản 2 và Khoản 3 mục này được thu đoàn phí công đoàn của đoàn viên hàng tháng bằng 1% tiền lương thực lĩnh [tiền lương đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên] hoặc quy định mức thu cao hơn 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nếu được Ban Chấp hành công đoàn cơ sở mở rộng [từ tổ trưởng công đoàn trở lên] đồng ý bằng Nghị quyết, có văn bản và được quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ của công đoàn cơ sở. Tiền đoàn phí công đoàn phần thu tăng thêm so với quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 mục này được để lại 100% cho công đoàn cơ sở bổ sung chi hoạt động theo đúng quy định; khi báo cáo quyết toán, công đoàn cơ sở phải tách riêng số tiền đoàn phí công đoàn tăng thêm theo mẫu quy định để có cơ sở tính số phải nộp về cấp trên.

5- Đoàn viên ở các nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở doanh nghiệp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội: đóng đoàn phí theo mức ấn định nhưng mức đóng thấp nhất bằng 1% mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước.

6- Đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp Bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, trong thời gian hưởng trợ cấp không phải đóng đoàn phí; đoàn viên công đoàn không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương, trong thời gian đó không phải đóng đoàn phí.

- Phương thức đóng đoàn phí.

Đoàn phí do đoàn viên công đoàn đóng hàng tháng cho tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn [theo phân cấp của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn] hoặc thu qua lương hàng tháng sau khi có ý kiến thỏa thuận của đoàn viên công đoàn.

- Quản lý tiền đoàn phí.

Tiền đoàn phí do đoàn viên đóng phải được ghi chép, phản ánh đầy đủ, kịp thời vào sổ kế toán và báo cáo quyết toán thu, chi tài chính của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn. Việc phân phối, sử dụng, quản lý tiền đoàn phí thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn.

c] Thu khác:

Nguồn thu khác thực hiện theo Khoản 4, Điều 26 Luật Công đoàn và Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn, bao gồm:

- Kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cấp mua sắm phương tiện hoạt động công đoàn, hỗ trợ kinh phí hoạt động cho công đoàn cơ sở; kinh phí tổ chức các hoạt động phối hợp như: Tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch, khen thưởng, phúc lợi,.. của cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động; hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho công đoàn cơ sở.

- Thu từ hoạt động văn hóa, thể thao; nhượng bán, thanh lý tài sản; thu lãi tiền gửi, cổ tức; Thu hồi khoản chi sai từ nguồn tài chính công đoàn đã quyết toán và được duyệt,..

3.2- Khen thưởng thu, nộp tài chính công đoàn

Khen thưởng thu đoàn phí, kinh phí công đoàn thực hiện theo Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19/12/2016 của Tổng Liên đoàn.

3.3- Nguồn tài chính công đoàn cơ sở được sử dụng và phân bổ cho các khoản mục chi như sau:

1- Công đoàn cơ sở được sử dụng theo tỷ lệ phần trăm trên tổng số thu kinh phí công đoàn và tổng số thu đoàn phí công đoàn theo hướng dẫn hàng năm của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và được sử dụng 100% tổng số thu khác của đơn vị theo quy định của pháp luật và Tổng Liên đoàn.

2- Phân bổ nguồn thu kinh phí, đoàn phí công đoàn, công đoàn cơ sở được sử dụng cho các khoản, mục chi:

a] Chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn không quá 30%. Nếu chi không hết thì được chuyển sang chi cho các hoạt động khác. Trong trường hợp thiếu, công đoàn cơ sở phải xem xét giảm đối tượng, mức chi phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp với nguồn tài chính được phân bổ.

b] Chi quản lý hành chính 10%.

c] Chi hoạt động phong trào 60%

Việc phân bổ kinh phí cho các hoạt động phong trào do công đoàn cơ sở quyết định, ưu tiên chi tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động, chi phát triển đoàn viên công đoàn, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, chi đào tạo cán bộ.

Trong đó chi hỗ trợ du lịch 10% của chi hoạt động phong trào. Trường hợp cần điều chỉnh tăng tỷ lệ chi hỗ trợ du lịch, công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở xem xét, quyết định nhưng tối đa không quá 20% của chi hoạt động phong trào.

3- Nguồn thu khác của công đoàn cơ sở do công đoàn cơ sở quyết định việc phân bổ cho các khoản mục chi.

* Chi tài chính công đoàn cơ sở

1. Chi lương, phụ cấp và các khoản đóng theo lương:

- Lương, phụ cấp và các khoản đóng BHXH, BHYT... của cán bộ công đoàn chuyên trách công đoàn ở cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước theo Quy định của Ban Bí thư Trung ương và Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.

- Lương, phụ cấp của cán bộ công đoàn chuyên trách khu vực ngoài nhà nước thực hiện theo Quy định của Tổng Liên đoàn.

Khuyến khích công đoàn cơ sở Công ty cổ phần áp dụng chế độ tiền lương theo Quy định của Ban Bí thư Trung ương đối với cán bộ công đoàn chuyên trách.

- Phụ cấp cán bộ công đoàn thực hiện theo Quy định số 1439/QĐ-TLĐ ngày 14/12/2011 của Tổng  Liên đoàn Lao động Việt Nam, cụ thể như sau:

+ Mức phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở được xác định căn cứ vào số lượng lao động của đơn vị.

+ Phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở = [Hệ số phụ cấp] x [Tiền lương tối thiểu công đoàn cơ sở đang thu kinh phí công đoàn].

+ Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp.

Công đoàn cơ sở được sử dụng tối đa 30% số thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn [phần công đoàn cơ sở được sử dụng] để chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở. Trường hợp nguồn kinh phí này sử dụng không hết thì bổ sung chi hoạt động phong trào. Đối với công đoàn cơ sở được chuyên môn hỗ trợ kinh phí chi phụ cấp cho cán bộ công đoàn, việc sử dụng do công đoàn cơ sở quyết định.

Công đoàn cơ sở được sử dụng nguồn thu khác để chi phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở. Đối tượng, mức chi phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở sử dụng từ nguồn thu khác, do Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định; Công đoàn cơ sở căn cứ khả năng nguồn kinh phí được sử dụng và nhu cầu thực tế của đơn vị được điều chỉnh đối tượng, mức chi, thời gian chi [tháng, quý, năm] phụ cấp cán bộ công đoàn cho phù hợp, nhưng phụ cấp kiêm nhiệm không quá hệ số 0,7; phụ cấp trách nhiệm không quá hệ số 0,3.

