Cách học sử thi vào 10 hiệu quả

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2021 - 2022 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10/6 - 11/6/2021.

Như vậy, học sinh lớp 9 trên địa bàn sẽ còn khoảng hơn 1 tháng để ôn luyện 4 môn là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử.

Dưới đây là những tư vấn của các giáo viên Lịch sử tại Hệ thống giáo dục HOCMAI nhằm giúp học sinh có chiến thuật ôn thi hiệu quả trong giai đoạn "nước rút", đồng thời có kỹ năng làm bài bứt phá điểm cao.

Không nên học tủ

Đó là quan điểm của Tiến sĩ sử học Lê Thị Thu Hương - Giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI khi được hỏi về việc học và ôn thi môn Lịch sử của học sinh, với đặc thù là môn xã hội, yêu cầu nhiều về khả năng ghi nhớ với rất nhiều mốc thời gian, sự kiện lịch sử.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hương - Giáo viên môn Lịch sử tại Hocmai.vn

Tiến sĩ Thu Hương chia sẻ: "Thay vì học thuộc lòng để nhớ kiến thức thì học sinh cần học hiểu. Phải thực sự hiểu kiến thức. Việc hiểu lịch sử giúp các em sẽ hoàn toàn chủ động được bài thi của mình và sẽ đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, các em nên lập sơ đồ tư duy để học, thông qua các giai đoạn lịch sử, đồng thời lập các bảng niên biểu. Theo đó, ứng với mỗi giai đoạn lịch sử là mốc thời gian thời gian và sự kiện đi kèm để dễ dàng ghi nhớ."

Theo đó việc học hiểu kiến thức sẽ giúp học sinh nhớ nhanh và nhớ sâu một lượng lớn kiến thức, đặc biệt là trong giai đoạn "nước rút" này. Vì vậy, học sinh không nên học theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng mà hãy viết lại, ghi chép những ý chính, từ khóa; hệ thống kiến thức các bài, chuyên đề, giai đoạn lịch sử theo sơ đồ, bảng biểu.

Do đề thi theo hình thức trắc nghiệm với số lượng 40 câu hỏi, các câu hỏi sẽ trải đều hầu hết các nội dung trong sách giáo khoa, từ lịch sử thế giới [1945-2000] và lịch sử Việt Nam [1919-2000]. Vì vậy trong quá trình học và ôn thi học sinh cần bám sát theo sách giáo khoa và coi đó là kim chỉ nam để ôn luyện.

Với những nội dung giảm tải theo công văn 3280/BGDĐT-GDTrH là những nội dung không dạy; đọc thêm; không làm; không thực hiện… thì sẽ không xuất hiện trong đề thi, vì vậy học sinh có thể bỏ qua mà không cần ôn luyện.

Cụ thể là bài 13: Tổng kết lịch sử thế giới từ sau năm 1945 đến nay thuộc chương V phần lịch sử thế giới hiện đại từ 1945 đến nay; bài 34: Tổng kết lịch sử Việt Nam sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến năm 2000 thuộc chương VII phần lịch sử Việt Nam từ 1919 đến nay.

Bên cạnh đó, học sinh cần lưu ý không nên học tủ bất kỳ nội dung nào để tránh rơi vào tình thế bị động khi làm bài thi chính thức.

5 lưu ý giúp ôn thi môn Lịch sử hiệu quả trong giai đoạn nước rút

Nhằm giúp học sinh có chiến thuật ôn thi hiệu quả và kỹ năng làm bài thi đạt điểm cao, Thạc sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Mai - Giám đốc chương trình Khoa học xã hội tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra 5 lưu ý sau:

Thứ nhất, nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học đến đâu chắc đến đó, có thể áp dụng sơ đồ tư duy để ghi nhớ nhanh và không bỏ sót kiến thức.

Thứ hai, thực hành thông qua việc luyện đề để vừa ghi nhớ kiến thức vừa rèn luyện phản xạ và kỹ năng làm bài thi. Do đó học sinh có thể thực hành thông qua việc làm đề thi tham khảo hoặc đề thi môn Lịch sử vào 10 tại Hà Nội năm 2019 để nắm bắt được cấu trúc đề thi.

