Cách làm bài thi tốt nghiệp

Cô Trần Thị Thanh Xuân - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hà Thành [Hà Nội] hướng dẫn các em học sinh tự ôn luyện môn Ngữ văn tại nhà đạt điểm tối ưu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Your browser does not support the video tag.     Cô Trần Thị Thanh Xuân - Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Hà Thành đưa ra phân tích, nhận định về cấu trúc đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Nắm vững các nội dung kiến thức đã học

Đối với phần đọc hiểu, học sinh cần lưu ý:

- Ôn tập, ghi nhớ chắc chắn các đơn vị kiến thức cơ bản, gồm: Các thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ và tác dụng,...

- Luyện đề thường xuyên để rèn độ nhạy, tăng khả năng phân tích và nắm bắt vấn đề từ văn bản đọc hiểu.

- Xây dựng thói quen gạch chân các từ khóa, các câu lệnh trong đề để trả lời chính xác, trọng tâm và không sót ý. Học sinh lưu ý đọc kĩ đề trước khi làm để phân bổ thời gian, công sức làm bài hợp lí.

Còn đối với phần nghị luận xã hội, các em cần nắm chắc các dạng nghị luận xã hội và từng bước làm bài đối với mỗi dạng đề cụ thể. Đồng thời, dành thời gian rèn luyện, làm đề và nhờ giáo viên chấm và chỉ ra lỗi sai để rút kinh nghiệm khi làm bài thi.

Ngoài ra, các em còn phải xây dựng vốn hiểu biết xã hội phong phú, sâu rộng, cập nhật tin tức mang tính thời sự qua việc thường xuyên đọc báo, xem ti vi, nghe thời sự... Từ đó, đưa ra những dẫn chứng cụ thể và liên hệ thiết thực với bản thân.

Riêng phần nghị luận văn học chiếm nhiều điểm trong bài thi và có phần kiến thức trải dài trong chương trình học, buộc các em phải dành nhiều thời gian, công sức để ôn luyện hơn. Cụ thể:

- Ôn kĩ  từ những đơn vị kiến thức cơ bản nhất của tác phẩm như tác giả, hoàn cảnh sáng tác, hình tượng nghệ thuật, cảm xúc trữ tình.

- Nắm chắc các dạng đề và cách làm tương ứng. Đối với dạng đề nghị luận về 1 đoạn thơ, văn xuôi, ngoài nắm chắc kiến thức cơ bản về tác phẩm ấy còn cần có kĩ năng phân tích cái hay cái đẹp của đoạn văn [đoạn thơ].

Xây dựng lộ trình ôn tập khoa học

Giai đoạn này, các sĩ tử đang ngày đêm miệt mài, tích cực ôn luyện với hi vọng dành được tấm vé vào cánh cổng đại học mơ ước. Để giúp các em hoàn thành được ước nguyện của mình, cô Xuân gợi ý cho các em lộ trình ôn tập và chuẩn bị tâm lí khi vào phòng thi đối với môn Ngữ văn:

- Rèn luyện các kiến thức cơ bản phần đọc hiểu, nghị luận xã hội để trở thành kĩ năng để tự tin hoàn thành bài thi dù đề ra dạng bài nào. Sau quá trình luyện đề, ôn lại phần nghị luận văn học vào những ngày cuối ôn thi để tổng hợp, khái quát lại toàn bộ kiến thức.

- Tâm lí trong phòng thi rất quan trọng. Do đó, các em cần chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, tuân thủ theo quy chế thi vì bất kì tình huống phát sinh nào cũng có thể tạo tâm lí hoang mang, áp lực, ảnh hưởng đến kết quả bài thi.

- Chia thời gian làm bài cho từng phần để tránh thiếu hay thừa thời gian. Học sinh nên căn thời gian làm phần đọc hiểu 30 phút, nghị luận xã hội 30 phút, 50 phút làm bài thi nghị luận văn học và 10 phút còn lại để rà soát, đọc toàn bộ bài thi. Học sinh cần lưu ý trình bày cẩn thận, sạch đẹp và khoa học.

Cô Xuân cho rằng, mặc dù các em học sinh năm nay thiệt thòi hơn khóa trước khi phải kết thúc năm học sớm, không được đến trường ôn luyện cùng thầy cô nhưng trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng từ dịch COVID năm ngoái, việc học, việc ôn của học sinh có lẽ ít nhiều đã được lên những phương án dự phòng từ trước.

"Năm nay là năm học khó khăn và nhiều thách thức đối với các em học sinh lớp 12. Nhưng cô luôn tin thách thức sẽ là cơ hội để các em mạnh mẽ, vững vàng, thích nghi với mọi hoàn cảnh, luôn biết vượt qua chính mình để vươn tới thành công.

Các em hãy cứ kiên định, vững vàng ôn theo chiến lược của cá nhân hay chiến lược do thầy cô gợi ý, chắc chắn sẽ chinh phục được kì thi sắp tới" - cô Xuân nhắn nhủ tới các học sinh chuẩn bị bước vào kì thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Chủ Đề