+ Tại công đoàn cơ sở, cán bộ công đoàn  chỉ được hưởng 1 mức phụ cấp kiêm nhiệm hoặc phụ cấp trách nhiệm cao nhất.

+  Đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp có số thu, chi ngân sách công đoàn hàng năm lớn. Ban chấp hành công đoàn cơ sở xem xét và quyết định mức phụ cấp kiêm nhiệm của kế toán như Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, hoặc ký hợp đồng kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Việc ký hợp đồng, mức chi trả cho kế toán phải được công đoàn cấp trên trực tiếp chấp thuận bằng văn bản.

+ Khoản chi phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp trách nhiệm của cán bộ công đoàn được hạch toán vào mục 1 [mã số 27.03] và quyết toán với công đoàn cấp trên theo quy định hiện hành của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

* Đối tượng và phạm vi áp dụng.

- Chủ tịch và Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm nhiệm.

- Mức phụ cấp.    

TT

Số  lao động

Hệ số

phụ cấp

Chủ tịch

Phó Chủ tịch

1

Dưới 150 lao động

0,2

0,15

2

Từ 150 đến dưới 500 lao động

0,25

0,2

3

Từ 500 đến dưới 2000 lao động

0,3

0,25

4

Từ 2000 đến dưới 4000 lao động

0,4

0,3

5

Từ 4000 đến dưới 6000 lao động

0,5

0,4

6

Từ 6000 đến dưới 8.000 lao động

0,6

0,5

7

Từ 8000 lao động trở lên

0,7

0,6

- Phụ cấp trách nhiệm đối với các chức danh:

+ Uỷ viên Ban Chấp hành, Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Công đoàn cơ sở [ bao gồm cả công đoàn cơ sở thành viên].

+ Chủ tịch Công đoàn bộ phận;

+ Tổ trưởng công đoàn.

+ Kế toán, Thủ quỹ kiêm nhiệm của Công đoàn cơ sở.

- Mức phụ cấp:

TT

Số  Lao động

Hệ số phụ cấp

Uỷ viên BCHCĐCS,  Kế toán CĐ cơ sở

Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra CĐ cơ sở, Chủ tịch CĐ bộ phận

Tổ trưởng Công đoàn,Thủ quỹ công đoàn cơ sở

1

Dưới 150 lao động

0,14

0,12

0,12

2

Từ 150 đến dưới 500 LĐ

0,15

0,13

0,13

3

Từ 500 đến dưới 2.000 LĐ

0,18

0,15

0,13

4

Từ 2.000 đến dưới 4.000 LĐ

0,21

0,18

0,13

5

Từ 4.000 đến dưới 6.000 LĐ

0,25

0,21

0,13

6

Từ  6.000LĐ trở lên

0,3

0,25

0,13

2. Chi quản lý hành chính:

- Chi hội nghị Ban Chấp hành công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận.

- Chi Đại hội công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, bao gồm: trang trí, in tài liệu, bồi dưỡng đại biểu, nước uống...

- Chi mua văn phòng phẩm, tài sản, dụng cụ làm việc, sửa chữa nhỏ văn phòng làm việc của công đoàn, tiền bưu phí, thông tin liên lạc, công tác phí, nước uống, tiếp khách.

3. Chi hoạt động phong trào:

3.1. Chi tổ chức hoạt động đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên công đoàn và người lao động:

- Chi bồi dưỡng cho tư vấn, luật sư, người trực tiếp chuẩn bị giúp công đoàn cơ sở tham gia với doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang bảng lương, quy chế trả lương, thưởng; xây dựng nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; ký thỏa ước lao động tập thể; giải quyết tranh chấp lao động; tham gia các chế độ chính sách của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi của đoàn viên công đoàn và người lao động và kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động.

- Chi hỗ trợ thuê luật sư bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở khi thực hiện quyền đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, của tổ chức công đoàn bị chủ doanh nghiệp sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật hoặc chuyển làm việc khác mà thu nhập giảm.

- Chi hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc tổ chức đình công theo quy định của pháp luật, hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động bị chủ sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, chuyên làm việc khác mà thu nhập giảm.

- Chi án phí, chi phí tố tụng khác khi công đoàn tổ chức khởi kiện.

3.2. Chi phát triển đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh:

- Chi tuyên truyền giới thiệu về tổ chức công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam; gặp gỡ, trao đổi với người sử dụng lao động về hoạt động công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.

- Chi bồi dưỡng làm ngoài giờ cho đoàn viên công đoàn, người lao động và cán bộ công đoàn trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn.

- Chi tổ chức kết nạp đoàn viên, thành lập ra mắt công đoàn cơ sở, khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc vận động thành lập công đoàn cơ sở.

- Chi các hoạt động xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; đánh giá phân loại đoàn viên; phân loại công đoàn bộ phận, tổ công đoàn; tổ chức bồi dưỡng cho công đoàn bộ phận, tổ công đoàn về hoạt động xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, khen thưởng xây dựng công đoàn vững mạnh.

3.3. Chi tuyên truyền:

- Chi mua sách, báo, tạp chí, ấn phẩm của tổ chức công đoàn như: Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Tạp chí Bảo hộ Lao động và sách, ấn phẩm của Nhà Xuất bản Lao động... phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục của công đoàn cơ sở.

- Chi tiền giấy, bút cho các hoạt động tuyên truyền trên bảng tin, phát thanh, báo tường, mạng thông tin của công đoàn cơ sở.

3.4. Chi tổ chức phong trào thi đua:

- Chi phối hợp tổ chức phát động thi đua; hội nghị sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua.

- Chi tổ chức hội thi cán bộ công đoàn giỏi.

3.5. Chi đào tạo cán bộ:

- Chi thù lao giảng viên, bồi dưỡng học viên, nước uống, tài liệu và các khoản chi hành chính khác của các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do công đoàn cơ sở tổ chức.

- Chi tiền mua tài liệu, tiền công tác phí cho đoàn viên công đoàn và người lao động do công đoàn cơ sở cử đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.