Thứ ba, học sinh cần chủ động tổng kết lại kiến thức của mỗi chương để nhớ các dấu mốc lịch sử chính, đánh dấu bước chuyển của mỗi thời kỳ từ đó có cái nhìn tổng quát về lịch sử đồng thời có thể xử lý được các câu hỏi mang tính liên chương hoặc câu hỏi có mức độ khó trong đề thi.

Thứ tư, cần tìm ra được từ khóa trong mỗi câu hỏi để xác định trọng tâm câu hỏi, tránh bị lạc đề, tránh rơi vào bẫy của người ra đề, dẫn đến chọn sai đáp án gây mất điểm đáng tiếc.

Thứ năm, phân chia thời gian làm bài hợp lý để đảm bảo làm được hết các câu hỏi trong đề thi, nên làm theo trình tự câu dễ làm trước câu khó làm sau. Sau khi làm xong cần dành thời gian để soát lại toàn bài và sửa lại lỗi sai [nếu có].

"Tăng cường luyện đề trong giai đoạn này sẽ giúp học sinh rèn được kỹ năng làm bài và phản xạ đối với từng dạng câu hỏi, đồng thời giúp ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Vì vậy các em cần đặc biệt lưu ý để có kế hoạch luyện đề đạt hiệu quả thay vì ôn luyện tràn lan dễ dẫn đến tình trạng quá tải, mệt mỏi gây ảnh hưởng đến kết quả học tập chung." - Thạc sĩ Quỳnh Mai nhấn mạnh.

Nhật Hồng

TP Hà Nội đã chọn Lịch sử là một trong những môn bắt buộc trong kì thi vào lớp 10 năm 2021. Với đặc trưng nhiều mốc thời gian, sự kiện, học sinh lớp 9 cần sớm có kế hoạch ôn thi hiệu quả khi những ngày thi đang đến rất gần.  

Học Lịch sử với công thức “5W + 1H”

Đến giữa tháng 3/2021, nhiều địa phương trên cả nước đã công bố các môn thi với học sinh tham dự kì thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022. Trong đó, đây là năm thứ hai TP Hà Nội tiếp tục chọn môn thi thứ tư là Lịch sử bên cạnh Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh làm bài thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu và một số câu ở cấp độ vận dụng. Với đặc thù nhiều kiến thức cần ghi nhớ, không ít học sinh gặp khó khăn khi ôn tập môn học này.

TS Lê Thị Thu Hương – Giáo viên môn Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng, sau khi có quyết định về môn thi thứ tư, học sinh cần tranh thủ thời gian để xây dựng ngay cho bản thân kế hoạch học và ôn tập. Đặc biệt ở thời điểm chỉ còn khoảng 2 tháng là thi thì việc các em vạch ra kế hoạch ôn tập càng chi tiết và theo sát tiến trình sẽ càng bám sát mục tiêu đặt ra.

Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh chủ quan, không tập trung dẫn đến mất gốc kiến thức từ đầu năm học, điều quan trọng trước tiên là các em cần rà soát lại toàn bộ những kiến thức cơ bản đã được học trong chương trình lớp 9.

“Các em cần có thái độ ôn tập thực sự nghiêm túc, không nên nuôi tâm lí học tủ, học lệch mà phải học hiểu, bởi chỉ khi hiểu về lịch sử các em mới làm bài thi trắc nghiệm tốt, không dễ bị “sập bẫy” đề bài”, TS Thu Hương khẳng định.

Theo phân phối chương trình học, phần Lịch sử Việt Nam có khối lượng kiến thức nhiều hơn Lịch sử Thế giới, do đó học sinh cần phân bố thời gian cân đối.