- Chi phối hợp tổ chức học bổ túc văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.

- Chi thù lao báo cáo viên, nước uống thông thường cho người dự các buổi nói chuyện thời sự, chính sách, pháp luật... do công đoàn cơ sở tổ chức.

- Chi hỗ trợ cho nữ có con dưới 36 tháng tuổi được công đoàn cơ sở cử tham gia các lớp đào tạo, tập huấn.

3.6. Chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

a] Chi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao:

- Chi hỗ trợ hoạt động phong trào xây dựng đơn vị văn hóa; phòng chống tệ nạn xã hội cho đoàn viên công đoàn và người lao động; chi tổ chức cho người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; chi khen thưởng tổng kết hoạt động văn hóa, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội của công đoàn cơ sở.

- Chi hỗ trợ mua sắm phương tiện hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

- Chi bồi dưỡng cho Ban tổ chức, vận động viên, diễn viên tham gia hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao do công đoàn cơ sở và công đoàn các cấp trên cơ sở tổ chức; chi khen thưởng tập thể, cá nhân đạt giải trong các cuộc hội diễn, hội thao do công đoàn cơ sở tổ chức.

b] Chi hỗ trợ du lịch:

Chi phối hợp với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức cho đoàn viên công đoàn và người lao động đi du lịch.

3.7. Chi tổ chức các hoạt động về giới và bình đẳng giới:

- Chi cho các hoạt động tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và lồng ghép giới các hoạt động về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình.

- Chi hỗ trợ mua đồ dùng, thiết bị mẫu giáo, nhà trẻ tại đơn vị [nếu có]; hỗ trợ đoàn viên và người lao động có con gửi nhà trẻ, học mẫu giáo.

- Chi tuyên truyền, tổ chức hoạt động nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Dân số 26/12.

- Chi hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, Câu lạc bộ nữ công cơ sở, hội thi cán bộ nữ công giỏi, hội thi chuyên đề nữ công, phong trào thi đua giỏi việc nước đảm việc nhà.

[Ban Công đoàn Quốc phòng và Công đoàn Công an Nhân dân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an].

3.8. Chi thăm hỏi, trợ cấp:

a] Chi thăm hỏi:

- Chi thăm hỏi đoàn viên công đoàn và người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn, gia đình có việc hiếu [cha, mẹ đẻ hoặc bên vợ, bên chồng; vợ; chồng; con] và việc hỉ của đoàn viên công đoàn.

- Chi thăm hỏi, tặng quà cho người lao động nhân dịp tết cổ truyền; tặng quà sinh nhật cho đoàn viên công đoàn; tặng quà cho cán bộ công đoàn khi thôi không tham gia Ban Chấp hành công đoàn cơ sở.

b] Chi trợ cấp:

Chi trợ cấp cho đoàn viên công đoàn và người lao động gặp khó khăn do tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật hiểm nghèo gây tổn thất về sức khỏe hoặc tài sản.

Mức chi thăm hỏi, trợ cấp khó khăn giữa đoàn viên công đoàn và đối tượng không phải là đoàn viên công đoàn do công đoàn cơ sở quy định.

3.9. Chi động viên, khen thưởng:

- Chi tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn.

- Chi khen thưởng người lao động đạt thành tích xuất sắc trong công tác.

- Chi khen thưởng con của đoàn viên công đoàn và người lao động đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

- Chi phối hợp tổ chức hoạt động nhân ngày quốc tế thiếu nhi, tết trung thu.

- Chi khen thưởng hoạt động chuyên đề, khen thưởng công tác thu tài chính theo quy định của Tổng Liên đoàn.

3.10. Chi hoạt động khác:

- Chi cho các cộng tác viên có nhiều đóng góp giúp đỡ cho hoạt động công đoàn.

- Giúp đoàn viên công đoàn và người lao động các đơn vị khác bị thiên tai bão lụt, tai nạn, ảnh hưởng chất độc màu da cam.

* Phân biệt một số khoản chi của công đoàn cơ sở

1. Tổ chức phong trào thi đua, học văn hóa, hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan du lịch, phúc lợi của người lao động và chăm lo, tổ chức các hoạt động cho con của người lao động là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng quỹ phúc lợi, quỹ của cơ quan, đơn vị để chi theo Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012.

2. Phương tiện hoạt động của công đoàn cơ sở do chủ doanh nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp [không thu tiền] theo Điều 24, Luật Công đoàn năm 2012.

3. Trách nhiệm chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công đoàn của doanh nghiệp:

- Tiền lương trả theo kết quả sản xuất kinh doanh đối với cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp Nhà nước do doanh nghiệp chi trả theo Khoản 5, Điều 24 Luật Công đoàn năm 2012; Quy định của Ban Bí thư Trung ương và hướng dẫn của của cơ quan chức năng.

- Tiền lương trả theo kết quả sản xuất kinh doanh đối với cán bộ công đoàn chuyên trách khu vực ngoài Nhà nước thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

4. Phụ cấp kiêm nhiệm của Chủ tịch công đoàn cơ sở nếu nguồn khác đã chi thì tài chính công đoàn không chi.

5. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, hoạt động kế hoạch hóa gia đình, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp do doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị chi theo quy định của Nhà nước và các cơ quan chức năng liên quan.

          KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

* Quản lý, kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn

1. Quản lý tài chính công đoàn cơ sở thực hiện theo Quyết định số 1908/QĐ-TLĐ ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Tổng Liên đoàn.

2. Ủy ban Kiểm tra công đoàn cơ sở có trách nhiệm kiểm tra việc xây dựng, thực hiện dự toán, quyết toán thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở hàng năm.

3. Dự toán, quyết toán thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở phải công khai theo quy định của Tổng Liên đoàn.

4. Thu, chi, quản lý tài chính công đoàn cơ sở phải được phản ảnh đầy đủ vào sổ kế toán và chịu sự giám sát của đoàn viên công đoàn và người lao động tại đơn vị.

* Khen thưởng và xử lý vi phạm

- Công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên công đoàn thực hiện tốt công tác thu, chi quản lý tài chính CĐCS được khen thưởng theo Quy chế khen thưởng của Tổng Liên đoàn.

- Công đoàn cơ sở, cán bộ, đoàn viên công đoàn khi vi phạm trong việc thu, chi, quản lý tài chính công đoàn tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

IV- CÔNG TÁC KẾ TOÁN

1- Lập chứng từ

- Mọi khoản thu, chi tài chính đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ phải đảm bảo nguyên tắc [ký chứng từ, nội dung thu, chi, người nộp, người nhận...]; mua hàng hóa bên ngoài số tiền từ 200.000đ trở lên phải có hoá đơn tài chính; các hoạt động thuê mướn tài sản, dụng cụ phục vụ hoạt động của công đoàn cơ sở phải có hợp đồng kinh tế, thanh lý hợp đồng kèm hóa đơn tài chính. Các khoản chi hội nghị, khen thưởng, bồi dưỡng phụ cấp phải có danh sách người được hưởng hoặc người nhận thay ký nhận...

- Các khoản thu chi tài chính công đoàn được phản ánh vào sổ thu chi ngân sách công đoàn cơ sở theo trình tự thời gian và theo phương pháp ghi đơn. Đồng thời ghi vào các sổ chi tiết như: Sổ tiền gửi ngân hàng, sổ tạm ứng [nếu chi bằng tiền đó tạm ứng], sổ quỹ tiền mặt... Cuối quý, kế toán cộng sổ, đối chiếu với các sổ chi tiết để lập báo cáo kết quả thu, chi tài chính với BCH công đoàn cơ sở, cuối năm lập báo cáo tài chính.

- Các khoản thu, chi của công đoàn cơ sở không liên quan đến thu, chi ngân sách công đoàn như: tiền tạm giữ, thu chi các quỹ xã hội, tạm ứng... phản ánh vào các sổ chi tiết, không phản ánh vào sổ thu, chi ngân sách công đoàn.

- Tiền do thủ trưởng đơn vị, chủ doanh nghiệp hỗ trợ do công đoàn quản lý, chi tiêu thì phải ghi thu khác và chi theo chế độ của Nhà nước, Tổng Liên đoàn và quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở. Trường hợp chỉ chi hộ sau đó quyết toán với chuyên môn thì thu, chi theo hình thức tạm giữ.

          2- Báo cáo Dự toán, Quyết toán thu, chi tài chính công đoàn

          Công đoàn cơ sở hàng năm phải lập dự toán, quyết toán báo cáo lên cấp trên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở [trước ngày 15 tháng 11 phải lập dự toán năm sau, cuối tháng 1 phải lập báo cáo quyết toán năm trước] Quyết toán công đoàn cơ sở 1 năm báo cáo 1 lần trừ khi công đoàn cấp trên có hướng dẫn khác.

          - Báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở [theo mẫu B 14-TLĐ] kèm theo danh sách lao động, quỹ tiền lương của đơn vị [tại thời điểm đơn vị lập dự toán], mỗi loại 2 bản.

          - Báo cáo Quyết toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở [theo mẫu B07-TLĐ], lưu ý phản ánh đúng số phát sinh trong năm, số dư năm trước mang sang... kèm theo bảng kê chứng từ thu, chi phát sinh trong năm theo quy định.

          Trên mẫu báo cáo dự toán, quyết toán phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu về số lao động, số đoàn viên, tổng quỹ tiền lương của đơn vị, thuyết minh và kiến nghị của công đoàn cơ sở .v.v.

Tóm lại: Công tác tài chính Công đoàn rất quan trọng, vì vậy các cấp Công đoàn cần phải quan tâm đến việc thu kinh phí công đoàn, đoàn phí công đoàn, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chuyên môn, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để tăng nguồn thu. Chi tiêu đúng chế độ, đúng quy định, thực hiện đảm bảo nguyên tắc tài chính. Ban chấp hành CĐCS cần có biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt việc thu, chi, quản lý tài chính tài sản công đoàn và các loại quỹ do công đoàn quản lý. Chủ tịch công đoàn cơ sở [Chủ tài khoản] là người chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về hoạt động tài chính tại đơn vị, vì vậy phải luôn quan tâm đến công tác tài chính ở đơn vị mình, thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc chi tiêu tại đơn vị, tranh thủ nghiên cứu về chế độ chính sách, nắm vững các nguyên tắc quản lý để công tác quản lý tài chính ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. /.

                                                                                                   BAN TÀI CHÍNH LĐLĐ TỈNH

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 270/HD-TLĐ

      Hà Nội, ngày  11  tháng 03  năm 2014

HƯỚNG DẪN

Thực hiện Quy chế quản lý tài chính công đoàn và Chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở

- Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012.

- Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11  năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.

- Căn cứ Quy chế quản lý tài chính công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 269/QĐ-TLĐ ngày 07 tháng 03 năm 2014 của Tổng Liên đoàn.

- Căn cứ Quyết định số 1573/QĐ-TLĐ ngày 12/10/2006 của Tổng Liên đoàn về việc thực hiện chế độ kế toán Hành chính sự nghiệp trong các đơn vị kế toán Công đoàn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài chính công đoàn và Chế độ kế toán đối với công đoàn cơ sở như sau:

I- Tổ chức bộ máy quản lý Tài chính công đoàn cơ sở.

1- Tổ chức bộ máy quản lý tài chính.

Công đoàn cơ sở có bộ máy quản lý tài chính là Ban, bộ phận, màng lưới tài chính công đoàn cơ sở; Chủ tịch công đoàn cơ sở là chủ tài khoản. Đối với Công đoàn cơ sở có đông CNVCLĐ có thể phân công Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên thường vụ phụ trách công tác tài chính, ủy quyền chủ tài khoản.

- Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở phân công người có nghiệp vụ kế toán làm kiêm nhiệm kế toán và kiêm nhiệm thủ quỹ công đoàn [CĐCS không được bố trí Chủ tài khoản kiêm kế toán; kế toán kiêm thủ quỹ].

- Công đoàn bộ phận phân công 1 Ủy viên BCH công đoàn bộ phận trực tiếp phụ trách công tác tài chính để tổ chức thu, nộp đoàn phí, thanh quyết toán các khoản chi tiêu với công đoàn cở sở theo phân cấp của CĐCS.

- Đoàn phí công đoàn do tổ trưởng công đoàn trực tiếp thu và nộp cho công đoàn bộ phận hoặc công đoàn cơ sở. Trường hợp thu đoàn phí qua lương, công đoàn cơ sở quy định việc nộp tiền đoàn phí đã thu cho công đoàn cơ sở theo đúng quy định.