Trước hiện tượng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khi nhớ nhầm thời gian và sự kiện lịch sử, cô Thu Hương bật mí học sinh cần lập sơ đồ tư duy hoặc học theo từng giai đoạn với bảng niên biểu ghi rõ ràng. Sau khi đã nắm được kiến thức cơ bản, các em tiến hành luyện đề và cần trao đổi ngay với giáo viên với những câu hỏi khó để không còn lúng túng khi xuất hiện trong đề thi chính thức.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Giáo viên Lịch sử tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đối với kiến thức ôn thi vào lớp 10, các em luôn luôn nắm từ  tổng quát rồi mới đi vào học chi tiết, luyện tập với các dạng câu hỏi.

Khi ôn tập từng phần lịch sử, các em cần xác định ngay từ đầu nội dung ôn tập gồm những phần lớn, nhỏ nào; mất bao lâu để học được phần kiến thức đó.

Đối với mỗi nội dung lịch sử, các em học theo công thức “5W + 1H”. “Bên cạnh đó, với mỗi nội dung các em có thể tự nghĩ ra các phương án nhiễu có thể xảy ra. Việc này vừa giúp các em làm chủ kiến thức vừa quen với việc làm bài thi, tránh những “bẫy” có thể xuất hiện trong đề thi”, cô Tuyết Trinh bật mí.  

5 bước lập sơ đồ tư duy ôn thi vào lớp 10 môn Lịch sử

Theo TS Thu Hương, học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm những tài liệu sơ đồ tư duy môn Lịch sử trên các trang mạng học tập. Tuy nhiên, các em nên tự mình vẽ để vừa chủ động hệ thống kiến thức mỗi bài học thành các chương, giai đoạn lịch sử dễ nhớ, dễ tra cứu lại vừa phù hợp với khả năng học của bản thân.

TS Lê Thị Thu Hương lưu ý học sinh nên tự vẽ sơ đồ tư duy để ôn thi môn Lịch sử vào lớp 10 hiệu quả hơn.

Chỉ với 5 bước lập sơ đồ tư duy dưới đây, học sinh lớp 9 có thể tự học, tự ôn ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào mà vẫn dễ dàng đạt điểm cao môn Lịch sử.

Bước 1: Xác định ý chính, từ khóa chính: Sơ đồ tư duy được tạo lập từ những từ khóa chính. Đối với môn lịch sử, từ khoá là những điểm nhấn tạo ra bước ngoặt lịch sử.

Bước 2: Vẽ “lõi” kiến thức từ trung tâm tờ giấy. Học sinh nên bắt đầu vẽ sơ đồ tư duy từ trung tâm tờ giấy – Đây được coi là phần lõi của sơ đồ, cũng chính là kiến thức cơ bản hoặc tên bài.

Bước 3: Vẽ những nhánh tiêu đề phụ. Từ phần lõi, học sinh sẽ tạo ra những nhánh với nội dung là những phần kiến thức nhỏ hơn cùng các tiêu đề phụ. Các tiêu đề phụ này nên sử dụng chữ in hoa và thể hiện bằng những nhánh lớn, in đậm. Những nhánh lớn cần được tô đậm hơn và bắt đầu nhỏ dần khi toả ra xa. Đặc biệt, tất cả các nhánh đều phải được kết nối với phần “lõi” của sơ đồ.

Bước 4: Vẽ các nhánh cấp nhỏ hơn. Ở bước này, học sinh cần vẽ nối tiếp vào nhánh lớn để tạo ra những nhánh nhỏ hơn. Ở những nhánh nhỏ, chúng ta chỉ nên tận dụng từ khóa và hình ảnh gợi mở. Tất cả các nhánh nhỏ của một nhánh lớn nên tỏa ra từ một điểm và có cùng một màu.

Bước 5: Trang trí sơ đồ bằng hình ảnh minh họa. Lúc này, học sinh hãy phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Tuy nhiên, học sinh hãy vẽ những hình ảnh có sức gợi tả tốt nhất để chỉ cần nhìn vào hình ảnh đó, chúng ta có thể liên tưởng ngay đến kiến thức cần nhớ.

Video liên quan

Chủ Đề