2- Nhiệm vụ của Ban, bộ phận, màng lưới tài chính công đoàn cơ sở:

 - Lập dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở hàng năm trình Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở thông qua, báo cáo công đoàn cấp trên xét duyệt.

- Tổ chức thực hiện dự toán: Đôn đốc đoàn viên đóng đoàn phí; đôn đốc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn; xây dựng Quy chế thu, chi tài chính công đoàn cơ sở trình Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở phê duyệt, tổ chức chi tiêu phục vụ hoạt động của công đoàn cơ sở theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và Quy chế chi tiêu của công đoàn cơ sở; Làm công tác kế toán, lập báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm trình Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] CĐCS thông qua để gửi lên công đoàn cấp trên.

- Lưu trữ chứng từ, sổ kế toán, thực hiện bàn giao kế toán khi thay đổi chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ; hướng dẫn nghiệp vụ cho mạng lưới tài chính của công đoàn cơ sở [bộ phận, tổ công đoàn].

- Cung cấp tài liệu, sổ kế toán, chứng từ kế toán phục vụ công tác kiểm tra của công đoàn đồng cấp, của Ban Tài chính và Ủy ban Kiểm tra công đoàn cấp trên, của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

II- Công tác quản lý tài chính, tài sản của công đoàn cơ sở.

1- Lập báo cáo dự toán thu,chi tài chính.

Công đoàn cơ sở lập báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn hàng năm theo mẫu số B14-TLĐ. Thời gian gửi báo cáo dự toán năm sau lên công đoàn cấp trên chậm nhất vào ngày 15/11 của năm trước.

2- Lập báo cáo quyết toán thu,chi tài chính.

- Công đoàn cở sở lập báo cáo quyết toán thu, chi tài chính hàng năm lên công đoàn cấp trên xét duyệt [Mẫu số B07-TLĐ]. Thời gian gửi báo cáo quyết toán lên công đoàn cấp trên chậm nhất vào ngày 5 tháng 3 của năm sau.

LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố và tương đương được quy định cho công đoàn cơ sở lập báo cáo tài chính 6 tháng một lần [một năm 2 kỳ].

- Chỉ ghi sổ tổng hợp các khoản thu, chi tài chính của công đoàn cơ sở. Các khoản thu, chi hoạt động xã hội phản ảnh vào sổ chi tiết thu, chi quỹ xã hội và hàng năm lập báo cáo thu, chi quỹ xã hội với Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở.

3- Công khai tài chính.

Công đoàn cơ sở thực hiện việc công khai báo cáo dự toán, quyết toán thu, chi tài chính năm với Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở và đoàn viên thông qua đại hội hoặc hội nghị công đoàn cơ sở.

Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] Công đoàn cơ sở có trách nhiệm trả lời chất vấn của đoàn viên liên quan đến thu, chi và quản lý  tài chính của công đoàn cơ sở.

4- Quản lý tài sản.

Tài sản do công đoàn cơ sở mua sắm, hoặc do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cấp, cho mượn, công đoàn cơ sở phải mở sổ sách theo dõi giá trị và hiện vật, đối tượng được giao quản lý tài sản..

Đối với tài sản cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cho mượn khi không có nhu cầu sử dụng phải trả lại.

Đối với tài sản do công đoàn cơ sở mua sắm, được cấp khi thanh lý, chuyển nhượng phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về thanh lý, chuyển nhượng tài sản. Số tiền thu về thanh lý, chuyển nhượng tài sản được ghi thu tài chính công đoàn cơ sở, sau khi trừ chi phí về thanh lý, chuyển nhượng [nếu có]; đồng thời ghi giảm giá trị tài sản trên sổ theo dõi.

5- Quản lý tiền gửi ngân hàng, quỹ tiền mặt.

- Công đoàn cơ sở được mở tài khoản tại ngân hàng để quản lý tiền gửi của công đoàn cơ sở.

Trường hợp công đoàn cơ sở sử dụng tài khoản của chuyên môn để quản lý kinh phí của công đoàn cơ sở, kế toán công đoàn do kế toán của chuyên môn kiêm nhiệm. Chủ tịch công đoàn cơ sở quyết định các khoản thu chi của công đoàn cơ sở theo quy định của Tổng Liên đoàn. Các chứng từ thu, chi phải sao lục riêng làm căn cứ để ghi sổ kế toán, lập báo cáo quyết toán và phục vụ công tác kiểm tra theo đúng quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.

- Mỗi công đoàn cơ sở chỉ được tổ chức một quỹ tiền mặt để phục vụ thu, chi tài chính công đoàn; thu, chi hoạt động của các quỹ xã hội và các khoản thu, chi khác của công đoàn cơ sở. Công đoàn cơ sở có thể sử dụng thủ quỹ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kiêm nhiệm thủ quỹ công đoàn cơ sở.

Thủ quỹ công đoàn cơ sở có trách nhiệm quản lý thu, chi, tồn quỹ tiền mặt. Các khoản thu, chi phải có phiếu thu, phiếu chi hợp pháp, hợp lệ. Cuối tháng phải lập báo cáo tồn quỹ. Số dư tồn quỹ tiền mặt tối đa theo Quy chế thu, chi tài chính của công đoàn cơ sở.

Định kỳ hoặc đột xuất công đoàn cơ sở phải kiểm kê tồn quỹ tiền mặt. Thủ quỹ làm thâm hụt, chi sai phải bồi thường hoặc chịu trách nhiệm trước pháp luật.

III- Công tác kế toán công đoàn cơ sở.

1- Nguyên tắc chung.

- Công đoàn cơ sở áp dụng chế độ kế toán của đơn vị kế toán hành chính sự nghiệp và theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.

- Các khoản thu, chi tài chính của công đoàn cơ sở phải được ghi chép, phản ảnh đầy đủ, kịp thời vào sổ kế toán. Kế toán phải tuân thủ quy định của Luật Kế toán, chế độ kế toán đơn vị HCSN về chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, lưu trữ chứng từ kế toán, bàn giao kế toán,..

- Năm tài chính từ 01/01 -  31/12 hàng năm. Đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán là Việt Nam đồng.

2- Quy định cụ thể:

2.1. Chứng từ kế toán.

a. Lập chứng từ kế toán: Các khoản thu, chi tài chính phát sinh kế toán công đoàn cơ sở phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán chỉ lập 1 lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh. Nội dung chứng từ kế toán phải đúng với nghiệp vụ kinh tế, tài chính; chữ viết trên chứng từ kế toán phải rõ ràng, không tẩy xóa, sửa chữa, không viết tắt, số tiền viết bằng chữ phải khớp với số tiền viết bằng số.

Các khoản chi mua hàng hóa, tài sản của công đoàn cơ sở phải đảm bảo quy trình mua sắm và có hóa đơn tài chính theo quy định của Nhà nước. Đối với các khoản thuê, mướn tài sản phục vụ hoạt động của công đoàn cơ sở nhưng không có hóa đơn tài chính phải có hợp đồng thuê mướn, thanh lý hợp đồng người được giao nhiệm vụ phải báo cáo chủ tài khoản xem xét, phê duyệt, ký hợp đồng thuê mướn để thực hiện.

b. Ký chứng từ kế toán: Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký của các chức danh theo mẫu biểu, chứng từ quy định mới có giá trị thực hiện. Lập và ký chứng từ kế toán bằng bút bi, bút mực; không lập và ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, bút chì hoặc khắc dấu ký sẵn; Chứng từ ký từng liên; chữ ký trên chứng từ kế toán của 1 người phải thống nhất.

c. Danh mục chứng từ kế toán:

TT

Tên chứng từ

Số hiệu

1

Bảng thanh toán tiền lương cán bộ công đoàn chuyên trách

C02a-HD

2

Bảng thanh toán phụ cấp cán bộ công đoàn.

C05-HD

3

Giấy đi đường

C06-HD

4

Phiếu thu

C30-BB

5

Phiếu chi

C31-BB

6

Giấy đề nghị tạm ứng

C32-HD

7

Giấy thanh toán tạm ứng

C33-BB

8

Biên bản kiểm quỹ tiền mặt

C34-HD

9

Giấy đề nghị thanh toán

C37-HD

10

Bảng kê chi tiền cho người dự hội thảo, tập huấn

C40a-HD

11

Phiếu thăm hỏi đoàn viên

C11-TLĐ

12

Giấy đề nghị trợ cấp khó khăn

C12-TLĐ

13

Quyết định trợ cấp khó khăn

C13-TLĐ

14

Thông báo đóng  KPCĐ

C14-TLĐ

15

Thông báo cấp KPCĐ

C15-TLĐ

16

Đề nghị đóng kinh phí công đoàn

C16-TLĐ

17

Bản xác nhận về việc đóng KPCĐ

C17-TLĐ

2.2. Sổ kế toán:

Mỗi công đoàn cơ sở có 1 hệ thống sổ kế toán cho 1 kỳ kế toán năm.

a. Trách nhiệm của kế toán

 Mở sở, khóa sổ, đóng dấu giáp lai, quản lý, ghi sổ kế toán theo quy định của Chế độ kế toán HCSN.

b. Ghi sổ kế toán

Kế toán căn cứ vào chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ để ghi sổ kế toán. Không dùng mực đỏ, chì để ghi sổ kế toán. Chữ viết rõ ràng, liên tục, có hệ thống, khi hết trang phải cộng trang để mang sang đầu trang sau kế tiếp; khi sửa chữa phải theo đúng phương pháp quy định của Luật Kế toán.

Hướng dẫn ghi sổ kế toán một số nghiệp vụ của công đoàn cơ sở [kèm theo phụ lục].

c. Khóa sổ kế toán:

Cuối kỳ kế toán, kế toán Công đoàn cơ sở kiểm tra đối chiếu giữa các sổ kế toán, khóa sổ kế toán để cung cấp số liệu lập Báo cáo Tài chính.

d. Danh mục sổ kế toán.

TT

Tên sổ

Số hiệu

1

Sổ quỹ tiền mặt

S11-H

2

Sổ tiền gửi ngân hàng

S12-H

3

Sổ theo dõi TSCĐ và công cụ

S32-H

4

Sổ đoàn phí

S81-TLĐ

5

Sổ thu, chi tài chính công đoàn cơ sở

S82-TLĐ

6

Sổ theo dõi tạm ứng

S13-TLĐ

7

Sổ theo dõi cấp phát cho CĐCS

S14-TLĐ

8

Sổ theo dõi thu nộp của CĐCS

S15-TLĐ

9

Sổ theo dõi vay, đầu tư tài chính

S16-TLĐ

10

Sổ thu chi quỹ xã hội

S17-TLĐ

11

Sổ theo dõi các khoản phải trả

S18-TLĐ

2.3. Báo cáo tài chính.

a. Danh mục báo cáo tài chính.

TT

Tên báo cáo

Số hiệu

1

Báo cáo dự toán thu, chi TCCĐ

B14-TLĐ

2

Báo cáo quyết toán thu, chi TCCĐ

B07-TLĐ

3

Báo cáo tổng hợp dự toán thu, chi tài chính công đoàn.

B15-TLĐ

4

Báo cáo tổng hợp quyết toán thu, chi tài chính công đoàn.

B08-TLĐ

b. Lập báo cáo tài chính.

b.1. Phương pháp lập báo cáo dự toán thu,chi tài chính công đoàn [Mẫu số B14 - TLĐ].

- Các chỉ tiêu cơ bản:

+ Lao động làm căn cứ tính tổng quỹ tiền lương đóng kinh phí công đoàn là lao động thuộc đối tượng đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH đến 31/12 năm trước cộng với lao động thuộc đối tượng đóng BHXH dự kiến tăng, trừ lao động thuộc đối tượng đóng BHXH dự kiến giảm trong năm.

Đối với số lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH bắt buộc nhưng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa đóng BHXH, Công đoàn cơ sở căn cứ tiền lương trong HĐLĐ của đối tượng này để tính quỹ lương làm căn cứ đóng kinh phí công đoàn đề nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng.

+ Đoàn viên để tính quỹ lương đóng đoàn phí công đoàn là đoàn viên dự kiến đến 31/12 năm trước, cộng [trừ] số đoàn viên dự kiến tăng, giảm trong năm. Mức lương đóng đoàn phí của đoàn viên theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn.

- Các chỉ tiêu thu, chi tài chính công đoàn:

+ Cột 1 - Ước thực hiện năm trước: Căn cứ số thực hiện trên sổ tổng hợp thu, chi công đoàn cơ sở, ước tính số thu, chi của thời gian còn lại trong năm để ghi vào các nội dung thu, chi ước thực hiện của năm trước.

+ Cột 2 - Dự toán kỳ này: Căn cứ số liệu của từng chỉ tiêu thu, chi được phản ảnh ở cột 1 [Ước thực hiện năm trước]; Căn cứ vào tình hình thực tế về lao động, tiền lương, khả năng nguồn thu, dự kiến chi tiền lương, các khoản đóng theo lương của cán bộ công đoàn chuyên trách; chi phụ cấp cán bộ công đoàn, chi hành chính, dự kiến chi hoạt động của Ban Chấp hành, các ban chuyên đề; số kinh phí phải nộp lên công đoàn cấp trên, hoặc số kinh phí được cấp [Đối với công đoàn cơ sở kinh phí công đoàn phân cấp cho công đoàn cấp trên thu] xây dựng số liệu cho từng nội dung thu, chi.

+ Cột 3 - Cấp trên duyệt: Công đoàn cấp trên quản lý trực tiếp căn cứ số liệu trong Báo cáo dự toán thu, chi tài chính công đoàn cơ sở lập, để phê duyệt theo từng nội dung thu, chi.

b.2. Phương pháp lập báo cáo quyết toán thu, chi tài chính công đoàn.

- Cơ sở số liệu để lập báo cáo Quyết toán: Cuối kỳ kế  toán, kế toán cộng sổ, kiểm tra đối chiếu giữa các sổ chi tiết. Số liệu cộng sổ thu - chi tài chính đoàn cơ sở được sử dụng để lập báo cáo quyết toán thu - chi tài chính công đoàn của công đoàn cơ sở.

- Các chỉ tiêu cơ bản.

+ Lao động làm căn cứ tính tổng quỹ tiền lương đóng kinh phí công đoàn là lao động thuộc đối tượng đóng BHXH theo quy định của Luật BHXH [lao động lấy tại thời điểm 31/12 năm trước], tiền lương tổng hợp chung của các tháng trong năm theo đúng số lao động thuộc đối tượng đóng BHXH.

+ Đoàn viên để tính quỹ lương đóng đoàn phí công đoàn là đoàn viên tại thời điểm 31/12 của năm lập báo cáo tài chính. Quỹ tiền lương làm căn cứ tính đóng đoàn phí là quỹ tiền lương tổng hợp của từng tháng.

- Các chỉ tiêu thu, chi tài chính:

Số liệu cộng sổ thu, chi tài chính công đoàn cơ sở của từng khoản mục, được đưa vào báo cáo quyết toán thu - chi tài chính công đoàn cơ sở theo từng khoản mục tương ứng.

Riêng Phần II, mục 3 - "Hoạt động phong trào". Trong đó: Tiểu mục 31.01 tương ứng nội dung chi tại mục 3.5 - "Chi đào tạo cán bộ"; Tiểu mục 31.02 tương ứng với nội dung chi tại mục 3.8 b - "Chi trợ cấp"; Tiểu mục 31.03 tương ứng với nội dung chi tại mục 3.6 b - "Chi hỗ trợ du lịch" theo quy định tại Điều 6, Khoản 3, ban hành kèm theo Quyết định số 272/QĐ-TLĐ ngày 07/03/2014 của Tổng Liên đoàn.

2.4. Kế toán và lập báo cáo thu, chi hoạt động xã hội.

Công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động xã hội như: Huy động đóng góp của CBCCLĐ, đoàn viên ủng hộ vùng bão lụt, thiên tai, hỏa hoạn, các quỹ xã hội của công đoàn cấp trên, hỗ trợ CBCCLĐ tại cơ quan, doanh nghiệp bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bị bệnh hiểm nghèo, bệnh tật kéo dài, gia định bị thiên tai, hỏa hoạn. Số tiền thu được giao thủ quỹ công đoàn cơ sở quản lý. Căn cứ chứng từ thu, chi phát sinh, kế toán công đoàn phản ảnh vào sổ chi tiết thu, chi quỹ hoạt động xã hội cho từng loại quỹ huy động. Cuối năm lập báo cáo thu, chi các loại quỹ huy động với Ban Chấp hành [Ban Thường vụ] công đoàn cơ sở và công khai đến đối tượng huy động.

2.5. Lưu trữ chứng từ kế toán.

Tài liệu kế toán phải lưu trữ tối thiểu 10 năm gồm: Chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, biên bản tiêu hủy tài liệu kế toán lưu trữ và tài liệu khác có liên quan đến ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính; tài liệu kế toán liên quan đến thanh lý, nhượng bán TSCĐ, tài liệu kế toán và báo cáo quyết toán vốn đầu tư XDCB hoàn thành, tài liệu kế toán liên quan đến thành lập, sáp nhập,.. của đơn vị kế toán, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan có thẩm quyền.

Tiêu hủy tài liệu kế toán: Tài liệu hết thời hạn lưu trữ được tiêu hủy. Chủ tài khoản thành lập hội đồng tiêu hủy tài liệu kế toán, Hội đồng tiêu hủy lập danh mục tài liệu tiêu hủy, biên bản tiêu hủy tài liệu kế toán hết thời hạn tiêu hủy trước khi tiêu hủy.

2.6. Bàn giao tài chính.

a. Bàn giao tài chính khi thay đổi chủ tài khoản, kế toán, thủ quỹ.

- Khi thay đổi Chủ tịch Công đoàn cơ sở [Chủ tài khoản] kế toán khóa sổ kế toán và lập biên bản bàn giao tài chính cho Chủ tịch công đoàn mới. Trong trường hợp cần thiết, UBKT công đoàn đồng cấp hoặc cấp trên xem xét, tổ chức kiểm tra quản lý tài chính, tài sản của công đoàn cơ sở niên độ liền kề thời điểm thay đổi chủ tài khoản để làm cơ sở bàn giao.

- Khi thay đổi kế toán phải khóa sổ kế toán và lập biên bản bàn giao tài chính cho kế toán mới [bao gồm cả chứng từ, sổ sách kế toán, báo cáo, dự toán, quyết toán thu, chi].

- Khi thay đổi Thủ quỹ phải lập biên bản bàn giao quỹ cho Thủ quỹ mới.

b. Bàn giao tài chính khi Công đoàn cơ sở giải thể.

- CĐCS quyết toán thu, chi tài chính đến thời điểm kết thúc hoạt động.

- Nộp báo cáo quyết toán thu, chi tài chính, tích lũy tài chính [Số dư các quỹ tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc] đến thời điểm kết thúc hoạt động, con dấu cho công đoàn cấp trên được phân cấp quản lý tài chính công đoàn cơ sở [lập biên bản ký nhận của đại diện bên giao và bên nhận].

2.7. Về sử dụng phần mềm quản lý tài chính công đoàn cơ sở.

Tổng Liên đoàn xây dựng và hướng dẫn thực hiện thống nhất phần mềm quản lý tài chính công đoàn cơ sở [Nội dung hướng dẫn kèm theo phụ lục].

Trên đây là hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản công đoàn; chế độ kế toán công đoàn đối với công đoàn cơ sở. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh về Tổng Liên đoàn [qua Ban Tài chính] để được hướng dẫn./.

Nơi nhận:                                                                                TL. ĐOÀN CHỦ TỊCH

- Các đ/c UVĐCT TLĐ [báo cáo];                                             TRƯỞNG BAN TÀI CHÍNH                   

- LĐLĐ cấp tỉnh, thành phố và tương đương

[để hướng dẫn thực hiện];

- Lưu Văn thư TLĐ.                                                                              [Đã ký]

                                                                                                 Phạm Đình Ngưu

Công đoàn cấp trên:                                                                                             Mẫu số B 14-TLĐ

Công đoàn cơ sở:                                                                                                          MSĐV:

Loại hình đơn vị:

BÁO CÁO

DỰ TOÁN THU, CHI TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

Năm ......

  A- CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

 - Số lao động tính quỹ lương đóng KPCĐ............người        - Quỹ lương đóng KPCĐ:                    đồng

 - Số đoàn viên: ..................................................... người        - Quỹ lương đóng ĐPCĐ:                    đồng

 - Số cán bộ chuyên trách.....................................   người

 B- CÁC CHỈ TIÊU THU, CHI TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

 

                                                                                                                                                      Đơn vị : đồng

 

TT

NỘI DUNG

Mã số

Ước thực hiện năm trước

Dự toán

 năm nay         

Ghi chú

 
 

I. PHẦN THU

 

1

Đoàn phí công đoàn

23

 

2

Kinh phí công đoàn

22

 

3

Các khoản thu khác

24

 

- Chuyên môn hỗ trợ

24.01

 

- Thu khác tại đơn vị

24.02

 

Cộng

 

4

Kinh phí cấp trên cấp

25

 

5

Tài chính công đoàn tích lũy đầu kỳ

26

 

Tổng cộng:

 

II. PHẦN CHI

 

1

Lương, PC và các khoản đóng theo lương

27.03

 

2

Quản lý hành chính

29

 

3

Hoạt động phong trào

31

 

 Trong đó: - Đào tạo cán bộ

31.01

 

                  - Trợ cấp

31.02

 

                  - Hỗ trợ du lịch

31.03

 

Cộng:

 

4

Kinh phí nộp cấp trên quản lý trực tiếp

37

 

Tổng cộng:

 

III. DỰ PHÒNG

48

 

 C-  THUYẾT MINH

........................................................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................................................

Ngày                tháng                năm

                   PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN

           TM. BAN CHẤP HÀNH

                           [Ký, họ tên]

            [Ký, họ tên, đóng dấu]

Công đoàn cấp trên:                                                                                            Mẫu số B 07-TLĐ

Công đoàn cơ sở:                                                                                                         MSĐV:

Loại hình đơn vị:

BÁO CÁO

QUYẾT TOÁN THU, CHI TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

Năm 20 ...

  A- CÁC CHỈ TIÊU CƠ BẢN

 - Số lao động tính quỹ lương đóng KPCĐ............ người        - Quỹ lương đóng KPCĐ:                    đồng

 - Số đoàn viên: ....................................................   người       - Quỹ lương đóng ĐPCĐ:                    đồng

 - Số cán bộ chuyên trách........................................ người

 B- CÁC CHỈ TIÊU THU, CHI TÀI CHÍNH CÔNG ĐOÀN

 

                                                                                                                                                     Đơn vị : đồng

 

TT

NỘI DUNG

Mã số

Dự toán năm

Quyết toán 

kỳ này         

Lũy kế từ

đầu năm

 
 

I. PHẦN THU

 

1

Đoàn phí công đoàn

23

 

2

Kinh phí công đoàn

22

 

3

Thu khác

24

 

- Chuyên môn hỗ trợ

24.01

 

- Thu khác tại đơn vị

24.02

 

Cộng

 

4

Kinh phí cấp trên cấp

25

 

5

Tài chính công đoàn tích lũy đầu kỳ

26

 

6

Nhận bàn giao tài chính

46

 

Tổng cộng:

 

II. PHẦN CHI

 

1

Lương, PC và các khoản đóng theo lương

27.03

 

2

Quản lý hành chính

29

 

3

Hoạt động phong trào

31

 

  Trong đó: - Đào tạo cán bộ

31.01

 

                   - Trợ cấp

31.02

 

                   - Hỗ trợ du lịch

31.03

 

Cộng:

 

4

Kinh phí đã nộp cấp trên quản lý trực tiếp

37

 

5

Bàn giao tài chính

47

 

             TỔNG CỘNG

 

III

Tài chính công đoàn tích lũy cuối kỳ

48

 

IV

Kinh phí phải nộp cấp trên quản lý trực tiếp

49

 

C-  THUYẾT MINH

 

........................................................................................................................................................................................

 

........................................................................................................................................................................................

 

........................................................................................................................................................................................

 

........................................................................................................................................................................................

 

    Ngày              tháng             năm

 

                   PHỤ TRÁCH KẾ TOÁN

           TM. BAN CHẤP HÀNH

 

                           [Ký, họ tên]

            [Ký, họ tên, đóng dấu]

 
 
 
 
 
 
 
 
                         

Video liên quan

Chủ Đề